Vừa học vừa chơi: vai trò và sự quan trọng của việc học sáng tạo

Nguồn: The Guardian, đăng ngày 27/02/2017

Biên dịch: Đặng Công Tịnh – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

Trong bài viết này, chúng tôi thu thập ý kiến đáng chú ý từ cuộc trò chuyện trực tiếp với các chuyên gia, bàn về những lợi ích và thách thức của việc học thông qua trò chơi. Vào đây để đọc toàn văn cuộc thảo luận.

Từ Don Ledingham, blogger về giáo dục, giám đốc giáo dục và dịch vụ trẻ em của hội đồng Midlothian

Sau nhiều năm hoàn toàn chuyển hướng sang nghiên cứu những năm đầu đời của trẻ, khoảng thời gian lúc mà chúng được khuyến khích học qua trò chơi và học chủ động. Thật thú vị khi thấy hướng tiếp cận này dần dần được tích hợp vào chương trình tiểu học, nơi mà việc vui chơi trong học tập hiện đã được áp dụng hiệu quả với cả trẻ em lớn tuổi hơn.

Dù vậy khi nghiên cứu các chương trình giảng dạy bậc trung học cơ sở (THCS), tôi thấy việc sử dụng trò chơi để thúc đẩy việc học ở cấp trung học cơ sở là rất hiếm và ở một vài bộ môn thì hoàn toàn không có.

Chương trình học THCS đã biến thành một chuỗi các tiêu chí chuẩn đầu ra chính quy, buộc giáo viên phải áp dụng các phương pháp giảng dạy hoàn toàn kiểm soát bản chất của quá trình học tập, các tiêu chí để đo lường kết quả học thành công và cả thời lượng của trải nghiệm học tập. Tất cả điều này được dẫn dắt bởi một quy ước mơ hồ rằng giảng dạy “tốt” là phải có những mục tiêu rõ ràng và các quy trình học tập được chính quy hóa.

Làm sao chơi có thể giúp việc học và chủ động? ảnh: Alamy. Nguồn: theguardian.com

Nhưng tích hợp trò chơi vào học tập cũng đang được sử dụng hiệu quả ở một số trường cấp II . Ví dụ, một thầy giáo có tài khoản @kenny73 nói với tôi trên Twitter rằng anh ấy có sử dụng khay cát và nước để khuyến khích học sinh mô phỏng lại cách bờ biển hoạt động.

Anh nói: “Tôi biết rõ rằng mình không hề tìm kiếm một câu trả lời chính xác cho mọi thứ, điều tôi muốn là học sinh có thể tự quan sát và ghi chép lại những điều mà chúng khám phá được trước khi liên hệ tới một khung cảnh bờ biển thực tế. Sự tự do cho phép học sinh thử nhiều  thứ, làm thí nghiệm và có thể đi đến những kết luận khác so với kết luận của tôi, nhưng những kết luận có điểm tương đồng cuối cùng có thể sẽ chẳng khiến chúng nhớ được gì cả. Có rất nhiều bài học và liên tưởng mà chúng ta có thể thu nhặt được từ bài học này để áp dụng cho những tiết học sau, thậm chí kể cả khi chúng rối tung lên, hay là có một cấu trúc khác, một cách khác biệt để khám phá các chủ đề mới. 

Để đọc thêm về quan điểm của Don, ghé thăm blog của anh tại đây

Teresa Cremin, giáo sư Giáo dục tại Đại học Mở (Open University)

Nhà nghiên cứu người Mỹ Sternberg lập luận rằng trẻ em càng học lên cao, chúng sẽ nhanh chóng nhận ra hệ thống trường học hoạt động thế nào và kiềm chế những ý tưởng sáng tạo bất chợt của chúng ra sao. Tuy nhiên, điều này lại không xảy ra ở nhà, trên nền các nền tảng số hay là lúc chúng ở cùng bạn bè, vốn là những lúc mà chúng được thoải mái sáng tạo.

Một số giáo viên, dưới áp lực buộc phải hoàn thành những mục tiêu định sẵn, cũng kiềm hãm sức sáng tạo của học sinh, tránh những bước đi mạo hiểm và sự tìm tòi trong việc học. Nhưng mọi thứ không cần phải theo hướng như vậy.Điều quan trọng là phải hiểu rõ được vai trò quan trọng của việc chơi đùa và sáng tạo trong giáo dục, và những chuyên gia như chúng ta có trách nhiệm nuôi dưỡng chúng. 

Thế giới đang biến đổi và ngày càng trở nên không chắc chắn hơn bao giờ hết. Chắc rằng sáng tạo là yếu tố then chốt giúp chúng ta vượt qua khó khăn, tìm được niềm vui, và tận dụng được sức mạnh của trí tưởng tượng và của sự đổi mới. Đây là những nguồn lực then chốt trong nền kinh tế tri thức, và, với tư cách là giáo viên, chúng ta cần xông xáo lên và đào tạo vì tương lai..

