Chính sách ngôn ngữ và giáo dục tại Đông Nam Á

Nguồn: The Diplomat, đăng ngày 23/12/2021

Tác giả: Rawl Maliwat

Biên dịch: Lê Đàm Bảo Hân – Biên tập: Phan Trà Khúc

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người quan tâm đến vai trò và vị thế của ngôn ngữ trong thế giới ngày càng đa kết nối của chúng ta. Ngôn ngữ là dòng chảy gắn kết con người với nhau và là cầu nối hợp tác từ cấp độ cá nhân đến quốc tế.

Đông Nam Á là một khu vực đa dạng ngôn ngữ đến mức đáng kinh ngạc, với hơn 1.200 ngôn ngữ được sử dụng bởi 655 triệu người trên khắp khu vực rộng lớn, khác biệt về địa lý và văn hóa. Sự kết hợp của nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau đã làm cho các ngôn ngữ Đông Nam Á trở thành một lĩnh vực nghiên cứu phong phú.

Vị thế của ngôn ngữ phụ thuộc nhiều vào cách các quốc gia khác nhau tiếp cận chúng về mặt chính sách và hỗ trợ giáo dục. Để hiểu được tương lai của chính sách ngôn ngữ trong khu vực, chúng ta cần phải xem lại các yếu tố lịch sử đã định hình nó như thế nào.

Nguồn ảnh: Adobe Stock

Vấn đề ngôn ngữ gắn bó chặt chẽ với khái niệm nhà nước – quốc gia hiện đại ngay từ những ngày đầu ra đời. Ngoại trừ Thái Lan, toàn bộ Đông Nam Á đã bị chia cắt dưới sự cai trị của các cường quốc thực dân phương Tây. Phải đến giữa thế kỷ XX, từ năm 1945 đến năm 1957, các lãnh thổ này mới giành được độc lập với tư cách là các quốc gia có chủ quyền.

Ngôn ngữ là một thành phần quan trọng trong công cuộc xây dựng quốc gia – đối với hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, quá trình thực dân hóa kéo theo nhiều nhóm dân tộc khác nhau nói các ngôn ngữ khác nhau, với ngôn ngữ thứ hai đến từ nước thực dân. Ngôn ngữ thực dân cũng đóng vai trò là ngôn ngữ của nhà nước và là phương tiện giảng dạy chính trong giáo dục.

Sau khi giành được độc lập, hầu hết các quốc gia đã từ chối việc sử dụng các ngôn ngữ này và thay vào đó nâng ít nhất một ngôn ngữ địa phương phổ biến nhất lên vị trí chính thức như một ngôn ngữ quốc gia. Ví dụ ở Việt Nam, hiện chưa đến 1 phần trăm dân số nói tiếng Pháp.

Tầm quan trọng của các ngôn ngữ Đông Nam Á trong việc xây dựng quốc gia được hình thành dựa trên nhu cầu của quốc gia thời kỳ hậu thuộc địa – là thiết lập một bản sắc văn hóa gắn kết khác biệt với thời thuộc địa trước đây của nó.

Với quan niệm rằng ngôn ngữ là một dấu ấn văn hóa chính, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á non trẻ đều nhận thấy việc tiếp tục sử dụng ngôn ngữ thực dân là một sự phá hoại trong việc xây dựng bản sắc dân tộc. Nhưng việc thay thế chúng bằng các ngôn ngữ Đông Nam Á bản địa là một quá trình phức tạp. Ở những nước có những sắc tộc chính rõ ràng như Campuchia và Việt Nam, quá trình này có thể dễ dàng hơn, nhưng đối với các nước khác, vấn đề lựa chọn ngôn ngữ của sắc tộc nào trở thành ngôn ngữ chính thức đã trở thành một chủ đề căng thẳng. Vào đầu thiên niên kỷ, tất cả các quốc gia này cũng đã bắt đầu đối mặt với sự phổ biến ngày càng tăng của tiếng Anh trong các vấn đề trên thế giới.

