Covid-19 đã làm gián đoạn việc học như thế nào?

Nguồn: The Economist, đăng ngày: 19/03/2020

Biên dịch: Liễn Đỗ  –  Biên tập:  Phạm Thủy Tiên

Gần một tỷ trẻ em đã chứng kiến trường học của mình bị đóng cửa.

Học sinh thường sẽ rất hào hứng khi được nghỉ học vì đây là thời gian các em được vui chơi tự do. Nhưng Ryu, cậu bé 9 tuổi ở Tokyo, lại không nằm trong số này. Vì làn sóng lây lan dịch bệnh mới, các trường học ở Nhật Bản bị đóng cửa từ ngày 2 tháng 3 (năm 2020). Bố mẹ của Ryu đã sắp xếp một lịch học dày đặc, bao gồm Tiếng Nhật, Khoa học và Giáo dục thể chất hằng ngày. Mỗi buổi sáng cậu học toán bằng bàn tính. Mỗi ngày cậu có 90 phút để ra ngoài chơi công viên. Fujimaki Natsuko, mẹ Ryu than vãn: Tôi muốn cho bé ra ngoài chơi thêm, nhưng chúng tôi không có nhiều thời gian vì vẫn phải làm việc ở nhà (work from home)’’.

Ryu là một trong gần cả tỷ học sinh trên toàn thế giới phải tạm dừng đến trường vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (xem bản đồ bên dưới). Hơn 100 quốc gia bao gồm Trung Quốc, Ý và Hàn Quốc đã đóng cửa trường học, y như 43 bang ở Mỹ để phòng ngừa dịch bệnh lây lan. Tất cả các trường ở Anh dự định đóng cửa vào ngày 20 tháng 3. Trường học là nơi dễ lây lan dịch bệnh vì số lượng học sinh đông tụ tập, học tập và chơi cùng nhau. Vào năm 2013, Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Anh (Britain’s Health Protection Agency) cho biết các trường học cũng phải tạm nghỉ vì sự bùng phát của dịch cúm. Việc đóng cửa trường học có thể hạn chế được sự lây nhiễm của vi rút nhưng cũng làm chậm đi việc truyền đạt kiến thức.

Không có nhiều dữ liệu cho thấy hiệu quả của việc đóng cửa trường học trong việc làm giảm sự lây lan của Covid-19. Theo Michael Head, chuyên viên nghiên cứu sức khỏe toàn cầu ở trường Đại học Southampton, “trẻ em không phải là con đường lây nhiễm chính’’. Hơn thế nữa, chúng ta đang phải chịu gánh nặng về kinh tế, xã hội và giáo dục. Ngày 12 tháng 3, Thị trưởng New York, Bill de Blasio giải thích rằng có “nhiều và rất nhiều lý do” để tiếp tục mở cửa 1800 trường học của bang này (mặc dù vào ngày 16, ông đã phải làm điều này, đóng cửa hệ thống trường học lớn nhất ở Mỹ ít nhất trong vòng 4 tuần). Với nhiều chính quyền, việc quyết định đóng hay mở cửa trường học chỉ là lựa chọn giữa hai phương án “tệ và tệ hơn”. Năm 2009, một nghiên cứu cho thấy việc tạm ngừng hoạt động của trường học và các trung tâm chăm sóc trẻ ở Mỹ đã làm giảm 0.1-0.3 % GDP chỉ trong một tháng. Trong tình huống này, một số quốc gia có vẻ đã có sự chuẩn bị tốt hơn trong việc giải quyết các tác động kinh tế. Trung Quốc đã áp dụng chỉ thị phong tỏa toàn quốc và bắt buộc người lao động phải làm việc tại nhà, và trợ cấp cho các công ty để tạo điều kiện cho người lao động thực thi chính sách này. Trong khi đó, ở Nhật Bản, không phải ai cũng được làm việc ở nhà và được nghỉ bệnh có hưởng lương. Ở Ý, một phần năm người lao động là làm việc tự do, và vì vậy họ không đủ tiêu chuẩn để nhận lương khi nghỉ bệnh. Những người làm việc thời vụ có thể bị đuổi việc nếu họ ở nhà trông con.

Đối những trẻ em nghèo, trường học có thể là nơi cung cấp đồ ăn trưa đầy đủ dinh dưỡng nhất trong ngày. Khoảng 26 triệu học sinh ở Mỹ – chiếm khoảng một nửa số học sinh toàn quốc – đủ tiêu chuẩn để được giảm hoặc miễn phí ăn trưa. Ở Thành phố New York, 22 nghìn trẻ em ngủ ở các nhà cộng đồng (thường dành cho người vô gia cư – ND). Một số học khu (school districts) ở đây đang thiết lập những điểm hỗ trợ di động để giúp các học sinh khó khăn nhận được các bữa cơm miễn phí. Nước Anh cho biết họ sẽ tiếp tục hỗ trợ các đối tượng trẻ em này với những suất ăn miễn phí.

