Một thế hệ mất mát người Rohingya lớn lên không được tiếp cận giáo dục

Nguồn: The Diplomat đăng ngày: 22/12/2018 bởi Tun Khin

Biên dịch: Công Tịnh – Biên tập: Phan Trà Khúc

Trẻ em người Rohingya ở Myanmar và Bangladesh gặp phải rào cản lớn trong việc  tiếp cận giáo dục.

Mohammed là một trong 700,000 người tị nạn Rohingya phải di tản vào Bangladesh sau “chiến dịch tẩy sạch” tàn bạo của quân đội Myanmar vào tháng 8/2017. Nhiều binh lính đã cưỡng hiếp, giết hại và đốt phá nhiều nơi trên đường đi đến bang Rakhine, nơi ở của phần lớn người Rohingya. Liên hiệp quốc và nhiều quốc gia khác coi đây là hành động chống lại loài người và có thể coi là diệt chủng.

Dù Mohammed chạy qua được biên giới sau khi chứng kiến những hành động phá hủy và bạo lực không thể tưởng tượng nổi, em cũng đã  nhận ra nhiều mối nguy khác đến với đồng bào của mình – nhất là không tiếp cận được với giáo dục. Trước khi chạy qua Bangladesh, cơ hội được đến trường của Mohammed cũng đã ngày càng trở nên hạn chế ở Myanmar khi chính phủ bắt đầu phân tách trẻ em Đạo Phật và Hồi Giáo sau sự việc bạo lực vào năm 2012. Trong khi đó, với tình trạng ổn định nửa vời ở Bangladesh, Mohammed cùng hàng ngàn trẻ em Rohingya khác bị từ chối khỏi cơ hội được tiếp cận hệ thống giáo dục chính quy vì nhiều lệnh cấm của chính phủ Bangladesh.

Nguồn: Mathias Eick EU/ECHO tháng 3/2013

Người Rohingya không được tiếp cận giáo dục ở cả hai bên bờ sông Naf – dòng sông chia cách Myanmar và Bangladesh – là mối nguy tạo nên một thế hệ trẻ em  mất mát người Rohingya. Trong tháng này, tổ chức Burmese Rohingya Organization UK cho ra một báo cáo mới mới chỉ ra khủng hoảng tiềm ẩn này trong khi kêu gọi thế giới có hành động càng sớm càng tốt. Mohammad nói với chúng tôi rằng: “Nếu bạn muốn hại một cộng đồng, bạn không cần phải giết họ. Chỉ cần đừng để họ được đi học.”

Ở Myanmar, người Rohingya đối mặt với một hệ thống chính quyền suy nhược và bị phân biệt đối xử trong nhiều thập kỉ. Chính quyền này chối bỏ quyền công dân của người Rohingya cùng những quyền cơ bản kèm theo cũng như áp đặt các lệnh cấm lên quyền tự do di chuyển của họ. Trên phần lớn khu vực ở bang Rakhine, người Rohingya cần phải có được sự chấp thuận mới được di chuyển đến các thị trấn khác hoặc ngay cả trong những ngôi làng của họ, đồng nghĩa với việc tiếp cận được với cơ hội làm ăn và tiếp cận được giáo dục trở nên hiếm hoi. 

Các lệnh cấm này không mới và cũng đã là một phần trong cuộc sống thường nhật của người Rohingya qua nhiều thế hệ. Chính quyền Myanmar cũng nhắm đến người Rohingya với những hành động diệt chủng tinh vi hơn. Họ áp đặt những hành động phân biệt đối xử ở bang Rakhine với chung mục đích với sự việc bạo lực quân sự đã gây nhiều chú ý trên báo chí quốc tế vào năm 2017 – đó là làm cho cuộc sống của người Rohingya khó khăn tới mức họ phải rời đi. Bản thân tôi là một ví dụ. Tôi buộc mình phải rời khỏi bang Rakhine vào giữa những năm 1990 khi chính quyền Myanmar không cho tôi được vào Đại học đơn giản bởi vì tôi là người Rohingya. 