Tiếng Anh đã bắt đầu tự củng cố vị thế của một ngôn ngữ toàn cầu vào thế kỷ XIX, phần lớn do ảnh hưởng từ cuộc Cách mạng Công nghiệp ở Anh và sự lan rộng của đế chế hàng hải. Vị thế bá chủ về ngôn ngữ của nó đã trở nên mạnh mẽ hơn qua sự bùng nổ chính trị, kinh tế và công nghệ sau Thế chiến thứ hai của Mỹ, có nghĩa là vào đầu thế kỷ XXI, phần lớn thế giới đã chấp nhận nó ở các mức độ khác nhau .

Trong những thập kỷ gần đây, ngôn ngữ Anh đã trở thành một điểm giao thoa cho chính sách ngôn ngữ. Nó có một lịch sử lâu đời trong khu vực do các yếu tố lịch sử từ chính sách thực dân, thương mại quốc tế và tôn giáo. Nhưng giữa các quốc gia Đông Nam Á khác nhau, vai trò và vị thế của tiếng Anh cũng đã đa dạng một cách đáng kể.

Các học giả đã phân loại các quốc gia thuộc “vòng tròn bên ngoài” hoặc thuộc “vòng tròn mở rộng” khi đề cập về mối quan hệ của các nước với tiếng Anh, theo mô hình ba vòng tròn của những loại tiếng Anh trên thế giới, do nhà ngôn ngữ học Ấn Độ nổi tiếng Braj Kachru đề xuất.

Ở các quốc gia vòng ngoài, tiếng Anh được coi là ngôn ngữ thứ hai và thường giữ vị trí là ngôn ngữ chính thức. Điều này trái ngược với các quốc gia thuộc “vòng trong”, nơi tiếng Anh được coi là ngôn ngữ đầu tiên, chẳng hạn như Mỹ và Vương quốc Anh.

Đối với các quốc gia thuộc vòng tròn mở rộng, tiếng Anh không có bất kỳ chỗ đứng lịch sử nào và do đó được coi là một ngoại ngữ. Điều này có nghĩa là tiếng Anh không đóng một vai trò quan trọng nào trong các thể chế và đời sống của quốc gia, và phần lớn chỉ có vị thế trong giáo dục và ngoại giao nước ngoài.

Tại Đông Nam Á, có bốn quốc gia được coi là một phần của Vòng ngoài. Singapore, Malaysia và Brunei từng là thuộc địa hoặc xứ bảo hộ của Anh, trong khi Philippines từng là thuộc địa của Mỹ. Như vậy, tiếng Anh trong lịch sử đã đóng một vai trò lớn trong các thể chế của họ. Điều này mở rộng sang giáo dục, vì chính quyền thuộc địa sẽ phải phụ thuộc vào việc phát triển một tầng lớp thượng lưu địa phương có học thức với khả năng thông thạo ngôn ngữ này.

Tiếng Anh tiếp tục mang chức năng quản trị ở các quốc gia này. Philippines và Brunei sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thống (in an official capacity) cùng với quốc ngữ của họ, đó là tiếng Filipino và Malay. Trong khi ở Singapore, tiếng Anh giữ vị trí chính thức cùng với tiếng Malay, Trung Quốc và Tamil. Ở Malaysia, vai trò của tiếng Anh dần dần bị loại bỏ để chuyển sang tiếng Bahasa Melayu, mặc dù nó đã hồi sinh từ những năm 1900s trước bối cảnh toàn cầu hóa.

Phần còn lại của Đông Nam Á thuộc về “vòng tròn mở rộng”, nơi mà tiếng Anh phần lớn chỉ đóng một vai trò hạn chế cho đến khi tiến trình toàn cầu hóa trở nên phổ biến. Các quốc gia này bao gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Mặc dù Myanmar là thuộc địa cũ của Anh, nhưng vị trí của tiếng Anh ở quốc gia này đã suy yếu trong suốt nhiều thập kỷ bị cô lập; trong thời gian đó, nó đã bị tiếng Myanmar thay thế trong các môi trường giáo dục và cơ quan hành chính.

