Singapore – 50 năm cùng người khuyết tật “hoà nhập” 

Nguồn: Strait Times, đăng ngày 28/5/2022

Biên dịch: Lê Thị Thu Uyên – Biên tập: Phan Trà Khúc

Trong những năm qua, Singapore đã rất nỗ lực để giúp người khuyết tật hòa nhập. Có thể kể đến như nỗ lực can thiệp hỗ trợ trẻ em khuyết tật từ giai đoạn mầm non một cách rộng rãi hơn, hay điều chỉnh hệ thống giao thông công cộng thân thiện với xe lăn.

Đơn vị Hỗ trợ Sinh viên (SAU) cung cấp các dịch vụ cá nhân hoá và các nguồn lực để hỗ trợ sinh viên khuyết tật. Nguồn: NUS

Kể từ năm 2007, Singapore đã xây dựng ba lộ trình nhằm cải thiện cuộc sống của người khuyết tật trong vòng 5 năm. Lộ trình mới nhất sẽ được công bố vào cuối năm nay. 

Dưới đây là các mốc thời gian quan trọng trong quá trình Singapore chuyển đổi để giúp người khuyết tật dễ dàng hoà nhập.

Năm 1973: Hội đồng thể thao người khuyết tật Singapore được thành lập.

Năm 1980: Ra mắt Đề án Car Park Label – cung cấp chỗ đậu xe rộng hơn cho người lái xe và hành khách bị khuyết tật vận động.

Năm 1987: Trung tâm Đăng ký Người khuyết tật (Central Registry of Disabled Persons) đóng cửa và sau đó trở thành trung tâm tâm đăng ký sử dụng dịch vụ hỗ trợ  dành cho người khuyết tật 

Từ năm 1991: Các đơn vị đánh giá và chẩn đoán được thành lập tại Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em KK, Bệnh viện Đại học Quốc gia và Viện Sức khỏe Tâm thần để xác định sớm khiếm khuyết ở trẻ em.

Năm 1999: Bộ Giáo dục (MOE) ra mắt Quỹ Công nghệ Hỗ trợ Cho Người Khuyết Tật (Assistive Technology Fund) dành cho học sinh ở các cấp tiểu học, trung học và dự bị đại học.

Năm 2003: Đạo luật Giáo dục Bắt buộc có hiệu lực. Ngoại trừ những trẻ có nhu cầu đặc biệt, tất cả trẻ em sinh sau ngày 01/01/1996 phải đi học.

Chương trình Can thiệp sớm cho Trẻ sơ sinh và Trẻ em khuyết tật (Eipic) được triển khai cho trẻ cần hỗ trợ can thiệp sớm ở mức độ trung bình đến cao từ 6 tuổi trở xuống   

Năm 2004: Hội đồng Dịch vụ Xã hội Quốc gia (NCSS) ra mắt cổng thông tin www.disability.org.sg để cung cấp thông tin và kiến ​​thức cập nhật về: các dạng khuyết tật, dịch vụ hỗ trợ, địa chỉ liên hệ và sự kiện liên quan. Cổng này hiện không còn được sử dụng.

Chiến dịch Giáo dục Cộng đồng Nâng cao Nhận thức về Người khuyết tật được phát động nhằm nâng cao thái độ và nhận thức của người dân Singapore đối với người khuyết tật.

Năm 2005: Trung tâm Thông tin và Kết nối Người khuyết tật được thành lập vào tháng Ba để cung cấp thông tin và đóng vai trò là nơi tham khảo cho cha mẹ của trẻ mới được chẩn đoán khuyết tật.

Viện Giáo dục Quốc gia giới thiệu mô-đun 12 giờ học bắt buộc về giáo dục đặc biệt trong chương trình đào tạo của giáo viên kiến tập/ mới vào nghề.

Năm 2006: Xe buýt công cộng có hỗ trợ xe lăn đầu tiên được ra mắt.

Quỹ Hỗ trợ việc làm cho Người khuyết tật (Enable) được thành lập vào tháng 7 nhằm hỗ trợ tài chính cho những người sử dụng lao động để họ thiết kế lại công việc, nơi làm việc hoặc tiến hành đào tạo khi thuê người khuyết tật. Dự án này sau đó được phát triển thành chương trình Mở Cửa (Open Door Programme).

Bộ Phát triển Cộng đồng, Thanh niên và Thể thao (MCYS) và NCSS bắt tay vào việc lập Kế hoạch Tổng thể Hỗ trợ cho giai đoạn 2007-2011.

Năm 2007: Bộ Giáo dục  tăng tuổi tốt nghiệp lên 21 cho những người học chương trình trung học chính khóa hoặc theo học các chương trình dạy nghề thuộc giáo dục đặc biệt.

