Sự nguy hiểm của câu chuyện phiến diện

Nguồn: Facing History and Ourselves Đăng ngày: 10/2009

Biên dịch: Đặng Công Tịnh Biên tập: Quỳnh Lê

Chimamanda Ngozi Adichie là tác giả được biết đến với nhiều giải thưởng dành cho các tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngắn và bài luận của mình.Với kinh nghiệm sinh sống và học tập tại Nigeria, quê hương của cô, và tại Mỹ, Adichie đã miêu tả một cách chân thực và gần gũi về tác động của việc dán nhãn lên bản thân và người khác trong bài nói chuyện của mình tại TED Talk với chủ đề “Mối nguy từ góc nhìn phiến diện”.

Tác giả Chimamanda Ngozi Adichie nguồn: recoverynetwork:Toronto

Tôi đến từ một gia đình trung lưu điển hình ở Nigeria. Cha tôi là giáo sư, mẹ là quản lý. Giống như nhiều gia đình trung lưu khác, chúng tôi cũng có một người giúp việc trong nhà, người này thường đến từ những ngôi làng hẻo lánh gần đó. Đến năm tôi lên 8, nhà tôi nhận một cậu bé giúp việc mới. Tên cậu là Fide. Điều duy nhất mà tôi nghe về cậu từ mẹ là nhà cậu rất nghèo. Mẹ tôi đã từng gửi mứt, gạo và quần áo cũ cho gia đình cậu ấy. Những lúc tôi bỏ mứa thức ăn, mẹ tôi sẽ luôn nói rằng: “Không được bỏ mứa!! Con không biết là nhiều người như gia đình Fide không có gì à?”. Lúc đó tôi cảm thấy cực kỳ xót cho gia đình Fide.  

Vào một ngày thứ bảy nọ, tôi đến làng của Fide thăm gia đình cậu, mẹ của Fide cho tôi thấy những giỏ đan từ cây cọ raffia đầy màu sắc được chính tay anh trai của cậu làm. Lúc đó tôi đã giật mình. Tôi chưa từng nghĩ rằng bất kỳ ai trong gia đình cậu ấy có thể tạo ra thứ gì đó. Những gì tôi nghe được về họ là họ rất nghèo, vì vậy trong đầu tôi không có ý niệm nào khác về gia đình cậu ngoài nghèo đói. Cái nghèo là câu chuyện một chiều của tôi về họ. 

Nhiều năm sau, tôi đã nhớ tới chuyện này khi rời Nigeria đế sang Mỹ học Đại học. Lúc đó tôi 19 tuổi, người bạn cùng phòng người Mỹ đã sốc và hỏi tôi rằng tôi học tiếng Anh ở đâu mà có thể sử dụng nó tốt như vậy, lúc đó tôi cực kỳ hoang mang và trả lời rằng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức ở Nigeria. Cô ấy hỏi tôi rằng cô có thể nghe thứ mà cô gọi là “âm nhạc bộ lạc” của tôi hay không, và tất nhiên cô ấy hẳn đã rất thất vọng khi tôi lôi ra đĩa nhạc của Mariah Carey (một ca sĩ nhạc Pop người Mỹ). Cô ấy cũng cho rằng tôi không biết xài bếp gas. 

Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là cô ấy chưa gì đã cảm thấy làm tiếc cho tôi ngay cả khi chúng tôi chưa gặp mặt. Mặc định của cô ấy đối với tôi là một loại cảm giác bênh vực, thương xót đầy thiện chí dành cho một người Châu Phi yếu thế. Đối với người bạn cùng phòng này của tôi, cô chỉ thấy câu chuyện ở một phía: Một Châu Phi đầy bi thương. Trong câu chuyện đó, không tồn tại bất cứ người Châu Phi nào có cuộc sống tương đồng với cô, cũng như không có chỗ cho những xúc cảm cao hơn ngoài sự thương xót, và không có chỗ cho sự kết nối giữa những con người bình đẳng.Tôi phải nói rằng trước khi tới Mỹ, tôi chưa bao giờ nghĩ mình là người Châu Phi cho tới khi tôi bắt gặp ánh mắt của mọi người ở đây mỗi khi có ai đó nhắc đến người Châu Phi, không cần biết rằng tôi cũng chẳng biết gì về những nơi như Namibia. Nhưng tôi nghĩ rằng mình đã thật sự đón nhận danh tính mới này đến mức giờ đây tôi có thể thừa nhận rằng mình Châu Phi. .

