Giáo dục cho nữ giới: Câu chuyện đáng tự hào nhất của Afghanistan đang trên bờ vực đổ vỡ

Nguồn: thediplomat.comĐăng ngày: 01/9/2021

Tác giả: Laiq Zirack

Biên dịch: Lê Đàm Bảo Hân – Biên tập: Phan Trà Khúc

Đi liền với sự rút lui của cộng đồng quốc tế và quân đội Mỹ, là những thất bại nghiêm trọng trong giáo dục cho nữ giới tại Afghanistan.

Năm 2020, Shamsia Alizada, con gái của một công nhân khai thác than ở Kabul, đạt được số điểm cao nhất trong số 170.000 sinh viên tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia hàng năm. Ở một đất nước đầy rẫy những tin tức nghiệt ngã, điểm tin về thành tích của Alizada đã mang lại niềm vui cho nhiều người. Kết quả của Alizada đến vào thời điểm quan trọng của đất nước khi chính phủ tham gia đàm phán với Taliban về một thỏa thuận hòa bình có thể xảy ra ở Doha. Thành công của cô đã được đưa vào các chương trình tin tức và lan truyền trên mạng xã hội như gió thổi. Các quan chức chính phủ, xã hội dân sự, nhà báo và người dùng mạng xã hội đã đưa tin về thành công của cô, coi đó là một phần trong lập luận chống lại Taliban rằng quyền của phụ nữ và sự tham gia tích cực của họ luôn là một mối quan tâm, và phụ nữ phải luôn phải được để tâm cũng như bảo đảm về quyền lợi. Taliban không cho trẻ em gái đi học hoặc không cho phép nhiều phụ nữ làm việc dưới thiết chế của họ từ năm 1996 đến 2001.

Giáo dục từ lâu đã được coi là một tấm gương sáng trong công cuộc tái thiết Afghanistan. Kể từ năm 2001, sau khi Taliban bị lật đổ, cộng đồng quốc tế đã đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực giáo dục ở Afghanistan.

Nguồn ảnh: epdc.org

Trong hai thập kỷ qua, phụ nữ Afghanistan đã có những cơ hội tuyệt vời để cải thiện cuộc sống trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả giáo dục. Đến năm 2018, trẻ em gái chiếm gần 38% số lượng học sinh trong cả nước, tức 3.8 triệu người; trong khi đó, chỉ có 5.000 trẻ em gái Afghanistan được nhập học vào năm 2001. Không chỉ tỷ lệ trẻ em gái đi học được nâng cao trong hai thập kỷ qua, mà sự hiện diện của phụ nữ trong giáo dục đại học cũng tăng lên.

Dữ liệu thống kê từ kỳ thi tuyển sinh quốc gia của Afghanistan, được gọi là Kankor, cho thấy số lượng nữ sinh tham gia kỳ thi Kankor đã dần tăng lên trong 20 năm qua. Số liệu thống kê từ bộ dữ liệu Kankor cũng minh họa sự chênh lệch giới tính rộng rãi kéo dài trong giáo dục đại học. Nhưng sự gia tăng ổn định về tỷ lệ nữ tham gia kỳ thi dường như đầy hứa hẹn.

Hình 1: Số lượng học sinh tham gia trong kỳ thi tuyển sinh đại học từ năm 2003. Dữ liệu từ bản tổng hợp của chính tác giả dựa trên thống kê Kankor.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục Đại học (MoHE), chênh lệch giới tính trong tuyển sinh đại học giảm dần theo thời gian với chiều hướng tích cực, trong đó số lượng sinh viên nữ tiếp cận các trường đại học Afghanistan đang tăng lên. Ví dụ, chỉ có 1.000 nữ tham gia kỳ thi Kankor vào năm 2003, trong khi con số này đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại – 78.000 – vào năm 2013.

Hình 2: Cơ cấu giới tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học (2003-2018). Bản tổng hợp của chính tác giả dựa trên thống kê Kankor.

Tuy nhiên, như hình 1 cho thấy, số lượng nam sinh tham gia kỳ thi Kankor luôn vượt quá số lượng nữ tham gia trên toàn quốc. Nhưng điều này không đúng tại một số tỉnh ở Afghanistan. Ví dụ, Herat đã chứng kiến ​​một sự đảo ngược, với số lượng nữ tham gia kỳ thi vượt quá số lượng nam tham gia. Sự thay đổi len lỏi vào một xã hội truyền thống cao, nơi còn tồn tại nhiều cản trở đối với giáo dục nữ giới, là một kỳ tích.

