Xây dựng lớp học hỗ trợ cho các học sinh tị nạn

Biên dịch: Đặng Công Tịnh – Biên tập: Phan Tra Khuc

Nguồn: insidehighered.com đăng ngày: 04/05/2022 bởi Rima Gulshan

“Hơn bao giờ hết, các trường Đại học cần phải cung cấp chỗ dựa an toàn cho học sinh từ Ukraine và những nơi khác trên thế giới trong thời khủng hoảng” Rima Gulshan. 

Lòng trắc ẩn là phẩm chất của một nhà giáo dục tử tế, nhưng với  tình trạng khủng hoảng đang diễn ra trên thế giới, hơn bao giờ hết những nhà giáo dục cần tập trung vào lòng trắc ẩn và lòng tốt/ sự tử tế. Tôi là giáo sư với 20 năm kinh nghiệm làm việc cùng các sinh viên với nhiều xuất thân khác nhau, từ Eritrea, Afghanistan, Russia, Yemen, Iraq, Iran và hiện tại là Ukraine.

Nguồn: insidehighered.com

Sau khi xem thời sự, tôi không thể nào quên được hình ảnh một cậu bé người Ukraine trông rất hạnh phúc ôm trên mình búp bê Superman. Người đưa tin hỏi bố của cậu đang nơi nào, cậu nhìn lên người đưa tin với vẻ tự hào và nói: “Bố cháu là Superman. Ông ấy đã ở lại Ukraina đánh người Nga để chúng con có thể về nhà”.

Bi kịch mà cậu bé phải trải qua thật không thể tưởng tượng nổi. Với tư cách là một người mẹ, tôi chỉ mới bắt đầu mường tượng cái cảm giác phải giải thích một vụ nổ bom diễn ra ngay bên ngoài cửa sổ hoặc tại sao bố cậu không có mặt trong một thời gian. Chưa kể là cậu có thể sẽ không nhìn thấy lại khung cảnh ngôi nhà và quốc gia/ quê hương của cậu như lúc trước.

Là những giáo viên, chúng tôi có vai trò rất quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các học sinh có được tâm lý ổn định. Vai trò này  càng cần được chú trọng khi học sinh của chúng tôi đến từ những nơi có tình hình giống như những gì đã xảy ra ở Ukraine. 

Nghiên cứu về giáo dục tị nạn nhấn mạnh tầm quan trọng của các tổ chức thể chế giáo dục trong việc cung cấp nơi chốn an toàn và chỗ dựa cho học sinh. Trong một bài luận đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục Anh Quốc, 2 nhà nghiên cứu giáo dục tị nạn nổi tiếng Joanna McIntyre và Sinnika Neuhaus nhắc đến bình luận của Ravi Kohli khi ông nói giáo dục là “sự trở lại của cuộc sống thường nhật”. Trong bài luận trên, họ có trích Maria Hayward với câu nói cô ấy cảm thấy trường học là nơi an toàn, có thể mang đến không gian chữa lành. Một bài luận của Christine Massing, phó giáo sư ở Đại học Regina, trên tờ Góc nhìn quốc tế về Giáo dục có bao gồm các bài viết nghiên cứu về những chiến lược có ích cho giáo dục tị nạn.

Cung cấp không gian an toàn

Công việc của tôi khi là một giáo viên của các học sinh tị nạn là đảm bảo cung cấp được không gian an toàn cho các học sinh thể hiện bản thân và kể những câu chuyện của họ. Tôi giao các bài tập để mọi người có cơ hội viết về bản thân họ nếu họ thích. Thành tố lớn nhất và quan trọng nhất là niềm tin, điều này cho phép học sinh giải phóng cảm xúc khi các em thuật lại những sự kiện đau thương đã xảy ra trong cuộc đời. Học sinh có thể giải tỏa khi  chia sẻ trải nghiệm của mình trong lớp thông qua việc cởi mở chia sẻ những gì các em đã viết. Các em đã chia sẻ về việc chúng  đã trốn thoát khỏi quốc gia của mình thế nào, thuật lại các tuyến đường nguy hiểm và cách chúng tới được Mỹ. Trong quá trình đó có vài người đã mất đi người thân. Mọi người và đặc biệt là dân tị nạn cần có được hệ thống hỗ trợ này, nơi mà họ được người khác lắng nghe và trân trọng cảm xúc. Điều này giúp học sinh nhận lại được nhân dạng của mình. 

 Sau những bài viết và thảo luận trên lớp, Các học sinh thường gặp tôi sau giờ học để chia sẻ những điều chúng không thể chia sẻ hết trong lớp . Tôi nghe và thấy được sự giận dữ, lo lắng, tức giận và vô vọng, chúng thường khóc rất lâu. Tôi rất vinh dự khi các em cảm thấy rằng tôi đã tạo  được chốn an toàn và cảm nhận được văn hóa quan tâm dành cho các em.

Tôi cũng dành rất nhiều thời gian xây dựng một cộng đồng trong lớp học, điều này rất cần thiết trong việc khuyến khích sự hỗ trợ và tự tin cho các học sinh, những người đã buộc phải rời khỏi cộng đồng của họ. Sự chấp nhận, tôn trọng và thấu hiểu từ bạn bè đã tạo ra thành công trong việc tạo ra trải nghiệm học tập và các gắn kết tích cực.

