Những tư tưởng Nho giáo có thể dạy chúng ta điều gì về quá khứ và tương lai của giáo dục đại học Trung Quốc (P2)

Nguồn: Springer Science, đăng ngày 07 tháng 6 năm 2018

Tác giả: Ying Lu, Gonzalo Jover

Lược dịch: Giao Bui – Biên tập: Nguyen Le, Phạm Thủy Tiên

Nho giáo và triết lý giáo dục Trung Quốc 

Trong hơn 2000 năm, kể từ khi được sử dụng làm hệ tư tưởng nhà nước chính vào thời nhà Hán (206 TCN – 220) cho đến khi triều đại cuối cùng (nhà Thanh) sụp đổ năm 1911, Nho giáo đã nắm quyền thống trị trong xã hội Trung Quốc. Trong số nhiều khái niệm triết học quan trọng của Nho giáo, khái niệm “vũ trụ-nhân sinh quan” (hay Nhân vũ luận – anthropocosmic worldview) được cho là có thể đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển cân bằng và bền vững của thế giới trong thế kỷ 21. Khái niệm này cho rằng chủ nghĩa “lấy con người làm trung tâm” đang phổ biến trên thế giới ngày nay, do ảnh hưởng và sự thống trị của phương Tây, đã không còn đủ để giải quyết những thách thức toàn cầu. Thay vào đó, điều cần thiết là một hình thức của chủ nghĩa nhân văn toàn diện, trong đó nhân loại là một phần của một vũ trụ tạo bởi các cá thể và cộng đồng – nói cách khác là “vũ trụ-nhân sinh quan”. Theo quan điểm này, ta có thể hình dung ra những vòng tròn đồng tâm, trong đó vòng tròn trong cùng là cá thể, vòng tròn bao quanh cá thể là gia đình, rồi đến cộng đồng, đất nước, thế giới và hơn thế nữa. Như vậy, cá thể con người không được coi là một thứ biệt lập, mà được nhìn nhận như một “trung tâm của các mối quan hệ”. 

Giáo dục là một phần tinh túy của Nho giáo. Và một trong những mục tiêu chính của nó, ở cấp độ cá nhân, là đạt được sự tự tu dưỡng thông qua sự học. Tuy nhiên, điều này không chỉ dừng lại ở việc chỉ thuần túy theo đuổi tri thức mà còn phải tham gia vào xã hội, tham gia vào chính trị, và cống hiến cho sự biến đổi tinh thần của thế giới từ bên trong. Các nhà tư tưởng Trung Quốc luôn coi giáo dục là một phần thiết yếu trong việc xây dựng đất nước. Bản thân Khổng Tử (551–479 TCN), vốn là một nhà giáo, cũng coi giáo dục là rường cột của quốc gia và xã hội. Mặc dù đóng vai trò như một quy tắc đạo đức về quản trị, việc giảng dạy Nho giáo, vốn nhấn mạnh vào đạo đức và quy chế, đã được ứng dụng vào quá trình quản lý nhà nước một cách thành công thông qua hệ thống thi cử dựa trên thành tích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lựa chọn những người giỏi nhất để phục vụ trong bộ máy hành chính nhà nước. Trong hơn hai thiên niên kỷ, giáo dục ở Trung Quốc được coi là một nấc thang để một người thông qua đó đạt được địa vị xã hội cao và phục vụ đất nước. Có thể nói không ngoa rằng, triết lý giáo dục là đặc điểm nổi trội của triết học truyền thống Trung Quốc.

Để có thể đánh giá đầy đủ bản chất các trường đại học thời hiện đại tại Trung Quốc, một điều quan trọng là cần phải xem xét bối cảnh văn hóa xã hội ở đất nước này, để có hiểu tại sao nó được coi là “sự kết hợp độc đáo và thuần chất giữa cũ và mới, Đông và Tây: một hình thức hiện đại hóa đặc biệt của Nho giáo trong nền kinh tế tri thức”. 

Giáo dục đại học Trung Quốc 

Nghiên cứu học thuật 

Theo tư tưởng truyền thống của Trung Quốc, kiến ​​thức đích thực là thứ xuất phát từ trải nghiệm của con người, và một mục tiêu chính của việc học là đưa những gì đã học vào thực tế. 

Từ Trung Hoa cổ đại cho đến cận đại, việc chú trọng đến các môn khoa học xã hội và nhân văn luôn được đảm bảo vì mục đích của giáo dục theo hướng tiếp cận này tập trung vào hình thành nhân cách tốt và các mối quan hệ hòa hảo giữa cá nhân với xã hội, di sản tiền nhân và tình hình chính sự quốc gia. Thay vì tập trung vào từng cá nhân, việc dạy và học có trọng tâm mang tính xã hội và nhân văn, đồng thời hòa hợp với thiên nhiên và vũ trụ. 