Sau nhiều năm ở Mỹ với tư cách là người Châu Phi, tôi bắt đầu hiểu ra tại sao người bạn cùng phòng của tôi phản ứng như vậy. Nếu tôi không lớn lên ở Nigeria và chỉ biết đến Châu Phi qua những hình ảnh nổi tiếng của nó, bản thân tôi chắc cũng sẽ nghĩ rằng Châu Phi là nơi có nhiều cảnh đẹp với những con thú đẹp đẽ, những con người khó hiểu, đấu đá lẫn nhau vì những điều nhỏ nhặt, chết dần vì nghèo đói và AIDS, không có khả năng lên tiếng cho bản thân và chờ đợi một người đàn ông ngoại quốc da trắng tốt bụng tới cứu. Tôi cũng sẽ nhìn Châu Phi như cách mà tôi, lúc nhỏ, đã nhìn gia đình Fide…

Vì vậy tôi cũng bắt đầu nhận ra rằng chắc hẳn người bạn cùng phòng người Mỹ của tôi đã bị nhồi nhét nhiều phiên bản khác nhau của câu chuyện một chiều này trong suốt cuộc đời của cô ấy.  …

Tuy nhiên, tôi cũng phải thừa nhận rằng mình không đứng ngoài những câu chuyện phiến diện này. Vài năm trước, tôi từ Mỹ sang Mexico. Tình hình chính trị ở Mỹ khi đó đang cực kỳ căng thẳng, với các tranh cãi xoay quanh vấn đề nhập cư . Và như thường lệ, mỗi khi nhắc tới nhập cư thì người ta nghĩ ngay đến người Mexico và những câu chuyện đại loại như người Mexico lừa đảo giá dịch vụ y tế, trốn qua đường biên giới, và bị bắt tại đó.

Tôi nhớ ngày đầu ở Guadalajara, khi tôi đang đi dạo và quan sát người dân đi làm, cuộn bánh tortillas ở chợ, hút thuốc, cười đùa. Tôi nhớ mình đã thoáng ngạc nhiên và rồi chìm trong sự xấu hổ. Tôi nhận ra rằng mình đã quá tin vào cách truyền thông tô vẽ về người dân Mexico, những người nhập cư thấp hèn. Tôi đã tin vào một câu chuyện phiến diện như vậy về người Mexico và tôi không thể thấy xấu hổ hơn nữa về bản thân mình. Bằng cách lấy một đặc điểm nhận dạng nào đó gán cho cả một dân tộc và lặp đi lặp lại cho đến khi họ trở thành đặc điểm đó, chính là cách chúng ta tạo nên một câu chuyện phiến diện..

Khi nói đến câu chuyện phiến diện, chúng ta không thể không nhắc tới quyền lực. Có một từ trong tiếng Ibogo (một ngôn ngữ ở Nigeria), mà tôi luôn nghĩ tới bất cứ khi nào tôi nghĩ về hệ thống quyền lực của thế giới, đó là từ “nkali”, một danh từ tạm dịch là “có sức mạnh hơn người khác”. Giống như các cực chính trị và kinh tế trên thế giới, những câu chuyện cũng được quyết định bởi nguyên tắc nkali: cách chúng được kể, người kể chuyện, thời gian, số lượng câu chuyện. Tất cả đều phụ thuộc vào quyền lực.

Quyền lực không chỉ là khả năng kể một câu chuyện nào đó về người khác, mà là làm cho câu chuyện đó trở thành lăng kính duy nhất để nhìn người đó […] Và sự thật là tôi đã có được một tuổi thơ hạnh phúc, đầy tiếng cười và tình yêu thương trong một gia đình gắn bó. 

Nhưng tôi cũng có một người ông đã chết trong trại tị nạn. Người anh họ của tôi, Polle, chết vì không được chăm sóc y tế đàng hoàng. Một trong những người bạn thân của tôi, Okolona, chết trong một vụ rơi máy bay vì xe cứu hỏa không có nước. Tôi lớn lên dưới một chính phủ độc tài quân sự áp bức và coi thường giáo dục, đến mức cha mẹ tôi thỉnh thoảng không được trả lương. Và vì thế, khi còn nhỏ, tôi cũng đã chứng kiến những bữa sáng thiếu mứt trên bàn và sau đó là bơ, và rồi bánh mì thì quá mắc còn sữa thì chỉ bán giới hạn. Và trên hết đó là nỗi sợ chính trị thường trực ám ảnh cuộc sống của chúng tôi. 

