Làm thế nào để kể câu chuyện của chính bạn?

Nguồn: INSIDE HIGHER ED, đăng ngày 25/04/2022

Tác giả: Salvatore Cipriano 

Biên dịch: Nguyễn Kim Ngân – Biên tập: Phan Trà Khúc

Theo Salvatore Cipriano, sinh viên cao học phải giải thích được kỹ năng và kinh nghiệm của họ liên quan như thế nào đến mục tiêu nghề nghiệp của bản thân. Nhưng đại đa số sinh viên chỉ thường tập trung vào thành quả đạt được hơn là kể lại quá trình họ phải trải qua để có được thành quả đó.

Mở đầu buổi hội thảo trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho các sinh viên cao học, tôi thường mời mọi người giới thiệu bản thân. Tôi yêu cầu các bạn ấy nêu rõ họ tên, quê quán ở đâu, đang học ngành  gì, sau cùng tôi hỏi các bạn ấy đang học tập hoặc nghiên cứu vấn đề gì. Và câu hỏi cuối cùng là câu hỏi có chủ đích. Sinh viên cao học, nhất là nghiên cứu sinh, thường có xu hướng thích chia sẻ về đề tài nghiên cứu của  mình với các bạn . Tôi biết tôi cũng từng như thế. Và điều đó đặc biệt đúng trong các môi trường liên ngành, điển hình là buổi workshop này.

Tôi luôn thích nghe các sinh viên cao học trình bày về nghiên cứu của họ trong phần giới thiệu dài khoảng hai phút. Một số thì đi vào chi tiết. Một số thì tập trung vào các câu hỏi nghiên cứu trọng tâm. Số khác lại hay đưa thuật ngữ chuyên môn vào phần giới thiệu mà tôi phải thừa nhận là đôi khi tôi nghe cũng không hiểu mấy. Nhưng dù là gì đi nữa, đó là những cách thú vị để các bạn ấy chia sẻ những câu chuyện về nghiên cứu của chính mình.

Nguồn: frontkom

Trong các buổi hội thảo, bất kể nội dung là về resume (chúng khác với CV như thế nào), thư xin việc, phỏng vấn hay  những chủ đề liên quan đến việc trang bị kỹ năng nghề nghiệp khác, tôi luôn hướng đến một chủ đề chính. Tôi nhấn mạnh đến việc chúng ta cần phải giao tiếp hiệu quả về việc chúng ta đã nghiên cứu và học tập tốt như thế nào – với tư cách là một sinh viên cao học, chứ không phải chỉ nói về đề tài nghiên cứu của mình. Đây là một câu chuyện không kém phần quan trọng mà sinh viên cao học cần phải truyền tải được. Tuy vậy, trong các buổi hội thảo hay các cuộc tập huấn, các bạn sinh viên cao học hay nói rằng để kể câu chuyện thế này khó khăn hơn rất nhiều so với việc nói về đề tài nghiên cứu.

Những khó khăn như vậy đã cho thấy một vấn đề rộng hơn. Vào mùa Xuân năm 2021, văn phòng của tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với sinh viên cao học tại trường đại học của chúng tôi – để đánh giá mức độ nhận thức của các bạn về việc các bạn đã sẵn sàng như thế nào cho nghề nghiệp trong tương lai. Hơn 500 sinh viên cao học đã hoàn thành khảo sát và khi được hỏi về năng lực nào trong những năng lực được Hiệp hội Quốc gia của trường Cao đẳng và nhà Tuyển dụng (NACE) đề cập đến – mà họ cần để phát triển hơn nữa, hơn 50 phần trăm xác định đó là năng lực Quản lý Nghề nghiệp (Career Management). Năng lực Quản lý Nghề nghiệp – sau đó đã được NACE sửa tên thành năng lực về Nghề nghiệp và Phát triển bản thân trong danh sách các năng lực cốt lõi vào mùa hè năm 2021. Năng lực này được định nghĩa là khả năng sinh viên “xác định rõ các kỹ năng, điểm mạnh, kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến (một hoặc nhiều) vị trí và mục tiêu nghề nghiệp.”

Và thách thức nằm ở chỗ: Làm thế nào để các sinh viên cao học truyền tải hiệu quả kỹ năng, điểm mạnh và kinh nghiệm của bản thân cũng như câu chuyện về nghiên cứu của chính mình? 

