Các trường đại học đang cắn răng cam chịu trước biến đổi khí hậu

Nguồn: University world News, đăng ngày: 7/12/2019

Biên dịch: Nguyễn Kiều Phương Trinh, Biên tập: Phan Trà Khúc

Iowa được xem là tiểu bang dao động (nd: tiểu bang có tỷ lệ ủng hộ 2 đảng sít sao) tại Mỹ, nhưng thành phố Iowa, nơi có trường đại học công lập hàng đầu của bang lại nổi tiếng ủng hộ Đảng dân chủ. Theo R. Tyler Priest, giáo sư lịch sử của trường đại học Iowa (UI) cho hay :”Chúng ta được xem như một hòn đảo của chủ nghĩa xã hội trong bang Iowa.” Sự nổi tiếng này khiến cho trường này thường mâu thuẫn với chính quyền thành phố Des Moines sau khi Đảng Cộng Hòa nắm quyền kiểm soát Hạ Viện, Thượng Viện và quyền thống đốc vào năm 2016, lần đầu tiên kể từ năm 1998. 

Trong những tuần gần đây (nd: vào năm 2019), nhiều sự tranh luận diễn ra tại các trường đại học, sau khi ban quản trị nhà trường bác bỏ thông báo của một giáo sư về chuyến viếng thăm của Greta Thunberg, một nhà hoạt động xã hội người Thụy Điển 16 tuổi , người đã truyền cảm hứng cho nhiều học sinh trên thế giới biểu tình chống biến đổi khí hậu. 

Chỉ sau hai tuần sau khi Thunberg tham gia một cuộc đình công lớn để chống lại các hành động gây ra biến đổi khí hậu ở New York vào cuối tháng chín, cô thông báo rằng sẽ đến Thành phố Iowa để ủng hộ cho những sinh viên biểu tình ở đó. 

Michelle M. Scherer, giáo sư dân dụng và kỹ thuật môi trường, đã đề xuất với đồng nghiệp rằng họ sẽ quảng cáo trên fanpage chính thức của trường Đại học Kỹ Thuật (College of Engineering) thuộc đại học Iowa nhưng một thành viên trong bộ phận marketing ở trường phản đối ý kiến này, với lí do rằng thông báo về việc viếng thăm của Thunberg sẽ vi phạm chính sách của trường vì hành động này có thể được xem là mang động cơ chính trị. 

Giáo sư Scherer không đồng ý với phản biện này và nói rằng “Biến đổi khí hậu là khoa học”. Hơn nữa, sinh viên trong lớp của cô đều hứng thú với việc thăm viếng của Thunberg và cổ vũ cho ý tưởng về hành động đối với khí hậu, nên cô nghĩ rằng ban quản trị nhà trường đang làm ngơ các mối quan tâm của sinh viên. 

“Là một nhà giáo dục, tôi không thích điều đó,” cô ấy nói.

Báo The Gazette, tại thành phố Cedar Rapids (nd: thuộc bang Iowa), đã đưa tin nóng này, và những thông tin này nhanh chóng lan truyền khắp trường. Nhiều người xem đây là dấu hiệu mới nhất trong việc trường đã trở nên nhạy cảm quá mức với việc có thể làm phật ý Cơ Quan Hành Pháp của Tiểu Bang. 

Một số thành viên Đảng Cộng hòa ở Iowa không tin rằng những hoạt động của con người gây ra biến đổi khí hậu hoặc tin rằng biến đổi khí hậu không gây ra thiệt hại gì. 

Ngay cả khi cuộc biểu tình của giới trẻ đã trở nên phổ biến trên khắp thế giới, và bang Iowa cũng đã trải qua ba đợt lũ lụt tàn phá một cách dữ dội trong năm nay (2019), một phần là do biến đổi khí hậu, những người mà phản đối sự dè chừng  của trường vẫn đang phải đấu tranh với việc hiệu trưởng của trường, Bruce Harreld, không hề cam kết công khai giảm thiểu biến đổi khí hậu. Vào năm 2017, nhà trường tuyên bố từ năm 2025, trường sẽ không sử dụng đến than đá nữa; tuy nhiên, thông báo này không đề cập đến cụm “biến đổi khí hậu”.

