Du học sinh Ukraine và Nga phải đối diện với khó khăn tài chính tại Mỹ

Nguồn: Inside Higher Ed – Đăng ngày 30/03/2022

Tác giả: Josh Moody

Biên dịch: Roãn Hồng Anh Thư – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

Chiến tranh giữa Nga và Ukraine đã gây ra sự bất ổn về tài chính cho sinh viên của cả hai quốc gia. Trong khi các trường cao đẳng đang ráo riết tìm cách hỗ trợ cho sinh viên, sinh viên Ukraine nhận được nhiều thiện cảm hơn trong mắt các nhà tài trợ.

Viktoriia Yevtushenko, sinh viên năm nhất tại Trường Đại học Pace, đang bị kẹt lại giữa hai thế giới. Tại quê nhà ở Ukraine, chính vì đất nước của cô đang bị bao vây bởi quân Nga, cả gia đình cô phải tháo chạy, bỏ lại nhà cửa và công việc kinh doanh phía sau. Thế nhưng, ở Mỹ, cuộc sống vẫn diễn ra rất bình thường trong khuôn viên trường Pace, nơi cách chiến tranh vài nghìn dặm. 

“Điều này giống như sống trong hai thực tại khác nhau. Một nơi thì đắm chìm trong khói lửa chiến tranh và biết bao nhiêu con người đã và đang hi sinh. Nhưng đồng thời, lại rất yên bình ở một nơi cách đó không xa”, Yevtushenko nói, “Ở đây mọi người cười cười nói nói và cuộc sống hoàn toàn bình thường.”

Dù chiến tranh nghe có vẻ xa xôi, nhưng đã có những hậu quả tiêu cực tác động đến Yevtushenko tại Mỹ. Tình hình tài chính của cô thay đổi gần như chỉ sau một đêm khi gia đình cô mất toàn bộ nhà cửa và công việc kinh doanh để tháo chạy khỏi Ukraine. 

Yevtushenko nói, “Gia đình tôi đã trả tiền học phí và ăn ở của tôi cho kỳ học này nên hiện tại tôi vẫn ổn. Tôi biết mình có thể ở đây đến tháng 5, tuy nhiên, tình hình của tôi sẽ như thế nào sau tháng 5 thì tôi không biết được.”

Yevtushenko phải đối diện với sự bất ổn về tình hình tài chính khi cả gia đình cô đều đang tị nạn tại Đức. Không chỉ riêng Yevtushenko, nhiều sinh viên Ukraine khác cũng phải vật lộn với vấn đề tương tự khi tình hình tài chính của họ bị thay đổi đột ngột vì Nga thực hiện cuộc xâm lược Ukraine và tàn phá thành phố của họ. 

Nhiều sinh viên Nga tại Mỹ cũng gặp phải khó khăn về tài chính do đồng rúp của Nga bị mất giá đột ngột. 

Theo báo cáo của Open Doors năm 2021 từ Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), có 4.085 sinh viên Nga và 1.739 sinh viên Ukraine đang học tập tại Mỹ trong năm học 2020 – 2021. Hàng ngàn sinh viên trong số họ đang rất cần sự giúp đỡ. 

Phản hồi từ các trường đại học

Đại học Pace hiện là nơi học tập của 33 du học sinh người Nga và 12 du học sinh người Ukraine. Pace đang cố gắng hỗ trợ của các sinh viên này tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh của từng cá nhân. 

Chủ tịch Trường Đại học Pace Marvin Krislov cho biết, “Phần lớn các sinh viên này là những nghiên cứu sinh. Một số sinh viên đã có thể bước đến giai đoạn hoàn tất việc học của mình, nhưng một số khác chỉ mới đi được nửa đường, nên hỗ trợ này thực sự phải dựa trên hoàn cảnh của từng sinh viên một.”

Ông Krislov cho biết thêm, hiện tại Pace đang liên hệ với các tổ chức, đối tác và nhà thờ nhằm hỗ trợ những sinh viên này. 

Mối quan tâm chính hiện nay là làm sao đáp ứng đủ nhu cầu thiết yếu cho sinh viên như thực phẩm và nhà ở. Chính vì thế, Pace đã dùng một phần quỹ khẩn cấp Pace Cares để hỗ trợ sinh viên của mình. Tuy nhiên, sinh viên vẫn phải đối diện với đầy rẫy thách thức, trong đó có sức khỏe tinh thần và cảm xúc của họ. Krislov cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng cộng đồng mà nơi đó sinh viên cảm thấy thuộc về khi được chào đón và hỗ trợ bởi các nhân viên của Pace và các sinh viên khác trong khoảng thời gian này. 