Các quan chức luôn phải để ý đến những khoản chi này. Tuy nhiên, trong đại dịch, các chi phí này lại càng cần được quan tâm và tính toán.Nghiên cứu năm 2009 dự đoán rằng, nếu trường học đóng cửa trong vòng một tháng, thì khoảng 6%-10% nhân viên y tế tuyến đầu có thể phải ở nhà để trông con. Nước Anh tiếp tục mở cửa trường học cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các trẻ em có bố mẹ là những công nhân trọng yếu (key workers).

Tuy nhiên, lo lắng trước hết của hầu hết phụ huynh lúc này là việc đóng cửa trường học sẽ ảnh hưởng đến việc học của trẻ. Đặc biệt việc này làm học sinh, sinh viên đang chuẩn bị các kỳ thi phải hoảng sợ. Kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc, Cao Khảo (Gaokao) thông thường diễn ra vào tháng 6, nhưng có thể bị hoãn vào năm nay (2020), theo Xu Liangdi của Viện Chính sách Trung Quốc (China Policy) dù chính quyền chưa đưa ra thông báo chính thức cho tới nay.

Ở Anh, khoảng 245 nghìn học sinh sẽ tham gia các kỳ thi A-Levels, những kỳ thi này sẽ quyết định họ được vào trường đại học nào. Tuy nhiên vào ngày 18 tháng 3, chính phủ Anh đã thông báo hủy các kỳ thi này. Thủ tướng Boris Johnson cho biết chính phủ sẽ đảm bảo rằng học sinh sẽ nhận được các bằng cấp cần thiết và xứng đáng cho con đường học tập của các em. Thông tin này có thể sẽ xoa dịu những em từ các gia đình không mấy khá giả hoặc không có học thức cao – những em sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc trường học đóng cửa.

Đối với các sinh viên Mỹ thì rủi ro này thấp hơn, một phần bởi vì bảng điểm của học sinh – vốn dựa trên kết quả học tập của cả năm – mới là yếu tố quan trọng nhất cho bộ hồ sơ dự tuyển đại học, nhưng cũng là vì học sinh vẫn có thể tham gia kỳ thi SATS, kỳ thi được áp dụng cho tuyển sinh đầu vào, được tổ chức quanh năm. Hầu hết học sinh sẽ đăng ký thi SATS vào mùa xuân. Với những em muốn bắt đầu học đại học vào năm 2021, kỳ thi vào tháng 3 và tháng 5 đã bị hủy. Tuy nhiên, các em sẽ được đặt lại lịch thi và sẽ có thể thi từ nhà.

Tuy vậy các trường đại học vẫn phải sẵn sàng để xoay xở với các tình huống. Bethany Perkins – Giám đốc Tuyển sinh Đại học Miami ở Ohio cho biết Covid-19 chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến quy trình tuyển sinh, đặc biệt là thời hạn. Sinh viên nhận được giấy báo từ các trường Đại học Mỹ phải quyết định chọn trường nào trước ngày 1 tháng 5, tuy nhiên các em lo lắng vì không thể tham quan trường học trước khi đưa ra quyết định quan trọng này.Vì vậy, nhiều phụ huynh và con em đã yêu cầu trường dời thời hạn tới đầu tháng 6. Nhưng các trường đại học vẫn chưa phản hồi, còn Harvard cho biết họ sẽ giữ nguyên quá trình xét đơn ứng tuyển.

Sự gián đoạn này là một lý do cộng thêm cho những ai không tán thành các kỳ thi may rủi, những kỳ thi mà nhiều nhà giáo dục muốn hủy bỏ. Một số trường đại học đã ngừng bắt buộc thi SATS, một số trường khác đang cân nhắc điều này. Cô Perkins cho biết Covid-19 có thể sẽ thúc đẩy việc ngừng xét điểm SATS ở các trường nhanh hơn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến biến động này. Nhưng những lỗ hổng của cách đánh giá khác cũng có thể sẽ trở nên rõ ràng hơn trong vài tháng tới, ủng hộ cho những ai tin tưởng rằng SATS và các bài thi chuẩn hóa – được cho là cung cấp các phương pháp đánh giá năng lực một cách tương đối khách quan và minh bạch – là cách ít không công bằng nhất trong việc xét tuyển đại học.

