‘Những dấu tích lịch sử bị mất tích’: Giáo dục Lịch sử và Mối quan hệ Trung-Nhật 

Nguồn: The Diplomat – Đăng ngày: 11/03/2014

Tác giả: Zheng Wang 

Biên dịch: Roãn Hồng Anh Thư – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

Sự khác biệt trong các lớp học lịch sử phản ánh các vấn đề nghị luận xã hội, trong đó nhấn mạnh xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Nguồn: Shutterstock

Để tiến hành điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ không thể chẩn đoán bệnh tình của bệnh nhân trừ khi họ biết được nguyên nhân gây bệnh. Tương tự, giải quyết một cuộc xung đột quốc tế ở bất kỳ mức độ nào cũng đòi hỏi phải xác định được nguồn gốc của căng thẳng. Bộ phim tài liệu gần đây của BBC “Những dấu tích lịch sử mất tích: Trung Quốc – Nhật Bản” là một tác phẩm báo chí chất lượng cao với mục tiêu khám phá các nguồn gốc của cuộc xung đột giữa hai quốc gia nêu trên. Trong suốt phóng sự điều tra, nhà báo Nhật Bản Mariko Oi và nhà báo Trung Quốc Haining Liu đã cùng nhau đến thăm các trường học ở đất nước của mỗi người để quan sát cách tiếp cận mà cả hai quốc gia áp dụng cho việc giảng dạy lịch sử từ góc nhìn của mỗi bên, đặc biệt tập trung vào thời kỳ chiến tranh (1931-1945, bao gồm giai đoạn Nhật Bản xâm lược Trung Quốc cho đến cuối Chiến tranh thế giới thứ hai).

Từ các cuộc phỏng vấn do Oi và Liu tiến hành, họ phát hiện ra một khoảng cách khá lớn giữa hai nước khi đề cập đến sự cống hiến và các chi tiết lịch sử trong thời kỳ chiến tranh. Ví dụ ở Nhật Bản, sách giáo khoa chỉ sử dụng một vài trang để nói về diễn biến cuộc chiến theo thời gian với phần mô tả rất hời hợt về những hành động tàn bạo đã diễn ra. Các quan chức Nhật Bản và các nhà biên tập sách giáo khoa sau khi nhận được các cuộc phỏng vấn của Oi và Liu thậm chí còn đặt câu hỏi ngược lại rằng liệu các hành động quân sự của Nhật Bản ở Trung Quốc và Hàn Quốc có thể được gọi là “xâm lược” hay không và liệu cuộc “thảm sát” ở Nam Kinh có thật sự tồn tại hay không. Tìm hiểu về việc giáo dục lịch sử tại Nhật Bản là một cú sốc lớn đối với Haining Liu, nhà báo người Trung Quốc được đào tạo tại Oxford. Cô đã run rẩy và bật khóc sau buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, trong lớp học tại Trung Quốc, nội dung chương trình giảng dạy lại đề cập rất nhiều về những mất mát và trải nghiệm đau đớn của nước này từ các cuộc Chiến tranh Nha phiến đến khi kết thúc Chiến tranh Trung-Nhật năm 1945. Giáo dục lòng yêu nước do nhà nước quản lý được thực hiện từ mẫu giáo đến đại học. Như một lẽ đương nhiên, các thế hệ trẻ tại Trung Quốc và Nhật Bản đang có hai cách hiểu hoàn toàn khác nhau về thời kỳ này trong lịch sử.

Trong các cuộc xung đột giữa hai quốc gia, người dân thường cáo buộc lãnh đạo cấp cao vì chưa làm tốt nhiệm vụ của mình trong việc tránh đối đầu. Tuy nhiên, xung đột thường phản ánh tính liên tục của các diễn ngôn xã hội. Hiện tượng xung đột bạo lực không thể chỉ hiểu một cách đơn giản thông qua các phân tích từ giới lãnh đạo; mà cần phải đào sâu hơn về tính liên tục trong các diễn ngôn xã hội – vốn là căn nguyên tạo ra xung đột và hợp pháp hóa nó. Các cá nhân, từ học giả đến nhà báo, và thậm chí cả công chúng, đều có vai trò thông qua hành động cố ý hoặc vô ý trong việc góp phần tạo nên xung đột, thay vì chọn hòa bình. Ví dụ, giới truyền thông ở Nhật Bản và Trung Quốc đã đóng một vai trò lớn trong việc định hình nhận thức của người dân bằng cách bôi nhọ đối phương. Để ngăn chặn xung đột, cần có những nỗ lực chung đến từ cả hai quốc gia bởi những người ở các cấp bậc khác nhau, không chỉ riêng của các nhà lãnh đạo cao nhất.

Do đó, bộ phim tài liệu “Những dấu tích lịch sử mất tích: Trung Quốc – Nhật Bản” của BBC trở nên đúng thời điểm hơn bao giờ hết. Các nỗ lực chung của cánh nhà báo của cả hai nước là rất hiếm hoi, dù việc đề cập đến những khác biệt lịch sử ở cả hai quốc gia là điều hết sức phổ biến. Thông qua các cuộc phỏng vấn chung, hai cô gái trẻ đã có thể giúp công dân của hai nước hiểu rõ hơn về bên còn lại. So với các báo cáo đến từ Nhật Bản hoặc Trung Quốc thường mang cái nhìn thiên vị, nỗ lực chung này có thể giúp cả hai bên chú ý và lắng nghe những trải nghiệm lịch sử được chia sẻ bởi phía bên kia, thay vì chỉ tiếp cận một chiều. 

Để giải quyết xung đột hiện nay giữa Trung Quốc và Nhật Bản, cần có nhiều nỗ lực chung hơn nữa của các cá nhân ở tất cả các cấp. Các học giả từ cả hai quốc gia cần có những cuộc đối thoại để đào sâu và tìm thêm nguồn gốc dẫn đến cuộc xung đột. Các lãnh đạo doanh nghiệp ở cả hai nước nên đề xuất với lãnh đạo cấp cao và người dân nước mình rằng căng thẳng và xung đột chỉ gây hại cho hai nền kinh tế đang phụ thuộc lẫn nhau như Trung Quốc và Nhật Bản hiện tại. 

Nếu như không biết được căn nguyên gốc rễ của vấn đề thì căng thẳng trong mối quan hệ này khó có thể giải quyết. Trung Quốc và Nhật Bản đều có thể công khai thảo luận về những khác biệt tư tưởng vốn vẫn luôn bị kìm nén. Dù khó có thể đồng ý với nhau, nhưng ít nhất họ biết được sự khác biệt của hai bên là gì và lý do đằng sau những tuyên bố của đối phương. Nếu không giải quyết nguồn gốc sâu xa và những trở ngại này, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ không thể ngăn chặn xung đột cũng như thiết lập mối quan hệ bền vững giữa hai nước láng giềng. 

Zheng Wang là Phó Giáo sư của Đại học Seton Hall và là Thành viên Toàn cầu của Trung tâm Woodrow Wilson. Ông là tác giả của cuốn Never Forget National Humiliation: Historical Memory in Chinese Politics and Foreign Relations (tạm dịch: Sự sỉ nhục quốc gia không thể nào lãng quên: Ký ức lịch sử trong chính trị và quan hệ đối ngoại của Trung Quốc) đã đoạt Giải thưởng Yale H. Ferguson của Hiệp hội Nghiên cứu Quốc tế.

Leave a comment