Sinh viên nộp đơn khiếu nại pháp lý để buộc trường học thoái hoá vốn

Nguồn: Inside Higher Ed, ngày đăng: 22/2/2022

Tác giả: Josh Moody

Biên dịch: Uyên Thanh – Biên tập: Phạm Thuỷ Tiên

Từ lâu, sinh viên đã kêu gọi các trường đại học giảm đầu tư vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch. Hiện các nhà tổ chức tại MIT, Princeton, Stanford, Vanderbilt và Yale đang triển khai luật chấm dứt các khoản đầu tư như vậy.

Nguồn ảnh: Forbes

Sau nhiều năm thúc đẩy các trường đại học thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch, các nhà hoạt động sinh viên đang thử một chiến lược mới: đệ đơn khiếu nại pháp lý dựa trên điều luật yêu cầu các trường đại học đầu tư theo đúng sứ mệnh từ thiện của họ.

Đạo luật thống nhất quản lý thận trọng các quỹ định chế (The Uniform Prudent Management of Institutional Funds Act) khuyến khích các tổ chức phi lợi nhuận xem xét sứ mệnh xã hội của mình khi quyết định đầu tư. Điều đó có nghĩa là, các trường đại học phi lợi nhuận có “nghĩa vụ ủy thác để đầu tư đi cùng với việc cân nhắc những mục đích từ thiện của trường đại học – một nghĩa vụ được dùng để phân biệt các tổ chức phi lợi nhuận với các nhà đầu tư khác”.

Được sự hỗ trợ của các luật sư chuyên nghiệp từ Dự án Phòng vệ Khí hậu phi lợi nhuận, các sinh viên tại học viện Công nghệ Massachusetts và các trường đại học như Princeton, Stanford, Vanderbilt và Yale đã đệ đơn khiếu nại pháp lý vào tuần trước với tổng chưởng lý của bang, lập luận rằng các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch đã đi ngược lại với Đạo luật thống nhất quản lý thận trọng các quỹ định chế.

“Với mỗi tổng chưởng lý ở mỗi bang, chúng tôi đã viết đơn khiếu nại pháp lý với tư cách cá nhân một cách cụ thể, khẳng định rằng, các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch hoạt động trái với mục đích từ thiện của trường chúng tôi – một tổ chức phi lợi nhuận giáo dục được miễn thuế theo UPMIFA. Molly Weiner, sinh viên năm thứ nhất tại Yale và là người tổ chức Liên minh Công lý Tài trợ Yale, cho biết. Các sinh viên lưu ý rằng, mỗi trường đại học có hàng trăm triệu đô la Mỹ từ quỹ tài trợ đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. Điều đó nghĩa là các nguồn vốn to lớn này có liên quan trực tiếp đến các nguyên nhân gây biến đổi khí hậu. Các nhà tổ chức sinh viên phản đối sự giàu có ngày càng tăng của những người giàu với cái giá phải trả lại là hành tinh này và các thế hệ tương lai. 

Chiến lược pháp lý

Nếu sinh viên không thể thuyết phục ban giám hiệu thoái vốn vì lý do đạo đức, họ hy vọng buộc ban giám hiệu phải làm vậy trên cơ sở pháp lý. Họ đưa ra dẫn chứng về việc thoái vốn nhiên liệu hóa thạch tại Đại học Cornell và Đại học Harvard, những hoạt động mà họ coi là chiến thắng, sau khi các khiếu nại pháp lý tương tự được đưa ra.

“Chiến lược này làm sáng tỏ mức độ nghiêm trọng mà một lượng lớn các nguồn tài trợ cho trường đại học cần phải được xem xét là như thế nào,” Peter Scott, một sinh viên tại MIT và là nhà tổ chức của MIT Divest đã viết trong một email. “Bằng cách đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, và liên tục bác bỏ những lời kêu gọi thoái vốn khỏi các ngành tiêu cực như ngành nhiên liệu hóa thạch, MIT và các trường đại học không thoái vốn khác đang tạo uy tín cho các ngành này, về cơ bản xác nhận chúng như một kiểu trách nhiệm xã hội. Các nhà quản lý của MIT thích nói rằng thoái vốn sẽ là một quyết định “chính trị”, nhưng khi các trường đại học xung quanh chúng ta đưa ra quyết định thoái vốn, thì việc không hành động chắc chắn cũng là một quyết định mang tính chính trị. Bằng cách tranh luận rằng các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch có liên can pháp lý, các nhà quản trị rõ ràng sẽ khó khăn hơn khi phải giả vờ rằng chúng là các khoản đầu tư mang tính xã hội, thuộc vào danh mục đầu tư tiêu chuẩn.” 

Một số nhà tổ chức cảm thấy rằng các trường đại học đã phớt lờ tiếng nói thúc giục thoái vốn của sinh viên, khiến họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc buộc phải phản đối bằng công cụ pháp lý.

