Nghịch lý: Triết học xuất phát từ phương Tây nhưng không xuất hiện trong giáo dục phương Tây! (Phần 2)

Nguồn: Philosophy Now, ngày đăng: 2008

Tác giả: Kristina Pelletier

Biên dịch: Uyên Thanh – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

Các trở ngại và thách thức

Bất chấp tất cả những điều tốt đẹp mà triết học có thể đem đến cho học sinh, giáo viên, trường học và cộng đồng thì triết học vẫn tiếp tục không được giảng dạy trong trường học. Các lý do được liên kết với nhau một cách phức tạp, tạo thành một danh sách mười trở ngại mà tôi liệt kê dưới đây, không theo thứ tự quan trọng cụ thể nào.

Nguồn ảnh: Class Central

1. Triết học không phải là một phần truyền thống của giáo dục ở Mỹ

Nếu người lớn không lãnh hội được nó, thì trẻ em cũng vậy. Như tôi đã nói, ban giám hiệu và giáo viên đưa kinh nghiệm học đường của chính họ vào trường học và lớp học. Điều này cũng đúng đối với các bậc cha mẹ và những công dân khác đóng góp vào nền giáo dục công. Đối với hầu hết mọi người, triết học hầu như không liên quan gì đến việc học của họ, vậy tại sao họ phải nghĩ rằng nó quan trọng?

2. Triết học dường như gắn liền với các lĩnh vực tinh hoa

Các khóa học triết học có nhiều khả năng xuất hiện trong các cộng đồng giàu có và các trường tư thục hơn là ở các học khu nghèo và các trường công lập. Khi các khóa học này được cung cấp, chúng có xu hướng dành cho những sinh viên danh dự, những người giỏi nhất và sáng giá nhất, có năng khiếu và tài năng. Chúng ta nên hỏi tại sao điều này lại xảy ra như vậy.

3. Triết học khó đọc

Hầu hết các giáo viên không có bất kỳ kiến ​​thức nền tảng nào về triết học, và rất ít người có thời gian hoặc hứng thú để nghiên cứu nó. Nhiều người có thể sẽ phải vật lộn để đọc các văn bản từ một cuốn sách triết học phương Tây, trải qua một ngày ở phòng nha có khi còn dễ chịu hơn là lê bước qua thứ ngôn ngữ khó hiểu và lập luận phức tạp. Nếu giáo viên không thực sự thích triết học thì họ sẽ không tự nguyện dạy nó: làm thế nào một giáo viên có thể bắt đầu đánh vật với các văn bản triết học cùng các học sinh trung học, những em thậm chí có thể đang gặp khó khăn trong việc đọc ở lớp bốn?

4. Lĩnh vực triết học là hàn lâm

Thật không may, triết học hàn lâm vẫn tiếp tục duy trì niềm tin rằng việc nghiên cứu triết học “đúng đắn” là phải dựa trên nền tảng của các tác phẩm triết học đã được thiết lập sẵn. Định kiến ​​này tiếp tục giữ cho triết học bị hóa đá, một tạo tác của quá khứ. Nếu triết học muốn trở thành một phần của trường học công và cuộc sống hàng ngày thì nó phải thoát ra khỏi cái kén bí truyền và học thuật của nó. Triết học cần tự mở ra và tìm cách chạm vào cuộc sống của người dân, giáo viên và học sinh. Cần phải nhớ rằng triết học còn hơn là một chủ đề học thuật: triết học là một cách suy nghĩ khả dĩ cho tất cả mọi người, ngay cả những người không biết đọc hoặc viết.

5. Thiếu tự do ý chí nghề nghiệp

Ngay cả khi một nhà giáo dục muốn dạy triết học, họ cũng gặp phải vô số trở ngại. Dưới vỏ bọc của việc tìm kiếm trách nhiệm giải trình công khai đối với các trường học, các luật và chính sách giáo dục đã bóp nghẹt quyền tự do ý chí nghề nghiệp của nhiều giáo viên. Nhiều học khu ở Hoa Kỳ cho giáo viên biết những gì họ phải dạy và đánh giá. Một số thậm chí còn đưa cho giáo viên các kịch bản, nói cho họ biết chính xác những gì cần dạy – theo nghĩa đen, chính xác là nói họ phải làm gì và phải nói gì.

6. Các chương trình đào tạo giáo viên và phát triển nghề nghiệp

Làm thế nào các nhà giáo dục có thể đánh giá cao triết học khi mà nó hiếm khi được đề cập trong các chương trình đào tạo giáo viên hoặc phát triển nghề nghiệp? Không thể giải thích được vì sao nhiều chương trình đào tạo thậm chí còn không bao gồm triết lý giáo dục. Do đó, nhiều người không bao giờ trải nghiệm những lợi ích của việc suy ngẫm. Thật không may, điều này có thể sẽ khó mà sớm được thay đổi. Chính phủ liên bang và tiểu bang phân bổ quỹ cho “phát triển nghề nghiệp”, và trong hầu hết các trường hợp, chúng được sử dụng một cách rõ ràng để thực hiện các chính sách giáo dục của chính phủ. Không có gì ngạc nhiên khi các trường đại học và các nhóm khác hưởng lợi từ các nguồn tiền giáo dục đã xếp mình cùng chung với chương trình nghị sự của chính phủ. Vì chương trình nghị sự này không bao gồm triết học, giáo viên có ít hoặc không có khả năng tiếp cận các nguồn lực để hỗ trợ họ phát triển lĩnh vực này.