Đã có lúc tiếng Anh đã nắm giữ một vị trí vững chắc ở miền Nam Việt Nam do mối quan hệ với Mỹ của thể chế chính trị tại đây trong Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, sự nắm giữ đó đã suy yếu đáng kể sau khi Mỹ rút quân và Việt Nam thống nhất đất nước.

Những chính sách không đồng nhất về ngoại ngữ của Việt Nam là một minh họa điển hình. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ảnh hưởng và ý nghĩa của ngoại ngữ phụ thuộc vào các yếu tố chính trị và ý thức hệ, với tiếng Nga và tiếng Trung được khuyến khích ở miền Bắc với chế độ Cộng sản, trong khi tiếng Pháp và tiếng Anh vẫn có ảnh hưởng ở miền Nam.

Chiến thắng cuối cùng của miền Bắc đã làm giảm đáng kể ảnh hưởng của chính quyền miền Nam do các chính sách nhằm xóa bỏ hoàn toàn thể chế này khỏi chương trình giáo dục và văn hóa chính thống. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc cuối cùng cũng đánh mất chỗ đứng của mình – một bên là kết quả từ sự tan rã của Liên bang Xô Viết vào năm 1991, một bên đến từ những đổ vỡ trong quan hệ ngoại giao.

Bên ngoài Việt Nam và khối Cộng sản, tiếng Anh đã trở thành một ngôn ngữ phổ biến toàn cầu và được sử dụng trong các lĩnh vực chính như thương mại, ngoại giao và học thuật. Khi phạm vi ảnh hưởng của tiếng Nga suy giảm, nó để lại một khoảng trống mà tiếng Anh đã nhanh chóng lấp đầy theo nhu cầu thị trường.

Trong khi tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Trung Quốc là những ngoại ngữ chính được dạy ở trường, thì tiếng Anh được coi là quan trọng nhất và được chú trọng nhiều nhất trong chính sách của nhà nước với Đề án năm 2020 đầy tham vọng. Chính sách này nhằm tăng trình độ tiếng Anh của sinh viên tốt nghiệp đại học, nhưng còn gặp một số trở ngại do phương pháp sư phạm không hiệu quả, thiếu tài liệu thích hợp và thiếu giáo viên có năng lực. Mặc dù vậy, tiếng Anh vẫn là mục tiêu chính trong chính sách giáo dục ngôn ngữ của Việt Nam.

Quỹ đạo phát triển của tiếng Anh ở Việt Nam không phải là minh họa duy nhất. Với sự lớn mạnh của xu thế toàn cầu hóa, vốn đã thúc đẩy ​​tiếng Anh trở thành ngôn ngữ quốc tế, các chính phủ Đông Nam Á ngày càng coi trọng tiếng Anh và người ta dự đoán rằng ranh giới giữa các quốc gia “vòng ngoài” và các quốc gia thuộc “vòng tròn mở rộng” sẽ tiếp tục mờ nhạt khi ngôn ngữ này trở thành một phần lớn hơn trong đời sống người dân và tiếp xúc gần gũi hơn với các ngôn ngữ Đông Nam Á khác. Ở tất cả các quốc gia thuộc “vòng tròn mở rộng”, tiếng Anh hiện là ngoại ngữ đầu tiên được dạy trong trường học.

Như đã đề cập trước đó, Đông Nam Á sở hữu hơn 1.200 ngôn ngữ. Indonesia đóng góp hơn một nửa con số đó, với hơn 800 ngôn ngữ được sử dụng trong nước. Tiếp theo là Philippines với 187 ngôn ngữ và Malaysia với 137 ngôn ngữ.

