Một khám phá mới về giới và năng suất làm việc trong mùa dịch

Nguồn:  Inside Higher Ed, đăng ngày 23/02/2022

Biên dịch: Lê Thị Thu Uyên – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

Một nghiên cứu mới về các ấn phẩm nghiên cứu khoa học được xuất bản trong mùa COVID-19 (phân chia theo giới) chỉ ra rằng năng suất của phụ nữ đã không giảm so với trước đại dịch. Kết quả này trái ngược với những nghiên cứu trước đó về cùng chủ đề.

Tuy nhiên, nghiên cứu này nhận định rằng trong mùa dịch, bất bình đẳng giới đã tăng lên trong một số lĩnh vực, đặc biệt là tâm lý học, toán học và triết học do nhu cầu chăm sóc và cách ly gia tăng.

Năng suất của phái nữ không giảm trong đại dịch. Nguồn ảnh: ISTOCK

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Journal of Information Science, trong đó viết rằng kết quả này không ấn định một bức tranh toàn cảnh. Tuy vậy, chúng ám chỉ “sự thiên vị giới liên quan đến chuyện xuất bản các ấn phẩm trong mùa dịch là không rõ ràng. Bức tranh toàn cảnh rất phức tạp và cần nghiên cứu thêm.”

Nhóm nghiên cứu đã xem xét 266.409 bài báo được xuất bản vào năm 2019, 2020 và tháng 01-2021 trên 2.813 tạp chí, trong 21 lĩnh vực, và phán đoán giới tính của tác giả dựa trên họ tên. Tất cả các bài báo đều lấy từ cơ sở dữ liệu Springer-Nature.

Ý tưởng của dự án là so sánh tỷ lệ xuất bản theo giới tính trong từng năm, tìm kiếm sự khác biệt lớn giữa năm 2019 (thời điểm trước đại dịch) và giai đoạn sau này. Trái ngược với nhiều nghiên cứu khác với các phương pháp luận và các tập dữ liệu đa dạng cho thấy phụ nữ xuất bản thua nam giới kể từ đầu năm 2020, nghiên cứu này không tìm thấy sự khác biệt đáng kể trong ba năm được so sánh.

Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể trong một số lĩnh vực nhất định. Tỷ lệ tác giả nữ giảm nhiều nhất trong lĩnh vực tâm lý học (từ năm 2019 – 01/2021 giảm 74.4%, và từ năm 2020 – 01/2021 giảm 12.3%). Xếp thứ hai là môn toán (giảm lần lượt trong các giai đoạn là 12.9% và 17.5%), kế đến là triết học (với mức tụt là 11.3% và 10.3%).

Theo nhóm nghiên cứu, việc triết học và toán học bị ảnh hưởng bởi COVID-19 thật “thú vị” vì những ngành này thường không yêu cầu các nghiên cứu thực nghiệm trên con người và nhẽ ra ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch hơn. Thêm nữa, nhiều bằng chứng cho thấy rằng sự chậm trễ nghiên cứu liên quan đến COVID-19 không chỉ do các rào cản bên ngoài mà còn do thời gian eo hẹp vì vừa phải giảng dạy, phục vụ và chăm sóc (nếu có).

Trong năm 2021, tỷ lệ tác giả nữ/nam tăng nhiều nhất là trong ngành địa lý (tăng 42.6% so với năm 2019 và tăng 32% so với năm 2020), tiếp theo là nha khoa (lần lượt là 27.7% và 19.8%), và cuối cùng là năng lượng (tương ứng 25% và 7%).

Nghiên cứu viết rằng: “Kết quả của nha khoa đặc biệt thú vị vì trong thực tế, y học là ngành có tốc độ xuất bản nhanh hơn các lĩnh vực khác”.

Về toán học và tâm lý học, nghiên cứu này cũng chỉ ra trong đợt dịch COVID-19, số lượng bài báo khoa học mà phụ nữ là tác giả chính, cũng như số lượng bài báo mà tác giả chính là nam giới còn phụ nữ là đồng tác giả, đều sụt giảm. Sự sụt giảm này có thể gợi ý rằng đây là những lĩnh vực mà văn hóa thiên vị ​​giới phổ biến hơn những lĩnh vực khác.

Một phát hiện quan trọng khác: ở những ngành có tỷ lệ tác giả nữ cao hơn thì số lượng bài báo chỉ có một tác giả ít hơn.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng giới tính của tác giả chính ảnh hưởng đến tỷ lệ nữ/nam của nhóm đồng tác giả. Các bài báo đồng tác giả với phụ nữ là tác giả chính có xu hướng cân bằng giới hơn: tỷ lệ trung bình theo từng năm và giữa các lĩnh vực là 0.68 khi phụ nữ là tác giả chính và 0.40 khi đó là nam giới.

