Một mô hình giáo dục không đo ni đóng giày cho tất cả

Đã đến lúc cho sự đa dạng, thực nghiệm và sáng tạo

Nguồn: The Economist, ngày đăng: 30/9/2017

Biên dịch: Lê Đàm Bảo Hân – Biên tập: Nguyên Lê

Điểm độc đáo nhất trong lớp học của Sandy Sablon tại trường tiểu học Oran-Constantine, ngoại ô phía bắc cảng Calais, là sự xuất hiện của những quả bóng tennis cũ gắn dưới chân của mọi chiếc ghế nhỏ. Để không gây ồn, vị Giáo viên này đã dành một ngày cuối tuần để rạch những vết cắt ở những quả bóng màu xanh và lắp chúng dưới chân ghế để làm giảm tiếng ồn trong lớp học, vì đây là một nan đề khi cô áp dụng phương pháp giáo dục mới. Đã qua thời kỳ các bàn học được xếp thành hàng lối ngay ngắn. Thay vào đó, cô nhóm những học sinh có cùng thành tích vào các bàn chung, làm cho chúng cần đứng dậy và di chuyển nhiều hơn.

Những gánh nặng thời kỳ hậu công nghiệp của nước Pháp đổ dồn về Pháo đài Nieulay, vùng lân cận của Calais bao quanh trường học. Những ngôi nhà gạch đỏ, được xây dựng cho các gia đình công nhân lao động tay chân vào những năm 1950, nhô lên trên các khối tháp hằn vệt mưa. Trong khuôn viên, quán bar Friterie-Snack mở cửa phục vụ khoai tây chiên, nhưng các mặt tiền cửa hàng khác đã bị bỏ không. Xích đu của bọn trẻ bị hỏng. Sophie Paque, vị hiệu trưởng hăng hái của trường tiểu học Oran-Constantine, cho biết 89% học sinh của cô sống dưới mức nghèo khổ một cách đáng kinh ngạc. “Chúng ta dạy chúng những mô phạm mà chúng không được thực hành ở nhà.” Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Calais là hơn 45%, gấp đôi mức trung bình của cả nước. Ở Fort Nieulay, con số đó chạm ngưỡng 67%.

Mùa thu này, Oran-Constantine, cũng như 2.500 lớp học ưu tiên khác trên toàn quốc, đang hưởng lợi từ lời hứa của Tổng thống Macron rằng sẽ giảm một nửa sĩ số lớp học xuống còn 12 học sinh cho trẻ 5 và 6 tuổi. Chính sách mới đã gây ra một số thay đổi hỗn loạn nhất định ở những nơi khác, nhưng Oran-Constantine đã được chuẩn bị cho sự thay đổi này. Khu vực đó vốn là một phần của kế hoạch thí điểm được đưa ra vào năm 2011, với các lớp học quy mô nhỏ hơn cho những giờ đọc bài và hình thức học tập được cá nhân hóa. Điều này đã được thực hiện dưới sự chỉ đạo của một quan chức giáo dục, Jean-Michel Blanquer, người hiện là Bộ trưởng Bộ Giáo dục của ông Macron. Những học sinh tiếp thu nhanh hơn sẽ sử dụng phần mềm nhận dạng giọng nói trên máy tính bảng, để dành thời gian cho giáo viên có thể giúp đỡ những bạn học yếu hơn. Christophe Gomes, từ Agir pour l’Ecole, một hiệp hội được tư nhân tài trợ một phần, đã triển khai kế hoạch thí điểm do chính phủ hỗ trợ, cho biết: “Các giáo viên Pháp vốn có xu hướng triển khai bài giảng như những chiếc xe đẩy hơi nước: đi thẳng về phía trước với cùng một tốc độ; còn ở đây, “học sinh thiết lập tốc độ.” Một số giáo viên lo sợ rằng công nghệ đang đe dọa công việc của họ, nhưng thay vào đó họ cũng nhận thấy rằng chúng cho phép họ thực hiện công việc của mình tốt hơn. Một năm sau khi thử nghiệm, số học sinh gặp khó khăn về khả năng đọc tại 11 trường học ở Calais tham gia kế hoạch thí điểm này đã giảm một nửa.

