“Lớp học này giúp bạn chuẩn bị gì cho sự diệt vong?”

Nguồn: Resilience, đăng ngày 21/4/2020

Biên dịch: Lê Thị Thu Uyên – Biên tập: Lê Nguyễn Duy Hậu

Mỗi học kỳ, hệ thống đánh giá sinh viên của trường đều gửi cho tôi một tin nhắn, thông báo về việc bổ sung câu hỏi cho sinh viên sau khi họ hoàn thành đánh giá khóa học vào cuối học kỳ. Tôi luôn bị thôi thúc đặt thêm câu hỏi sau: “Lớp học vừa rồi đã giúp bạn chuẩn bị gì cho sự diệt vong?”

Nguồn: Internet

Là một học giả về nhân văn môi trường, hầu hết các khóa học của tôi đề cập đến sự gia tăng đồng thời ở quy mô toàn cầu của nguy cơ tuyệt chủng sinh học và bất bình đẳng xã hội – những vấn đề mà tôi xem như là các vấn đề liên đới. Vấn nạn này còn được củng cố bởi sự thống trị của nền kinh tế định hướng tăng trưởng. Nền kinh tế toàn cầu phát triển càng nhanh thì hệ sinh thái của Trái Đất càng bị huỷ hoại. Như tôi đã giải thích trong cuốn sách của mình Postgrowth Imaginaries (tạm dịch: Viễn cảnh hậu tăng trưởng), vấn đề không phải là kinh tế thế giới đang không tăng trưởng, mà là sự toàn cầu hóa của văn hóa “cuồng” tăng trưởng kinh tế nhanh, dẫn đến phá hủy các hệ sinh thái tự nhiên vốn giúp duy trì sự sống trên Trái Đất, và khiến cho các trách nhiệm xã hội của chúng ta không thể đạt được.

Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng sự tuyệt chủng hàng loạt đang diễn ra trên hành tinh của chúng ta. Các quần thể động vật hoang dã đã giảm 60% trong vài thập kỷ qua và 70% sự đa dạng nông nghiệp đã biến mất. Trong thời đại tuyệt chủng hàng loạt này, có lẽ đã đến lúc phải thay đổi hoàn toàn các hoạt động sư phạm thông thường vốn được phát triển trong một bối cảnh xã hội và môi trường hoàn toàn khác. Trong bối cảnh lịch sử hiện tại, các trường đại học không nên tiếp tục dạy sinh viên cách đóng góp cho nền kinh tế đương thời. Trái lại, đại học nên dạy làm thế nào để chuyển đổi, thoát ra khỏi quán tính của nền kinh tế hiện hành – thứ đang giết chết sự sống trên Trái Đất, và làm sao để tạo ra sự thịnh vượng lẫn khả năng phục hồi trong tương lai cho chúng ta từ đống thiệt hại và rác thải đang tồn tại – hậu quả của hàng trăm năm làm theo mô hình văn hóa kinh tế định hướng tăng trưởng.

Ngày nay, hệ tư tưởng “chết người” của mô hình tăng trưởng dường như đã ăn sâu vào các trường đại học. Tư duy tân tự do vốn thống trị giáo dục đại học khẳng định rằng, vai trò của giáo dục là chuẩn bị cho sinh viên những điều thiết yếu để đóng góp và cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Và chắc chắn, đó là một nền kinh tế đang giết chết sự sống trên Trái đất một cách nhanh chóng và có khả năng sẽ sụp đổ trong tương lai gần. Chưa bàn đến những tác động kinh tế nghiêm trọng do đại dịch COVID-19, chỉ cần tổng hợp các báo cáo mới nhất liên quan đến tình hình năng lượng toàn cầu, mức nợ công và nợ tư nhân, sự suy giảm nguồn nước và đất bề mặt, sự tuyệt chủng của các loài, sự tích tụ chất thải và sự biến đổi khí hậu, bạn sẽ thấy rằng kinh tế toàn cầu khó có khả năng tiếp tục tăng trưởng lâu hơn nữa. Điều mà các nhà lãnh đạo giáo dục hiện đang ngầm khẳng định bằng cách lặp lại câu thần chú tăng trưởng và đóng khung đổi mới theo cách tân tự do (đánh đồng sự sáng tạo với việc thiết kế các chiến lược tạo ra doanh thu) chính là giáo dục đại học cần chuẩn bị cho sinh viên tiếp tục tiếp tay cho sự vô cảm phá hoại của mà nền vkinh tế hiện nay đang tạo ra.

Hầu hết các chương trình giáo dục đại học đào tạo sinh viên để sẵn sàng cho một tương lai mà tương lai đó không tránh khỏi việc phá huỷ các hệ sinh thái trên Trái Đất. Từ trước đến nay, các trường đại học luôn là công cụ thúc đẩy thương mại lẫn tăng trưởng kinh tế. Và hiện tại, chúng ta ngày càng khiến Trái Đất kiệt quệ hơn so với cách đây một thế kỷ. Vì vậy, vấn đề không phải là công cụ (công nghệ), mà là logic. Giải pháp cho các cuộc khủng hoảng sinh thái và bất bình đẳng không phải là làm tốt hơn hoặc hiệu quả hơn những việc phá hoại mà chúng ta đang làm, mà là thay đổi cách làm mọi thứ.