Tất cả câu chuyện này đã tạo nên con người tôi của hiện tại. Nhưng nếu bạn chỉ chăm chăm nhìn vào những câu chuyện tiêu cực thì bạn sẽ thấy cuộc đời tôi chẳng có gì đáng nói và bạn cũng không thấy được rất nhiều những câu chuyện khác đã làm nên tôi. Những câu chuyện một chiều tạo nên khuôn mẫu, và vấn đề với những khuôn mẫu đó không phải là tại vì chúng không đúng mà là ở việc chúng không trọn vẹn. Khuôn mẫu khiến cho một câu chuyện bất kì trở thành câu chuyện duy nhất, 

Tất nhiên, Châu Phi là châu lục có đầy những câu chuyện thảm khốc. Có những thảm họa khủng khiếp như vụ hãm hiếp hàng loạt dã man ở Congo, hay những câu chuyện đáng buồn như 5,000 người cùng ứng tuyển vào 1 vị trí công việc ở Nigeria. Nhưng cũng có những câu chuyện quan trọng không bi thương khác đáng để nhắc đến.  

Tôi luôn cảm thấy rằng chúng ta không thể hiểu một cách đúng đắn về một nơi hay một người nào mà không tìm hiểu tất cả những câu chuyện về nơi hay người đó được. Hậu quả của câu chuyện phiến diện là việc nó lấy đi phẩm cách của con người. Nó làm ta không còn nhận ra bình đẳng giữa người với người. Nó xoáy sâu vào sự khác biệt giữa chúng ta nhiều hơn là sự tương đồng 

Vậy sẽ thế nào nếu như tôi theo dõi cuộc tranh luận về đề tài nhập cư từ cả hai phía trước khi đến Mexico? Sẽ như thế nào nếu mẹ tôi nói với tôi rằng gia đình Fide đã nghèo và rất chăm chỉ? Sẽ như thế nào nếu chúng tôi có một đài truyền hình Châu Phi phát sóng những câu chuyện muôn màu về nó trên khắp thế giới?

… Sẽ ra sao nếu người bạn cùng phòng của tôi biết về nữ luật sư gần đây đã tới tòa án Nigeria để phản đối một  điều luật nực cười về việc phụ nữ phải có được sự chấp thuận của người chồng trước khi làm lại hộ chiếu?. Sẽ ra sao nếu người bạn cùng phòng của tôi biết về Nollywood, nơi chứa đựng những nhà làm phim sáng tạo bất chấp những bất lợi về công nghệ. Những bộ phim này đã phổ biến đến mức trở thành một ví dụ điển hình cho việc những con người Nigeria dùng chính những thứ họ làm ra. Sẽ ra sao nếu người bạn đó biết về người thợ làm tóc tài năng và đầy tham vọng, người vừa mới khởi nghiệp bằng việc bán các múi tóc nối? Hoặc về hàng triệu người Nigeria khác cũng khởi nghiệp và mặc dù có đôi lúc thất bại, họ vẫn ấp ủ ước mơ của mình? 

Mỗi lần về nhà, tôi lại đối mặt với những vấn đề luôn khiến người dân Nigeria chúng tôi chạnh lòng: cơ sở hạ tầng tồi tàn, chính phủ thối nát. Nhưng cũng chính nhờ tài năng và sự nhiệt huyết, người dân chúng tôi vẫn kiên cường vươn lên bất chấp chính quyền thay vì ngồi yên chịu đựng. Tôi mở một lớp dạy viết ở Lagos vào mỗi mùa hè, và tôi cảm thấy ngạc nhiên với số lượng người muốn tham gia, những người háo hức học viết và học cách kể chuyện 

Những câu chuyện rất quan trọng, và có rất nhiều câu chuyện quan trọng. Có những câu chuyện được dùng để bôi nhọ và phỉ báng nhưng cũng có nhiều câu chuyện bồi đắp và cảm hóa lòng người.. Có những câu chuyện làm tổn thương lòng tự trọng của cả một dân tộc, nhưng cũng có những câu chuyện chữa lành những lòng tự trọng bị tổn thương ấy..

Nhà văn người Mỹ, Alice Walker, có viết như thế  này về người họ hàng miền Nam của bà khi họ quyết định chuyển tới miền Bắc. Bà giới thiệu cho họ một cuốn sách về cuộc sống miền Nam, nơi họ đã bỏ lại đằng sau. “Họ ngồi xung quanh, tự đọc và nghe tôi đọc sách,và sự bình yên chốn thiên đường như đang quay trở lại.. Tôi muốn kết thúc bài nói hôm nay bằng lời này: Khi chúng ta không còn chấp nhận một câu chuyện phiến diện, khi chúng ta nhận ra chẳng bao giờ có một câu chuyện đơn nhất cho một nơi nào đó, chúng ta tìm lại được thiên đường. Từ chối câu chuyện một chiều là khi chúng ta nhận ra không nơi nào có một câu chuyện, chúng ta chuộc lại một kiểu thiên đường.

Leave a comment