Nguồn ảnh: Bài viết gốc

Những phương pháp mới mẻ như vậy có vẻ không gây tranh cãi ở những nơi khác, nhưng ở Pháp, chúng thách thức các lề thói giáo dục. Trong nhiều năm, giáo dục bị đóng khung trong cái cái gọi là “chuyên chế của tính đồng bộ” (tyranny of normal). Kể từ khi Jules Ferry giới thiệu chương trình giáo dục phổ cập bắt buộc, miễn phí và già cỗi trong những năm 1880, hình thái trường học đồng bộ đã trở thành một phần trong lề thói của người Pháp trên toàn quốc. Các instituteur, hay giáo viên ở thế kỷ XIX, là những nhân vật truyền giáo, người bảo đảm cho bình đẳng và chuẩn mực dân chủ. Các giáo viên đã được đào tạo trong các trường sư phạm lớn (écoles normales). Cho đến ngày nay, Bộ Giáo dục hùng mạnh vẫn là cơ quan quyết định các chương trình giảng dạy và thời khóa biểu được tiêu chuẩn hóa. Tất cả trẻ 11 tuổi đều dành chính xác bốn tiếng rưỡi trong một tuần để học toán. Hoạt động thí nghiệm thực hành trên lớp bị đặt vào thế hoài nghi. “Các lớp học không phải là phòng thí nghiệm”, vài năm trước, một báo cáo của cơ quan thanh tra giáo dục theo hướng bảo thủ đã nhận định như vậy, “và học sinh không phải là những chú chuột bạch.”

Tuy nhiên, “trên thực tế, hệ thống chuẩn hóa của chúng ta không mang đến sự bình đẳng,” ông Blanquer nói. Ở độ tuổi 15, 40% học sinh Pháp có hoàn cảnh ở dưới ngưỡng “khó khăn”, một con số cao hơn mức trung bình của OECD sáu phần trăm. Các trường học ở Pháp, với nội dung học và bài kiểm tra khắt khe, đã làm tốt công việc của mình đối với những học sinh có tố chất, nhưng thường thất bại đối với nhóm học sinh ở tốp dưới cùng. Eric Charbonnier, một chuyên gia giáo dục của OECD, cho biết Pháp là “trường hợp ngoại lệ”, bởi vì trái ngược với hầu hết các quốc gia khác, bất bình đẳng trong giáo dục Pháp đã thực sự gia tăng trong thập kỷ qua. Rắc rối bắt đầu vào năm đầu tiên của trường tiểu học, khi trẻ đột ngột chuyển thói quen từ vẽ tranh bằng ngón tay (maternelle, nhà trẻ) sang ngồi ngay ngắn theo hàng để học đọc và viết. Những trẻ yếu hơn nhanh chóng bị tụt lại phía sau và khó bắt kịp.

Macron và Blanquer đã đặt cải cách giáo dục tiểu học làm trọng tâm trong chính sách của họ để chống lại thất bại trong giáo dục và cải thiện cơ hội cuộc sống. Việc tinh giảm một nửa sĩ số lớp học chỉ là bước khởi đầu. Ông Blanquer, cựu giám đốc của Essec, một trường học tư nhân danh giá, đã suy nghĩ về những chính sách các nước khác áp dụng và cách Pháp có thể học hỏi những điều đó. Ông quan tâm đến tính tự chủ và thực nghiệm, điều này đã đặt nghề dạy học lên bờ vực. Nền giáo dục của Pháp từ lâu đã hoạt động gần như theo đường lối quân sự. Một đội quân gồm 880.000 giáo viên được điều tới các trường học trên khắp đất nước. Các hiệu trưởng không có tiếng nói trong việc bổ nhiệm nhân viên. Trong quá trình làm việc, giáo viên sẽ được chấm điểm để làm căn cứ tái bổ nhiệm. Những giáo viên mới vào nghề tuy có chuyên môn cao nhưng chưa đủ số điểm đó sẽ được luân chuyển đến những vùng khó khăn, và số lượng thay đổi nhân sự ở những nơi như vậy cao một cách đáng kinh ngạc.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Macron đã hứa sẽ trao cho các trường quyền tự chủ nhiều hơn về phương pháp giảng dạy, thời gian biểu và công tác tuyển dụng, đồng thời chấm dứt việc các giáo viên mới với chuyên môn cao phải thuyên chuyển đến các trường học khó khăn nhất. Tuy nhiên, việc các trường học nhận được mức độ tự do cao hơn trong hoạt động thực nghiệm sẽ đòi hỏi một sự thay đổi lớn trong tư duy. Chỉ hơn 20% giáo viên Pháp điều chỉnh phương pháp của họ phù hợp với khả năng cá nhân, so với hơn 65% giáo viên ở Na Uy.

