Tình trạng vô gia cư ở trẻ em và thanh thiếu niên chưa được đánh giá đúng mực

Tác giả: Camila Beiner

Nguồn: npr.org, ngày đăng: 15/02/2022

Biên dịch: Bách Hợp – Biên tập: Quỳnh Lê

Trong thời niên thiếu của mình, Dominique Marshall đã chuyển chỗ ở vô số lần. Năm 17 tuổi, cô đã gọi mỗi nơi khác nhau là “nhà” trong những khoảng thời gian ngắn. Từ khi còn nhỏ, cô đã thấy được rằng các thầy cô và cán bộ liên lạc ở các trường công mà cô theo học không được đào tạo đủ để nhận ra học sinh nào là người vô gia cư. 

Marshall, năm nay 23 tuổi, chia sẻ: “Vì không ai nhận ra tôi vô gia cư, nên tôi không đủ điều kiện để nhận nhiều dịch vụ hỗ trợ trước khi đến được một nơi trú ngụ”, “Ngay cả khi đó, cán bộ liên lạc ở Philadelphia cũng không thực sự trò chuyện về tình hình của tôi.” 

Đạo luật McKinney-Vento (Gia Cư McKinney-Vento (MKV) là đạo luật liên bang bảo vệ quyền giáo dục của học sinh vô gia cư – ND) yêu cầu mỗi học khu phải chỉ định một cán bộ liên lạc làm công việc xác định các học sinh vô gia cư để giúp các em nhận được các dịch vụ cần thiết. Các trường học phải ngay lập tức ghi danh những trẻ em vô gia cư ngay cả khi các em không có các giấy tờ cần thiết. Học sinh cũng được cấp đồng phục, nếu cần, và dịch vụ đưa rước. 

Marshall đã phải tự lo cho mình dù đạo luật McKinney-Vento đã có từ 1987. Cô ở lại một nơi trú ẩn gần một tháng thông qua chương trình Thanh thiếu niên Bỏ nhà và Vô gia cư (The Runaway and Homelessness program), một chương trình chuyển tiếp ngắn hạn, nhưng chẳng bao lâu sau cô đã lại sống nhờ ở nhà bạn bè và các gia đình khác. Việc tìm kiếm việc làm trở nên khó khăn; các khoản trợ cấp nhà ở thì không thể tiếp cận được. Cô gái 23 tuổi sau đó đã phải bỏ học đại học. 

Marshall nói: “Tôi cũng đang phải đối mặt với những khó khăn cá nhân – từ một đứa trẻ gặp sang chấn lúc tuổi thơ, lớn lên và trở thành người vô gia cư.” Nhiều khi mọi người coi những người vô gia cư như thể tất cả bọn họ vừa sinh ra là đã lang thang cơ nhỡ, nhưng câu chuyện của mỗi người lại rất khác nhau.” 

Tìm ra những người vô gia cư

Barbara Duffield, giám đốc điều hành của SchoolHouse Connection, một tổ chức phi lợi nhuận quốc gia hướng đến việc khắc phục tình trạng vô gia cư thông qua giáo dục, cho biết việc xác định trẻ em và thanh thiếu niên vô gia cư là một thách thức. Vô gia cư ẩn là một trong nhiều lý do. Đây là từ để nói về những người đang tạm trú trong nhà của một người khác và không nhận được sự hỗ trợ từ hệ thống. 

Duffield nói: “Hầu hết các gia đình và thanh thiếu niên vô gia cư không ở trong những nhà tạm trú, họ cũng không sống trên đường phố mà họ di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Việc xác định là rất quan trọng bởi vì nếu chúng ta không biết ai đang trong tình trạng vô gia cư, chúng ta không thể đảm bảo họ có các nguồn lực cần thiết.” 

Darla Bardine, giám đốc điều hành của Mạng lưới Quốc gia dành cho Thanh thiếu niên, cho biết, việc trợ giúp những người lang thang cũng gây khó khăn vì không có một định nghĩa chung hoặc các yêu cầu về điều kiện thống nhất trên toàn quốc cho tình trạng vô gia cư. 

Cô cho biết Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị (HUD) có định nghĩa hẹp nhất trong tất cả các cơ quan liên bang. Định nghĩa này chỉ bao gồm những người sống trong các khu tạm trú, nhà ở chuyển tiếp, hoặc trên đường phố hoặc các địa điểm ngoài trời khác. Điều này đồng nghĩa với việc không bao gồm những người đang tá túc tại nhà người nào đó hoặc trong các nhà nghỉ. Vì vậy, một người như Marshall, vốn đã dành phần lớn tuổi trẻ của mình để di chuyển khắp nơi, sẽ không đủ điều kiện để nhận bất kỳ hỗ trợ nhà ở nào nhưng sẽ đủ điều kiện cho các chương trình dành cho người vô gia cư của Bộ Giáo dục. 

