Năm thuyết học tập giáo dục 

Biên dịch: Nguyễn Kiều Phương Trinh – Biên tập: Phan Trà Khúc

Nguồn: Western Governors University – Ngày đăng: 30/5/2020

Không có học sinh nào giống học sinh nào, và mỗi học sinh có cách học khác nhau. Não bộ của chúng ta đều khác nhau và các trải nghiệm mà chúng ta có sẽ chi phối cách chúng ta học. Các nhà tâm lý học đã dành vô số giờ để thực hiện các bài kiểm tra để hiểu rõ hơn cách chúng ta học như thế nào. 

Các giáo viên cần phải được đào tạo để đến lớp dạy mỗi ngày, và điều quan trọng của việc đào tạo giáo viên là giúp họ hiểu những cách học khác nhau. Có rất nhiều những lý thuyết giáo dục mà giáo viên có thể trang bị trước khi đến lớp để hỗ trợ học sinh. Hiểu được những thuyết này, giáo viên có thể sử dụng các kỹ thuật dạy khác nhau để giúp học sinh học tập một cách thành công. 

năm thuyết học tập giáo dục chính mà những người làm giáo dục có thể áp dụng và cải thiện cách dạy trong lớp cũng như giúp học sinh có môi trường học tập tốt hơn. 

Năm thuyết học tập đó là gì?

Thuyết nhận thức (Cognitive learning theory)

Thuyết nhận thức chú trọng vào cách mọi người suy nghĩ. Quá trình chúng ta suy nghĩ đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu chúng ta học như thế nào. Thuyết nhận thức cho ta hiểu rằng người học có thể bị ảnh hưởng bởi cả hai yếu tố nội và ngoại tại. 

Plato và Descartes là hai nhà triết học đầu tiên chú trọng vào nhận thức và cách mà con người suy nghĩ như thế nào. Nhiều nhà khoa học khác đi sâu vào việc chúng ta nghĩ như thế nào, và điều đó thúc đẩy việc nghiên cứu sâu hơn nữa. Jean Piaget là một biểu tượng rất quan trọng trong lĩnh vực tâm lý học nhận thức, và những gì ông làm là tập trung vào các môi trường và các cấu trúc bên trong và tìm hiểu xem chúng ảnh hưởng đến việc học như thế nào. 

Thuyết nhận thức đã phát triển qua thời gian, và đã chia nhỏ thành nhiều thuyết khác nhau, trong đó chú trọng vào yếu tố học và hiểu. Ở mức độ cơ bản nhất, thuyết nhận thức cho biết những suy nghĩ bên trong chúng ta và những yếu tố bên ngoài đều là một phần quan trọng của quá trình nhận thức. Và khi học sinh nhận ra những suy nghĩ của họ đã ảnh hưởng như thế nào đến cách học và hành vi, họ sẽ có thể kiểm soát việc học của mình tốt hơn.

Thuyết nhận thức ảnh hưởng đến học sinh là vì việc hiểu quá trình suy nghĩ của chính họ sẽ giúp cho họ học tập tốt hơn. Giáo viên có thể cho học sinh cơ hội để đặt câu hỏi, mắc sai lầm, và nghĩ thấu đáo về điều đó. Những chiến lược này có thể giúp học sinh hiểu hơn về cách hoạt động của quá trình suy nghĩ như thế nào, và tận dụng kiến thức này để xây dựng những cơ hội học tập tốt hơn. 

Thuyết hành vi (Behaviorism learning theory)

Thuyết hành vi đề cập về cách học sinh ứng xử dựa trên việc họ tương tác với môi trường như thế nào. Thuyết này cho rằng hành vi bị ảnh hưởng và được học theo bởi các yếu tố bên ngoài nhiều hơn là các yếu tố nội tại. 

Các nhà tâm lý học đã xây dựng thuyết hành vi từ thế kỷ 19 và là nền tảng cho các nhà tâm lý học quan sát và định lượng. Phương pháp khuyến khích tích cực – positive reinforcement (ND: sử dụng các hình thức khen thưởng để khuyến khích các hành vi tốt) là yếu tố phổ biến cho thuyết hành vi. Phản xạ có điều kiện được quan sát bởi thí nghiệm lên chú chó của Pavlov chỉ ra rằng các hành vi sẽ được thúc đẩy trực tiếp bởi phần thưởng có thể đạt được. 

Giáo viên có thể áp dụng phương pháp củng cố tích cực để giúp học sinh học tốt các khái niệm hơn. Các học sinh được củng cố theo phương pháp này đều lưu trữ thông tin tốt hơn, đó là kết quả trực tiếp của thuyết hành vi. 

Thuyết kiến tạo (Constructivism learning theory)

Thuyết kiến tạo đề cập về việc học sinh có thể tạo cách học tập cho mình dựa vào các trải nghiệm và kinh nghiệm trước đó. Học sinh tiếp thu kiến thức dựa vào những gì được dạy cộng với kiến thức và trải nghiệm học của mình trước đó. Thuyết này nhấn mạnh rằng học tập là một quá trình chủ động và mang tính cá nhân cao. 

