Sự đầu tư của châu Á vào Giáo dục khai phóng

Nguồn: hir.harvard.eduNgày đăng: 19/8/2019

Tác giả: Pericles Lewis – Hiệu trưởng sáng lập của trường Đại học Yale-NUS. Bài viết được đăng tải lần đầu trên tạp chí HIR Summer năm 2013, 2 năm sau khi Đại học Yale-NUS được thành lập.

Biên dịch: Lê Đàm Bảo Hân – Biên tập: Phạm Thủy Tiên


Các trường đại học ở Mỹ đang cắt giảm các ngành ngôn ngữ và văn học, sinh viên bắt đầu theo học các chuyên ngành để phục vụ cho một nghề nghiệp cụ thể nào đó, và một số chính trị gia đang trở nên hoài nghi về chi phí của các lớp học quy mô nhỏ do các giảng viên cơ hữu hoặc giảng viên hợp đồng phụ trách.

Song song đó, tồn tại những dấu hiệu cho thấy châu Á đang chuyển hướng sang giáo dục khai phóng. Đại học Trung văn Hong Kong, Đại học Quốc gia Seoul ở Hàn Quốc, Đại học Waseda ở Nhật Bản, và Đại học Quốc gia Singapore, trong số nhiều cái tên khác, gần đây đã chuyển dịch đầu tư vào giáo dục khai phóng, thay thế cho giáo dục truyền thống vốn chú trọng vào tính chuyên môn và sự phân chia chuyên ngành cao. Có vẻ như các nhà lãnh đạo ở những quốc gia châu Á này nhận ra điều mà một số nhà hoạch định chính sách của Mỹ bỏ qua: sức mạnh của một quốc gia đến từ mô hình giáo dục mà quốc gia đó theo đuổi.

Chính phủ các nước châu Á đã ghi nhận rằng trong một thời đại được vận hành bởi rất nhiều thay đổi và sáng tạo mới, một nền giáo dục bao trùm các môn giáo dục khai phóng (thường bao gồm các môn khoa học xã hội, nhân văn và nghệ thuật – ND) và các môn khoa học tự nhiên, là một lợi thế rõ rệt cho thế hệ lao động trong tương lai. Nhiều người cũng nhận thấy tầm quan trọng của giáo dục về lịch sử và chính trị đối với những công dân tương lai trong thời đại dân chủ hóa. Và những nhà giáo dục châu Á đã nhận ra rằng những lợi ích đạo đức của việc nghiên cứu văn học, triết học và khoa học xã hội — các môn học khai phóng – là mang lại cho người học cơ hội để suy tư về vai trò của họ trên thế giới và cách sống một cuộc đời viên mãn.

Đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu là một trong những lý do thành công của giáo dục đại học Mỹ, và chúng ta cần hy vọng rằng những khoản đầu tư công và tư đó vẫn sẽ phát triển. Nhưng cội nguồn thành công của Mỹ đến từ truyền thống giáo dục khai phóng, vốn được thiết lập từ trước khi các trường đại học nghiên cứu theo hướng hiện đại xuất hiện. Các trường đại học khai phóng ở Mỹ như Amherst, Wellesley và Swarthmore tiếp tục bồi đắp một nền giáo dục ưu tú, trong khi đối với các trường đại học Ivy League như Yale, Princeton, Harvard và Columbia, nguồn gốc sức mạnh của họ vẫn bắt đầu từ giáo dục khai phóng. Thế mạnh của giáo dục đại học củng cố cho truyền thống về quyền công dân, khả năng lãnh đạo và sự sáng tạo của Mỹ, điều đã giúp thu hút rất nhiều nhân tài đến với đất nước này. Nếu Mỹ đánh mất các truyền thống giáo dục của mình, hoặc hy sinh nền giáo dục chất lượng cao để thu hút các bằng cấp trực tuyến rẻ tiền, thì hẳn rằng vai trò lãnh đạo của quốc gia này sẽ gặp tổn hại cả ở trong nước và quốc tế.