Năm 2008: Trung tâm Hỗ trợ Sống (Enable Living) được thành lập bởi MCYS.

Đạo luật Năng lực Tâm thần đã được thông qua, cho phép cha mẹ yêu cầu tòa án chỉ định những người đáng tin cậy để đưa ra những quyết định quan trọng dùm khi bản thân không còn đủ năng lực tinh thần để làm việc này.

Năm 2009: MCYS, NCSS và Public Trustee’s Office cùng nhau thành lập Công ty Tín thác Nhu cầu Đặc biệt. Công ty này giúp các bậc cha mẹ dành dụm quỹ để chăm sóc con cái khuyết tật khi họ không thể cáng đáng được nữa.

Năm 2011: Chương trình toàn quốc của Cơ quan Giao thông Vận tải Đất liền hoàn thành, biến nhiều lối đi dành cho người đi bộ, nhà chờ taxi và xe buýt, cùng tất cả các con đường công cộng thân thiện với người khuyết tật hơn.

Năm 2012: Chương trình Hỗ trợ Học tập và Phát triển được triển khai cho trẻ khuyết tật nhẹ ở các trường mầm non.

Singapore ký Công ước về Quyền của Người Khuyết tật và phê chuẩn vào năm 2013. Bộ Nhân lực mở rộng Chương trình Hỗ trợ Thu nhập cho Người khuyết tật. 

Năm 2013: Trung tâm Hỗ trợ Sống (Enable Living) được đổi tên thành SG Enable.

Năm 2014: Ra mắt thẻ ưu đãi giao thông công cộng dành cho người khuyết tật.

Với sự hỗ trợ của SG Enable, Chương trình Trợ cấp Taxi mới đã được triển khai nhằm giúp đỡ những người khuyết tật không thể đi phương tiện công cộng và phải phụ thuộc vào taxi để di chuyển.

Năm 2015: Enabling Village ở Lengkok Bahru mở cửa. Đây là không gian cộng đồng đầu tiên của Singapore dành riêng cho việc hòa nhập người khuyết tật vào cộng đồng.

Năm 2017: Giới thiệu các môn thể thao dành cho người khuyết tật tại Đại hội Thể thao Quốc gia Singapore.

Năm 2018: Trường Tiểu học Mayflower lần đầu tiên được chỉ định là trường tiểu học chính quy có hỗ trợ các học sinh khiếm thính – người cần giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Tất cả các xe buýt công cộng mới đều được trang bị hệ thống hiển thị thông tin điện tử để giúp người khiếm thị và khiếm thính tiếp cận thông tin tốt hơn.

Năm 2019: Trẻ em có nhu cầu đặc biệt được đưa vào Đạo luật Giáo dục Bắt buộc. Khởi động chương trình Eipic Under-2s và chương trình Hỗ trợ phát triển Plus.

Ra mắt Enabling Guide, – trang web cung cấp thông tin về các dịch vụ dành cho người khuyết tật. Tất cả các ga MRT và LRT và các bến xe buýt đều có ít nhất một tuyến đường dành cho người khuyết tật.

Năm 2020: Ra mắt CareShield Life – bảo hiểm chăm sóc dài hạn quốc gia dành cho công dân và người thường trú bị khuyết tật nặng, có năm sinh từ 1980 trở lên.

Ra mắt Enabling Mark, một bộ khung công nhận cấp quốc gia để xác định lao động khuyết tật chính thức. Từ ngày 01/12, tất cả các xe buýt công cộng đều có tiện nghi dành cho xe lăn.

Các chương trình truyền hình trực tiếp quan trọng đều có phiên dịch qua ngôn ngữ ký hiệu. “Trao quyền cho người khuyết tật” là chủ đề của Thử thách Tổng thống năm 2020.

Năm 2021: Tín dụng Hỗ trợ Việc làm mới (New Enabling Employment Credit) hỗ trợ lên tới 30% tiền lương cho người sử dụng lao động là người khuyết tật cho đến năm 2025, thay thế Tín dụng Việc làm Đặc biệt.

Khởi động ba chương trình SGUnited Jobs and Skills dành cho người khuyết tật: địa điểm-đào tạo; gắn bó-đào tạo; và phát triển kỹ năng.

Năm 2022: Bảy trường giáo dục đặc biệt dành riêng cho người mắc rối loạn phổ tự kỷ bắt đầu hoạt động theo từng giai đoạn cho đến năm 2027.

Đến năm 2026: Tất cả các phòng tập thể dục ActiveSG sẽ đáp ứng được nhu cầu của người khuyết tật.

Leave a comment