“Những khuyến nghị yêu cầu trường học của chúng tôi nghiêm túc xem xét lại các chiến lược đầu tư và sự đồng lõa của họ trong cuộc khủng hoảng khí hậu,” Hannah Reynolds, sinh viên năm cuối tại Princeton và là người tổ chức Divest Princeton, đã viết trong một email. “Áp lực bên ngoài về hậu quả pháp lý của việc không hành động là bước hành động hợp lý tiếp theo sau khi Princeton và những trường khác không có phản ứng gì với hành động của chúng tôi. Tại Cornell và Harvard, việc thoái vốn diễn ra chỉ vài tháng sau khi đơn khiếu nại được đệ trình.”

Ngoài chiến lược pháp lý, các sinh viên đề xuất rằng nếu các trường đại học với nguồn đầu tư lớn chịu từ bỏ nhiên liệu hóa thạch vì lý do đạo đức, sẽ có thể tạo nên tiền lệ để các trường đại học khác làm theo. Họ cũng lưu ý những xung đột lợi ích giữa lãnh đạo trường đại học và các nhà quản lý tài trợ khi nhiều người trong số họ, có mối quan hệ sâu sắc với các ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, theo đó đặt ra nghi vấn về các khoản đầu tư này.

Các sinh viên cũng lưu ý đến sự trớ trêu của cơ sở nghiên cứu về biến đổi khí hậu trong phòng thí nghiệm và lớp học, trong khi lợi nhuận thu được từ nhiên liệu hóa thạch đang góp phần gây nên cuộc khủng hoảng đó.

“Đó thật sự là một sự đối trọng về mặt nhận thức khi mà một ngôi trường đào tạo nghiên cứu hàng đầu về khủng hoảng khí hậu lại có gần một tỷ đô la Mỹ — chúng tôi ước tính 800 triệu đô la — đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.” Weiner, tại Yale cho biết. “Sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi hai thứ đó có thể cũng tồn tại ở một cơ sở giáo dục.”

Phản hồi của các tổ chức

Các trường đại học đã phản hồi các khiếu nại pháp lý chống lại họ bằng cách chỉ ra những nỗ lực không ngừng để giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

“Chúng tôi tự tin rằng các khoản đầu tư tại Stanford hoàn toàn tuân thủ tất cả các luật hiện hành quy định các tổ chức từ thiện ở California,” phát ngôn viên Dee Mostofi của Stanford viết trong một email. “Vào năm 2020, Hội đồng Quản trị của chúng tôi đã hoàn thành đánh giá kéo dài một năm về các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và cam kết đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mức độ phát thải khí nhà kính thuần bằng 0. Trong một nghị quyết và tuyên bố kèm theo, Hội đồng đã bày tỏ cam kết của mình đối với Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015. Stanford tập trung vào việc đạt được các mục tiêu khí thải bằng 0 trong các hoạt động vận hành và đầu tư của chúng tôi vào năm 2050. ”

Tương tự như vậy, MIT đã chỉ ra các bước mà họ đã và đang thực hiện để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

“Các nhà lãnh đạo của MIT đã tìm hiểu câu hỏi về việc thoái vốn trong việc phát triển Kế hoạch Hành động Khí hậu vào năm 2015 và một lần nữa trong Fast Forward: Kế hoạch Hành động Khí hậu của MIT cho Thập kỷ, được công bố vào mùa xuân năm ngoái ”, người phát ngôn của MIT, Kimberly Allen đã viết trong một email. “Như đã giải thích trong kế hoạch hiện tại, MIT đang theo đuổi con đường cam kết với nhiều ngành công nghiệp, chính phủ, các nhà từ thiện và các đối tác khác, như một phần của chiến lược mở rộng cơ sở nhằm giúp phát triển và triển khai các giải pháp quy mô lớn để khử carbon nền kinh tế toàn cầu càng nhanh càng tốt. ”

Allen tiếp tục lưu ý rằng MIT đã “bắt đầu quá trình đưa danh mục đầu tư của về tỉ lệ 0 vào năm 2050, để giúp các khoản đầu tư của MIT phù hợp với các mục tiêu khí hậu lớn hơn.”

Princeton đã không đưa ra một tuyên bố nào. Vanderbilt và Yale không phản hồi trước yêu cầu bình luận.

Trận chiến phía trước

Các sinh viên xem việc thoái vốn bằng nhiên liệu hóa thạch tại Harvard và Cornell là những chiến thắng giành được nhờ áp lực pháp lý, ngay cả khi bản thân các trường đại học này không nói như vậy. Giờ đây, họ hy vọng sẽ giành được nhiều chiến thắng hơn nữa khi thúc đẩy 5 trường đại học có tài sản lớn khác xem xét thoái vốn.

Susan Gary, giáo sư luật tại Đại học Oregon, tham gia soạn thảo UPMIFA, nói với Reuters rằng “một nhà đầu tư thận trọng sẽ muốn xem xét rủi ro khí hậu”, nhưng cô ấy gợi ý rằng việc cân nhắc những rủi ro đó không yêu cầu các trường đại học phải thoái vốn hoàn toàn khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Với các khiếu nại pháp lý hiện nằm trong tay của tổng chưởng lý, tùy thuộc vào các tiểu bang để xác định xem họ sẽ tiếp tục như thế nào. Connecticut và Massachusetts đều đang xem xét các khiếu nại, Reuters đưa tin. Các trường khác không đưa ra câu trả lời về cách họ tiếp cận vấn đề như thế nào.

Leave a comment