Ngày nay, giáo dục khai phóng, trên hết, mang ý nghĩa khuyến khích trí tưởng tượng và khả năng suy tư phản biện của người học về thế giới. Theo kinh nghiệm của tôi và của các nhà giáo dục Mỹ nói chung, ý nghĩa này bộc lộ rõ nhất trong các cuộc hội thảo quy mô nhỏ, chuyên sâu, tập trung vào thảo luận, trong đó diễn giả không chỉ đơn thuần đưa ra bài giảng mà còn khuyến khích những đối thoại phản biện về các chủ đề cụ thể đến từ các góc nhìn đa dạng. Điều này mang lại cho người học cơ hội được chạm đến mức độ thấu hiểu của riêng họ về chủ đề này và vận dụng sự hiểu biết đó. Nó cũng cho phép họ phát triển khả năng nhận định đồng tình hay phản bác trên cơ sở lập luận hợp lý. Chính vì lý do đó mà mỗi lớp học có thể được coi là “phòng thí nghiệm của nền dân chủ” (laboratory of democracy).

Giáo dục khai phóng không hề phải chăng: nó đòi hỏi sự tham gia giảng dạy theo các nhóm nhỏ bởi các giảng viên quan tâm sâu sắc đến sinh viên. Nhưng trong thời đại mà việc cung cấp thông tin đơn thuần đang trở thành một thứ hàng hóa, thì chính phương pháp sư phạm gắn với truyền thống khai phóng sẽ giúp các trường đại học Mỹ dẫn đầu cuộc đua. Cuộc cách mạng trong việc cung cấp giáo dục trực tuyến, thông qua MOOCs (Massive Open Online Courses, Các khóa học trực tuyến đại chúng mở), mang lại triển vọng dân chủ hóa quyền truy cập vào các bài giảng chất lượng, nhưng nó đồng thời làm sâu sắc thêm hệ thống truyền tải một chiều — một phiên bản mạnh mẽ hơn của hình thức “nhà hiền triết trên bục giảng” (“sage on the stage” – đây là một thành ngữ chỉ phương pháp sư phạm mà vẫn thường được gọi là “lấy giáo viên làm trung tâm” hoặc “giáo dục truyền thống”. Theo quan điểm này, giáo viên được coi là những chuyên gia sở hữu toàn bộ kiến thức và truyền đạt lại cho sinh viên theo hướng một chiều – ND) —cũng như thất bại trong việc phát huy một số khía cạnh cốt lõi của giáo dục khai phóng, như phương pháp học tập ngang hàng diễn ra trong các hội thảo, khu ký túc hay các hoạt động ngoại khóa (“peer-to-peer learning” – nói một cách đơn giản, học tập ngang hàng là khi một hoặc nhiều người học trao đổi kiến thức với một hoặc nhiều người đồng hành của mình. Bất kể mỗi người là ai, họ đều hỗ trợ nhau trong suốt quá trình học tập. Điều quan trọng là mỗi người học được đối xử như nhau bất kể khả năng của họ – ND).

Đối với châu Á, cuộc cách mạng kỹ thuật số mang lại nhiều khả năng tiếp cận đại chúng cho giáo dục, nhưng song song đó, các nhà giáo dục từ bậc tiểu học đến bậc cao học ở châu lục này cũng nhận ra tầm quan trọng của việc học tập chủ động trên lớp học trực tiếp. Hai phương pháp này có thể được kết hợp hiệu quả trong “lớp học đảo ngược” (“flipped classroom” – đây là phương pháp đảo ngược trình tự học tập truyền thống; người học lắng nghe bài giảng khi ở nhà còn bài tập về nhà sẽ được thực hiện trên lớp – ND), theo lý thuyết của J. Wesley Baker, và được đưa vào thực tế khá hiệu quả tại Trường Cao học Y khoa Duke-NUS ở Singapore.