Ở đầu kia của nấc thang giáo dục, một gợi ý về cách giáo dục độc lập sáng tạo của Pháp có thể được tìm thấy bên trong một tòa nhà hình hộp ở rìa phía bắc Paris. Đây là 42, một trường học coding (coding school). Nó được đặt tên theo con số là “câu trả lời cho câu hỏi cuối cùng về sự sống, vũ trụ và mọi thứ”, theo tác phẩm kinh điển khoa học viễn tưởng của Douglas Adams, “The Hitchhiker’s Guide to the Galaxy”. Sảnh vào 42 đều làm bằng bê tông và đường ống lộ thiên. Có một giá để ván trượt và một bức tranh vẽ một người đàn ông đang đi tiểu vào bức tường được phun graffiti.

Lý thuyết về bản chất hệ (Metaphysics) và chế độ trọng dụng nhân tài (Meritocracy)

42 là định nghĩa của tập hợp tất cả những gì mà giáo dục đại học truyền thống của Pháp không có. Trường được tài trợ hoàn toàn bởi ông Niel, một doanh nhân, nhưng miễn phí cho mọi học sinh. Trường không tổ chức lớp học, không có giai đoạn hay thời gian biểu cố định và không cấp bằng chính thức. Tất cả việc học được thực hiện thông qua các tác vụ trên màn hình, với tiến độ được cá nhân hóa; “Sinh viên tốt nghiệp” thường được các nhà tuyển dụng săn đón trước khi họ hoàn thành chương trình của mình. Không có bài giảng và những tòa nhà mở cửa suốt ngày đêm. Trường có tính chọn lọc cao và tỷ lệ học sinh bỏ học là 5%. Khi trường mở cửa vào năm 2013, một tờ báo Le Monde đã mô tả đó là một nơi “kỳ lạ”. Nicolas Sadirac, giám đốc trường, cho biết: “Chúng tôi không nói về việc truyền tải kiến ​​thức. “Chúng tôi đang đồng phát minh ra khoa học máy tính.” Ông ấy thích gọi 42 là một trường nghệ thuật.

Vào một buổi sáng ngày trong tuần, Guillaume Aly lịch sự tháo tai nghe của mình ra để trả lời các câu hỏi khi anh ấy đến 42. Anh ấy đã nhập ngũ 8 năm trước khi nộp đơn và đi học ở Seine-Saint-Denis, một vùng ngoại ô gần đó, nơi tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước. “Tôi 30 tuổi và bạn không có nhiều hy vọng được đi học khi ở độ tuổi của tôi,” anh nói. Nhưng 42 đã minh chứng tinh thần không coi trọng hoàn cảnh xuất thân cũng như kết quả điểm số. Trường kiểm tra các ứng viên ẩn danh trực tuyến, sau một tháng nghiên cứu họ sẽ lựa chọn từ danh sách rút gọn. Mỗi năm có 50.000-60.000 người nộp đơn và chỉ có 900 người được nhận. Léonard Aymard, gốc Annecy, là một hướng dẫn viên du lịch khi anh nộp đơn. Loic Shety, đến từ Dijon, đã giành được một suất học mặc dù anh ta thiếu chứng chỉ tú tài tốt nghiệp (baccalauréat). Mathilde Allard từ Montpellier nói: “Trường không dành cho tất cả mọi người, nhưng chúng tôi làm việc cùng nhau để cùng đi đúng hướng.”

Bên kia sông Seine, trên bờ trái sang trọng của thủ đô, Đại học Paris-Descartes như cách xa 42 một thế giới. Trường nằm trong một tòa nhà có từ cuối thế kỷ XVIII. Là nơi tọa lạc của một trong những trường y uy tín nhất ở Pháp, trường là niềm khao khát của những học sinh ưu tú nhất của thủ đô và là trung tâm nghiên cứu đẳng cấp thế giới về y học cũng như khoa học đời sống. Tuy nhiên, một cái nhìn thoáng qua về Descartes cũng cho thấy cách giáo dục đại học Pháp có thể trói chặt bàn tay của những nhà đổi mới, bao gồm cả hiệu trưởng của trường đại học, Frédéric Dardel, một nhà sinh học phân tử.

