Giáo dục về môi trường: Chúng ta đã làm sai ở điểm nào?

Nguồn: Yale Environment 360, ngày đăng: 26/5/2011

Tác giả: Michelle Nijhuis  

Biên dịch: Uyên Thanh – Biên tập: Quỳnh Lê

Nhà bảo tồn biển Charles Saylan tin rằng hệ thống giáo dục Hoa Kỳ đang gặp thất bại trong việc tạo ra những công dân có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường. Để làm được điều này, trong một cuộc phỏng vấn với Yale Environment 360, Saylan đưa ra đề xuất về việc các nhà giáo dục cần phải ngưng khoa trương, mà thay vào đó là tập trung đưa các giá trị môi trường trở thành một phần trọng tâm của nền giáo dục công.

Trong cuốn sách mới, Charles Saylan, nhà đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Hiệp hội Bảo tồn Đại dương có trụ sở tại California, cùng với đồng tác giả của mình đã đặt ra một câu hỏi quan trọng: Hệ thống giáo dục Hoa Kỳ có thể làm gì để nâng cao hiểu biết của học sinh về môi trường và tầm quan trọng của môi trường trong cuộc sống của họ? Trong cuốn Sự thất bại của giáo dục môi trường (và cách chúng ta sửa chữa chúng) ( The Failure of Environmental Education (And How We Can Fix It),Saylan và Daniel Blumstein, giáo sư sinh học tại Đại học California-Los Angeles, đã đề cập đến việc môi trường thường bị xem như một vấn đề chính trị và bị các nhà quản lý và phụ huynh lề hoá khỏi chương trình giảng dạy tại trường học. Thế nhưng các tác giả cho rằng, nếu xét về bản chất, trách nhiệm môi trường là một giá trị rất rộng và phi đảng phái, do đó, việc chúng ta có trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng sẽ giống như việc chúng ta tôn trọng luật pháp. Vì vậy, môi trường xứng đáng có một vị trí trung tâm trong giáo dục công, với hi vọng rằng những bài học về môi trường sẽ tác động tích cực đến hành động hàng ngày của mỗi học sinh. Tác giả cho rằng, mỗi công dân khi được giáo dục về môi trường không những cần phải nắm bắt những kiến thức khoa học về môi trường mà hơn hết cần phải “có năng lực nhìn thấy những giá trị vô hình của mọi vật, chẳng hạn như việc trân trọng vẻ đẹp của những cánh rừng hay sự nguyên sơ, đẹp đẽ một cách mãnh liệt của vùng hoang dã rộng lớn.”

Nguồn: Tehran Times

Trong một cuộc phỏng vấn với Yale Environment 360, Saylan đã nhấn mạnh rằng, nâng cao nhận thức chỉ là một nửa phần việc của giáo dục môi trường. Điều quan trọng hơn cả là sinh viên cần phải được giáo dục để giải quyết các vấn đề môi trường trong cộng đồng của mình đồng thời cần phải tìm hiểu quy trình chính sách diễn ra như thế nào cũng như những sinh viên này có thể làm gì ở cấp độ địa phương, tiểu bang và quốc gia để dùng niềm tin của mình tạo ảnh hưởng lên chính sách.

Saylan cũng nói về những điều được và mất từ kinh nghiệm của bản thân với tư cách là một nhà giáo dục môi trường, đồng thời, vạch ra tầm nhìn về những gì cần phải làm để sửa đổi một cách cơ bản chương trình giáo dục môi trường. Saylan khẳng định, nếu muốn giáo dục môi trường thực sự có hiệu quả trong việc tạo ra những công dân có trách nhiệm giúp ngăn chặn tác động  của con người lên sự suy thoái của môi trường, thì phải có nhiều hơn những lý thuyết suông hay một vài chuyến dã ngoại.

Environment Yale 360 (e360): Được biết phần lớn cuộc sống cá nhân của mình, ông đã dành cống hiến cho việc bảo tồn biển, vậy xin ông cho biết một số trải nghiệm sơ khởi của ông trong giáo dục môi trường là gì?

Charles Saylan: Trong thời niên thiếu của tôi, khái niệm giáo dục môi trường chính quy dường như không tồn tại, và thực sự là khi đó, tôi không biết rằng chúng ta đang đối xử với môi trường tồi tệ đến mức nào. Lớn lên ở California, tôi dành phần lớn thời gian ở ngoài trời, leo núi hoặc chèo thuyền. Tôi luôn muốn được hòa mình với thiên nhiên và cảm thấy những vùng hoang dã đích thực là ngôi nhà của mình. Tuy nhiên, khi tôi lớn lên, nhìn thấy những nơi đã từng nuôi nấng tôi ngày càng bị thu hẹp và lấn chiếm, tôi đã nghĩ mình phải làm điều gì đó để bảo vệ chúng.

e360: Liệu có ai hoặc một trải nghiệm đầu tiên nào đã đưa ông đến với thiên nhiên không, thưa ông?