Giáo viên khi áp dụng thuyết này hiểu ra rằng mỗi học sinh sẽ luôn mang những trải nghiệm trước đó của mình vào lớp học mỗi ngày. Giáo viên trong lớp học áp dụng thuyết này đóng vai trò là một người hướng dẫn nhiều hơn để giúp học sinh tự tạo cách học tập và sự hiểu biết của mình dựa trên trải nghiệm của mỗi bạn học sinh. Điều này quan trọng với học sinh trong việc mang trải nghiệm bản thân vào quá trình học của bản thân. 

Thuyết nhân văn (Human Learning Theory)

Thuyết nhân văn cũng tương tự gần giống với thuyết kiến tạo. Thuyết nhân văn tập trung trực tiếp vào nhu cầu biểu hiện bản thân. Mọi cá nhân đều hoạt động dựa trên hệ thống phân cấp nhu cầu. Nhu cầu biểu hiện bản thân nằm ở cấp độ cao nhất trong hệ thống phân cấp này – đó là những khoảnh khắc khi mà một cá nhân cảm thấy tất cả các nhu cầu của họ đều được đáp ứng và họ đang là phiên bản có thể tốt nhất của chính mình. Mọi người đều đang cố gắng cho điều này và các môi trường học tập có thể hướng tới đáp ứng các nhu cầu này hoặc ngược lại. 

Giáo viên có thể tạo môi trường học tập để giúp học sinh tiến gần hơn với việc được thể hiện nhu cầu biểu hiện của bản thân. Các nhà giáo dục có thể giúp học sinh đáp ứng các nhu cầu về mặt cảm xúc lẫn thể chất bằng cách tạo môi trường an toàn và thoải mái cho việc học, cung cấp nhiều thức ăn và những hỗ trợ mà học sinh cần để đạt được mong muốn. Đây là môi trường thuận lợi nhất để giúp học sinh học tập đạt những mong muốn của họ. 

Thuyết kết nối (Connectivism Learning Theory)

Thuyết kết nối là một trong những thuyết học tập giáo dục mới nhất mà chú trọng vào việc học sinh học và phát triển theo cách hình thành các liên kết. Đây có thể là những kết nối giữa các học sinh với nhau hay kết nối giữa các vai trò và nghĩa vụ trong cuộc sống của họ. Các sở thích, mục tiêu, và con người đều đóng vai trò là những liên kết có ảnh hưởng đến việc học của từng cá nhân. 

Giáo viên có thể áp dụng thuyết kết nối để giúp học sinh tạo ra các liên kết với những thứ khiến họ thích thú hay giúp họ trong việc học. Giáo viên có thể sử dụng phương tiện truyền thông kỹ thuật số trong việc tạo ra các kết nối tốt cho việc học của học sinh. Họ cũng có thể tạo những liên kết và các mối quan hệ với học sinh hay các nhóm đồng đẳng để giúp học sinh có động lực trong việc học. 

Nguồn: Western Governors University.

Các lý thuyết học tập bổ sung khác là gì?

Thuyết học tập chuyển hóa (Transformative Learning Theory)

Thuyết học tập chuyển hóa là một cách tiếp cận tuyệt vời cho giáo dục đối với người lớn và cho việc học của thanh niên. Thuyết học tập chuyển hóa tập trung vào việc người học điều chỉnh những suy nghĩ của họ dựa trên các thông tin mới. 

Thuyết học tập này được tạo ra bởi Jack Mezirow, người khám phá ra nó khi làm nghiên cứu với nhóm phụ nữ trưởng thành quay trở lại lớp học. Nghiên cứu ban đầu của ông cho thấy rằng người trưởng thành không áp dụng những gì họ biết trước đó vào các tình huống mới và việc tiếp nhận một quan điểm mới đã giúp họ hiểu những điều mới mẻ hơn khi họ thay đổi. Mezirow cũng tin rằng học sinh có các cơ hội dạy học và học tập quan trọng khi họ kết nối với những sự kiện trong quá khứ và việc chiêm nghiệm có thể dẫn đến sự chuyển hóa trong nhận thức của họ. 

Cách tiếp cận này hiệu quả với người học trưởng thành, bởi vì trẻ em không có sự chuyển hóa tương tự từ những kinh nghiệm học hay các trải nghiệm trong cuộc sống. Người học trưởng thành có thể dựa trên những sự kiện trong cuộc sống khi họ còn nhỏ và chuyển hóa những niềm tin và sự hiểu biết bằng cách chiêm nghiệm, dẫn đến việc họ hiểu ra những gì họ nên tin tưởng khi là một người trưởng thành. 

Tóm lại, thuyết này cho chúng ta hiểu rằng thế giới quan của mỗi người đều thay đổi khi chúng ta học thêm những điều mới, hiểu được các khái niệm và ý tưởng mới. Thông qua những thông tin giúp người học đánh giá những ý tưởng trước đó, người học có thể tạo sự thay đổi mạnh mẽ vượt ngoài sự học tập tiêu chuẩn. Giáo viên có thể áp dụng thuyết này bằng cách động viên người học trong việc học những quan điểm mới và đặt câu hỏi cho những giả định và mở ra nền tảng mới cho diễn ngôn để củng cố những suy nghĩ của họ. 