Tim Taylor, Giáo viên Kỹ năng nâng cao (AST – Advanced Skills Teacher)  ở Norwich, Anh

Vừa học vừa chơi vẫn là một công cụ sư phạm quan trọng với nhiều nhà giáo. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn cảnh báo rằng: khi tuyên bố rằng vui chơi là “quyền” của trẻ, quyền này người lớn không được can thiệp và trẻ được tự do điều khiển việc học theo cách mà chúng muốn, thì đồng thời chúng ta cũng có thể bị tấn công do thiếu sự dạy dỗ học trò và thiếu trách nhiệm nghề nghiệp. 

Tôi muốn thấy được trò chơi, rộng hơn là các hoạt động mang tính hành động và tương tác (dramatic inquiry), trở thành công cụ sư phạm hiệu quả dùng để phát triển việc học của trẻ, khi mà các phương pháp truyền thống, cách dạy trực tiếp và các câu hỏi mở trở nên kém hữu ích. Tuy nhiên, những phương pháp này vẫn có vai trò quan trọng trong việc dạy và học. Giáo viên là một nghề mang tính thực hành , tìm cách sử dụng tốt nhất những công cụ mà chúng ta có là điều tối quan trọng, và chúng ta nên chống lại những nỗ lực giới hạn các lựa chọn giảng dạy của mình – gây ra bởi những kẻ đang gây ra những cuộc chiến về ý thức hệ.

Tim viết và biên tập các bài viết tại mantleoftheexpert.comimaginative-inquiry.co.uk.

Sian Carter, Chuyên gia tiếng anh đầu ngành tại trường Mountbatten ở Hampshire

Thật sự là, nếu việc học trở nên vui vẻ đáng nhớ và bạn thật sự học được gì đó thì đó là cách học tốt nhất. Học một cách khác biệt để nghĩ khác biệt. Khuyến khích học sinh đặt câu hỏi và phát triển ý tưởng của riêng chúng. Chẳng có gì sai khi học thông qua trò chơi. Các giáo viên phải thật sự tự tin là có thể dạy học sinh thông qua cách này, cũng như phát triển phương pháp dạy và học quan trọng này.

Chính quyền thì không tồn tại mãi, trong 25 năm tới học sinh của tôi chắc rằng sẽ chẳng nhớ bộ trưởng giáo dục là ai, nhưng tôi muốn chúng nhớ được bài học của tôi và những gì chúng đã được dạy, chúng sẽ nhớ khoảng thời gian khi chơi trò dấu câu (trò chơi mà người chơi sẽ đóng vai các dấu câu và đặt dấu câu vào vị trí hợp lý trong câu – ND),, hoặc khi chúng hát để học từ vựng. Hoặc lúc chúng chạy trên sân để học sử dụng thì, hoặc lúc chúng đang phán xử một nhân vật trong sách trong một phiên tòa, đội tóc giả của thẩm phán và tất cả những điều tương tự. Đó là lý do vì sao chúng ta nên học mà chơi, và tiếp tục phát triển phương pháp sư phạm quan trọng này, mặc kệ những thay đổi ngáng đường.

Judith Raey, Hiệu trưởng trường Y tế Sue Hedley, Hebburn, Nam Tyneside

Thông qua cách tiếp cận High Scope, chúng tôi đưa ra phương pháp gọi là SOUL:

·         Silence – Im lặng

·         Observe – Quan sát

·         Understanding – Thấu hiểu

·         Listen – Lắng nghe

Đây là quy trình mà những nhà giáo dục phải thực hiện trước khi tham gia vào bất kỳ sân chơi nào của trẻ. Khi đó bạn sẽ có đủ thông tin để quyết định xem bạn có nên tham gia trò chơi của chúng không, và tham gia như thế nào. Trong qua môi trường hỗ trợ việc học này, trẻ em và người lớn cùng có chung sự kiểm soát. Người lớn cực kỳ coi trọng cách những đứa trẻ học tập chủ động và thật sự trở thành người bạn đồng hành cùng chơi với chúng theo sự ham thích của chúng.

Jeremy Dean, giáo viên tiếng anh ở Tây Ban Nha

Tôi cảm thấy hai điều quan trọng nhất mà trò chơi có thể phát triển trong lớp học là sự hứng thú và động lực. Nếu chúng ta thúc đẩy hai điều này thì học sinh sẽ chủ động và bắt đầu có ý thức hơn trong quá trình học tập cá nhân của mình. 