Tất nhiên, không phải ai trong số hơn một chục giảng viên, sinh viên và nhân viên được phỏng vấn cho bài báo đều cho rằng ban quản trị nhà trường đang miễn cưỡng khi nói về vấn đề biến đổi khí hậu. 

Một vài thành viên ban quản trị phản đối cách mô tả này. Peter Matthes, phó khoa của quan hệ đối ngoại và cố vấn cấp cao cho hiệu trưởng nói rằng các cuộc trao đổi giữa nhà trường với những nhà cầm quyền chủ yếu là về các ngân sách chi tiêu và chủ đề về môi trường thường sẽ không được bàn đến. Ông cũng viết trong email rằng. “Trường Iowa chưa bao giờ tránh nói về chủ đề môi trường hay chưa bao giờ yêu cầu các nhà nghiên cứu ở trường phải né tránh chủ đề này vì sợ sẽ làm phật lòng các nhà cầm quyền ở bang. 

Tuy nhiên, những lo ngại về việc nhà trường sẵn sàng lên tiếng về vấn đề môi trường như thế nào lại phản ảnh sự ủng hộ từ chính quyền cho nhà trường. Từ năm 2008 đến năm 2018, ngân sách bang Iowa trên mỗi sinh viên toàn thời gian ở những trường đại học công giảm 25%, theo như phân tích của the State Higher Education Executive Officers Association.

Trường hợp tại đại học Iowa, không phải là một trường hợp cá biệt. Điều này đặt ra những câu hỏi quan trọng: điều gì sẽ xảy ra khi mong muốn của nhà cầm quyền trái ngược với mong muốn của đội ngũ sinh viên hay giảng viên của trường? Điều gì sẽ xảy ra khi ngân sách của các trường đại học giảm xuống, trong khi môi trường học thuật lại bị chính trị hóa nhiều hơn? 

Nguồn: United Nations

Những nỗi lo về tài chính tạo nên một xu hướng im lặng về vấn đề môi trường

Cũng như những gì xảy ra trên cả nước, tài trợ của nhà nước dành cho ba trường đại học công lập của Iowa chưa bao giờ phục hồi được mức trước suy thoái kinh tế. Qua các năm từ năm 2008, các trường đại học cũng chứng kiến những sự cắt giảm và tăng lên dưới sự cầm quyền của đảng Dân chủ. Từ khi Đảng Cộng hòa giành lại chính quyền năm 2016, ngân sách tài trợ cho các trường Đại học công lập đã giảm mạnh 2 năm tiếp theo.  

Vào năm 2018, Cơ Quan Hành Pháp Tiểu Bang đã chi 41 triệu đô la Mỹ – ít hơn 8% so với quỹ tài trợ cho ba trường đại học trong tiểu bang mà họ nhận vào năm 2017. Chi phí cắt giảm hiện đang dần ổn định hơn. 

Thêm vào đó, năm 2017, Cơ Quan Hành Pháp đã cắt bỏ ngân sách của hai trung tâm nghiên cứu lâu đời về biến đổi khí hậu của Đại học Iowa: Trung tâm Nông nghiệp Bền vững Leopold và Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Khu vực và Toàn cầu.

Các chính trị gia Đảng Cộng Hòa ban đầu cũng đề xuất loại bỏ Trung tâm lũ lụt của Đại học Iowa, trước khi đồng ý ở mức cắt giảm 20%.

“Chúng tôi nhìn thấy những gì xảy ra với Trung tâm Leopold. Irish là nhà di truyền học về ngô của Đại học Iowa và là đại diện UI của hội đồng quản trị Trung tâm Leopold (Trung tâm tiếp tục kêu gọi các khoản quyên góp từ thiện; ngân sách của nó chỉ bằng khoảng 1/10 so với quy mô ban đầu, theo ông Mark Rasmussen, giám đốc của Trung tâm cho biết.)

“Tôi chắc rằng những người đang dò nét mặt của chính quyền thành phố Des Moines nghĩ rằng: Hãy ở trong “làn đường” an toàn và thể hiện rằng chúng ta không quá quan tâm đến chính trị,” Irish nói. 

