“Trường học quan trọng nhưng không phải là tất cả”

Nguồn: Stanford – Graduate school of EDUCATION, ngày đăng: 09/03/2022

Biên dịch: Nguyễn Kiều Phương Trinh – Biên tập: Phan Trà Khúc

Trong cuốn sách mới, một nhà sử học của Đại học Stanford suy ngẫm về cải cách trường học, xem xét lại vai trò của trường học trong cuộc sống của mỗi người. 

Larry Cuban tự nhận mình là một người “lạc quan không cực đoan” khi nhắc đến việc cải cách trường học/ giáo dục. Là nhà sử học và Giáo sư danh dự của Stanford Graduate School of Education, ông đã dành phần lớn thời gian trong sự nghiệp của mình để nghiên cứu những phong trào về xã hội, chính trị, và kinh tế để cải cách hệ thống giáo dục phổ thông – và ông ấy đã đi đến một kết luận không mấy dễ chịu.

“Nhiều thế hệ các nhà cải cách giáo dục đều giữ vững niềm tin rằng các trường phổ thông là yếu tố chính, nếu không thì là duy nhất quyết định sự thành công của một cá nhân và cả dân tộc – và đó là cũng là điều quyết định sự công bằng cho mọi người”, ông Cuban chia sẻ. “Việc cải cách giáo dục rất quan trọng. Nhưng những gì diễn ra bên ngoài trường học lại còn quan trọng hơn trong việc định hình cuộc sống của mỗi cá thể.”

Ngoài việc là nhà lịch sử học, Cuban cũng tận mắt trải qua gần một thế kỷ đối với các nỗ lực trong việc cải cách. Trong cuốn sách mới của ông (Confessions of a School Reformer – tạm dịch: Lời thú nhận của một nhà cải cách giáo dục), ông phản ánh vào ba phong trào lớn của thế kỷ trước và sự ảnh hưởng của chúng đối với giáo dục, và kết nối các phong trào này với các trải nghiệm của mình khi ông còn là học sinh, giáo viên hay nhà quản lý. 

Ông Cuban sinh năm 1934, gần giai đoạn thoái trào của Phong Trào Cấp Tiến (những năm 1890 đến 1940), là thời kỳ mà các nhà cải cách giáo dục chuyển sự tập trung vào việc học vẹt sang phương pháp học mang tính “toàn diện cho trẻ nhỏ”. Ông là giáo viên lịch sử cấp ba ở Cleveland và Washington, DC, khi Phong Trào Dân Quyền (những năm 1950 đến 1970) diễn ra. Điểm nhấn của phong trào này là vụ kiện giữa Brown và Hội đồng Giáo dục, dẫn đến quyết định mang tính bước ngoặc của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vào năm 1954 về việc học sinh da màu được đi chung xe bus và học chung trường với học sinh da trắng ở Hoa Kỳ. Ông làm trưởng học khu ở quận Arlington, tiểu bang Virginia khi phong trào Chuẩn hóa giáo dục bắt đầu ở Hoa Kỳ từ những năm 1980, nhấn mạnh vào việc áp dụng các bài thi chuẩn hóa và các phương pháp đánh giá dựa trên kết quả kiểm tra. 

Các bài blogs của ông Cuban thường viết về cải cách giáo dục và các hoạt động thực hành trong lớp học. Ngoài ra Ông cũng viết hơn 20 quyển sách, bao gồm Tinkering Toward Utopia (1995), đồng tác giả với ủy quyền bởi David Tyack, một giáo sư lâu năm tại Stanford GSE. Cuốn sách này ghi lại những mốc lịch sử mang tính bước ngoặt trong việc cải cách hệ thống trường công lập ở Mỹ.

Trong bài báo này, Cuban chia sẻ một vài quan điểm về các cuộc cải cách giáo dục trong nhiều năm qua và những thay đổi mà ông muốn thấy ở hệ thống giáo dục công lập. 

Ảnh: Yan Berthemy

Cuốn sách của ông nói đan xen giữa phần ký sự và phân tích lịch sử. Vì sao ông lại chọn cách tiếp cận mang tính cá nhân như vậy?

Tôi đã viết về cải cách trường học trên phương diện lịch sử trong nhiều năm, nhưng có những giai đoạn tôi cảm thấy mình như thực sự sống qua ba phong trào của thế kỷ 20: Phong Trào Cấp Tiến, Phong Trào Dân Quyền, và Phong trào Chuẩn hóa – lấy cảm hứng từ ngành kinh doanh trong đó chú trọng vào “mục tiêu đầu ra, thi cử, đo chất lượng giảng dạy dựa vào kết quả kiểm ta.” Những trải nghiệm đó bao trùm lấy tôi và tôi nghĩ rằng, đó là nền tảng cho cuốn sách này – một cách tiếp cận pha trộn giữa tính cá nhân và tính phân tích. 

Cải cách giáo dục thường được tô vẽ là câu trả lời cho nhiều vấn đề trong xã hội, nhưng ông lại xem xét vấn đề này một cách kỹ càng hơn, vì sao lại như vậy?