Câu hỏi vẫn còn đó: liệu ta có thực sự khôn ngoan khi giáo dục con người cả về mặt lý thuyết lẫn kỹ thuật việc tinh chỉnh một hệ thống vốn hoạt động bằng cách làm suy yếu các điều kiện cần cho sự sống? Có thông thái không khi làm cho một hệ thống phá hoại thông minh hơn, tinh vi hơn và hiệu quả hơn? Hầu hết các phương pháp thực hành trong lớp học, nội dung chương trình giảng dạy và các chương trình chuyên ngành được thiết kế như thể câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ là “tất nhiên là có rồi!”.

Có lẽ chúng ta nên dạy (hoặc tốt hơn, học với sinh viên của mình) các công cụ lý thuyết và thực tiễn cần thiết để chuyển đổi sang các mô hình văn hóa kinh tế khác mà trong mô hình đó, toàn bộ loài người vẫn có thể phát triển mạnh mẽ trên một hành tinh có hệ sinh thái “nghèo nàn”: mô hình chuyển đổi , tư duy hệ thống, tái định vị chất thải, phỏng sinh học (biomimesis), nuôi cấy cố định, thiền định hoặc bất kỳ kỹ thuật nào khác có khả năng trao quyền cho cộng đồng, tái tạo đất và sức sống, đồng thời hướng tới các mô thức văn hóa tái tạo.

Phương pháp sư phạm của tôi được thiết kế để làm mất ổn định một trong những quan điểm phổ biến nhất trong thời đại này: ý tưởng rằng tăng trưởng kinh tế liên tục và nhảy vọt công nghệ là khả thi và được xã hội khao khát. Trong lớp học, chúng tôi thách thức niềm tin này rằng những cải tiến về công nghệ và hiệu suất thì phi giá trị và không phải là vấn đề chính trị, vì những cải tiến này thực sự đẩy nhanh hai khuynh hướng nói trên: triệt tiêu sinh học và bất bình đẳng xã hội. Như vậy, chúng tôi xem xét sự không bền vững hiện tại bén rễ sâu xa như thế nào trong lôgic văn hóa đại trà.

Trong hầu hết các khóa học của tôi, sinh viên cố gắng truy vấn thế nào là một cuộc sống tốt, ai định nghĩa nó và loại công cụ, bối cảnh, thể chế và cơ sở hạ tầng nào có thể thúc đẩy nó. Nói cách khác, chúng tôi nghiên cứu những bộ giá trị và ngôn ngữ định giá nào có thể giúp giảm bất bình đẳng và tái tạo hệ sinh thái cũng như loại mô hình văn hóa và viễn cảnh nào có thể đáp ứng mong muốn xã hội lẫn khả thi về mặt sinh thái.

Một vài năm trước, tôi đã đưa ra lý thuyết về phương pháp giảng dạy của mình là “Sư phạm về giảm tăng trưởng”. Hiện tại, tôi muốn hoàn thiện nó bằng cách xem xét một số khía cạnh trong khoa học thần kinh về quá trình hình thành não bộ cũng như các vấn đề về khung ngôn ngữ. Một số nghiên cứu cho rằng sợ hãi và tức giận là những cảm xúc liên quan nhiều hơn đến bán cầu não trái và cả hai cảm xúc đều có thể kích hoạt chế độ “đối đầu” nguy hiểm. Vì lý do này, tôi chuyển sang tìm hiểu cách thảo luận về các kịch bản đa khủng hoảng mà chúng ta đang đối mặt mà không cần nuôi dưỡng những cảm xúc này.

Tôi hiện đang cố gắng hình dung một mô hình học tập kích thích sự tham gia của bán cầu não phải. Các thói quen giáo dục tân tự do có xu hướng ngược lại (chú trọng vào kích hoạt bán cầu não trái). Tôi ngờ rằng một mô hình học tập có hệ thống vượt trội hơn những ý thức hệ hiện hành sẽ khuyến khích các hoạt động học tập thiết kế theo hướng kích thích bán cầu não phải. Điều này ám chỉ việc đào tạo sinh viên kết nối các cuộc thảo luận với bối cảnh xã hội.

Vào buổi học đầu tiên, tôi luôn giới thiệu cho sinh viên hai dạng quán tính đan xen nhau của thời đại chúng ta, đó là sự đẩy nhanh tốc độ tuyệt chủng sinh học và bất bình đẳng xã hội. Sau đó, tôi yêu cầu các em thảo luận theo nhóm nếu các em nghĩ rằng hai vấn đề này có liên quan đến nhau và tại sao vấn đề này lại liên quan đến lớp học (bất kể chủ đề của lớp có thể là gì). Ngày cuối cùng của khoá học, sinh viên đánh giá khóa học bằng cách suy nghĩ về câu hỏi sau: Lớp này đã trang bị cho tôi như thế nào để ứng phó với sự kiệt quệ sinh thái và  để đóng góp vào khả năng phục hồi của cộng đồng và tái tạo đất?

Tôi tin rằng giáo dục đại học sẽ hữu ích hơn cho sinh viên nói riêng và nhân loại nói chung nếu phương pháp giảng dạy và nghiên cứu ngừng duy trì mô hình văn hóa đã đưa chúng ta đến bờ vực tuyệt chủng. Thay vào đó, hãy bắt đầu khuyến khích sinh viên tưởng tượng và tạo ra các lựa chọn thay thế. Nếu không, chúng ta chỉ đang chuẩn bị cho sinh viên hành trang tới sự diệt vong, chứ không phải cho cuộc sống. Trớ trêu thay, con người càng lo sợ về cái chết, thì lại càng, chuyển hóa nền kinh tế của mình tiến gần tới việc hủy diệt sự sống một cách nhanh chóng hơn. Đã đến lúc thay đổi. Chúng ta hãy ngừng sợ hãi cái chết để có thể bắt đầu dạy về sự sống.

Leave a comment