Khuôn viên Đại học Yale-NUS. Nguồn: Bài viết.

Truyền thống của giáo dục khai phóng

Giáo dục khai phóng là gì? Nguyên gốc của thuật ngữ “khai phóng” bắt nguồn từ La Mã cổ đại, được dùng để chỉ điều gì là quan trọng nhất đối với một công dân tự do trong bối cảnh giáo dục. Bởi vậy, giáo dục khai phóng gắn liền với tự do — tự do theo đuổi các câu hỏi trí tuệ và tranh luận về các vấn đề chung. Mục tiêu của nền giáo dục khai phóng từ lâu là cung cấp cho người học nền tảng phân tích thận trọng, cách giao tiếp hiệu quả cũng như đưa ra những quyết định khôn ngoan và nhân văn. Từ “arts” về mặt lịch sử không chỉ nhằm đề cập nghệ thuật thị giác hoặc nghệ thuật biểu diễn mà còn để chỉ toàn bộ tri thức của con người, từ ngôn ngữ, văn học và khoa học nhân văn đến toán học và khoa học vật lý, sinh học và xã hội. Giáo dục khai phóng, một cách minh thị, không phải là dạy nghề – nghĩa là, nó không nhằm hướng đến một nghề nghiệp duy nhất. Nhiều sinh viên tiếp tục cao học chuyên ngành về luật, y khoa, kinh doanh hay các ngành nghề khác hoặc các chương trình tiến sĩ, nhưng cũng nhiều người tham gia thẳng vào thị trường lao động. Trải nghiệm từ các cơ sở giáo dục khai phóng hàng đầu cho thấy rằng bất kể sinh viên làm nghề gì, giáo dục khai phóng đều cung cấp một cơ sở vững chắc cho sự nghiệp thành công, một phần vì tinh thần khuyến khích sự linh hoạt và niềm yêu thích học tập.

Trước Nội chiến Mỹ, sinh viên tại Đại học Yale được yêu cầu học tiếng Hy Lạp cổ điển và tiếng Latin, toán học, triết học, địa lý, lịch sử, thiên văn học và tiếng Anh. Vào thế kỷ XIX, một Hiệu trưởng cấp tiến ở Harvard, Charles W. Eliot, đã bỏ chương trình giảng dạy chung và đưa ra hệ thống tự chọn cho bậc cử nhân. Eliot đã lập luận trong bài diễn văn nhậm chức năm 1869 rằng “chàng trai mười chín hoặc đôi mươi phải biết mình thích nhất và phù hợp nhất với điều gì.” Tuy nhiên, thông qua tất cả những biến đổi này, giáo dục khai phóng tiếp tục nhấn mạnh bề rộng tri thức cho phép học sinh nhìn nhận các vấn đề của thế giới trong bối cảnh rộng lớn.

Những người trẻ ngày nay sẽ tiếp tục sống cuộc đời được định hình bởi những câu hỏi muôn thuở được đặt ra trong văn học và triết học cổ điển, nhưng họ cũng sẽ cần phải đối mặt với những luồng dữ liệu khổng lồ đến từ cuộc cách mạng thông tin. Giáo dục khai phóng hiện mở rộng ra ngoài phạm vi các ngành khoa học nhân văn truyền thống (mặc dù các ngành khoa học nhân văn vẫn là trọng tâm của nó). Bản chất của giáo dục khai phóng là cung cấp cho sinh viên khả năng tiếp cận với nền tri thức rộng và khuyến khích họ xem xét vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau, từ đó đặt ra những câu hỏi thích đáng.

