Tại sao giáo dục trẻ em gái quan trọng hơn những gì mọi người vẫn nghĩ

Nguồn: The Economist Ngày đăng: 19/08/2021

Biên dịch: Đặng Công Tịnh – Biên tập: Yên Du

Tất nhiên, giáo dục các bé trai cũng quan trọng, nhưng chương trình giáo dục dành cho các bé gái còn rất nhiều điểm cần cải thiện.

Lần trước, khi Taliban cai trị Afghanistan, chúng đã cấm những bé gái không được tới trường. Lần này, chúng đã cho phép những bé gái được đi học nhưng “chỉ trong giới hạn cho phép của Hồi giáo”. Chẳng ai hiểu điều đó nghĩa gì. Phụ nữ Afghan sợ điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra. Khi đàn ông có vũ trang ở Kabul lưỡng lự liệu có nên cho những phụ nữ đồng hương của mình được học hay không, chúng ta cần nghĩ xem tại sao một chương trình giáo dục lại quan trọng như vậy.

Các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển có thể bất đồng với nhau về nhiều vấn đề, nhưng họ đều đồng tình rằng giáo dục trẻ em gái là một trong những cách hiệu quả để xóa bỏ nhiều vấn đề xã hội. (Tất nhiên, giáo dục các bé trai cũng quan trọng, nhưng chương trình giáo dục dành cho các bé gái còn rất nhiều điểm cần cải thiện.) Khi những bé gái được học đọc, học viết và tính toán, chúng sẽ có cuộc sống khỏe mạnh hơn và tuổi thọ cao hơn. Khả năng những bé gái này trở thành những cô dâu nhỏ tuổi hay bà mẹ trẻ sẽ giảm đi, nguy cơ chúng trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình cũng giảm xuống rất nhiều. Nếu tất cả phụ nữ đều hoàn thành chương trình tiểu học, số lượng phụ nữ tử vong trong kỳ thai sản hay lúc sinh nở sẽ giảm đi khoảng 2/3. 

Nguồn: https://www.economist.com

Giáo dục trẻ em gái cũng là một cách hoàn hảo để giảm tỷ lệ đói nghèo. Có một sự thật hiển nhiên, đó là nếu một nửa dân số không được học nhiều thì họ cũng chẳng kiếm được bao nhiêu. Phụ nữ hoàn thành xong chương trình trung học cơ sở có khả năng kiếm được thu nhập gấp đôi so với những người chưa bao giờ được vào lớp học. Khi có khả năng tự chủ tài chính, phụ nữ sẽ có có thể bảo vệ bản thân tốt hơn trong mối quan hệ với những ông bố, người anh và người chồng – có khả năng đối xử tàn tệ với mình.

Phụ nữ sau khi được đi học thường sẽ chọn có một gia đình quy mô nhỏ hơn. Đây là lý do chính cho việc tỷ lệ sinh sản toàn cầu giảm từ 5 trẻ/1 người phụ nữ (năm 1960) xuống còn 2,5 trẻ ngày nay. Ở những quốc gia cực nghèo, phụ nữ không được giáo dục có thể sẽ có rất nhiều con cái, bởi vì họ luôn nghĩ rằng một số đứa trẻ sẽ chết và gia đình thì cần nhiều thành viên để đỡ đần công việc.Tuy nhiên, nếu phụ nữ được giáo dục, họ sẽ có ít con hơn để có thể chăm lo cho chúng được học hành tới nơi tới chốn.

Những đứa trẻ trong gia đình ít con như vậy được hưởng lợi cực kỳ lớn: chúng sẽ có cơ hội được tiêm ngừa đầy đủ và giảm nguy cơ tử vong. Nếu tất cả phụ nữ hoàn thành chương trình trung học cơ sở thì số lượng trẻ em tử vong sẽ giảm một nữa, và số lượng trẻ em còi cọc vì thiếu dinh dưỡng trên toàn cầu sẽ giảm xuống còn chưa tới 12 triệu. Con của những người phụ nữ được giáo dục tốt cũng sẽ nhận được một nền giáo dục tốt và tìm được một công việc tốt. Vòng lặp này sẽ tiếp tục với con cái của những đứa trẻ này. Một khảo sát do Citigroup và Plan International thực hiện cách nay không lâu ở 8 nền kinh tế đang nổi cho thấy rằng việc giúp các bé gái hoàn thành xong chương trình trung học cơ sở sẽ thúc đẩy GDP ở những nơi này lên trung bình 10% chỉ trong một thập kỷ. Tại các quốc gia nơi trẻ em gái được giáo dục tốt, số lượng chính trị gia là phụ nữ cũng nhiều hơn và điều này cũng cải thiện bộ máy chính quyền. Những nhà lập pháp là phụ nữ thường sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho lĩnh vực y tế và giáo dục thay vì tập trung vào quân sự. 

Bất chấp những lợi ích kể trên, nhiều quốc gia vẫn tiếp tục xem nhẹ chương trình giáo dục cho trẻ em gái. Nhiều nơi cực đoan như Taliban còn xảy ra tình trạng tạt axít vào các bé gái có vẻ ngoài mọt sách. Ở các quốc gia kém phát triển, cứ 100 bé trai tốt nghiệp trung học cơ sở thì chỉ có 80 bé gái hoàn thành chương trình này. Không những vậy, đại dịch còn làm cho mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Nhiều quốc gia đã phải đóng cửa trường học suốt nhiều tháng và hàng triệu bé gái bị gián đoạn việc học vì lý do này sẽ không thể quay lại chương trình học, bởi chúng đã phải kết hôn và đi làm. Và Afghanistan không phải là nơi duy nhất chôn vùi tiềm năng của những bé gái.

Leave a comment