Saylan: Không hẳn là có một ai hay trải nghiệm cụ thể nào, nhưng tôi may mắn được lớn lên trong thời kỳ mà quan niệm về sự an toàn của con cái có phần khác biệt. Năm tôi 12 tuổi, cha mẹ đưa tôi cùng những người bạn của mình đến Yosemite (Vườn quốc gia Yosemite, bang California, Mỹ) và để chúng tôi đi bộ trên đường mòn John Muir trong ba tuần. Thực tình mà nói, ngày nay, những điều như vậy thật không tưởng. Nhưng đó là một thời điểm rất khác, lúc đó, thế giới dường như là một nơi ít nguy hiểm hơn.e360: Tựa đề của cuốn sách, theo tôi đánh giá, mang đầy tính khiêu khích: Sự thất bại của giáo dục môi trường. Vậy theo ông,  sự thất bại này là như thế nào?

Giáo dục môi trường đã thất bại bởi nó không theo kịp với sự suy thoái môi trường

Charles Saylan

Saylan: Tôi nghĩ chúng ta cần bàn về những khía cạnh thực dụng hơn khi nhắc đến thất bại. Chúng tôi tin rằng giáo dục môi trường đã thất bại bởi nó không theo kịp với sự suy thoái môi trường nói chung và với những tác động của con người lên môi trường nói riêng. Bên cạnh đó, lý do cho sự thất bại này cũng đến từ việc giáo dục nhưng không khơi gợi hành động. Đồng ý rằng vai trò của giáo dục môi trường nằm ở việc cung cấp những công cụ cần thiết nhằm giúp chúng ta đưa ra các quyết định sáng suốt, tuy nhiên tôi không nghĩ rằng, ở cấp độ xã hội thì những quyết định này có thể đuổi kịp với tốc độ tàn phá của chúng ta đối với môi trường. Vì vậy, nếu nhìn vào giáo dục môi trường theo hướng phải thu lại lợi nhuận thông qua việc tính toán các tác động hữu hình như giảm phát khí nhà kính thì việc này không khả thi. 

e360: Liệu có một khoảnh khắc cụ thể nào giúp ông nhận ra rằng giáo dục môi trường đang thất bại không?

Saylan: Tại Hiệp hội Bảo tồn Đại dương (Ocean Conservation Society), chúng tôi đã thực hiện rất nhiều hoạt động tiếp cận môi trường. Và bởi vì nằm trong một khu vực giàu có, ở phía tây Los Angeles, nên chúng tôi có cơ hội làm việc với rất nhiều trường tư thục. Chúng tôi cũng làm việc với thành phố Santa Monica, một hình mẫu hoàn hảo cho các chính quyền thành phố tự trị bền vững. Trong cuốn sách của mình, chúng tôi có nói nhiều về giáo dục công và việc loại trừ giáo dục môi trường khỏi các tiêu chuẩn trong giáo dục công. Ngược lại, tại các trường tư thục, giáo dục môi trường rất được chú trọng, trở thành một học phần quan trọng của chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, chúng tôi lại không thấy có nhiều động lực ở những đứa trẻ này. Rõ ràng là chúng thuộc lòng những lý thuyết, và hiểu chúng cần phải làm gì, tuy nhiên, chúng tôi lại không thực sự thấy sự thay đổi trong hành vi hoặc sự sẵn sàng từ bỏ thứ gì đó vì lợi ích của môi trường từ chúng. Thông thường, giáo dục môi trường dựa trên ý tưởng rằng nếu nhận thức được nâng lên thì con người sẽ làm điều đúng đắn. Việc làm việc với một cộng đồng có ý thức cao nhưng lại không làm điều đúng đắn khiến tôi bắt đầu đặt câu hỏi liệu nhận thức có chuyển hóa thành hành động hay không.

e360: Vậy chúng ta đang thiếu mất điều gì thưa ông?