Đại dịch không thể thay đổi được việc dạy và học trực tuyến, nhưng nó sẽ cho chúng ta thấy được ưu điểm và nhược điểm của phương pháp này. Các nguồn tài liệu trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến nhưng chỉ vài quốc gia có thể phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho mọi học sinh. Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi ứng dụng Teacher Tapp trên hơn 6.000 giáo viên ở Anh chỉ ra rằng chỉ 40% giáo viên ở các trường công lập có thể đăng tải các bài học video, so với 69% giáo viên ở trường tư. Elena Silva của Viện nghiên cứu New America phát biểu rằng rất ít bang ở Mỹ đủ công cụ dạy học trực tuyến “Hầu hết các bang không chuẩn bị kỹ. Đây là thời điểm bắt buộc phải nắm bắt cơ hội này.’’

Giáo viên khó mà làm cái gì khác được ngoài phải nắm lấy cơ hội này. Kể từ khi Ý đóng cửa trường học vào ngày 5 tháng 3, các diễn đàn cho giáo viên đầy những thảo luận về nền tảng Zoom, Moodle và các lớp học trực tuyến. Mặc dù giáo viên được hướng dẫn sử dụng công nghệ, nhưng nhiều người vẫn gặp khó khăn. Carla Crosato – giáo viên ở Treviso, Miền Bắc nước Ý, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành Youtuber ở tuổi 56 khi đăng tải những video giải thích cho học sinh về tiểu thuyết Italo Svevo và Luigi Pirandello.

Thậm chí nhiều giáo viên dù đăng tải được các bài giảng, nhưng học sinh vẫn gặp khó khăn khi truy cập. Không phải ai cũng có thể truy cập mạng (xem biểu đồ). Ở Mỹ, khoảng 7 triệu học sinh không thể truy cập mạng ở nhà. Ông Lin Kengying làm việc tại Học viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 (21st Century Education Research Institute)  ở Trung Quốc cho biết tổ chức này đã xem xét lại tiềm lực của việc học trực tuyến (e-learning) khi trường học đóng cửa từ kỳ nghỉ Tết nguyên đán đầu tháng 1. Ông nói thêm về các vấn đề tồn đọng như nguồn mạng, lịch học các lớp, khó khăn của giáo viên và việc giảng dạy các môn không thích hợp để dạy từ xa như giáo dục thể chất. Ở Trung Quốc, giáo viên phải nộp giáo án để được duyệt, dẫn đến nhiều lần trì hoãn. Học sinh còn liên tục đánh giá một sao cho các ứng dụng học tập trực tuyến để mong chúng bị xóa. Xue Hua, mẹ của hai bạn học sinh ở tỉnh Giang Tây, vì lo lắng với lượng thời gian tiếp xúc màn hình quá nhiều nên đã phải in hết tất cả tài liệu học cho cậu con trai Guo Guo 16 tuổi.

Ngay cả khi thực hiện đúng cách, học trực tuyến vẫn là một phương pháp thay thế còn nhiều hạn chế trong lớp học. Susanna Loeb của trường Đại học Brown cho biết học sinh học trực tuyến không tốt bằng học tại lớp, đặc biệt với những em học lực yếu. Những khóa dạy trực tuyến có thể là nguồn tài liệu quý giá mà các em nhận được khi không được đến trường, tuy nhiên cô cho rằng chúng chỉ là giải pháp tạm ổn và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc học tập của trẻ khi chúng không được học trực tiếp tại trường trong thời gian dài.

Rõ ràng học trực tuyến cũng có nhiều tiềm năng. Công nghệ trong giáo dục được hỗ trợ mạnh mẽ bởi trí tuệ nhân tạo có thể giúp trẻ em ở quốc gia nghèo có thể tiếp cận với trường học tạm thời – với điều kiện là chúng truy cập được mạng. Vào năm 2018, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng sau 4 tiếng rưỡi sử dụng một ứng dụng tên là Mindspark do Ấn Độ phát triển để kiểm tra kỹ năng toán và ngôn ngữ cơ bản, trẻ em có tiến bộ ở các kỹ năng này hơn là các em học trực tiếp.Tuy nhiên, thành công của những sáng kiến này phụ thuộc rất nhiều vào quá trình chuẩn bị và tổ chức kỹ lưỡng, chứ không phải là những thay đổi đột ngột tạm bợ để nhồi nhét các chương trình có sẵn cho toàn bộ học sinh giữa đại dịch.

Leave a comment