Tuy nhiên, sự đa dạng của các ngôn ngữ Đông Nam Á từ lâu đã có nguy cơ bị loại khỏi diễn ngôn về chính sách ngôn ngữ khi các chính phủ chú trọng vào việc thúc đẩy quốc ngữ và tiếng Anh. Các sáng kiến ​​giáo dục đa ngôn ngữ hoặc ngôn ngữ mẹ đẻ ở hầu hết các quốc gia này thường nằm trong tay các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức cộng đồng.

Tình trạng này đã có tác động tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục. Việc sử dụng những ngôn ngữ này trong giáo dục gây bất lợi cho những người học sớm vốn sử dụng ngôn ngữ bản địa khác biệt, dẫn đến tỷ lệ biết chữ và trình độ thông thạo các lĩnh vực khác thấp hơn, ảnh hưởng nhiều hơn đến việc học của họ ở các giai đoạn sau.

Dù vậy, những năm gần đây đã có sự quan tâm mới mẻ đến việc hỗ trợ các ngôn ngữ bản địa Đông Nam Á trong giáo dục. UNESCO đã ghi nhận một phong trào hướng tới giáo dục đa ngôn ngữ trong hai thập kỷ qua, đặc biệt là ở Campuchia, Philippines, Thái Lan, Timor-Leste và Việt Nam.

Tuy nhiên, các học giả khác đã lưu ý rằng có sự khác biệt giữa mục tiêu chính sách và thực tiễn ở Thái Lan và Việt Nam, vì trên thực tế những quốc gia này vẫn nhấn mạnh nhiều vào việc sử dụng quốc ngữ ở tất cả các cấp.

Cho đến nay, chính sách Giáo dục đa ngôn ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ (Mother Tongue-Based Multilingual Education, MTB-MLE) của Philippines là tiêu chuẩn cho các sáng kiến ​​này trong khu vực. Campuchia cũng đã bắt đầu các sáng kiến ​​của riêng mình nhằm nhấn mạnh vai trò của ngôn ngữ bản địa thông qua Kế hoạch Hành động Quốc gia về Giáo dục Đa ngôn ngữ (MANEP) được thực hiện vào năm 2015.

Chính sách MTB-MLE của Philippines là sáng kiến ​​được bàn định sớm nhất của chính phủ nhằm thúc đẩy ngôn ngữ bản địa trong giáo dục tại khu vực. Chính sách bắt đầu có hiệu lực từ năm 2012, sau khi một loạt các dự án thử nghiệm được xác định là thành công.

Philippines là một quần đảo tập hợp các khu vực riêng với những ngôn ngữ mẹ đẻ khác nhau. Chính sách MTB-MLE đã hỗ trợ phát triển các nguồn tài nguyên giáo dục bằng 19 ngôn ngữ chính trong khu vực.

Dù vậy, việc triển khai hệ thống này gặp phải nhiều thách thức do thiếu kinh phí và chất lượng của tài liệu học tập. Những người ủng hộ hệ thống cũng đã chỉ trích việc thực thi chính sách, vì nó đã thu nhỏ đáng kể phạm vi ban đầu của dự án.

Hiện tại, việc hỗ trợ các ngôn ngữ bản địa Đông Nam Á vẫn còn nhiều thách thức. Chủ nghĩa dân tộc và toàn cầu hóa vẫn là động lực chính trong chính sách ngôn ngữ giữa các nước Đông Nam Á. Vai trò của tiếng Anh có khả năng trở nên nổi bật hơn khi các yếu tố kinh tế thúc đẩy nhu cầu về một lực lượng lao động có khả năng điều hướng một thế giới ngày càng kết nối với nhau.

Khi vấn đề học thuật và ngoại giao được chú ý nhiều hơn, tương lai của chính sách ngôn ngữ ở Đông Nam Á sẽ phụ thuộc vào việc tiếp tục đối thoại giữa các quốc gia thành viên.

Leave a comment