Saylan: Tôi nghĩ là rất nhiều thứ. Trong cuốn sách, chúng tôi nói rõ rằng chúng tôi không có tất cả các câu trả lời, rằng chúng tôi không biết chính xác các bước cần thiết để thay đổi, đặc biệt khi các vấn đề sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng địa điểm và khu vực. Nhưng tôi nghĩ điều lớn nhất còn thiếu chính là sự  tương quan. Tôi không nghĩ rằng giáo dục môi trường, như cái cách mà nó đang được giảng dạy hiện nay, thật sự ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của học sinh.

Tại Hiệp hội Bảo tồn Đại dương, chúng tôi đã thực hiện một số bài thuyết trình về bảo tồn hệ sinh thái dưới biển tại các trường học nội thành. Tôi đã đến một trường học ở phía đông Los Angeles (LA), nơi bạn phải đi qua máy dò kim loại để vào được trường còn sân chơi thì đầy rác. Và tôi cảm thấy mình thật đạo đức giả khi thuyết trình trước những đứa trẻ này trong khi hầu hết chúng chưa bao giờ nhìn thấy đại dương.

Những đứa trẻ giàu có nhưng thiếu thực tế. Chúng có thể thuộc làu cho bạn nghe những câu nói của Aldo Leopold (Nhà hoạt động xã hội người Mỹ) nhưng, đối với chúng, đó chỉ là thứ trên sách vở.

Charles Saylan

Tại sao những đứa trẻ phải quan tâm? Tôi không nghĩ rằng câu hỏi này được đặt ra đủ nhiều trong các chương trình giáo dục về môi trường.

Vì vậy, chúng tôi quyết định tổ chức một chiến dịch làm sạch nước. Thông qua việc hợp tác với một xưởng sản xuất thuyền kayak tại địa phương, chúng tôi đã có thể đưa những đứa trẻ này đến gần với nước. Đối với những đứa trẻ này thì đây là một trải nghiệm vô cùng hấp dẫn và thú vị, bởi lẽ hầu hết trong số chúng, đến gần những khu vực như thế này là điều không tưởng, nói chi là đến việc chèo thuyền. Sau khi huấn luyện từng giáo viên và phụ huynh cách sử dụng thiết bị, chúng tôi trao cho họ quyền truy cập mở, hay nói cách khác là họ có thể đưa học sinh/ con cái của mình đến đây bất cứ khi nào họ muốn. Đồng thời, chúng tôi cũng cung cấp các dịch vụ trải nghiệm thực tế như xem cá voi, phục hồi động vật có vú ở biển, những hoạt động kích thích sự hứng thú ở trẻ và sau đó khuyến khích trẻ tham gia tích cực hơn. 

e360: Ông có nhận thấy những đứa trẻ gắn kết với hoạt động này không?

Saylan: Chúng tôi có những đứa trẻ quay trở lại hàng tuần, không chỉ vì chúng tôi đã cho chúng một khoảng thời gian vui vẻ, mà còn vì chúng được tham gia vớt rác trên mặt nước, và chúng đã không thể phớt lờ đi hàng tấn rác thải đang bị thải ra mỗi ngày. Ở đây, bọn trẻ được học những bài học thực tế như vậy. 

Trong chương trình đó, chúng tôi đã làm việc với rất nhiều trường khác nhau, cả những trường nội thành và những trường danh giá. Nhìn chung, rất nhiều em học sinh đã phát triển cho mình một nguồn động lực mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, có một điều thú vị là, trong khi hầu hết các trường nội thành vẫn tiếp tục đón nhận chương trình này, thì phần lớn các trường giàu có lại từ bỏ nó. Đó là những đứa trẻ giàu có nhưng thiếu thực tế. Chúng có thể thuộc làu cho bạn nghe những câu nói của Aldo Leopold (Nhà hoạt động xã hội người Mỹ) nhưng, đối với chúng, đó chỉ là thứ trên sách vở.

e360: Một số quan điểm cho rằng một lý do khác dẫn đến sự thất bại của giáo dục môi trường là việc chính trị hóa chủ nghĩa môi trường nói chung. Ông nghĩ gì về điều này?