Lấy một ví dụ về nghiên cứu môi trường; cụ thể là tác động của các trang trại nuôi tôm đối với rừng ngập mặn ở Đông Nam Á; hơn một phần ba diện tích rừng ngập mặn trên thế giới đã biến mất trong hai thập kỷ qua, phần lớn là kết quả của việc chặt phá rừng để nuôi tôm. Những trang trại này mang lại lợi ích kinh tế cho người lao động và người tiêu dùng, nhưng những khu rừng ngập mặn đang biến mất – trong khi chúng lại đóng vai trò thiết yếu như đa dạng sinh học và là vùng đệm giúp ngăn chặn các sự kiện như sóng thần. Làm thế nào để chúng ta giải quyết những vấn đề này? Rõ ràng, kiến ​​thức về thực vật học và khí hậu học là rất cần thiết; nhưng việc quản lý các nguồn tài nguyên biển cũng là một vấn đề xã hội, và việc thay đổi mối quan hệ của con người với các nguồn tài nguyên đó bao hàm cả câu hỏi về mối quan hệ của con người với thế giới tự nhiên – đây vốn là vấn đề có thể được định hình bởi niềm tin tôn giáo hoặc truyền thống lịch sử.

Những nhà lãnh đạo tương lai sẽ phải đối mặt với những câu hỏi đã được đặt ra từ các thế hệ trước, từ các nhà tư tưởng vĩ đại trong triết học, văn học và các lĩnh vực khác, cùng những câu hỏi mới xuất phát từ sự phức tạp và liên tục thay đổi của một thế giới hội nhập. Giáo dục khai phóng khuyến khích việc làm chủ những thách thức này thông qua việc tiếp cận nhiều lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, những người lãnh đạo thế hệ mới sẽ cần các kỹ năng liên quan đến nghiên cứu cấp cao, vì vậy giáo dục khai phóng không chỉ nhấn mạnh về bề rộng của kiến thức mà còn nhấn mạnh về khả năng làm chủ các phương pháp nghiên cứu thông qua các dự án độc lập trong các lĩnh vực cụ thể.

Một cộng đồng học tập

Tôi đã có vinh dự và hân hạnh được tham gia vào quá trình phát triển của một trường đại học khai phóng mới ở Singapore với mong muốn hiện thực hóa một số yếu tố nêu trên. Trường Đại học Yale-NUS là sự hợp tác của Đại học Yale và Đại học Quốc gia Singapore.

Một nền giáo dục khai phóng cần kết nối các lĩnh vực tri thức của nhân loại với nhau và cho phép người học phát triển khả năng của mình thông qua học tập chủ động. Mỗi sinh viên nhập học Yale-NUS sẽ tham gia một loạt các khóa học với những chủ đề từ văn học thông qua tư tưởng xã hội đến tìm hiểu khoa học, đồng thời theo học các chuyên ngành cụ thể. Chúng tôi mong muốn sinh viên của mình nắm vững kiến ​​thức và các phương pháp kỹ thuật, nhưng chúng tôi cũng muốn họ có thể tiếp cận và giải quyết vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau. Trọng tâm của cả chương trình giảng dạy chung và các chuyên ngành sẽ là học cách đặt câu hỏi đúng. Để có thể thực hiện được phương pháp học tập dựa trên câu hỏi (inquiry-based learning) này, chúng tôi sẽ dạy sinh viên dưới hình thức lớp học nhỏ (seminar) – tập trung vào thảo luận và tranh luận. Và chúng tôi đang phát triển một chương trình nội trú tăng cường việc học tập chính quy trong seminars hoặc các phòng thí nghiệm, cùng với quá trình học tập khác mang nhiều tính ngẫu nhiên hơn, nhưng cũng không kém phần quan trọng, diễn ra trong phòng ăn, một buổi học nhóm, hoặc trong một cuộc họp câu lạc bộ.