Tuy nhiên sự phân biệt đối xử này đã trở nên cực kỳ căng thẳng từ năm 2012 khi chính quyền này ủng hộ bạo lực nhắm đến người Rohingya quét qua ban Rakhine. Kể từ lúc đó, chính phủ đã bắt đầu chia tách các trường học trước đó có cả học sinh Đạo hồi và Đạo phật, bỏ rơi các học sinh người Rohingya trong các cơ sở giáo dục với chất lượng dạy và vật chất tồi tàn. Nhiều giáo viên chính phủ từ chối tới dạy các trường của người Rohingya; Những người chịu đến dạy thì  thường sỉ nhục và bỏ rơi các em. Bản thân Mohammad mô tả tình trạng của em ấy đã thay đổi từ 2012 như thế này: “kể từ khi đó, các giáo viên tách chúng tôi qua các lớp học riêng biệt. Một bên cho người Rohingya, một bên cho Rakhine. Giáo viên dành cho họ mọi sự quan tâm và nguồn lực. Các giáo viên gọi chúng tôi là ‘Kalar’ (một từ chỉ sự khinh thường nói người Rohingya) và không muốn dạy chúng tôi nữa.”

Có nhiều báo cáo từ năm 2017 nói rằng chính quyền Myanmar cũng đã nhắm đến các giáo viên và những ai được giáo dục người Rohingya – hành động này làm giảm đi nỗ lực tự giáo dục cộng đồng của họ . Điều này cho thấy không phải ngẫu nhiên mà hơn 73% người Rohingya ở bang Rakhine tự cho bản thân mù chữ vào ngày nay.

Ngay cả tình trạng an toàn nửa vời ở Bangladesh, việc thiếu tiếp cận tới giáo dục vẫn tiếp diễn. Trong khi chính phủ Bangladesh hào phóng mở cửa biên giới với Myanmar vào lúc đỉnh điểm của khủng hoảng, thì chính quyền  này cũng đã đưa ra nhiều lệnh hạn chế đáng lo lắng trong các trại tị nạn, nơi ở của hàng trăm ngàn người Rohingya. Ví dụ, họ cấm dân tị nạn rời khỏi trại, trong khi các nhóm cứu trợ quốc tế lại không được phép  xây  các khu tị nạn bền vững hơn với ý định không cho họ ở đây lâu dài. 

Những lệnh hạn chế này cũng áp dụng lên giáo dục. Trẻ em tị nạn người Rohingya không có cơ hội tiếp cận nền giáo dục chính qui hoặc không được dạy tiếng Bangla, rõ ràng là vì chính quyền ở Dhaka sợ đây là các “nhân tố lôi kéo” nhiều người tị nạn vào Bangladesh và cư trú luôn ở đây. 

Thay vào đó, giáo dục trong các trại được cung cấp bởi nhiều  tổ chức phi chính phủ ở Bangladesh và quốc tế cũng như các tổ chức vì cộng đồng. Người Rohingya thường được dạy trong các “trung tâm giáo dục tạm thời” nơi các chất lượng và chương trình dạy sẽ có nhiều khác biệt lớn tùy thuộc vào các tổ chức phi chính phủ  tham gia vào việc dạy học này.  

Dù cộng đồng người Rohingya rất biết ơn vì chính phủ Dhaka đã hỗ trợ cho hàng triệu dân tị nạn nhưng chúng tôi cũng mong muốn chính phủ cân nhắc lại cách tiếp cận của họ tới giáo dục. Nhiều dân tị nạn sẽ tiếp tục ở lại Bangladesh trong tương lai gần – cách duy nhất để họ có thể đóng góp lại cho xã hội Bangladesh đó là họ có thể phát triển tốt hơn thông qua giáo dục và tìm được kế sinh nhai. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Bangladesh gỡ bỏ mọi rào cản tới giáo dục cho dân tị nạn và đảm bảo các nhà lãnh đạo cộng đồng người Rohingya có thể đưa ra các quyết định xung quanh các gói viện trợ và phát triển. 

Nhưng giải phải pháp lâu dài và thiết thực cho khủng hoảng này lại nằm ở Myanmar. Chính quyền Myanmar phải lập tức phá bỏ đi chế độ phân biệt chủng tộc, xóa bỏ tất cả lệnh cấm vi phạm quyền con người của người dân Rohingya (bao gồm quyền tiếp cận giáo dục và di chuyển) và để quyền công dân của người Rohingya được bảo hộ bởi pháp luật.

Tình hình cộng đồng người Rohingya đang bị đe dọa bởi sự diệt chủng ở Myanmar không thể nào nguy cấp hơn . Đó là mối đe dọa thật sự khiến cả một thế hệ trẻ em người Rohingya lớn lên mà không bao giờ nhận được đủ giáo dục. Điều này thật sự cấp bách hơn bao giờ hết khi chúng tôi cần một thế hệ người Rohingya được giáo dục để có thể dẫn dắt và phát triển cộng đồng của chúng tôi. 

Tun Khin – chủ tịch của tổ chức Burmese Rohingya Organisation UK và người điều phối của Free Rohingya Coalition

Leave a comment