Khám phá những ưu và nhược điểm của phương pháp giáo dục Montessori

Nguồn: rasmussen.eduĐăng ngày: 11/04/2019

Tác giả: Hannah Meinke

Biên dịch: Lê Đàm Bảo Hân – Biên tập: Phan Trà Khúc

Khoản tài trợ hấp dẫn của Jeff Bezos cùng với vài cái tên nổi bật từng theo học chương trình Montessori có thể làm bạn tò mò muốn biết Montessori là gì, và những ưu điểm cùng với nhược điểm của cách tiếp cận giáo dục đó. Cùng đọc và hiểu thêm về phong cách giáo dục độc đáo này.

Jeff Bezos và các trường mẫu giáo có điểm gì chung? Vẻ ngoài tưởng chừng không có gì, nhưng vào năm 2018, ông vua thương mại điện tử đã cam kết 1 tỷ đô la để tài trợ cho các trường mầm non Montessori có thu nhập thấp. Có thể bạn chưa biết, nhưng giống nhiều gã khổng lồ công nghệ, những người đã thành lập Google® cùng với các vận động viên, nhạc sĩ và nhà hoạt động nổi tiếng, bản thân Bezos cũng được giáo dục theo phương pháp Montessori.

Khoản tài trợ hấp dẫn này cùng với vài cái tên nổi bật từng theo học chương trình Montessori có thể làm bạn tò mò muốn biết Montessori là gì, và cũng ưu điểm cùng với nhược điểm của cách tiếp cận giáo dục này. Cùng đọc và hiểu thêm về phong cách giáo dục độc đáo này.

Phương pháp Montessori là gì?

Phương pháp Montessori được phát triển bởi Tiến sĩ Maria Montessori vào đầu những năm 1900. Đó là một phương pháp giáo dục đặc biệt lấy trẻ làm trung tâm gồm các hoạt động do chính trẻ đề xướng (sau đây gọi là “hoạt động”), lớp học gồm các trẻ ở những độ tuổi khác nhau và giáo viên khuyến khích học sinh hoạt động độc lập.

Tiến sĩ Montessori tin rằng trẻ em học tốt hơn khi chúng được lựa chọn những gì để học, và triết lý đó hiện diện trong các lớp học Montessori ngày nay. Một lớp học Montessori có thể trông khác so với những gì bạn đã từng hình dung về lớp học. Những điều làm cho nó trở nên độc đáo bao gồm:

  • Nhiều khu vực hoạt động khác nhau cho trẻ em lựa chọn suốt cả ngày.
  • Giáo viên di chuyển từ nhóm này sang nhóm khác thay vì đứng trước lớp học.
  • Một hệ thống chấm điểm phi truyền thống.
  • Tập trung phát triển toàn diện cho trẻ — trong đó xem xét tất cả các khía cạnh liên quan đến sự phát triển kỹ năng xã hội, tình cảm, trí tuệ và thể chất của học sinh.

Giống như với bất kỳ phương pháp giảng dạy nào, một số giáo viên và phụ huynh yêu thích phương pháp này, trong khi những người khác lại không say mê. 

Nguồn ảnh: Bài viết

Ưu điểm của giáo dục Montessori

Nếu bạn từng nói chuyện với một nhà giáo dục Montessori, bạn có thể sẽ nghe thấy nhiều lời khen ngợi dành cho Phương pháp này. Hệ thống giáo dục này có xu hướng khơi dậy niềm đam mê thực sự ở những giáo viên áp dụng chúng. Nhưng cụ thể, ưu điểm của giáo dục Montessori là gì?

Nhấn mạnh vào học tập qua thực hành độc lập

Các lớp học Montessori phần nào nổi tiếng về tính thẩm mỹ của chúng. Nhiều ánh sáng tự nhiên và không gian là những ưu tiên chung trong thiết kế lớp học. Tất cả điều này được thực hiện vì một lý do. Karen Ricks, người thành lập trường Montessori quốc tế tại Nhật Bản cho biết: “Tạo ra một môi trường đẹp và dễ tiếp cận là điều tối quan trọng, từ đó trẻ em tự định hướng việc học của mình với sự trợ giúp của các công cụ hỗ trợ học tập được thiết kế tỉ mỉ.”