Sau khi thảo luận và lên kế hoạch trong suốt năm 2009 và 2010, hai trường đại học đã ký một thỏa thuận vào đầu năm 2011, tôi cùng các đồng nghiệp đã dành mười tám tháng sau đó để tuyển dụng 40 giảng viên đầu tiên của trường. Nhóm học giả mạo hiểm này đã dành cả năm học vừa qua để đưa ra một chương trình giảng dạy nhằm trả lời câu hỏi, “Một người trẻ phải học gì để sống có trách nhiệm trong thế kỷ này?” Kết quả, thay vì áp dụng hệ thống tự chọn đang thống trị phần lớn nền giáo dục hiện tại của Mỹ, một chương trình giảng dạy chung trong đó sinh viên cùng nhau tham gia một loạt các khóa học mang tính đổi mới về nhân văn, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đã được ra đời. Thay vì cấy ghép nền giáo dục của Yale hoặc Mỹ vào Singapore, chúng tôi đang định nghĩa lại giáo dục khai phóng cho một kỷ nguyên mới và bối cảnh toàn cầu mới.

Tất nhiên, mỗi chúng ta đều có cam kết riêng dành cho chuyên ngành cụ thể mình theo đuổi, nhưng câu hỏi dẫn dắt này đã cho phép chúng ta đưa ra một chương trình giảng dạy chung tích hợp, mà trong đó sinh viên sẽ học trong hai năm đầu tiên. Tất cả sinh viên sẽ học các học phần trong từng khía cạnh của chương trình giảng dạy chung — điều này mang lại cho họ một nền tảng vững chắc trong toàn bộ lĩnh vực khoa học và nghệ thuật khai phóng, đồng thời là hành trang cho họ đến với bất kỳ chuyên ngành nào họ muốn theo đuổi trong năm thứ ba và thứ tư.

Điều này cũng góp phần làm nên các cuộc đối thoại chung trong toàn trường, ở đó sinh viên có thể thảo luận về những cuốn sách họ đang đọc trong các lớp học văn, các thí nghiệm họ đang thực hiện trong phòng thí nghiệm, các lý thuyết xã hội mà họ đang thử nghiệm trong khóa học về các thể chế xã hội so sánh, hoặc những ý tưởng mà họ đang tranh luận trong triết học. Trong khi hầu hết sinh viên ở Châu Á hiện tại chỉ tập trung hoàn toàn vào một môn học duy nhất, chương trình này lại nhấn mạnh vào bề rộng. Tuy nhiên, nó cũng khác với hệ thống học tập điển hình ở Mỹ, nơi bề rộng được định nghĩa bằng cách cho sinh viên chọn các khóa học từ nhiều chuyên ngành khác nhau — đôi khi dẫn đến việc sinh viên cố tình chọn khóa học dễ nhất trong bất kỳ danh mục nhất định nào và do đó rời xa nội hàm về “chiều rộng” mà giáo dục vốn nên khích lệ.

Vào tháng 4 năm 2013, dưới sự chủ trì của Nhà Khoa học Chính trị Đại học Yale – Bryan Garsten, Ủy ban Chương trình Giảng dạy phụ trách dự án này, đã xuất bản một báo cáo mang tên “Trường Đại học YaleNUS: Một cộng đồng học tập mới.” Các chủ đề chính trong kế hoạch năm qua của chúng tôi cho trường đại học được tóm lược trong một tuyên bố về tầm nhìn cho chương trình, được thông qua bởi giảng viên, nhân viên và hội đồng quản trị vào tháng 9 năm 2012:

Một cộng đồng học hỏi.

Được thành lập bởi hai trường đại học lớn,

Ở Châu Á, dành cho thế giới.

Cộng đồng học tập là một thuật ngữ liên quan đến giáo dục khai phóng ở Mỹ, nhấn mạnh cảm quan về mục tiêu chung trong phạm vi một trường đại học, và đặc biệt là ý thức về sự bao phủ của việc học hỏi, không chỉ trong chương trình giảng dạy chính thức mà còn trong cả các chương trình không chính thức, cũng như các hoạt động ngoại khóa. Đội ngũ giảng viên cùng sinh viên đều cống hiến cho việc học tập không ngừng, và một trong những đặc điểm nổi bật của chương trình giảng dạy này là sự yêu cầu về tính liên ngành, đòi hỏi các giảng viên cần mở rộng ra ngoài địa hạt chuyên ngành của mình.