“Với việc những tiêu chí tập trung chủ yếu vào đối tượng người trưởng thành độc thân và vô gia cư lâu năm, định nghĩa và các yêu cầu về tính đủ điều kiện của Bộ Gia cư và Phát triển đô thị đã loại trừ rất nhiều trẻ em, thanh thiếu niên và các gia đình đang trải qua tình trạng vô gia cư,” Bardine nói.

Một đạo luật được đưa ra tại Hạ viện Mỹ sẽ thay đổi định nghĩa về tình trạng vô gia cư của Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị để phù hợp với định nghĩa của các cơ quan liên bang khác nhằm giúp có thêm nhiều trẻ em, thanh niên và gia đình có thể tiếp cận với hỗ trợ nhà ở. Việc này cũng sẽ giúp các dữ liệu thu thập trở nên chính xác hơn. 

Định nghĩa Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị khiến nhiều người lang thang cơ nhỡ gặp nhiều rủi ro hơn. Trong năm 2019-2020, các trường học đã xác định được 1,28 triệu học sinh vô gia cư. Trong khi đó, Bộ này lại thông báo rằng họ chỉ xác định được 106.364 trẻ em dưới 18 tuổi và 45.243 thanh niên, từ độ tuổi 18 đến 24. Và đây được coi là con số chính thức về tình trạng vô gia cư. Bardine cho biết rằng Quốc hội Mỹ đã dựa trên con số đó để đưa ra quyết định về tài trợ và quy định chính sách cho người vô gia cư ở Mỹ. 

Anh trai của Marshall mắc chứng tự kỷ, điều này khiến anh khó tự mình tiếp cận các dịch vụ. Anh đã ở nhờ nhà của một họ hàng khi Marshall giúp anh tìm một nơi trú ẩn để anh có thể nhận được hỗ trợ về nhà ở. 

“Cuối cùng anh ấy phải ở trong một nơi trú ẩn dành cho người lớn trong khi lúc đó anh ấy chỉ mới sắp bước sang tuổi 19,” Marshall nói. “Anh ấy đã ở với những người gấp đôi tuổi của mình và anh ấy phải ở đó một đêm để đạt đủ điều kiện.” 

Việc học không phải lúc nào cũng được ưu tiên 

Kedric Sledge, một nhân viên xã hội học đường tại Fulton County Schools ở Atlanta và là thành viên của National Board of StandUp for Kids, một tổ chức phi lợi nhuận giải quyết cuộc khủng hoảng vô gia cư của thanh thiếu niên, cho biết một trong những rào cản lớn nhất mà anh thấy với học sinh vô gia cư là trường học không phải ưu tiên chính của các em này. Chúng sẽ bỏ học khoảng hai hoặc ba ngày một tuần vì chúng muốn tập trung hơn vào việc kiếm thu nhập. 

Sledge nói: “Tất cả các em này đều đặt chuyện làm việc lên hàng đầu, và trường học chỉ là ưu tiên thứ hai. Các em chỉ đơn giản là muốn đáp ứng những nhu cầu cơ bản của mình trước – nơi ở, đồ ăn, đồ vệ sinh cá nhân và những thứ thuộc nhu yếu phẩm khác.” 

Myshelle Bey đã dành phần lớn tuổi trẻ của mình sống vô gia cư. Cô bị đuổi khỏi nhà bà ngoại và gác lại chuyện học hành khi mang thai đứa con trai năm 18 tuổi và bắt đầu tá túc nhờ nhà người khác.

Bey nói: “Tôi làm việc mọi lúc, và có thời điểm cùng lúc tôi phải làm một công việc xuyên đêm cộng với một công việc ban ngày khi vẫn đang đi học. Và tôi đã cố gắng đảm bảo rằng mình luôn bận rộn để khỏi nghĩ về tình cảnh mà mình đang trải qua.” 

Nhà trường biết rằng Myshelle Bey không có nơi ở ổn định. Cô ấy nói rằng trường không cung cấp nhiều sự hỗ trợ. Và bà của cô, người phải vật lộn với cơn nghiện ma túy, cũng chẳng làm gì hơn để giúp. 

Bey nói: “Thật khó để tập trung học hành, và các giáo viên không thực sự hiểu về điều đó, họ lúc nào cũng tỏ ra kiểu “đáng ra em phải đi học đủ chứ” “. Hiện cô đang sống ở Boston, đã bỏ học trung học và giao quyền chăm sóc con trai cho mẹ cô.  

Duffield cho biết chỉ có khoảng 68% học sinh từng trải qua cảnh vô gia cư sẽ tốt nghiệp trung học trong khi đó, những em sống trong gia đình nghèo thì con số này là 80%. 

“Chúng tôi cũng biết rằng việc không có chứng chỉ trung học hoặc Phát triển giáo dục phổ thông là yếu tố rủi ro lớn nhất khiến một em học sinh tiếp tục trở thành người vô gia cư khi trưởng thành,” Duffield nói. “Vô gia cư làm gián đoạn giáo dục, nhưng giáo dục lại là yếu tố quan trọng để thoát khỏi tình trạng vô gia cư.” 