Theo thống kê Kankor từ Cơ quan Quản lý Khảo thí Quốc gia (NEXA), ở tỉnh Herat, tỷ lệ tham gia của học sinh nữ trong kỳ thi tuyển sinh quốc gia chiếm 44% so với 56% nam sinh vào năm 2008. Tuy nhiên, sự chênh lệch giới tính này dần được thu hẹp. Các số liệu từ năm 2019 cho thấy sự tham gia của nữ giới trong kỳ thi Kankor ở Herat đã tăng lên 53%, trong khi đối với nam giới, con số này giảm xuống còn 42%. Vì vậy, tỉnh Herat đại diện cho một câu chuyện thành công thực sự về giáo dục nữ giới ở Afghanistan. Trong xã hội Afghanistan, việc đảo ngược những khoảng cách giới tính này là một kỳ tích đáng kể chưa từng có.

Nhưng những thành tựu này hiện đang gặp rủi ro. Ngay cả trước khi chính phủ Afghanistan sụp đổ vào giữa tháng 8, nhiều báo cáo đã chỉ ra rằng hệ thống giáo dục của Afghanistan đang tụt hậu và trở nên tê liệt vì nghèo đói, tình trạng mất an ninh gia tăng và thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cùng với đội ngũ nhân sự chưa được đào tạo bài bản.

Trong vài năm gần đây, với tình hình an ninh trong nước ngày càng xấu đi, chính phủ Afghanistan đã dồn thêm ngân sách vào lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Năm ngoái, Bộ Giáo dục Đại học đã thông báo bằng một công văn cho tất cả các trường đại học công lập trên toàn quốc, rằng chính phủ sẽ cần rút 10 triệu USD từ ngân sách phát triển của bộ để chuyển vào các lĩnh vực quốc phòng và an ninh.

Trong nhiều năm, ngành giáo dục đã bị tê liệt bởi những thách thức về an ninh. Những rào cản đó, sau khi Taliban tiếp quản, dường như được thay thế bằng những thất bại về ý thức hệ.

Một đoạn clip âm thanh gần đây được lan truyền trong các nhóm WhatsApp của các giảng viên Afghanistan cho thấy rằng, các thủ lĩnh Taliban ở tỉnh Herat đã chỉ thị các cơ sở giáo dục đại học công và tư ngừng cho phép nữ sinh ngồi cùng lớp với nam sinh.

Một cuộc thảo luận kéo dài ba giờ với sự tham gia của các giáo sư đại học, chủ sở hữu của các viện giáo dục đại học và các nhà lãnh đạo Taliban cho rằng không có giải pháp thay thế nào cho việc duy trì giáo dục trẻ em gái và trẻ em trai đồng thời. Các thủ lĩnh Taliban cũng cho rằng giáo viên nam không thể dạy các lớp nữ. Trong bối cảnh đó, ngành giáo dục đại học vốn đã rất thiếu giảng viên nữ và thiếu cơ sở hạ tầng để đáp ứng các sinh viên nam và nữ trong các lớp học hoàn toàn riêng biệt.

Dưới thời chính phủ Afghanistan trước đây, bạo lực và bất ổn đã ngăn cản nhiều phụ nữ và trẻ em gái tiếp cận trường học và giáo dục. Ngược lại, hiện nay, chính thái độ của các nhà lãnh đạo Taliban đối với giáo dục nữ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ hội tiếp cận của nữ sinh và triển vọng thành công của họ.

Một điều buồn vui lẫn lộn: NEXA đã công bố kết quả của kỳ thi quốc gia hàng năm cho năm 2021 vào ngày 25 tháng 8. Một lần nữa, một nữ sinh 20 tuổi, Sulgai Baran đến từ Kabul, đã đứng đầu kỳ thi Kankor trong tổng số 179.930 người tham gia. Điều trớ trêu sâu sắc ở đây rằng, Sulgai là một tên tiếng Pashto, mang nghĩa là “khóc” trong tiếng Anh.

Laiq Zirack

Laiq Zirack là Assistant Professor tại khoa quản trị và chính sách công thuộc Đại học Kandahar, đồng thời là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình và Phi bạo lực Pacha Khan, Đại học Kandahar.

Leave a comment