“Khi phải trải qua những trải nghiệm như thế, điều mà chúng ta dễ dàng nhận thấy là các sinh viên này đang cảm thấy lạc lõng khi mất đi sự hỗ trợ cần thiết từ gia đình, thậm chí họ không thể liên lạc với gia mình của mình,” Krislov nói, “Thế nên, việc chúng ta đón nhận, giúp đỡ và lắng nghe các bạn sinh viên này là điều hết sức quan trọng và đây là điều mà chúng tôi vẫn đang cố gắng làm.” 

Những buổi tham vấn tâm lý theo nhóm là một trong những cách mà Pace đưa ra nhằm hỗ trợ các sinh viên bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Richard Shadick, Giám đốc Trung tâm Tham vấn Tâm lý tại Pace cho biết các buổi tham vấn tâm lý theo nhóm này cho phép sinh viên có thể cởi bỏ những gánh nặng mà họ phải mang đối với chiến tranh. Đó có thể là cảm giác sợ hãi, bị cô lập hay sự không chắc chắn, gắn liền cả với những thách thức về tài chính và sự lo lắng dành cho gia đình và bạn bè của họ. 

“Đối với các sinh viên Ukraine, nhiều người trong số họ cảm thấy bị mắc kẹt và cô lập tại Mỹ vì không thể quay trở lại nước nhà nếu không chấp nhận rủi ro nguy hiểm đến tính mạng. Mặt khác, nhiều người bị cắt sự hỗ trợ tài chính từ gia đình vì gia đình không có việc làm, phải tị nạn ở quốc gia khác, hay thậm chí là đang chiến đấu từng phút giây để bảo vệ cuộc sống của mình,” theo Shadick, “Trớ trêu thay, khó khăn của du học sinh người Nga có sự tương đồng đối với các du học sinh Ukraine khi mệnh giá của đồng rúp giảm đáng kể, làm họ mất khả năng tài chính để chi trả cho việc học tập tại Mỹ.”

Shadick nói thêm, các du học sinh Ukraine đang phải chịu áp lực rất lớn để cân bằng cảm xúc và là điểm tựa cho gia đình của mình khi các bạn đang ở một nơi an toàn hơn rất nhiều so với sự nguy hiểm mà các thành viên trong gia đình có thể đang phải đối diện. 

Trong khi đó, theo Shadick, du học sinh Nga có thể phải đối diện với sự kì thị khi quốc gia của họ là kẻ xâm lược và phát động chiến tranh. Trong khi cộng đồng quốc tế tìm cách buộc Nga phải chịu trách nhiệm với hành động mình, công dân nước này ở nước ngoài rất quan ngại rằng sự tức giận với Matxcơva cũng có thể nhắm vào họ.

“Họ không phải là những cá nhân đưa ra quyết định tham chiến, và họ sợ mình sẽ bị đối xử với hình phạt tương đương như những người đã làm việc đó,” theo Shadick, “Nhiều du học sinh Nga đang sống trong sợ hãi rằng họ sẽ bị làm tổn hại về thể chất và tinh thần chỉ vì họ là người Nga.” 

Thêm vào đó, những sinh viên này không dám nói ra nỗi sợ của mình vì sợ chính quyền sẽ trả thù gia đình họ hay bản thân họ khi họ trở về nước nhà. 

Thử thách của du học sinh Nga

Các sinh viên Ukraine, phải chịu đựng cú sốc lớn trước cuộc xâm lược của Nga, là trường hợp hết sức thương tâm và nhận được đồng cảm từ các nhà tài trợ. Tuy nhiên, đối với trường hợp của các du học sinh Nga, họ lại ít hoặc không nhận được sự quan tâm từ các nhà hảo tâm, các chuyên gia chia sẻ. 

Justin Draeger, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Quốc Gia về Quản lý Hỗ trợ Tài chính cho sinh viên cho biết: “Nhiều trường đang gặp nhiều khó khăn hơn khi trao đổi với các nhà tài trợ về sự cắt giảm đáng kể hỗ trợ đối với du học sinh Nga với lý do quan ngại về tình hình chính trị. Các du học sinh Nga đang hết sức khó khăn để tiếp tục việc học tại Mỹ khi đồng tiền của họ mất giá quá nhiều, cũng như mất đi nguồn hỗ trợ từ các quỹ hoặc khả năng tiếp cận với các quỹ vì các lệnh trừng phạt kinh tế.” 

Draeger cũng lưu ý rằng phần trọng yếu trong sứ mệnh giáo dục đại học chính là khơi gợi và thúc đẩy các sinh viên nhìn nhận lại thế giới quan của mình và hình thành tư duy phản biện. Tuy nhiên, Draeger cảm thấy các trường đang gặp vấn đề trong việc truyền tải thông điệp đó đến các nhà tài trợ khi các trường tìm cách hỗ trợ sinh viên Nga nói riêng. 

