Hào hứng được đi làm

Nguồn: InsideHigherEd – Đăng ngày 19/04/2022

Tác giả: Maria Carrasco 

Biên dịch: Roãn Hồng Anh Thư – Biên tập: Lê Nguyễn Duy Hậu

Đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại cho lứa sinh viên tốt nghiệp năm 2022 — đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần. Họ đã vượt qua tất cả với sự kiên cường và bây giờ, họ bước vào đời với triển vọng tương lai rực rỡ và tươi sáng.

Nguồn: iStockphoto/Getty Image Plus

Theo một cuộc khảo sát mới từ TimelyMD, phần lớn sinh viên năm cuối đại học nói rằng họ đã chuẩn bị sẵn sàng để tham gia vào thị trường lao động và cảm thấy tràn đầy hy vọng vào tương lai phía trước.

Công ty cung cấp dịch vụ y tế điện tử TimelyMD này đã thực hiện một khảo sát với hơn 1.000 sinh viên năm cuối và kết quả là 88% số sinh viên được khảo sát cảm thấy đã chuẩn bị sẵn sàng để tham gia lực lượng lao động và 92% bày tỏ niềm hy vọng vào tương lai.

Seli Fakorzi, giám đốc sức khỏe tâm thần của TimelyMD, cho biết những con số kể trên rất đáng khích lệ. Điều này cho thấy các sinh viên vẫn kiên cường trong đại dịch COVID-19 – ngay cả khi họ phải đối mặt với những thách thức về sức khỏe tâm thần, vốn đã được đề cập trong một cuộc khảo sát trước đó của TimelyMD.

Fakorzi nói: “Các sinh viên khao khát được chăm sóc, hỗ trợ và giáo dục về sức khỏe tâm thần của mình. Điều này có nghĩa là sinh viên sẽ được chuẩn bị và họ cảm thấy là những trải nghiệm mà họ có được ở bậc đại học sẽ phần nào hỗ trợ cho những công việc trong tương lai của mình.”

Khảo sát cho thấy nhận định trên là đúng, khi có gần hai phần ba sinh viên năm cuối đại học — 62% — đã nhận được một lời mời làm việc. Trong số đó, 87% cho biết họ có vị trí trong lĩnh vực mong muốn và 53% cho biết họ kiếm được mức lương cao hơn mức mong đợi, trong khi 40% nói rằng họ nhận được mức lương theo mong đợi của mình.

Christine Cruzvergara, giám đốc chiến lược giáo dục tại Handshake, một nền tảng dịch vụ nghề nghiệp phổ biến dành cho sinh viên, cho biết cô rất ngạc nhiên khi thấy một số lượng lớn sinh viên năm cuối đại học đã có kế hoạch dành cho mình sau khi tốt nghiệp đại học.

Bà Cruzvergara còn cho rằng: “Con số này cao hơn so với tôi dự đoán nếu so với những gì chúng ta thường thấy vào thời điểm này hàng năm. Thành thật mà nói, những con số này không hẳn là cao nếu so với thời điểm sinh viên sắp tốt nghiệp. Nhưng tôi nghĩ rằng việc số sinh viên đã có kế hoạch cho tương lai cao như vậy ngay vào đầu năm là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang hoạt động như thế nào và cũng cho thấy thị trường việc làm đang rất sôi động.”

Andy Chan, phó chủ tịch phụ trách văn phòng hỗ trợ hướng nghiệp của sinh viên tại Đại học Wake Forest, cho biết ông đặc biệt ngạc nhiên khi chỉ có 7% sinh viên năm cuối tiết lộ họ phải nhận mức lương thấp hơn mong đợi. Ông cũng cho rằng điều đó cho thấy sinh viên sắp tốt nghiệp đang sở hữu những lợi thế lớn trong thị trường lao động hiện nay.

“Tôi nghĩ rằng hiện tượng này thực sự cho thấy việc các nhà tuyển dụng đang nhận ra là họ cần phải trả lương công bằng cho sinh viên để thu hút họ,” Chan nói. “Và chúng tôi đã thấy sinh viên thực sự có thể thương lượng mức lương cao hơn một chút — không phải đúng cho tất cả, nhưng một số sinh viên hoàn toàn đủ khả năng để nhận được mức lương cao hơn.”

Theo khảo sát của TimelyMD, các sinh viên sắp tốt nghiệp vào năm 2022 thích công việc có thời gian làm việc linh hoạt, vốn rất được ưa chuộng trong thời kỳ đại dịch. Bên cạnh tiền lương, 68% số sinh viên được khảo sát cho biết thời giờ làm việc linh hoạt là một yếu tố quan trọng khi họ xem xét một công việc và 47% cho rằng một môi trường làm việc linh hoạt như làm việc tại nhà cũng là một yếu tố đáng cân nhắc. Những yếu tố đó được xếp hạng cao hơn cả các phúc lợi y tế (46%) và thời gian, chế độ nghỉ phép (40%).

Sau hai năm thực hiện giãn cách xã hội, các sinh viên năm cuối tham gia khảo sát phần đông rất hào hứng khi được làm việc trực tiếp tại cơ quan; 58% cho biết họ thích một môi trường làm việc hoàn toàn trực tiếp, 24% muốn một vị trí kết hợp linh hoạt giữa làm việc trực tiếp và từ xa và chỉ 18% muốn làm việc hoàn toàn từ xa.

Chan cho biết đại dịch đã khiến sinh viên quan tâm hơn đến thời gian và môi trường làm việc linh hoạt vì nó cho họ thấy rằng người sử dụng lao động có thể thích ứng khi cần – và nhân viên vẫn có thể hoàn thành tốt công việc của họ.