Nói rộng ra, thông qua chương trình giảng dạy và các hoạt động ngoại khóa, chúng tôi tìm kiếm những mục tiêu sau: một mối liên kết đầy triển vọng giữa cuộc sống và học tập được thiết lập, để các cuộc trò chuyện bắt đầu trong lớp học và sẽ len lỏi vào phần còn lại của cuộc sống đại học; khuyến khích tinh thần công dân trong các hoạt động ngoài lớp học, đồng thời khuyến khích khả năng lãnh đạo của các câu lạc bộ và hội nhóm trong khuôn viên trường; một ngôi trường được đắm chìm bởi nghệ thuật để người học thưởng thức và cũng chính họ sẽ tạo ra âm nhạc, nghệ thuật thị giác, phim ảnh, sân khấu; khuyến khích sự sáng tạo và tò mò; và thiết lập ý thức cộng đồng giữa các sinh viên, nhân viên và giảng viên.

Được thành lập bởi hai trường đại học lớn

Mô hình của chúng tôi có thể nói là khá độc đáo khi đã phát triển một trường đại học từ mối tương giao giữa hai trường đại học lớn khác. Yale và Đại học Quốc gia Singapore đều có nguồn gốc từ trường đại học nhỏ: Đại học Yale, thành lập năm 1701, và Đại học Raffles, thành lập năm 1928. NUS đã phát triển thành một trường đại học nghiên cứu lớn, được nhiều người coi là một trong những trường tốt nhất ở Châu Á, và đã cực kỳ sáng tạo trong việc nỗ lực duy trì văn hóa cốt lõi ở bậc đại học thông qua các chương trình như University Town và University Scholars Programme.

Yale đã đi đầu trong lĩnh vực giáo dục khai phóng kể từ khi trường thành lập và đã bộc lộ rõ nguyên tắc của họ về giáo dục trong những báo cáo có sức ảnh hưởng lớn vào năm 1828. Tính tiên phong của Yale đã dần dần mở rộng: từ một trường học địa phương đào tạo những giáo sỹ Cơ đốc, đến một cơ sở giáo dục quốc gia tiên phong trong thế kỷ XIX và trở thành một trường đại học nghiên cứu nổi tiếng thế giới trong thế kỷ XX. Yale-NUS mang đến cho Yale cơ hội sử dụng chuyên môn của mình trong giáo dục đại học và danh tiếng của mình ở Châu Á để mở rộng vai trò lãnh đạo giáo dục trên quy mô toàn cầu. Một số nhà phê bình cho rằng Yale-NUS không hơn gì một bài tập trong bài học “xây dựng thương hiệu”, nhưng thực tế không phải như vậy: chúng tôi đang dựa trên chuyên môn và kinh nghiệm của đội ngũ giảng viên và quản trị viên ở Yale để hợp tác với các nhà giáo dục Singapore nhằm hình thành nên một cơ sở giáo dục mới và quan trọng. Các giảng viên của Yale và NUS đã làm việc cùng nhau trong tất cả các ủy ban sáng lập, và chúng tôi tiếp tục tận dụng kinh nghiệm trong công tác thành lập cũng như các mạng lưới mình có.

Ở Châu Á, dành cho Thế giới

Mặc dù chương trình giảng dạy chung có những điểm giống với chương trình giảng dạy cốt yếu ở một số cơ sở của Mỹ như Đại học Chicago hoặc Columbia, nhưng nó được hiểu rộng hơn nhiều ở một vài khía cạnh: thứ nhất, sinh viên không chỉ tập trung vào “những cuốn sách lớn” (mặc dù họ cũng sẽ đọc chúng), mà còn tập trung vào phạm vi rộng của những kiến ​​thức khoa học, khoa học xã hội và lý luận định lượng, bao gồm cả việc phân tích và luận giải một lượng lớn dữ liệu. Dù sinh viên có theo học chuyên ngành khoa học hay không, họ sẽ được tiếp xúc trực tiếp với các cuộc tranh luận khoa học đương thời và sẽ có kinh nghiệm nghiên cứu thực tế trong phòng thí nghiệm hoặc thực địa. Thứ hai, toàn bộ chương trình giảng dạy được thiết kế xoay quanh thực tế về vị trí tại châu Á của ngôi trường, ví dụ như trong văn học và nhân văn, chúng tôi đọc các tác phẩm kinh điển phương Tây trong cuộc trò chuyện với các tác phẩm kinh điển châu Á, và trong một khóa học giới thiệu về khoa học xã hội, chúng tôi phải đặc biệt chú ý đến vô số các thể chế xã hội ở châu Á và cách chúng được so sánh với các thể chế ở phương Tây.