Saylan: Ở một giai đoạn nào đó thì đúng như vậy. Giáo dục môi trường đã bị quy chụp với phong trào phản văn hóa hippie – như cách mô tả của giới truyền thông cũng như các nhà bảo vệ môi trường đang miêu tả chính họ. Thêm vào đó, trong một thế giới phân cực như hiện nay, việc các tổ chức chuyên môn bắt đầu tạo những nghi ngờ về tính chính xác của khoa học trong cộng đồng đã khiến tôi nghi ngờ rằng chủ nghĩa môi trường và những hành động bảo vệ môi trường đang bị chính trị hóa hoặc thậm chí dần bị thu hẹp. Ngày nay, chủ nghĩa môi trường thường bị đơn giản hóa theo hướng chủ nghĩa môi trường thân thị trường tự do. Theo tôi, điều này hoàn toàn sai – sai khi hiểu rằng chủ nghĩa môi trường là trách nhiệm duy trì sự sống, nhu cầu ăn, uống của con người. Chúng ta cần phải hiểu rằng, dù có chấp nhận hay không, thì đây vẫn là trách nhiệm của mỗi cá nhân và tập thể.

e360: Ông nói rằng chúng ta cần loại bỏ thuật ngữ “chủ nghĩa môi trường”. Vậy ta nên sử dụng từ nào để mô tả điều này?

Saylan: Quyền công dân có trách nhiệm.

e360: Theo ông, phụ huynh và giáo viên có thể làm gì để cải thiện giáo dục môi trường?

Học sinh cần được học về các hệ thống đạo đức để các em hiểu được điều gì làm nên một xã hội tốt đẹp.

Charles Saylan

Saylan: Tất nhiên, giảng lý thuyết thì rất đơn giản, còn thực hiện được hay không mới là điều khó. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang cần những cải cách từ trên xuống,nhưng tôi không chắc rằng chúng ta sẽ có thể phát triển và đưa chúng vào đúng lúc để giảm thiểu suy thoái môi trường. Tôi tin rằng ở cấp độ địa phương và cá nhân, phụ huynh và giáo viên có thể hỗ trợ được rất nhiều. Đơn cử như việc tôi đã nghe được những đứa trẻ khuyên cha mẹ chúng không mua sản phẩm này hoặc sản phẩm kia khi những sản phẩm đó có thể ảnh hưởng tới môi trường. Tôi nghĩ rằng những bài học đó đến từ những người giáo viên, vì bàn luận về các tác động ngoại ứng (externality) hoàn toàn không phải là cách tiếp cận của tổ chức. 

e360: Tôi e rằng nhiều giáo viên sẽ than phiền rằng việc chăm sóc cho học sinh ở trường, chuẩn bị bài kiểm tra và dạy những kỹ năng cần thiết cũng đã khiến họ cảm thấy quá tải. Vậy thời gian đâu để họ có thể đưa giáo dục môi trường vào giảng dạy thưa ông?  

Saylan: Có một thực trạng đáng buồn là  hầu hết các giáo viên luôn trong tình trạng bị trả lương thấp và không được hỗ trợ, và một vài trong số họ thậm chí còn bị yêu cầu làm những công việc rất khó, thậm chí là bất khả thi. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, tôi đã có cơ hội làm việc với ít nhất 20 giáo viên mà bản thân họ và lớp của họ có động lực hơn mức trung bình. Họ đã tìm cách truyền tải tầm quan trọng của cam kết xã hội và thậm chí cố gắng lồng ghép những ví dụ liên quan vào những tài liệu giảng dạy trên lớp. Tôi nghĩ chúng ta cần tìm kiếm những giáo viên như thế này và hỗ trợ họ nhiều nhất có thể.

e360: Cụ thể là giáo viên đã làm gì để có thể lồng ghép những giá trị này vào trong lớp học thưa ông? 

Saylan: Trong quá trình làm việc với trường  Trung học Lãnh đạo Animo, một trường chuyên ở Los Angeles do liên đoàn giáo viên điều hành, chúng tôi nhận thấy chương trình giảng dạy của trường khuyến khích nhiều hoạt động gắn kết cộng đồng như học sinh tham gia trồng cây trong vườn hoặc thậm chí giúp mọi người tiết kiệm năng lượng và tiền bạc bằng cách cách nhiệt cho ngôi nhà của họ. Sau khi chọn các dự án của riêng mình, những học sinh này sẽ chịu trách nhiệm thực hiện từ khi bắt đầu cho đến khi hoàn thành, trong suốt môn học của một vài học kỳ hoặc thậm chí cho tới khi chúng tốt nghiệp. Những học sinh này thường có động lực mạnh mẽ hơn, gắn kết chặt chẽ hơn với cộng đồng và thành công hơn theo hướng “Không có đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau” (No Child Left Behind) khi phần lớn trong số các em đều đậu đại học.  Động lực của giáo viên và cấp quản lý tại ngôi trường này cũng nhờ đó mà được nâng cao khi họ đã không chấp nhận để hệ thống hạ gục mình, mặc dù trên thực tế, đây là xu hướng hoạt động của hệ thống.  

e360: Ông cũng đã nhấn mạnh về việc không thể có một công thức chung cho việc cải cách. Tuy nhiên, trong trường hợp Trường trung học Los Angeles Unified School District muốn chấp nhận đề xuất này của ông, thì theo ông, chương trình giảng dạy trong một ngày học sẽ như thế nào? 