Cải cách giáo dục không phải là một phương án thần kỳ có thể cải cách xã hội. Bạn cải cách trường học để giúp học sinh cũng như giáo viên trở nên tốt hơn. Đó là lý do tốt và chính đáng khi cải cách trường học – nhưng nếu bạn nghĩ bằng cách nào đó, cải cách trường học giúp phát triển xã hội, thì bạn đang phóng đại vai trò của các trường lớp trong xã hội rồi. 

Trường học không thể thay đổi thể chế xã hội dân chủ tư bản. Nó chỉ phản ánh thể chế xã hội. Và đi học là một phần trong cuộc sống của con người. Khoảng 20% thời gian của một đứa trẻ là dành cho việc học; phần lớn thời gian là ở nhà, hàng xóm, và ở những nơi khác của gia đình và bạn bè. 

Tôi không nói là trường học không quan trọng. Trường học quan trọng chứ, nhưng đó không phải là tất cả. Phải mất nhiều năm để mà tôi có thể đưa ra kết luận này và nó không hề dễ dàng chút nào. 

Vì sao việc đưa ra kết luận đó lại khó khăn như vậy?

Tôi quyết định đi dạy bởi vì tôi nghĩ việc dạy là một nghề thanh cao mà bạn có thể tạo ra ảnh hướng cho lớp trẻ. Tôi vẫn tin vào điều này, nhưng tôi đã nhận ra mình đã phóng đại sự ảnh hưởng của mình. 

Khi nhìn vào cuộc sống của chính tôi cũng như những sự kiện đã tạo ra tôi của ngày hôm nay, Trường học là một, nhưng những sự kiện khác lại đóng vai trò quan trọng hơn. Cuộc Đại khủng hoảng, Chiến tranh Thế giới Thứ hai, bị bệnh, chuyển sang nơi ở mới, các mối quan hệ của tôi với gia đình và bạn bè – đó là những ký ức mà tôi vẫn còn nhớ rất rõ khi được nhắc đến, và đó là những gì mà tôi tin chạm đến tôi nhiều hơn là những gì tôi có được từ nhà trường. 

Tôi lúc nào cũng bị cuốn hút bởi những cuộc trò chuyện trong các bữa tiệc về việc ai là giáo viên giỏi nhất mà bạn từng có. Trong mỗi thế hệ của những người làm nhà giáo từ lớp mẫu giáo cho tới cấp ba, có rất nhiều người có kết nối với từng học trò của mình. Họ xây dựng các mối quan hệ đem lại sự ảnh hưởng to lớn đến các đứa trẻ khi chúng trưởng thành. Điều này cho tôi thấy mặt tích cực của trường học cũng như tầm ảnh hưởng của nó, mặc dù hệ thống giáo dục là thứ tôi thấy chưa được tốt lắm và cần được thay đổi. 

Vậy điều ông muốn thay đổi nhất là điều gì? 

Trong tất cả những bài diễn thuyết về cải cách trường học, hệ thống trường công lập thường được mô tả là không hề thay đổi so với 150 năm trước – hệ thống trường phân loại học sinh theo độ tuổi, mỗi giáo viên dạy trong 1 lớp học riêng và dạy một phần trong chương trình học. Giáo viên cần đảm bảo rằng học sinh nắm được các kiến thức theo chương trình giảng dạy, cho học sinh làm bài kiểm tra và tương tự như vậy khi học trò đi lên các cấp lớp học khác. 

Nhưng các đứa trẻ đều học với tốc độ khác nhau. Một vài bạn học môn nào đó rất nhanh nhưng lại thấy nhanh chán, vì vậy nhóm học gồm học sinh nhiều độ tuổi khác nhau hợp lý hơn – các em có thể giúp đỡ nhau và điều đó phù hợp với mô hình học tập của chúng. Nhưng hiện nay hệ thống trường học mà chúng ta đang có không cho phép chúng ta làm điều đó. 

Vậy ông nghĩ để thay đổi được điều đó thì cần những gì?

Tôi không thấy điều đó thay đổi theo kiểu “sỉ” – theo diện rộng nhưng tôi lại thấy nó đang diễn ra theo cách “lẻ”. Nhiều nỗ lực loại bỏ hệ thống giáo dục phân cấp theo độ tuổi trên diện rộng đều thất bại. Nhưng cũng có những trường, nhóm phụ huynh và giáo viên nhìn nhận trường học theo một cách khác và họ quyết định rằng: “Trẻ em học với các tốc độ khác nhau và chúng ta nên dựa theo tốc độ đó mà tổ chức trường học.”

Các trường học thực sự vẫn dần có nhiều thay đổi – nhưng không phải là các sự thay đổi lớn. Hầu hết những thay đổi này xảy ra từ các phong trào chính trị và kinh tế bên ngoài hệ thống trường học. Những phong trào này làm ảnh hưởng trường học, nhưng không phải theo mức độ mà những người cải cách và những người muốn cải cách muốn tin tưởng.

Leave a comment