Bey đã hoàn thành kỳ thi Phát triển giáo dục phổ thông vào năm 2019 và hiện đang học để lấy bằng thẩm mỹ. Cô gái 27 tuổi hy vọng sẽ làm việc trong một tiệm tóc trong khi theo đuổi bằng cấp bổ sung khác cùng lĩnh vực. 

Sledge cho biết ông là người ủng hộ các chương trình dạy nghề và chương trình đào tạo về Hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa. Ông hi vọng những học sinh-sinh viên vô gia cư sẽ có thể được đào tạo về các kỹ năng cần thiết để làm việc trong lĩnh vực buôn bán hoặc hàn xì. Điều này cho phép các em có được  một công việc để có thể kiếm sống. 

Job Corps, một chương trình cung cấp giáo dục và đào tạo nghề miễn phí cho thanh niên từ 16 đến 24 tuổi, là một trong những chương trình mà Sledge đang thúc đẩy nhiều nhất. 

Sledge cho biết: “Học viên sẽ được cung cấp nhà ở đủ cho một người, và có thể chọn bằng tốt nghiệp trung học hoặc bằng nghề khi ở Job Corp. Các em sẽ nhận được tiền trợ cấp – có thể khoảng 25 đô la một tuần – và ít nhất cũng có được chỗ trú và tiền ăn ở.” 

Kỳ thị đằng sau tình trạng vô gia cư

Nhiều trẻ em và thanh thiếu niên vô gia cư cố gắng để không bị phát hiện vì sự kỳ thị đằng sau tình trạng vô gia cư. 

Simeria Dewalt là một bà mẹ của 4 đứa con trong độ tuổi từ 16 đến 24, tất cả đều học trong hệ thống trường công lập. Cô cho biết những đứa con lớn của cô đã gặp khó khăn trong học tập khi chúng lần đầu tiên chuyển đến nơi trú ẩn. Nỗi xấu hổ khi không có nhà là thứ khiến chúng thấy tổn thương nhất. 

“Chúng rất sợ bị người khác đánh giá, và thường cố tránh bị phát hiện mỗi khi ra vào nơi trú ẩn,” Dewalt nói. Cô sống ở Elizabeth, New Jersey. 

Cô cho biết con trai lớn của cô bắt đầu ở nhờ nhà người khác khi 16 tuổi để khỏi phải đến cái chỗ trú ẩn cho người vô gia cư. Và con gái của cô cũng nối gót ngay sau đó và bắt đầu ở nhà tập thể khi cô bé 14 tuổi. 

“Điều thực sự cần thiết là đơn vị quản lý trường học và nhân viên giáo viên nhà trường cần phải nhạy cảm và chủ động hơn trong việc tiếp cận học sinh, chứ không chỉ là mỗi việc tránh sử dụng từ vô gia cư,” Dewalt nói. 

Các trường học nên đào tạo các giáo viên để có khả năng nhận thấy các dấu hiệu tiềm ẩn của tình trạng vô gia cư ở học sinh, cô nói. Các dấu hiệu này thường bao gồm vắng mặt thường xuyên, mặc chỉ vài bộ quần áo trong thời gian dài, tích trữ đồ ăn hoặc các thay đổi hành vi như bỏ học hoặc cư xử không phải phép. 

Dewalt là chuyên viên phục hồi đồng đẳng tại Prevention Links, một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ phục hồi miễn phí cho những người mắc chứng rối loạn lạm dụng chất gây nghiện. Với tư cách là một chuyên gia hỗ trợ, cô tin rằng việc tổ chức các buổi tư vấn với các học sinh vô gia cư để tìm ra cách giúp các em giao tiếp với các học sinh khác về hoàn cảnh của mình sẽ có lợi cho các trường học và nơi tạm trú. Cô cho rằng nhiều em, giống như các con của cô, không biết làm thế nào để đối phó và trả lời những câu hỏi mà bạn bè đặt ra cho chúng. 

Cô ấy nói rằng cũng có những người vô gia cư đến tham gia và chia sẻ câu chuyện thành công của họ. Điều này có thể giúp các em hiểu thêm rằng tình trạng vô gia cư không phải là vĩnh viễn. Dewalt muốn các học sinh-sinh viên vô gia cư hiểu rằng đây là hoàn cảnh mà nhiều người phải trải qua và bản thân chúng có thể vượt qua được.

“Tôi đã có lúc muốn tự tử, nhưng hôm nay tôi vẫn còn ở đây, nên tôi rất hiểu sẽ có những lúc người ta cảm thấy như muốn gục ngã”, Dewalt nói. “Nhưng nếu bạn có ai đó để trò chuyện, khuyến khích, và giúp tinh thân của bạn tốt hơn, thì tôi tin là bạn có thể vượt qua được.”

Leave a comment