Thực tế này có thể được nhìn thấy ở các chương trình học được phát triển trong quá trình phát triển giáo dục đại học hiện đại ở Trung Quốc theo ba giai đoạn lịch sử:  

  • Trong thời kỳ dân tộc chủ nghĩa (1911–1949), các trường đại học đầu tiên của Trung Quốc chịu ảnh hưởng bởi truyền thống hàn lâm của Đức và Mỹ. Khoa học, cả lý thuyết và ứng dụng, đã được đưa vào chương trình giảng dạy, cùng với nghệ thuật và khoa học xã hội để phát triển tính khoa học và dân chủ cần thiết để hồi sinh một quốc gia đang ngập chìm trong khó khăn do chiến tranh và hỗn loạn xã hội. 
  • Trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa (1949–1978), quốc gia này áp dụng mô hình Liên Xô, dựa trên đào tạo nặng về chuyên môn hóa, đồng thời thành lập một số lượng lớn các cơ sở đào tạo chuyên biệt trong một số lĩnh vực như kỹ thuật, công nghiệp, y tế và nông nghiệp. 
  • Thời kỳ đổi mới (1978–1990) chứng kiến sự xuất hiện của một làn sóng thay đổi chương trình giảng dạy theo hướng thực nghiệm, trong đó các chương trình mới được phát triển và các chương trình cũ được cải cách dựa trên sự thay đổi nhu cầu đào tạo chuyên môn phát sinh từ cải cách kinh tế. Các nỗ lực cải cách vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, khi các trường đại học Trung Quốc dần dần điều chỉnh các chương trình học của mình dựa trên nhu cầu nhân tài của quốc gia và tình hình kinh tế xã hội. Do là một nước có nền kinh tế dựa trên tri thức, các bằng cấp khoa học và kỹ thuật chiếm khoảng 50% tổng số bằng cử nhân được cấp ở Trung Quốc. 

Bản chất và mục đích 

Luật Giáo dục Đại học của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quy định rằng “Nhiệm vụ của giáo dục đại học là đào tạo những tài năng chuyên ngành cấp cao với tinh thần đổi mới và năng lực thực tiễn, phát triển khoa học, công nghệ và văn hóa và thúc đẩy hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa”. Mặc dù nhiệm vụ này phù hợp với các sứ mệnh thường được gắn với các trường đại học hiện đại, nhưng nó gần như không phù hợp với giá trị truyền thống về việc học ở Trung Quốc. Trong Kinh Lễ, một quyển trong bộ Ngũ Kinh của Khổng Tử, có viết, mục đích chính của việc dạy và học không phải xoay quanh các môn học và nội dung giảng dạy, mà là xã hội và vũ trụ. Học tập được coi là con đường duy nhất để điều hành một quốc gia và dân tộc của quốc gia đó. 

Theo truyền thống phương Tây, thuần túy theo đuổi lý lẽ và kiến thức là một trong những đặc điểm nguyên thủy quan trọng nhất của việc học đại học, và việc hướng đến những mục tiêu thực dụng chính trị bởi những trường đại học đã bị giám sát chặt chẽ khi họ miễn cưỡng bước ra khỏi những tháp ngà học thuật và dịch chuyển gần hơn tới xã hội đời thường. Dù cuộc thảo luận về giáo dục khai phóng so với giáo dục mang tính thực dụng cũng đã có được một số dấu ấn nhất định trong bối cảnh giáo dục đại học Trung Quốc hiện nay, theo truyền thống của nước này, việc học lên cao luôn chú trọng một cách rõ ràng vào tính thực nghiệm và cách thức học phục vụ điều đó, vì mục tiêu chính của quá trình học này là phục vụ xã hội và quốc gia. Trong suy nghĩ của người Trung Quốc cổ đại, việc thúc đẩy sự học hỏi của mỗi cá nhân không bao giờ là đủ. Người ta phải đạt được sự tự tu dưỡng thông qua việc học tập đạo đức và sau đó sử dụng sự tự tu dưỡng đó để phục vụ nhà nước. Giáo dục luôn hướng tới các hoạt động của nhà nước. Quan điểm này đã được giai cấp thống trị áp dụng thành công để trở thành hệ tư tưởng của đất nước. Tuy nhiên, mặc dù Nho giáo đã đạt được vị trí độc tôn như vậy, nó ngược lại lại trở thành nạn nhân của chính sự thành công đó. Vì vai trò thực dụng chính trị của nó không thể tách rời khỏi hệ thống, nó đã trở thành một công cụ để phục vụ hệ thống thứ bậc. Kết quả là, việc học tập của Nho giáo, được chính trị hóa, đã trở thành một công cụ để củng cố và duy trì tính thống nhất và ngăn cản bất kỳ tinh thần tư duy phê bình độc lập nào. Việc thượng tôn thẩm quyền và sự tuân thủ đã tạo ra những ảnh hưởng kéo dài đến văn hóa học thuật Trung Quốc, gây bất lợi cho lĩnh vực giáo dục đại học thời hiện đại, trong đó việc thiếu đổi mới và sáng tạo thường được coi là một trong những vấn đề quan trọng nhất của hệ thống.

Leave a comment