Ricks giải thích: “Những công cụ này dẫn dắt người học trẻ tuổi đến với sự hiểu biết về từ vựng phức tạp và khám phá những ý tưởng trừu tượng thông qua việc sử dụng thực hành các đồ vật cụ thể cho một mục đích như vậy.”

Anitra Jackson, nhà giáo dục Montessori và là tác giả của “Biên niên ký của một Montessorian”, cho biết: “Điều tốt nhất về môi trường Montessori là nó cho phép trẻ em làm việc, phát triển và học hỏi theo tốc độ cá nhân của riêng mình. Trẻ em được tiếp xúc với các bài học, hoạt động và tài liệu xây dựng dựa trên bộ kỹ năng của chúng — chúng tiến bộ trong sự phát triển của mình với tư cách là một cá nhân.”

Điều này có nghĩa là gì? Chà, một cái gì đó giống như một phòng chơi-hội thảo khổng lồ. Melissa Stepien, một giáo viên tại Sunnyside Micro-School, cho biết: “Khía cạnh yêu thích của tôi về một lớp học Montessori nằm ở các vật liệu dựa trên giác quan mà chúng tôi sử dụng với học sinh của mình, đặc biệt là các vật thể hình học, chữ cái bằng giấy nhám và chuỗi hạt màu được sử dụng cho số học.”

Stepien nói: “Những tài liệu được sử dụng độc lập này cung cấp cho trẻ cơ hội phát triển khả năng tập trung và kỹ năng phối hợp vận động bên cạnh việc học tập truyền thống.

Tương tác xã hội nâng cao

Bạn có bao giờ nhận thấy cách trẻ em bị cuốn hút bởi những gì trẻ khác đang làm không? Montessori tận dụng điều đó bằng cách nhóm trẻ ở các độ tuổi khác nhau lại với nhau trong cùng một môi trường học tập. Stepien cho biết hầu hết các lớp học Montessori đều dành cho lứa tuổi hỗn hợp và nhằm thúc đẩy việc học tập giữa các em học sinh với nhau. Sự sắp xếp này đương nhiên có thể mang đến sự phát triển tự nhiên mà khó thể xảy ra trong các lớp học thông thường.

Độc lập là yếu tố chính

Lexi Montgomery, cựu học viên Montessori và chủ sở hữu của Darling Web Design cho biết: “Tôi đánh giá cao cảm giác tự tin và sự tự do sáng tạo mà học sinh  phát triển. Tôi nghĩ rằng kỹ năng kinh doanh sẽ phát triển tốt hơn qua phương pháp Montessori. Vì phần lớn quá trình học tập là tự định hướng, trẻ em có thể đạt được cảm giác độc lập và tự tin vào khả năng của mình nhanh hơn nhiều so với môi trường học đường truyền thống.”

Stepien nói: “Học sinh trải nghiệm một lớp học Montessori có xu hướng sở hữu khả năng quản lý bản thân và suy nghĩ độc lập hơn.

Niềm yêu thích học tập được vun đắp

Triết lý giáo dục này cố gắng khơi gợi niềm yêu thích học tập. “Tôi nghĩ tác động lâu dài lớn nhất mà tôi từng thấy ở những người Montessorians là vẫn luôn giữ niềm hiếu kỳ về con người cũng như xã hội xung quanh họ, coi việc học là một quá trình thú vị cả đời chứ không phải là gánh nặng kết thúc khi chuông trường reo,” Ricks nói.

Lợi ích cụ thể này có thể ở lại với trẻ em trong suốt cuộc đời của chúng và trở thành động lực thúc đẩy để học sinh tiếp tục học tập ở bậc giáo dục trung học, hay phát triển nghề nghiệp — hoặc thậm chí học tập thông qua các trải nghiệm trong cuộc sống hay học từ những người chúng gặp.

“Theo kinh nghiệm của tôi, trẻ sẽ có mong muốn cùng khả năng kết nối với nhiều người và nhiều ý tưởng trong nhiều tình huống và bối cảnh khác nhau,” Ricks nói.