Dariusz Jemielniak – đồng tác giả dự án, giáo sư nghiên cứu tổ chức và quản lý tại Đại học Kozminski ở Ba Lan và là phó khoa tại Trung tâm Internet và Xã hội Berkman Klein tại Đại học Harvard, chia sẻ rằng “có rất nhiều hiểu lầm về định kiến ​​giới trong giới học thuật”. 

Ông tin rằng sự thiên vị này có tồn tại, nhưng “việc bám vào khuôn mẫu về cách nó vận hành sẽ gây phản tác dụng”. Chúng ta cần đưa ra các chính sách dựa trên dữ liệu và điều quan trọng là phải nghiên cứu những dữ liệu này thay vì giả định mọi thứ chỉ từ một nhận thức.

Theo ông, một chính sách thực tế “cần phải hết sức thận trọng đối với những thay đổi trong quy trình. Trực giác của tôi – không dựa trên nghiên cứu – cho rằng có thể có một sự thiên vị đáng kể, nhưng nó là tiểu tiết. Ví dụ, tôi sẽ không ngạc nhiên chút nào nếu các học giả nữ không bị ảnh hưởng còn các bà mẹ có con nhỏ lại bị, và kể cả các ông bố có con nhỏ nữa dù tỷ lệ rất không cân xứng”.

Hạn chế và thận trọng

Do tính chất của việc xuất bản học thuật tương đối chậm, Jemielniak nhấn mạnh rằng những dữ liệu này cần tiếp tục được thu thập vì chưa có kết quả cuối cùng. Các nhà nghiên cứu đã giả định thời gian trung bình là 3-6 tháng từ khi nộp nghiên cứu đến khi xuất bản, và điều này rõ ràng nằm trong phạm vi thời gian nghiên cứu. Nhưng Jemielniak nói rằng “do giãn cách, việc xuất bản thực tế sẽ bị trì hoãn, muộn nhất là tới năm 2023”. Hơn nữa, theo ông, nghiên cứu này không thể tính hết các bài báo bị từ chối nhiều lần trước khi chính thức được xuất bản.

Kathleen Dolan – giáo sư ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Wisconsin (Mỹ) và là đồng biên tập của Tạp chí American Journal of Political Science, đã sớm nhận ra rằng phụ nữ xuất bản nhiều hơn bình thường một chút nhưng số bài báo cá nhân lại ít hơn trong mùa dịch.

Dolan cho biết bà không cho rằng phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới trong suốt đại dịch COVID-19, mà nói rằng nghiên cứu mới này không đưa ra “câu hỏi đúng cách”. Theo bà, việc xem xét các bài báo khoahọc trên tạp chí vào năm 2019, 2020 và tháng 01/2021 thì “không đủ để thấy sự biến đổi thực tế liên quan đến COVID”. “Trong nhiều lĩnh vực, một bài báo được gửi vào Thời điểm X và được chấp nhận để xuất bản có thể bị trì hoãn in ấn trong tối đa 2 năm.” Chẳng hạn, trong ngành khoa học chính trị, thời gian từ khi nộp đến khi xuất bản chỉ mất 1 năm sẽ được xem là “nhanh”.

Nếu COVID-19 thực sự đã làm tổn thương các nữ học giả nhiều hơn về mặt thời gian nghiên cứu, thì “chúng ta đừng nên mong đợi sẽ thấy tác động đó trong năm 2022 mà nhiều khả năng sẽ rơi vào năm 2023 và 2024.”

Theo quan điểm này, Dolan nói rằng bài báo của Jemielniak “sẽ là cơ sở tuyệt vời” cho những so sánh sau này. Vì lý do đó, một số nghiên cứu khác về ảnh hưởng lên giới của COVID-19 đã xét đến các bản thảo trong kho lưu trữ in ấn – nơi có thể tiếp cận nhiều bài báo rất sớm trước khi chúng được xuất bản chính thức. Cassidy Sugimoto – Chủ tịch Trường Tom and Marie Patton, trường Chính sách Công tại Viện Công nghệ Georgia (Mỹ), đã đồng viết một bản thảo nghiên cứu như vậy hồi tháng 05/2020, và nhận xét về nghiên cứu của Jemielniak rằng: “Tôi cũng sẽ thận trọng với những dữ liệu này. Chúng ta vẫn đang trong đại dịch, và sự chậm trễ xuất bản kéo dài sẽ khiến thực tế bị sai lệch ít nhiều”.

Leave a comment