Giống như các trường đại học trên toàn thế giới, Descartes thường nhận được số lượng đơn đăng ký nhập học lớn hơn nhiều so với số lượng họ có thể đáp ứng. Tuy nhiên, không giống như những người đứng đầu đại học ở các nước khác, ông Dardel không được phép lựa chọn sinh viên của mình. Kể từ khi Napoléon thiết lập hệ thống cấp bằng từ bộ giáo dục, kỳ thi tú tài không chỉ đơn thuần để tốt nghiệp mà còn cung cấp một tấm vé đến với đại học, nơi có mức học phí hợp lý hơn. Học viên có thể đăng ký bất kỳ khóa học nào mình thích, không phụ thuộc vào trình độ cá nhân. Sau đó, một hệ thống tập trung phân bổ các sinh viên về trường của Dardel dẫn đến việc một số khóa học bị quá tải học viên. Khi một trường đại học không thể nhận thêm nữa, những học sinh thuộc các trường lân cận được cho là sẽ nhận được ưu tiên, nhưng thực tế rằng ngày càng tăng thêm nhu cầu phân bổ sinh viên qua hệ thống ngẫu nhiên của máy tính, thường được gọi là “tirage au sort”, vốn đã tác động đến 169 ngành học trên toàn nước Pháp trong năm nay. Khả năng của sinh viên không còn quan trọng, trong hệ thống này. “Đó là một hệ thống vô lý và thất bại,” ông Dardel nói. Ông tính toán rằng tỷ lệ bỏ học tại Descartes trong sáu năm qua đã lên đến mức 45%.

Không phải tất cả các trường đại học đều có thể giống như 42. Ông Dardel dành sự trân trọng cho ngành học coding nhưng cho rằng vẫn cần có vị trí cho toán lý thuyết trong khoa học máy tính. Trong năm thứ ba, chương trình tin học tại Descartes vẫn đặt nặng về lý thuyết toán học. Không có quyền lựa chọn những người theo học, quá nhiều sinh viên trượt, điều đó gây nên sự thất vọng và lãng phí. Vào năm 2014, 81 trong số 268 sinh viên được phân bổ vào khóa học toán và máy tính tại Descartes vốn không nhận được tú tài ban S, ban học nặng về toán của kỳ thi tốt nghiệp. Sau năm đầu tiên là sinh viên đại học, chỉ có hai trong số 81 người đó vượt qua kỳ thi.

Ông Sadirac ở trường 42 cho biết: “Ở Pháp, chúng ta có thiên hướng nghĩ rằng cần phải có chung một con đường cho tất cả mọi người.” Trải nghiệm từ ngôi trường của ông, cũng như từ Descartes và Oran-Constantine, đã rẽ lối cho nước Pháp để vượt lên trên sự tầm thường chuyên chế, để tận dụng những gì họ làm tốt và hạn chế những gì chưa tốt. Có rất nhiều trăn trở cho câu hỏi làm thế nào để thoát khỏi tính phổ quát, tiêu chuẩn hóa trong giáo dục và khiến cho việc giảng dạy được cá nhân hóa hơn, mà không làm mất đi chất lượng. Những trường đại học đẳng cấp thế giới, những đại học kinh doanh và kỹ thuật của Pháp, vốn được xếp hạng cao trên thế giới, có tính cạnh tranh cao, nhưng chúng chỉ dành cho khoảng 8% số lượng sinh viên. Thách thức đặt ra ở đây là thuyết phục quan điểm công chúng, sinh viên, phụ huynh và giáo viên rằng sự đa dạng, tự chủ và thực nghiệm không phải là mối đe dọa đối với bình đẳng, mà là phương cách để khôi phục nền giáo dục đã lạc lối này. Nếu Macron có thể làm được điều đó, ông sẽ đi được một chặng đường dài trong việc cải thiện đời sống ở nhiều khu vực như khu Calais, nơi đang chứng kiến sự thất bại của hệ thống giáo dục.

Leave a comment