Trong khi ý thức về việc giáo dục học sinh của mình ở châu Á, chúng tôi cũng cảm thấy rằng chúng tôi đang truyền dạy cho họ về một cuộc sống trong thế giới liên kết. Cố Giám đốc điều hành của Apple, Steve Jobs, đã ủng hộ giá trị của nền giáo dục khai phóng: “Chúng tôi không chỉ là một công ty công nghệ. Nó là sự kết hợp của công nghệ với khoa học nhân văn và nghệ thuật khai phóng, đó là điểm khác biệt của Apple.” Tương tự như vậy, Norm Augustine, cựu Giám đốc điều hành của Lockheed Martin và là cựu thứ trưởng của Quân đội, đã lập luận rằng trong lịch sử, một nền giáo dục đặc biệt quan trọng không chỉ vì tư duy phản biện và kỹ năng nghiên cứu mà còn vì khả năng hiểu các nền văn hóa khác và của chính mình, và tạo ra nhận định về tương lai. Đây là một trong số nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp công nhận đóng góp của giáo dục khai phóng trong việc phát triển những người trẻ không chỉ trở thành những công nhân lành nghề, mà còn trở thành những công dân toàn cầu có khả năng lãnh đạo trong một thế giới phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau.

Nhóm Ivy League và các trường đại học nghiên cứu tư nhân lớn khác tiếp tục triển khai các chương trình giáo dục khai phóng chuyên sâu như tôi đã mô tả, nhưng nó rất tốn kém, và chỉ một số cơ sở có thể đáp ứng nhu cầu hỗ trợ tài chính đầy đủ của tất cả sinh viên được nhận vào học. Các trường giáo dục khai phóng truyền thống như Wellesley, Amherst, Swarthmore và Pomona chỉ tiếp cận một phần nhỏ dân số. Các trường đại học công lập lớn, trước đây hướng đến việc cung cấp một loại hình giáo dục tương tự với mức giá thấp hơn nhiều, vẫn chưa nhận được đầu tư xứng đáng từ chính quyền.

Áp lực xuất hiện khắp mọi nơi, đòi hỏi giáo dục tập trung đào tạo kỹ thuật hoặc nghề nghiệp. Nhưng tôi tin rằng hệ thống giáo dục của Mỹ đã rất thành công vì cho phép người học tự do học tập theo chiều rộng, ở đó họ không chỉ được giáo dục về kỹ thuật hoặc nghề nghiệp, mà còn về tư duy sáng tạo và học tập chủ động, và đồng thời được nhen nhóm một ý thức cộng đồng mạnh mẽ tại khoảng thời gian sinh viên khi họ đang cố gắng khám phá bản thân và tưởng tượng về tương lai của mình.

Trong những năm gần đây, Mỹ đã bắt đầu dè chừng sự trỗi dậy nhanh chóng về kinh tế và chính trị của châu Á. Giờ đây, người châu Á đang nhìn thấy giá trị trong một hệ thống giáo dục mà một số công dân Mỹ ngờ vực. Mỹ nên lấy cảm hứng từ mối quan tâm mới mẻ của châu Á về giáo dục khai phóng như một cơ hội để đổi mới và phục hồi truyền thống giáo dục của chính mình.

Leave a comment