“Đâu sẽ là ranh giới giữa việc quy trách nhiệm của nước Nga? Liệu việc quy trách nhiệm này có nên bao gồm những sinh viên Nga – những người hoàn toàn không tán thành việc làm của chính phủ nước họ?”. Theo Draeger, “Tôi nghĩ đây có lẽ là một động cơ tốt mà các trường có thể sử dụng để gây quỹ và thu hút nguồn tài nguyên từ cộng đồng xung quanh nhằm giúp đỡ nhóm sinh viên đang đứng trước khủng hoảng này.” 

Giúp đỡ các sinh viên

Các chuyên gia đề xuất nên tập trung vào các tiếp cận đa chiều để hỗ trợ các du học sinh Ukraine và Nga. Các trường đại học nên tập trung hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu, sức khỏe tinh thần cũng như các thách thức về tài chính của họ. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra xem các sinh viên này có nhận được sự hỗ trợ phù hợp hay chưa. 

Jason Czyz, Đồng Chủ tịch của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) cho biết, “Đối với các du học sinh Ukraine và Nga đang học tại Mỹ, các trường đại học nên trao đổi để tìm hiểu về những khó khăn mà các sinh viên và gia đình họ đang phải trải qua. Điều này sẽ giúp cho các trường có một bức tranh toàn diện nhất về việc sẽ hỗ trợ các sinh viên này như thế nào. 

Nếu các trường đại học có đủ ngân sách để hỗ trợ, Draeger khuyến khích họ sử dụng nó để giúp đỡ các sinh viên bị ảnh hưởng. 

“Nếu các trường đại học có đủ ngân sách và không bị quản chế, họ có thể tạo ra một số gói khẩn cấp để hỗ trợ kịp thời những khó khăn cấp bách các sinh viên đang đối mặt,” theo Draeger, “tuy nhiên, đây không phải là biện pháp dài hạn để trả lời câu hỏi về chi trả các chi phí của các sinh viên này trong kì học tiếp theo hoặc năm học tới.”

Đối với các trường không có ngân sách để hỗ trợ sinh viên, ông Draeger khuyến khích họ liên hệ với các nhà tài trợ. 

Bên cạnh việc gây quỹ, một số hỗ trợ tài chính cũng được cung cấp cho sinh viên thông qua các tổ chức như Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) – nơi có Quỹ Khẩn cấp dành cho sinh viên lên đến $5.000 đô la Mỹ cho mỗi sinh viên. Cho đến hiện tại, theo Czyz, các tổ chức thành viên đã hỗ trợ cho hơn 350 sinh viên Ukraine. 

“Mục đích của khoản tài trợ này là để hỗ trợ cho các nhu cầu cơ bản của những sinh viên trong ngắn hạn, cho dù đó là về nhà ở, thực phẩm, phương tiện đi lại hay học phí. Chúng tôi không quy định cách các sinh viên sử dụng quỹ này như thế nào vì nó là một khoản hỗ trợ các sinh viên vượt qua khó khăn trong ngắn hạn, với số tiền hỗ trợ lên đến $5.000 đô la Mỹ.” Theo Czyz, “Tính tới thời điểm hiện tại, chúng tôi có thể hỗ trợ cho ít nhất một nửa các yêu cầu cần sự giúp đỡ. Sau khi tính toán giữa nhu cầu của các sinh viên cũng như nguồn lực của quỹ thì tôi nghĩ chúng tôi có thể hỗ trợ nhiều hơn thế.” 

Tuy nhiên, tiền không phải là cách duy nhất mà chúng ta có thể hỗ trợ các sinh viên này. 

Yevtushenko cho biết, gần đây một vị giáo sư đã gửi thông tin liên lạc của cô cho cộng đồng người Ukraine, điều này đã giúp cô biết thêm về các sự kiện của cộng đồng. Không những thế, Yevtushenko còn “gặp được rất nhiều người tốt bụng và vô cùng hào phóng,” sẵn sàng giúp đỡ cô ở Pace. Bạn bè, giáo sư và nhân viên tại trường cũng giúp đỡ cô bằng cách này hay cách khác. Mặc dù Yevtushenko cảm thấy rất vô định về tương lai khi hợp đồng thuê nhà của cô sẽ kết thúc vào tháng 5 sắp tới, nhưng ít nhất cô vẫn còn niềm hy vọng. 

“Tôi cảm thấy tốt hơn rất nhiều khi dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì tôi vẫn còn nơi để trú mưa trú nắng,” theo Yevtushenko.

Leave a comment