Không ngó lơ đến những nhu cầu đặc biệt

Maria Montessori quan tâm đến giáo dục cho những trẻ em có nhu cầu đặc biệt ngay từ đầu. Bà không chỉ theo học về khuyết tật trí tuệ và phát triển mà còn là đồng giám đốc của một viện dành cho giáo viên giáo dục đặc biệt. Chính với kiến ​​thức nền tảng này, bà đã bắt đầu “Casa dei Bambini” (Ngôi nhà dành cho trẻ em) đầu tiên dành cho trẻ em bị lề hóa ở Rome vào năm 1907. Nhiều nguyên lý của giáo dục Montessori đáp ứng với những học sinh có nhu cầu đặc biệt.

Vì được xếp chung nhóm với những độ tuổi khác nhau và có cùng một giáo viên trong ba năm, những trẻ có nhu cầu đặc biệt có xu hướng ít áp lực hơn để theo kịp các bạn và có nhiều tự do hơn để học hỏi và phát triển theo tốc độ của riêng mình. Tính liên tục của lớp học cũng có thể giúp học sinh có nhu cầu đặc biệt hình thành mối liên hệ chặt chẽ trong lớp học của chúng, tạo ra một môi trường an toàn và ổn định để học tập.

Triết lý “theo sát đứa trẻ” của Montessori cho phép tất cả trẻ em – không chỉ những trẻ có nhu cầu đặc biệt – nhận được một nền giáo dục cá nhân hóa. Giáo án của giáo viên Montessori có thể có tên của từng trẻ với các mục tiêu và ý tưởng khác nhau cho phong cách học tập độc đáo của chúng. Điều này đặc biệt giúp học sinh có nhu cầu đặc biệt có thể học theo tốc độ của riêng mình.

Nhược điểm của giáo dục Montessori

Tất nhiên, không có nghĩa là mọi trải nghiệm trong Montessori sẽ là một trải nghiệm tốt. Một mặt, giáo viên, bạn cùng lớp và nhà trường có thể mang lại những trải nghiệm tích cực. Và mặt khác, đối với một số người, văn hóa Montessori có thể mang những trở ngại.

Giáo dục với giá cao

Thật khó cho các trường Montessori để giữ mức giá thấp. Ricks nói: “Việc có được rất nhiều tài liệu học tập chất lượng cao và bền vững, cũng như đào tạo dài hạn và chuyên sâu về cách sử dụng những vật dụng đó cho trẻ nhỏ là một công việc tốn kém,” Ricks nói. “Đó là lý do tại sao hầu hết các chương trình Montessori được triển khai đầy đủ đều đắt tiền.”

Trong khi các tổ chức đang cố gắng giảm nhẹ những chi phí mà học sinh cần chi trả — chẳng hạn như quỹ do Bezos lập nên — thì cácgiáo viên lại không có nhiều lựa chọn để giúp họ tiếp tục được đào tạo về Montessori hay nhận được chứng chỉ. Ricks nói rằng cô ấy “rất mong thấy một nền giáo dục Montessori mà tất cả những người lớn muốn dõi theo trẻ và tất cả trẻ em, bất kể tình trạng tài chính của cha mẹ chúng như thế nào đều có thể tiếp cận được”.

Không phải tất cả đều có thể tiếp cận

Đối với một số người, giáo dục Montessori đi đôi với người da trắng và đặc quyền. Mặc dù điều này không giống với tầm nhìn ban đầu của Maria Montessori, nhưng rất tiếc nó lại là thông lệ. Vì triết lý giáo dục này làm thay đổi chương trình giảng dạy của trường công lập truyền thống, nên hầu hết các chương trình Montessori là tư nhân, thu học phí và giới hạn tuyển sinh. Điều này khiến học sinh da màu có thu nhập thấp, ở nội thành khó có thể theo học tại các trường như vậy.

Tuy nhiên, có một số trường bán công Montessori dễ tiếp cận hơn. Trung tâm Quốc gia về Montessori công lập báo cáo rằng trong số 5.000 trường Montessori ở Mỹ, có khoảng 500 chương trình công lập. Các trường này thường nằm ở các khu vực đa dạng hơn và được liên bang tài trợ, loại bỏ rào cản học phí.