Ví dụ sau đây có thể sẽ hữu ích cho bộ môn Toán. Tôi sử dụng “Bảng cửu chương Macarena” để dạy các phép toán nhân 2, nhân 5, nhân 10,… Tôi chơi bài hát Macarena và dạy lũ trẻ học các chuyển động. Ở Tây Ban Nha, điều này không có gì khó (đôi lúc lũ trẻ còn sửa lưng tôi). Sau khi khởi động, tôi viết câu trả lời lên bảng (3, 6, 9, 12). Sau đó tôi chỉ chúng cách hát các con số cùng nhịp với điệu nhảy của bài hát. May mắn là bài có 12 bước nhảy. Một khi chúng đã dần nắm được cách chơi, thì tôi sẽ xóa vài câu trả lời trên bảng và học sinh buộc phải nhớ các câu trả lời đó. Tôi thường kết thúc buổi học bằng cách hứa rằng ngày mai sẽ tiếp tục chỉ khi chúng nhớ được các câu phép tính. Vài đứa sẽ bắt đầu ghi chú thật nhanh lại. Tôi luôn vui khi thấy những đứa trẻ tự giao bài tập về nhà cho bản thân. Có một cảnh báo, nếu bạn đã già như tôi, nên khởi động cơ xung quanh vùng hông trước khi chơi trò này.

Sally Wheeler, Giáo viên Khoa học nâng cao tại trường Mountbatten, Hampshire

Tôi cố giao quyền kiểm soát nhiều nhất có thể cho học sinh. Các cảnh phi khoa học trong phim luôn là cách mở đầu tuyệt vời. Điều này có thật sự hiệu quả không? Tại sao? Và như thế nào? Cũng giống như chương trình Mythbusters vậy. Chứng minh đi. Học sinh sẽ khám phá ra các phương án trả lời. Tôi sử dụng các vật thể trừu tượng trong bài học để mô hình hóa các ý tưởng quan trọng: thường là dùng lego và nhựa dẻo.

Trước khi đưa ra câu hỏi, cho học sinh thời gian để chơi với các thiết bị. Học sinh thường sẽ lên kế hoạch cho một câu trả lời hoàn hảo nhưng thường sẽ bị bí ở những trở ngại ban đầu. Cho chúng chơi trước khi chúng bắt đầu lên kế hoạch. Điều này sẽ giúp chúng nhận diện và giải quyết các cách hiểu sai trước khi chúng bắt đầu. Cho chúng những cách tiếp cận trực tiếp, rõ ràng để khám phá và tự đặt câu hỏi. Nêu câu hỏi cho cả lớp và mời nhau trả lời. Chúng là người nắm quyền điều hành.

Philip Waters, độc giả và người tham gia buổi nói chuyện trực tiếp, điều phối viên trò chơi của Dự án Eden, Cornwall. Anh hiện tại là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ của Trung tâm Châu Âu về Môi trường và Sức khỏe con người (ECEHH – European Centre for Environment and Human Health)

Tranh cãi trong giáo dục về chuyện có nên sử dụng trò chơi như một phương tiện học chính thức hoặc không chính thức là một điều nực cười, đặc biệt khi bạn hiểu rằng việc chơi đùa là một xu hướng sinh học tự nhiên. Ta nên tự hỏi ta có quyền gì mà  không cho phép việc chơi đùa là một phần quan trọng trong trải nghiệm học tập của trẻ. Ta là ai mà dám kìm hãm thúc đẩy tự nhiên của người khác trong việc tìm hiểu thế giới?

Người lớn bảo trẻ em không được cười đùa, huýt sáo, đổi chỗ trong lớp học, hay mơ màng ngoài cửa sổ thì cũng không khác nào bịt miệng những đứa trẻ và đóng đinh chúng xuống sản. Cách đó cũng gây ra nhiều tác hại. Những người lớn yêu cầu trẻ em học cái gì, khi nào và như thế nào, đồng thời kìm hãm các sở thích và hứng thú tự nhiên của chúng, cũng giống như ép chúng ngồi trước màn hình và nhấn nút download vậy.

Vấn đề thật sự đơn giản. Chơi đùa là thách thức cho các trường học bởi vì để học sinh chơi nghĩa là trao cho chúng quyền kiểm soát, nội dung và cả quyền lực . Đây là lập luận mà những người ủng hộ phương pháp vừa học vừa chơi hay sử dụng. Nhưng chơi đùa cũng có thể là trạng thái tương hỗ và giao tiếp xã hội của trạng thái tồn tại. Nếu trường học có thể xóa đi ranh giới và bỏ hết đi cách định danh như trẻ em/ người lớn, giáo viên/học sinh, tôi dám chắc là ai cũng đều trở thành người học – khi đó việc chơi đùa trở thành một phương tiện học tập khác trong các trải nghiệm ở trường học. 

Leave a comment