Thuyết học tập xã hội (Social Learning Theory)

Thuyết học tập xã hội có thể là công cụ hữu hiệu trong việc “đối đầu” với những học sinh hay làm gián đoạn lớp học hoặc gây rắc rối. Thuyết này tập trung vào việc học sinh quan sát các bạn học khác thông qua việc lặp lại hay không lặp lại những gì được thể hiện của các bạn cùng lớp đó. Ví dụ, học sinh có thể thấy một người bạn của mình lịch sự yêu cầu một điều gì đó từ người khác, hay họ có thể nghe các bạn khác nói về những gì vừa học được và những việc này có thể dạy cho học sinh điều gì đó mới mẻ ngay cả khi bản thân họ không tự thực hiện những việc như vậy. 

Thuyết học tập này được ra đời bởi Albert Bandura. Ông thực hiện một thí nghiệm được gọi là búp bê Bobo vào đầu những năm 1960, ông nghiên cứu về hành vi của trẻ em sau khi chúng quan sát một người trưởng thành có hành động hung hăng với một con búp bê. Ông ghi lại những đứa trẻ phản ứng như thế nào sau khi người trưởng thành được thưởng, bị phạt, hay không phải chịu ảnh hưởng gì sau khi họ tấn công món đồ búp bê đó. Bandura viết về những gì ông tìm hiểu ra vào năm 1977, chi tiết về thuyết học tập xã hội và thuyết đã ảnh hưởng đến sự phát triển hành vi của học sinh như thế nào. 

Có bốn yếu tố với thuyết học tập xã hội:

  • Sự chú ý, giúp mang đến những bài học, hoạt động khác nhau để giúp học sinh tập trung. 
  • Sự ghi nhớ, tập trung vào việc học sinh tiếp thu thông tin và nhớ lại sau này như thế nào 
  • Sự lặp lại, dựa trên hành vi đã được học trước đó và hoàn cảnh phù hợp để dùng.
  • Động lực, có thể được đẩy lên khi nhìn thấy bạn cùng lớp được thưởng hay phạt.

Bằng cách sử dụng mô hình xã hội dựa trên các yếu tố này, giáo viên có một công cụ rất mạnh mẽ trong kho vũ khí của họ, giúp họ có thể hướng dẫn học sinh của mình một cách hiệu quả trong việc chủ động hơn khi học, chú ý, và truyền năng lượng của họ vào việc học. 

Thuyết học tập trải nghiệm (Experiential Learning Theory)

Thuyết học tập trải nghiệm tập trung vào việc học thông qua thực hành. Thông qua thuyết này, học sinh được khuyến khích học tập và phát triển qua các trải nghiệm mà giúp họ lưu trữ và gợi nhớ thông tin. 

Thuyết học tập trải nghiệm được đề xuất bởi David Kolb vào năm 1984. Mặc dù Kolb chịu ảnh hưởng bởi những nhà lý thuyết khác như John Dewey, Kurt Lewin, và Jean Piaget, ông là người đầu tiên xác định bốn giai đoạn của lý thuyết này. Hai giai đoạn đầu tiên, học thông qua trải nghiệm và quan sát suy ngẫm, tập trung vào hiểu các trải nghiệm. Hai giai đoạn sau, tiếp cận kiến thức trừu tượng và thực hành ứng dụng là tập trung vào việc chuyển hóa các trải nghiệm. Đối với Kolb, cách học tập hiệu quả được xem qua việc người học đi qua chu kỳ của thuyết học tập trải nghiệm và học sinh có thể tham gia vào chu trình này theo bất kỳ cách nào và trải nghiệm nào. 

Một vài ví dụ của việc học này bao gồm đưa học sinh đến sở thú để học về các động vật thay vì đọc trên lý thuyết hoặc trồng một khu vườn để hiểu về quá trình quang hợp thay vì chỉ xem video. Bằng cách tạo ra môi trường để học sinh học tập và trải nghiệm cùng một lúc, giáo viên tạo cơ hội để học sinh có thể áp dụng kiến thức ngay lập tức và có những trải nghiệm thực tế. Cách tiếp cận này cũng khuyến khích hoạt động làm việc nhóm và được chứng minh trong việc cải thiện động lực học. 

Làm cách nào để áp dụng các thuyết này vào việc học?

Giáo viên có thể tạo ra các chiến lược cụ thể để áp dụng các thuyết này vào lớp học và cần tập trung vào việc có sự giáo dục toàn diện về việc học các kỹ thuật dạy học và quản lý lớp học. Ngoài ra, giáo viên cần hiểu những thuyết học tập để chuẩn bị thật tốt khi vào lớp. 

Và việc hiểu những thuyết học tập này giúp giáo viên kết nối nhiều học sinh khác nhau. Giáo viên có thể tập trung vào những phong cách học tập khác nhau để tiếp cận với từng bạn học sinh, tạo ra phương pháp dạy học mà tập trung trực tiếp vào nhu cầu và năng khiếu của học sinh. 

Leave a comment