Xây dựng cộng đồng và tôn vinh sự đa dạng

Gần đây, trong khi xem tin tức trên TV, tôi thấy được một nghệ sĩ Piano trình diễn ở biên giới Ba Lan – Ukraine, anh ấy trút hết nỗi lòng với những  người tị nạn rối trí đến từ Ukraine. Anh ấy trả lời phóng viên rằng anh đã di chuyển trong 17.5 giờ đồng hồ từ Đức để có thể chào dân tị nạn và đem lại hòa bình thông qua âm nhạc. Người phóng viên nói tên của anh là Davide Martello, và anh ấy cũng chơi Piano ở Minneapolis để truyền tải thông điệp tình yêu, chữa lành, hòa bình và hy vọng ở nơi tưởng niệm George Floyd.

Tôi cố đem lại sự bình an và chấp nhận vào lớp học tiếng anh bằng cách kết hợp việc học với những trải nghiệm trước đó của học sinh. Tôi đã lên kế hoạch cho các buổi học, nơi học sinh có thể học các điệu nhảy trên thế giới, điều này khuyến khích chúng nói về văn hóa và tại sao nhảy lại quan trọng. Tôi thấy rằng nhảy có thể dùng làm phương tiện để khơi gợi cảm xúc ở học sinh và cũng là phương tiện tạo gắn kết các học sinh trong lớp. Nhiều học sinh hoài niệm viết về cách họ từng là một phần trong màn trình diễn ở trường khi họ còn học ở đất nước của mình.

Những bài tập như này cũng tôn vinh sự đa dạng khi học sinh tìm được chốn và không gian an toàn chung để tiếp xúc, tương tác với nhau. Phần lớn thời gian, các em tạo nên được các kết nối lâu dài khi các em tìm được điểm chung với bạn bè của mình và các em có thể trao đổi với nhau về các điểm chung đó. Điều này cũng giúp các học sinh tị nạn cũng như không tị nạn hội nhập với nhau và tạo nên không khí học tập tích cực.

Một ví dụ hiệu quả trong việc xây dựng cộng đồng trong lớp học là một bài tập tôi thiết kế cho lớp văn học, trong đó yêu cầu các em hợp tác, cùng nhau  tư duy phản biện và phân tích so sánh. Tôi giao cho cả lớp một bài đọc trong giáo trình và chia cho mỗi nhóm học sinh phụ trách một vài trang. Mỗi nhóm làm việc trên các  trang được giao với kiến thức nền tổng quát đã được cung cấp trong các buổi thảo luận trong lớp trước đó. Các em được yêu cầu phải tạo ra chỉ dẫn học tập, viết tóm tắt và phân tích đánh giá trên các trang đã giao, vẽ biểu đồ Venn chứa tất cả phổ thông tin có trong các trang đó. Mỗi nhóm sau đó thiết kế một hoạt động cho lớp học dựa trên biểu đồ Venn đã vẽ mà trong đó bao gồm trải nghiệm thực tế của họ và cách học mà họ. Đây là một bài tập hiệu quả góp phần tạo nên những cộng đồng học tập nơi mà cả lớp cùng tham gia. Học sinh có thể kết nối việc học tập trước đó với dự án hiện tại và thấy bản thân đảm nhiệm một vai trò quan trọng: giúp đỡ, hỗ trợ và tạo điều kiện học tập cho những thành viên khác trong cộng đồng.

Tôi cũng hướng những bài tập này với mục tiêu học tập của khóa học để đảm bảo các em có trải nghiệm học tập tích cực. Trong lúc đánh giá bài tập này, tôi nhận ra rằng học sinh thích thú và có động lực học tập cao, đồng thời thể hiện rõ những gì các em học được thông qua chất lượng  bài tập mà các em nộp cho tôi. Hơn nữa, tôi cũng khảo sát xem liệu các em học  sinh đã có được trải nghiệm học tập toàn diện hay chưa, và các em đều phản hồi tích cực.

Các em học sinh cũ lẫn học sinh hiện tại nói với tôi rằng nhiệm vụ trên thúc đẩy họ tương tác mạnh mẽ trong lớp học. Họ học cùng nhau, tới lớp cùng nhau và giúp đỡ lẫn nhau. Gia đình của các học sinh cũng bắt đầu tương tác với nhau ngay cả khi họ không quen nhau trước khi con họ tiếp xúc với nhau trên lớp. Học sinh của tôi thường mời tôi đến dự đám cưới, thôi nôi, lễ tốt nghiệp và hầu hết các sự kiện gia đình lúc mà họ cùng gia đình có thời gian vui vẻ bên nhau. Gần đây tôi được mời đến dự đám cưới của một học sinh cũ có người bạn thân cũng là học sinh cũ của tôi. Cả hai đều đến xuất thân từ cùng một quốc gia đến Mỹ trong tình trạng nhập cư cùng bố mẹ và những người thân khác. Họ trở thành bạn khi gặp nhau và cùng làm việc nhóm trong lớp của tôi. Tình bạn của họ tạo cơ hội cho hai gia đình gặp nhau và giao thiệp. Hôm nay, họ là một gia đình lớn luôn có sự thấu hiểu lẫn nhau. Khi lễ cưới bắt đầu, tôi gặp thêm được một vài học sinh cũ đang tiến vào lễ đường để chúc cho dịp mừng này. Họ đến từ các quốc gia khác nhau nhưng đều đến Mỹ trong tình trạng nhập cư. Đây chính xác là hệ thống hỗ trợ mà họ cần.

Cung cấp chốn an toàn/ tạo không gian an toàn cho tất cả mọi người thảo luận cởi mở, xây dựng cộng đồng và tôn vinh sự đa dạng sẽ giúp chúng ta đối mặt với những khủng hoảng toàn cầu đang ảnh hưởng thế  giới của chúng ta hôm nay. Đặc biệt nó sẽ giúp các học sinh đã bị ép phải rời khỏi cộng đồng của họ, học cách đối phó và tiếp tục sống. Và tất cả đều bắt nguồn từ trong lớp học.

Leave a comment