Saylan: Rất có thể nội dung chương trình sẽ có ít nhiều thay đổi so với hiện nay, tuy nhiên, tôi hi vọng rằng học sinh có thể dành một phần trong ngày cho các hoạt động ngoài trời. Hơn nữa, tôi hy vọng rằng học sinh sẽ tham gia vào việc thay đổi trường học của mình, ví dụ như biến các tòa nhà trở nên bền vững và hấp dẫn hơn. Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng các dự án giáo dục liên quan đến hoạt động của cộng đồng cần được khuyến khích nhiều hơn. Vườn trường đã được chứng minh là một ý tưởng hay ở nhiều cấp độ khác nhau trên phương diện giúp cho việc giảng dạy trở nên trực tiếp và thiết thực hơn.

Tôi cũng nghĩ rằng các trường học nên khôi phục lại một số chương trình mà họ đã cắt bỏ, như văn học, thơ ca và thẩm mỹ. Tôi nghĩ rằng sinh viên cần phải vượt ra ngoài sự tập trung cao độ, mà chúng ta đang có hiện nay, vào hoạt động kinh tế, và tìm hiểu lý do tại sao chúng ta cần phải hoạt động kinh tế, tại sao xã hội của chúng ta lại như vậy. Thêm vào đó, sinh viên cần học về các hệ thống đạo đức – sinh viên không nên được dạy về một hệ thống đạo đức cụ thể nào, nhưng cần phải học các hệ thống đạo đức là gì để được hiểu điều gì tạo nên một xã hội tốt đẹp.

e360: Nói rộng ra, ngoài ba chữ R (Reduce, Reuse, Recycle – Tiết giảm, Tái sử dụng, Tái chế), ông nghĩ mọi học sinh năm cuối trung học ở Hoa Kỳ nên biết điều gì?

Saylan: Trước hết là kiến thức khoa học – thật khó để mọi người hiểu được khoa học khí hậu nếu họ không hiểu biết về khoa học. Thêm vào đó, học sinh cần phải đọc và hiểu quy trình chính trị, cũng như hiểu tại sao chúng ta cần có diễn ngôn và thỏa hiệp. Nếu hệ thống giáo dục công lập có thể cung cấp các loại kỹ năng đó – theo triết lý giáo dục của John Dewey (nhà triết học, tâm lý học và nhà cải cách giáo dục người Mỹ) – thì chúng ta sẽ có một xã hội lành mạnh hơn. Tất cả chúng ta đều có khả năng hy sinh vì những điều tốt đẹp hơn, đó là những gì chúng ta cần làm nếu mong muốn giảm thiểu một số vấn đề môi trường đang gặp phải gặp phải và sắp xảy ra.

e360: Chúng ta đã nói rất nhiều về các vấn đề liên quan đến giáo dục môi trường. Ông có kỉ niệm tâm đắc nào từ quá trình giảng dạy của chính mình ,mà ở đó, chương trình giáo dục môi trường thực sự hoạt động theo cách mà ông hình dung không?

Saylan: Trong một chương trình cố vấn tại Hiệp hội Bảo tồn Đại dương, chúng tôi đã có cơ hội giúp vài nhóm các em học sinh trung học cơ sở phát triển các kế hoạch của các em trong việc tiếp cận hoặc hành động vì môi trường. Trong đó, có một nhóm đã quyết định thuyết trình trước hội đồng thành phố Culver (California, Mỹ) để ủng hộ lệnh cấm túi ni lông. Mặc dù có sự cố vấn của chúng tôi, nhưng các em đã làm hầu hết mọi việc, từ việc tự mình tiếp cận hội đồng thành phố cho tới việc trình bày dự án. Các em thực sự đã trở thành một hiện tượng. Đối với tôi, đó thực sự là một hành động mang tính dân chủ.

e360: Cuối cùng thì lệnh cấm túi nilon có được thông qua không?

Saylan: Rất tiếc là không. Nhưng quan trọng hơn cả là các em đã học được cách tìm đúng đối tượng cho ý tưởng của mình và làm cho tiếng nói của mình được lắng nghe. Đồng thời, các em cũng học được rằng thất bại không có nghĩa là dấu chấm hết mà là khởi đầu cho một nỗ lực mới.

Leave a comment