Những nỗi sợ đã lây lan cho nhiều sinh viên. “ Quản trị viên trung tâm chưa bao giờ  nói chúng tôi phải làm gì, nhưng là một tổ chức sinh viên, chúng tôi đã quyết định không theo đuổi kế hoạch về chống biến đổi khí hậu vì nó làm tăng rủi ro liên quan đến tài trợ từ chính quyền,” theo Noel Mills, Chủ tịch Hội Đồng Sinh viên Đại học cho biết. 

Vào năm 2019, những thành viên của Hội đồng Sinh viên phát những tờ quảng cáo nhằm khuyến khích các bạn đồng trang lứa không ăn thịt vào các ngày Thứ hai, như một phương án phòng chống biến đổi khí hậu. Hành động này đã gây ra sự phản ứng dữ dội, khi những người chăn nuôi phàn nàn với Hội đồng Quản trị của tiểu bang, cơ quan giám sát trường đại học.

Hội Đồng Sinh viên đã lùi bước. “Tôi không nghĩ rằng việc này sẽ khiến cho các nhà cầm quyền bỏ phiếu “không” cho việc tăng tiền tài trợ, nhưng chúng tôi sẽ không muốn liều lĩnh làm điều đó,” Mills cho hay. “Chúng tôi không thể ưu tiên thực hiện kế hoạch như vậy mà không quan tâm đến khả năng tài chính của trường đại học.”

Sinh viên thúc đẩy hành động vì khí hậu

Kể từ năm 2015, nhiều người được phỏng vấn cho bài báo này cho hay, những kế hoạch lớn liên quan đến khí hậu của trường là do sinh viên, không phải những người quản lý đề xuất và thực hiện.

Ví dụ, trường đại học đang thực hiện những mục tiêu về khí hậu vào năm 2030 là do kết quả trực tiếp từ hoạt động của sinh viên. Mùa hè năm trước, Hội Đồng Sinh viên Đại học đã đưa ra tuyên bố về tình trạng khẩn cấp của khí hậu trong cuộc họp hàng năm của Hội nghị Big Ten.

Tuy nhiên, những sinh viên được phỏng vấn, có vẻ hài lòng với sự phản hồi của nhà trường đối với các giải pháp của họ. “Chúng tôi gửi nó cho ban quản trị nhà trường và họ rất là cởi mở,” Mills cho hay. Rod Lehnertz, phó chủ tịch cấp cao về Tài Chính và Hành Chính, đã tạo ra những nhóm hoạt động cho việc giải quyết những yêu cầu về khí hậu của sinh viên, bao gồm những mục tiêu cho đến năm 2030 và phát triển đề án trong đó yêu cầu tất cả những sinh viên chưa tốt nghiệp cần tham gia một khóa học về tính bền vững.

Amina Grant, thuộc Hội đồng sinh viên sau đại học và là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành kỹ thuật cho biết ban đầu ban quản trị không cởi mở đối với những mong muốn mang tính bền vững của sinh viên, nhưng điều đó đã thay đổi cho đến khi các nhà lãnh đạo nhìn thấy giải pháp mang tính thống nhất. 

“Tôi cảm thấy rằng họ đã nhận ra sinh viên muốn gì, và đang đi theo hướng đó,” cô cho biết. “Tôi thấy hài lòng theo hướng mà chúng tôi đang đi hiện tại.”

Nỗi sợ của “biến đổi khí hậu”

Như một ví dụ mà trường đại học đã không né tránh những vấn đề về biến đổi khí hậu, Matthes, cố vấn của Harreld, chỉ ra rằng những nhà nghiên cứu khoa học ở Iowa, bao gồm UI, gần đây cho biết họ phát tuyên bố về biến đổi khí hậu hằng năm ở trụ sở nghị viện của bang.

“Trường đại học không thấy những nhà cầm quyền phàn nàn gì về hành động của UI đối với vấn đề khí hậu này,” ông viết. 

Jeneane Beck, trợ lý phó hiệu trưởng quan hệ đối ngoại, trích dẫn các bản tin về nghiên cứu biến đổi khí hậu của các giảng viên và kế hoạch không sử dụng than trong khuôn viên trường vào năm 2025.

Nhưng nghiên cứu công bố gần đây nhất lại hiếm khi đề cập “biến đổi khí hậu”. Ví dụ, trong bài báo công bố về than thì không đề cập gì đến cụm từ này.