“Tôi nghĩ mọi người đang nhận ra rằng họ có thể có lựa chọn để trở nên linh hoạt hơn trong công việc và hoàn toàn có thể làm việc hiệu quả, ngay cả khi không ở văn phòng,” Chan nói. “Vì vậy, các nhân viên đang bắt đầu có những đề xuất đối với công việc nhằm phục vụ cho bản thân họ.”

Đa số các sinh viên năm cuối (77%) cũng cho biết rằng họ đã sử dụng và nhận được sự hỗ trợ từ văn phòng hướng nghiệp sinh viên tại các trường và 53% trong số này cho biết văn phòng hướng nghiệp thực sự đã giúp họ tìm được việc làm. Cruzvergara gọi đó là điều “ấm lòng” khi thấy nhiều sinh viên đến để nhận sự trợ giúp trong con đường sự nghiệp của mình. 

Cruzvergara nói: “Tôi không biết việc đại dịch đã thúc đẩy nhiều sinh viên tận dụng các nguồn lực mà họ có trong khuôn viên trường là vì họ lo lắng hay là vì họ muốn chuẩn bị kỹ càng hơn. Hoặc có thể là vì bản chất của các sự kiện xảy ra xung quanh họ đã khiến họ cảm thấy như ‘Tôi cần hỗ trợ và tôi có quyền nhận được các hỗ trợ sẵn có này, nên tôi sẽ tận dụng nó.’” 

Những thách thức về sức khỏe tâm thần vẫn còn tồn tại

Mặc dù cuộc khảo sát của TimelyMD cho thấy phần lớn sinh viên năm cuối đại học nói rằng họ đã được chuẩn bị để gia nhập lực lượng lao động, 69% số sinh viên tham gia khảo sát cho biết đại dịch đã khiến họ cảm thấy thiếu sự chuẩn bị hơn. 70% sinh viên thực hiện khảo sát trả lời rằng các vấn đề sức khỏe tâm thần là lý do đầu tiên dẫn đến cảm giác này của họ. Vấn đề tiếp theo là sức khỏe thể chất với 46% sinh viên thực hiện khảo sát cho biết đó là điều họ quan tâm, còn những thử thách liên quan đến học thuật chiếm 41% số sinh viên. 

Ngoài ra, khi được hỏi liệu họ có căng thẳng hoặc lo lắng về việc gia nhập vào lực lượng lao động hay không thì 54% cho biết có đôi chút và 14% thì rất căng thẳng và lo lắng. Về điều khiến các sinh viên này lo lắng nhất khi tham gia lực lượng lao động, 65% cho biết họ lo về việc tìm được và giữ được việc làm, 52% lo về việc phải tự hỗ trợ bản thân về mặt tài chính và 49% cho biết họ lo khi phải độc lập và tự chủ.

Fakorzi cho biết, các giáo sư và giám đốc hướng nghiệp mà cô đã phỏng vấn nói rằng họ hoàn toàn nắm được việc nhiều sinh viên chọn sử dụng các nguồn lực của tổ chức họ trong năm qua là vì sinh viên cảm thấy quá căng thẳng về thị trường việc làm và cũng như lo lắng sự chuẩn bị của bản thân để sẵn sàng tham gia vào thị trường.

Fakorzi nói: “Rất nhiều sinh viên của chúng tôi hiện đang phải chịu nhiều căng thẳng của việc tốt nghiệp và những bài luận cuối khóa của họ. Tuy nhiên họ vẫn đang liên hệ để nhận được hỗ trợ từ văn phòng của chúng tôi chỉ để chuẩn bị bản thân mình cho lực lượng lao động sau này.”

Với việc các sinh viên năm cuối ngày càng nhận thức được những hệ quả của đại dịch đã tác động tiêu cực lên sức khỏe tâm thần của họ, nhiều người đang kêu gọi các chủ doanh nghiệp và nhà tuyển dụng cung cấp thêm các nguồn hỗ trợ sức khỏe tâm thần hơn. Cuộc khảo sát cho thấy 92% sinh viên thực hiện khảo sát cho biết các công ty nên cung cấp các phúc lợi liên quan đến sức khỏe tâm thần hoặc sức khỏe cảm xúc. 34% số sinh viên này cho biết lợi ích sức khỏe tâm thần của một công ty cũng quan trọng đối với họ như việc có lương hưu và các đặc quyền hưu trí khác.

Chan nói rằng việc sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp yêu cầu các chủ doanh nghiệp phải cung cấp các nguồn lực giúp chăm sóc sức khỏe tâm thần là một khái niệm khá mới mẻ. Nó đã khiến nhiều nhà tuyển dụng tự đặt câu hỏi làm thế nào họ có thể tạo ra một môi trường làm việc tốt và có trách nhiệm hơn, với sự hỗ trợ đầy đủ về các nguồn lực liên quan đến sức khỏe tinh thần.

“Khi tôi có một yêu cầu đối với người sử dụng lao động của tôi về việc được chăm sóc về sức khỏe tinh thần, điều đó đồng nghĩa với việc tôi đang nói về những ý tưởng và khái niệm hoàn toàn mới mà trước đây chúng ta chưa từng nói đến, chí ít là trong văn hóa nước Mỹ,” Chan nói. “Tôi có cảm giác đôi khi văn hóa Mỹ là một loại văn hóa ‘chịu đựng mà làm việc đi’ và ‘đừng phàn nàn nữa’. Nhờ trải qua đại dịch mà dường như tất cả mọi người đã thực sự hiểu giá trị của sự đa dạng, công bằng, hòa nhập, giúp họ cùng nhau xác thực một câu nói rằng “Chúng ta cần phải lo lắng và chăm sóc cho nhau.”

Leave a comment