  1. Vượt ra khỏi sự tập trung vào thành tích

Sinh viên cao học thường chú trọng vào thành tích. Tại sao họ không nên làm như vậy? Sinh viên thuộc các chuyên ngành khoa học hay giáo dục khai phóng thường chịu ảnh hưởng bởi một nền văn hóa hướng đến thành tích. 

Khi lướt qua các trang web về thông tin của các giảng viên và thông tin của những sinh viên cao học, ta sẽ thấy những danh sách như: danh sách các giải thưởng và học bổng (kèm theo số tiền tương đương); danh sách các bài thuyết trình hội nghị hay các nghiên cứu khoa học đã công bố; danh sách các khóa học đã giảng dạy.

Do đó, cũng không gì ngạc nhiên khi các sinh viên cao học lại có thể sẵn sàng nói về những gì họ đã đạt được và những gì họ đang nghiên cứu. 

Trong các buổi workshop, một khi tôi và các bạn sinh viên đã làm quen được với nhau, mọi người sẽ bắt đầu cởi mở chia sẻ hơn: “Tôi nghiên cứu văn học nữ quyền thế kỷ 19”. “Tôi đã trình bày một bài báo tại Hội nghị Đông Bắc về Anh học.” “Tôi là đồng tác giả của một bài báo trong Quan điểm về Giáo dục Đại học.” “Tôi đã giành được tài trợ để thực hiện nghiên cứu thực địa ở New Mexico.” Về cơ bản, họ đang thuật lại CV của mình theo một hình thức khác. Một lần nữa, sinh viên cao học rất giỏi trong việc liệt kê ra những kết quả mình có được và nói về chủ đề chuyên môn.

Nói đến đây, tôi nhấn mạnh với các bạn sinh viên rằng các bạn hãy đặt những câu hỏi như: Nghiên cứu của bạn đòi hỏi kỹ năng gì? Bạn đã áp dụng kỹ năng nào khi bạn trình bày bài báo đó? Quá trình các bạn phối hợp với nhà nghiên cứu khác để viết bài báo đó như thế nào? Làm sao bạn giành được tài trợ cho nghiên cứu đó? Những câu hỏi này sẽ giúp các bạn thể hiện rõ quá trình bạn đã trải qua để đạt được những thành tựu của mình.

  1. Chia sẻ về hành trình bạn đã trải qua

Truyền tải được quá trình là yếu tố rất quan trọng để chuyển CV thành resume. 

CV – một lần nữa – là bản liệt kê một danh sách của các kết quả mà bạn đạt được. Resume thì minh hoạ đầy đủ hơn hành trình mà các sinh viên cao học đã thực hiện để đạt được những kết quả đó – đó cũng chính là nơi bạn thể hiện kỹ năng và kể câu chuyện của riêng mình – về cách các bạn đã cải thiện và phát triển điểm mạnh của bản thân thông qua quá trình thực hiện nghiên cứu như thế nào. Nói cách khác, việc thể hiện những thành tựu bạn có được là quan trọng, nhưng cho thấy được hành trình bạn đã trải qua để có được những thành tựu đó cũng quan trọng không kém. Và trên thực tế, đây cũng là điều cần thiết trong thời đại ngày nay – thời đại khuyến khích khám phá đa ngành, nơi mà resume – chứ không phải CV – là thước đo ứng tuyển cốt lõi.

Đây cũng là điều khiến tôi trăn trở sau khi tôi hoàn thành xong chương trình Tiến sĩ và bắt đầu tìm việc. Tôi vô trang web Imagine PhD – một trang web cung cấp công cụ khám phá và lập kế hoạch nghề nghiệp cho ngành khoa học xã hội và nhân văn – để giúp tôi suy nghĩ về cách đúc kết kinh nghiệm của mình. Tôi cũng nhờ một vài người bạn làm việc trong các lĩnh vực khác nhau cho ý kiến về những bản thảo resume mà tôi mới viết để biết những chỗ nào tôi cần tập trung mô tả tốt hơn. Và tôi nhận ra rằng, khi mới bắt đầu viết resume, tôi có xu hướng trình bày khả năng của bản thân thấp hơn so với năng lực thực sự.