7. Trường học không có tiền, thời gian hoặc động cơ để thay đổi

Các trường công lập không có lý do tài chính hoặc tổ chức nào để đưa triết học vào chương trình giảng dạy của mình. Hầu hết các học khu đều đã đạt mức trần về tài chính. Hầu hết giáo viên đã làm việc quá sức bởi rất nhiều nghĩa vụ và trách nhiệm. Không có áp lực công khai đối với các nhà lập pháp, các nhà lãnh đạo giáo dục hoặc giáo viên để đưa triết học tiếp cận đến học sinh. Các trường học có nhiều khả năng bị áp lực trong việc mua đồng phục bóng đá mới hơn.

8. Sợ hãi

Vì hầu hết các nhà giáo dục, phụ huynh và người dân không được tiếp xúc với triết học trong quá trình học tập của mình, nên triết học có vẻ khá xa lạ, kỳ lạ và đáng sợ. Việc bác bỏ tính hợp lệ và giá trị của triết học sẽ dễ dàng hơn là thảo luận hoặc giải quyết nỗi sợ hãi về điều chưa biết này. Ngoài ra, một số người sợ những gì có thể xảy ra nếu học sinh thực hành suy ngẫm triết học. Thường xuyên suy ngẫm triết học có thể dẫn một người đến các vấn đề tâm linh hoặc đạo đức. Tương đối khó để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức những cuộc trò chuyện nặng nề kiểu này. Hơn nữa, một số giáo viên có thể sợ sự phản đối của đồng nghiệp hoặc phụ huynh, những người cảm thấy thoải mái hơn với những học sinh không thắc mắc, những người không bao giờ thách thức kiến ​​thức hoặc quyền hạn của họ.

9. Cung và cầu

Thực tế hiện tại là một trạng thái cân bằng tốt đẹp. Không có nhu cầu về triết học, và không có nguồn cung cấp. Vì không có nhu cầu về triết học, các tổ chức không có bất kỳ động lực tài chính nào để cung cấp dịch vụ và nguồn lực. Ngược lại, vì con người hoặc tổ chức không cung cấp dịch vụ và nguồn lực, nên các trường công lập không nhận thấy bất kỳ nhu cầu nào.

10. Giáo dục dựa trên tiêu chuẩn

Giáo dục dựa trên các tiêu chuẩn là yếu tố lớn nhất khiến triết học bị đặt ra khỏi phạm vi trường học. Hệ thống tiêu chuẩn, đánh giá và trách nhiệm phức tạp đã trở thành nền tảng của giáo dục ở hầu hết các trường công lập của Mỹ. Hệ thống này đối lập với triết học và suy ngẫm triết học, vốn đòi hỏi một chân trời rộng mở cho tư tưởng tự do.

Vượt qua chướng ngại

Liệu có thể vượt qua những trở ngại này và phá bỏ rào cản đa tầng vốn khiến triết học xa tầm với của những người trẻ? Tôi tin rằng điều đó là có thể, nhưng nó sẽ đòi hỏi những nỗ lực phối hợp trên nhiều mặt:

Tổ chức – Tạo ra một tổ chức để thúc đẩy triết học trong giáo dục công.

Tài trợ – Tìm tiền từ những người có tiềm năng

Mạng lưới quốc gia – Tạo ra một mạng lưới quốc gia gồm những người ủng hộ và các nhà hoạt động cơ sở.

Nhận thức triết học – Mở rộng triết học để mọi người có thể tiếp cận.

Những buổi nghiên cứu chuyên đề – Phát triển và cung cấp các buổi nghiên cứu chuyên đề cho các tình nguyện viên.

Vận động cấp cơ sở – vận động hành lang các cơ quan lập pháp, hội đồng trường học, PTA và các nhóm khác.

Nghiên cứu – Thực hiện các nghiên cứu để đánh giá kết quả ngắn hạn và dài hạn của triết học hoặc không có triết học.

Chiến dịch PR – đưa hình ảnh triết học đến công chúng.

Phát triển nghề nghiệp – Cung cấp cho giáo viên cơ hội để nghiên cứu triết học.

Giáo án giảng dạy – Phát triển các chương trình giúp hướng dẫn các nhà giáo dục triết học mới bắt đầu.

Trợ cấp – Tăng cường mối quan hệ giữa Khoa Giáo dục và Triết học.

Vòng kết nối Nghiên cứu – Thúc đẩy các nhóm triết học giữa học sinh, phụ huynh và giáo viên.

Kết luận

Tôi chỉ còn lại một câu hỏi dai dẳng: Ai sẽ chấp nhận thử thách để phá bỏ rào cản giữa triết học và giáo dục công? Có vẻ như nó sẽ là một sự mạo hiểm vô ích nếu chỉ nhắm vào lĩnh vực triết học hoặc lĩnh vực giáo dục. Điều cần thiết, trước hết và quan trọng nhất, là nơi tụ họp của những triết gia quan tâm đến giáo dục phổ thông, và những giáo viên quan tâm đến triết học. Từ bên trong cộng đồng này có thể gieo mầm cho một tầm nhìn mới về giáo dục, với những khả năng và cơ hội mới. Xem xét cách hệ thống giáo dục hiện tại đang làm kiệt quệ cuộc sống của nhiều giáo viên và học sinh, đây có vẻ là một mục tiêu đáng để theo đuổi.Kristina Pelletier có bằng đại học về triết học và bằng Thạc sĩ Khoa học về Giáo dục. Có thể liên hệ với cô ấy tại kristina.pelletier@maine.edu.

Leave a comment