Chương trình giảng dạy có thể quá lỏng lẻo đối với một số trẻ

Mặc dù “dõi theo trẻ” không nên được hiểu là “để trẻ làm bất cứ điều gì chúng muốn”, nhưng đây vẫn là một chương trình giảng dạy ít cấu trúc hơn những gì bạn có thể tìm thấy trong các chương trình tiếp cận phổ biến hơn.

Việc trẻ phát triển đúng tiến độ phụ thuộc vào giáo viên và trợ lý. Lý tưởng nhất là việc cho và nhận này sẽ suôn sẻ. Nhưng nó cũng có thể tạo ra khoảng trống cho một số đối tượng trượt khỏi quỹ đạo.

“Tôi sẽ thay đổi sự lỏng lẻo của chương trình giảng dạy,” Montgomery nói, khi nhìn lại kinh nghiệm của chính mình. “Tôi đã không chuẩn bị  kỹ cho các lớp toán và khoa học nhưng lại chuẩn bị quá kỹ cho các lớp ngôn ngữ và nghệ thuật.”

Độc lập không phải là tất cả

Montessori rất hữu ích trong việc nuôi dưỡng ý thức độc lập và tự hướng dẫn công việc. Nhưng như Montgomery chỉ ra, trải nghiệm công việc không phải lúc nào cũng như vậy. Tư duy sẵn sàng chịu rủi ro có thể rất giá trị nhưng cũng có thể khiến người học khó có tính cách hợp làm việc nhóm hoặc làm việc dưới một chính thể cứng nhắc.

Montgomery nói: “Trường học Montessori dạy bạn suy nghĩ về định hạn của riêng mình, và thị trường lao động thì dường như hướng đến môi trường làm việc nhóm hơn.

“Người học có thể cần đến nhiều hỗ trợ hơn về bài học hợp tác. Hợp tác không phải là một nội dung được thực hành tốt khi đề cập về chương trình Montessori”, theo lời Stepien. Vì hợp tác là một kỹ năng được đánh giá cao trong thế giới ngày nay, một số trường Montessori chắc chắn có thể đẩy mạnh sự chú trọng của họ trong lĩnh vực này.

Cấu trúc mở của lớp học có thể làm một số trẻ lo lắng

Trẻ em có xu hướng thích thói quen và cấu trúc. Ngay cả những rào cản vật lý của những chiếc bàn xếp thành một hàng cũng có thể mang lại sự thoải mái cho một số học sinh nhất định. Các lớp học Montessori được xây dựng để cho phép thay đổi chuyển động và giáo viên có xu hướng định hướng nhiều hơn là hướng dẫn trực tiếp.

Mặc dù đây có lẽ không phải là một trở ngại không thể vượt qua, nhưng nó chắc chắn là điều bạn cần lưu ý. Hệ thống phân cấp của các lớp học truyền thống cho phép học sinh ít tự do hơn, nhưng nó cũng có thể đảm bảo một môi trường lớp học cảm thấy trật tự, an toàn và quy củ.

Bạn có nên trở thành giáo viên Montessori?

Nếu những ưu và nhược điểm này của giáo dục Montessori thực sự khiến bạn hứng thú, bạn có thể muốn trở thành một giáo viên Montessori. Nhưng trước khi đi sâu vào nó, theo Ricks, điều quan trọng là bạn phải nghiên cứu về Phương pháp Montessori trước.

Ricks nói: “Cái tên không làm nên thương hiệu, và có nhiều trường tự gọi mình là “Montessori” dù không tuân theo các phương pháp thực sự.

“Cá nhân tôi tin rằng Montessori dành cho mọi trẻ em nhưng tôi cũng tin chắc rằng nó không nhất thiết dành cho mọi người lớn,” Ricks nói. “Để thực sự dõi theo trẻ, trước tiên người ta phải có niềm tin vào đứa trẻ và tin vào lòng mong muốn học hỏi tự nhiên của đứa trẻ”. Ricks khuyên  những người quan tâm và muốn trở thành giáo viên Montessori trước tiên nên tự kiểm tra xem liệu những niềm tin này có đúng với họ hay không.

Leave a comment