Lúc ấy tôi chỉ nói về kỹ năng của mình bằng những cụm từ chung và tổng quát như “Nghiên cứu về các trường đại học thế kỷ 17” hoặc “Dạy hai phần trong môn Lịch sử Châu Âu Hiện đại”. Tôi đã cho rằng những nhà tuyển dụng sẽ hiểu tất cả những gì liên quan đến nghiên cứu hoặc công việc giảng dạy của tôi như một điều hiển nhiên. Nhưng điều đó hiếm khi xảy ra, và tôi cần phải nói rõ hơn; Tôi cần kể một câu chuyện chi tiết hơn, bởi vì “được nghiên cứu” và “được giảng dạy” không truyền đạt đầy đủ các kỹ năng tổ chức, phân tích, giao tiếp và kỹ năng sử dụng công nghệ mà tôi đã áp dụng vào việc nghiên cứu và giảng dạy của mình.

Tại một trong những workshop về resume đầu tiên mà tôi tổ chức, tôi nhớ rất rõ về một ứng cử viên Tiến sĩ có nghiên cứu liên quan đến Lịch sử Đức thế kỷ 20. Anh đã giành được tài trợ và đi nước ngoài để hoàn thành nghiên cứu luận án của mình. Với tôi, điều này thật tuyệt, vì tôi nghĩ anh ấy thực sự có một câu chuyện hấp dẫn để kể. Nhưng khi chúng tôi bắt đầu đưa kinh nghiệm của anh ấy vào bản resume, tôi nhận thấy anh ấy cũng đang gặp phải vấn đề tương tự như tôi từng gặp phải.

Chúng tôi bắt đầu chia nhỏ quá trình nghiên cứu của anh ấy và đặt những câu hỏi như: Anh ấy đã phát triển đề cương nghiên cứu như thế nào? Anh ấy đã liên hệ với những người làm công tác lưu trữ ở Đức như thế nào? Anh ấy đã làm gì với các nguồn tài liệu chính mà anh ấy tìm được? Làm thế nào anh ấy tìm ra kết quả nghiên cứu? Và cuối cùng, anh ấy có thể tạo ra những gì dựa trên nghiên cứu này?

Bằng cách cùng nhau đặt câu hỏi, chúng tôi có thể khám phá ra nhiều kỹ năng nghiên cứu mà thoạt đầu chưa được thể hiện rõ ràng như: kỹ năng về quản lý cơ sở dữ liệu và kỹ năng sử dụng, kỹ năng giao tiếp với những người đến từ nền văn hóa và ngôn ngữ khác, kỹ năng giao tiếp bằng văn bản, kỹ năng tổ chức và giải quyết vấn đề, và kỹ năng quản lý thời gian. Những sinh viên còn lại có mặt ngày hôm ấy cũng nhanh chóng nhận ra họ đã sử dụng rất nhiều kỹ năng khác nhau khi làm nghiên cứu – điều mà họ cho là  hiển nhiên. 

Vậy thì làm thế nào để đảm bảo rằng chúng ta đang truyền đạt đầy đủ tất cả các kỹ năng tuyệt vời mà mình có? Hay nói cách khác, làm thế nào để chắc chắn rằng ta đang kể câu chuyện của bản thân một cách hiệu quả? Dưới đây là một vài gợi ý:

  • Kết nối với các tổ dịch vụ việc làm tại trường đại học của bạn – để suy nghĩ thêm về các việc bạn đã làm và truyền tải chúng vào resume như thế nào
  • Trao đổi với bạn học và giảng viên cố vấn – thảo luận về quá trình họ đã trải qua và những điều họ gặt hái được khi thực hiện nghiên cứu. Nếu điều gì đó nghe có vẻ mơ hồ hoặc không rõ ràng, hãy yêu cầu họ giải thích thêm! Đây là một cách tuyệt vời để khám phá các kỹ năng và thu thập ý tưởng giúp củng cố hướng đi của riêng bạn.
  • Tham khảo bảng tổng hợp những năng lực cốt lõi NACE và nhìn nhận lại cách bạn đang xây dựng những năng lực đó thông qua công việc nghiên cứu, giảng dạy hoặc công việc trợ lý của mình; điểm mạnh của bạn ở đâu; và điều bạn muốn phát triển.

Sinh viên cao học thường có rất nhiều câu chuyện để kể. Biết cách kể những câu chuyện ấy và bộc lộ được những kỹ năng –  sẽ giúp ích rất nhiều trong hành trình khám phá và đạt đến mục tiêu sự nghiệp của bản thân.  

Leave a comment