Một nghiên cứu khác, về vấn đề mực nước biển tăng trong khoảng thời gian Trái Đất nóng lên, không đề cập việc các nhà khoa học nghiên cứu khí hậu trong quá khứ là để dự đoán điều gì sẽ xảy ra với sự nóng lên toàn cầu. Cho nên bài nghiên cứu này có vẻ như không liên quan gì đến chủ đề biến đổi khí hậu gây tranh cãi ngày nay. 

Trường đại học không có các quy định về cách các tuyên bố, tài khoản mạng xã hội hay những kênh chính thức khác nên giải quyết những chủ đề gây tranh cãi như thế nào, Beck nói: “Chúng ta không có những chính sách về chủ đề này.” Thay vào đó, những chính sách khuôn viên trường nghiêm cấm sử dụng những kênh chính thức để ủng hộ bất kỳ vị trí chính sách hay ứng viên chính trị nào.

“Thực sự rất quan trọng khi nhà trường làm rõ các giá trị cốt lõi của trường và đưa ra các thông điệp thống nhất,” theo Christian M Bako, một nghiên cứu sinh ngành kỹ thuật môi trường và đồng chủ tịch Quỹ phát triển bền vững.

 “Như thường lệ”

Ai cũng hiểu rằng ban quản trị trường đại học công thường hay “cố gắng phi chính trị nhất có thể ” theo như Chris Marsicano, một trợ lý giáo sư thỉnh giảng học về chính trị giáo dục tại trường Cao đẳng Davidson, ở North Carolina. “Việc lo ngại đi ngược lại quan điểm của đảng chính trị không phải là không có cơ sở.” Ông chỉ ra rằng Ủy ban thống đốc của hệ thống Trường đại học North Carolina, nơi mà Đảng Cộng hòa chiếm đa số, đã quyết định đóng cửa ba trung tâm nghiên cứu vào năm 2015. Giám đốc của một trong ba trung tâm này thường xuyên chỉ trích về chính sách Đảng cộng hòa của bang.

Tờ báo The Chronicle đã liên hệ với những nhà lãnh đạo của Iowa House và Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện và Hạ Viện về giáo dục, để hỏi về quan điểm trong việc gây quỹ cho giáo dục sau đại học. Và không một ai phản hồi. 

David Cwiertny, một giáo sư kỹ thuật dân dụng và môi trường của Đại học Iowa, nghĩ rằng những người lãnh đạo đã né tránh và cẩn trọng khi nói về biến đổi khí hậu, mặc dù họ nói rằng họ nói họ vẫn xử lý “như thường lệ” đối với vấn đề gây tranh cãi về mặt chính trị. 

Điều khác biệt là niềm đam mê mà sinh viên mang đến cho chủ đề này, và điều này khiến cho trường đại học trở nên khó khăn hơn trong việc lặng lẽ xoa dịu các nhà tài trợ và cố gắng thực hiện các công việc liên quan đến khí hậu trong tầm kiểm soát.

Thật vậy, mặc dù một số sinh viên và giảng viên đã thúc đẩy trường làm nhiều hơn nữa – hoàn toàn không sử dụng than ngay tức thì thay vì đợi đến năm 2025 – một số khác cho rằng UI đã làm đủ rồi nhưng chỉ không công bố những công việc đó mà thôi.

Joe Bolkcom có góc nhìn từ cả hai phía. Ông là giám đốc tiếp cận cộng đồng của Trung tâm nghiên cứu Môi trường Khu vực và Toàn cầu- trung tâm này sẽ mất chi phí tài trợ của nhà nước trong năm 2022. Ông cũng là thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ trong Ủy ban phân bổ ngân sách của Thượng viện Iowa.

Mặc dù Bolkcom cho rằng các trường công lập e dè khi bàn về biến đổi khí hậu, ông không nghĩ đây là cách tiếp cận đúng đắn. “Tôi không cho rằng ngân sách được tài trợ của trường đại học liên quan đến biến đối khí hậu,” ông nói. Lời khuyên của ông với những người lãnh đạo? Hãy lên tiếng về vấn đề biến đổi khí hậu và tự hào về điều đó.

Leave a comment