Giáo dục: câu chuyện thành công hiếm có ở Afghanistan

Nguồn: The Diplomat  – Đăng ngày: 16/08/2016

Người dịch: Đặng Công Tịnh – Biên tập: Lê Nguyễn Duy Hậu

Đầu tư vào mảng giáo dục ở Afghanistan thật sự đã đem lại lợi ích cho người dân nước này.

Trong một lớp học nhỏ đầy nắng ở một trường công tại miền Đông Kabul, một nhóm 25 trẻ em gái lớp 4 ngồi trên ghế gỗ và đọc từng đoạn văn bằng tiếng Dari trong sách. Giọng nói của chúng vang lên khắp hành lang khi đọc theo lời giáo viên.

Nguồn ảnh: Internet

“Em chú tâm học tập để sau này trở thành bác sĩ và giúp mọi người”. Fatima 9 tuổi mang trên mình bộ đồng phục màu đen và khăn quấn đầu màu đỏ chia sẻ. “Em rất thích học vì học sẽ giúp đem lại được một tương lai tươi sáng cho em và cả đất nước”. Fatima là một trong hàng triệu trẻ em đang theo học bậc tiểu học và trung học trên khắp Afghanistan, từ những hang động của vùng Bamiyan đến những hoang mạc ở Kandahar.

Giáo dục là một trong những câu chuyện thành công nhất ở Afghanistan thời kỳ hậu Taliban. Vào năm 2001, chưa đến 900.000 trẻ em Afghanistan được đi học và tất cả số này đều là nam. Ngày nay số lượng đó đã tăng lên gấp 10 với số lượng trẻ em nữ chiếm gần 38% – hoặc 3,5 triệu học sinh. Theo Bộ Giáo Dục Afghanistan. 9,5 triệu trẻ em nước này được đến trường vào năm nay (2016 – ND), con số cao nhất trong lịch sử. Chỉ tính trong năm nay (2016 – ND), có thêm 1,1 triệu học sinh được đến trường lần đầu tiên.

Sự phát triển đáng kể này là kết quả của nhiều nhân tố: sự hỗ trợ hào phóng của cộng đồng quốc tế, sự ưu tiên đầu tư của chính phủ Afghanistan, và quan trọng hơn hết là mong muốn của người dân Afghanistan được giáo dục để không chỉ xây dựng lại đất nước của họ, mà còn là kiến thiết một quốc gia tốt hơn. Hiện tại (2016 – ND), ngân sách cho Giáo dục ở Afghanistan đứng thứ ba chỉ sau lĩnh vực an ninh và hạ tầng. Ưu tiên hàng đầu là xây dựng năng lực cho giáo viên. Để nâng cao được kỹ năng quản lý lớp học của người đứng lớp, 70% giáo viên đã được tham gia nhiều khóa đào tạo. Các trung tâm đào tạo được thành lập tại mỗi tỉnh để những giáo viên ở xa các vùng đô thị trung tâm có thể dễ dàng tiếp cận được. 

Một chính sách khác trong mảng giáo dục cũng giúp tăng cao số lượng giáo viên nữ. Với sự giúp đỡ của các nhà tài trợ quốc tế, Bộ Giáo Dục đã triển khai một chương trình nhằm gửi 300 giáo viên nữ tới các tỉnh nơi có số lượng giáo viên nữ rất ít. Những giáo viên mới này không chỉ giảng dạy mà còn có nhiệm vụ đào tạo các thế hệ giáo viên nữ tiếp theo với mục tiêu cải thiện cân bằng giới giữa, trong đội ngũ giảng dạy.

Sự tiến bộ của Afghanistan ở chương trình giáo dục hậu phổ thông (tức giáo dục đại học, cao đẳng – ND) cũng là một câu chuyện thành công khác. Từ 2001, không chỉ có chất lượng giảng dạy ở các trường Đại học tăng lên đáng kể mà còn có 124 trường Đại học công được thành lập. Những trường này cung cấp các chương trình học phù hợp cho sinh viên toàn thời gian và cả những ai có công việc toàn thời gian nhưng muốn theo học ngoài giờ. Số lượng nhập học Đại học tăng từ 7.900 học sinh vào năm 2001 lên đến 300.000 sinh viên vào năm 2016, con số cao nhất từ trước đến nay. 

Giáo dục quốc dân ở Afghanistan tăng lên không chỉ về số lượng mà chất lượng ở các trường cũng được cải thiện. Những chuyên gia giáo dục quốc dân thực hiện công tác kiểm định thường xuyên chương trình học và đảm bảo sách giáo khoa cùng những bài giảng không bị lỗi thời. Các trường Đại học công lẫn tư ở Afghanistan lần đầu tiên trong lịch sử có được các chương trình học tiên tiến ở bậc thạc sĩ. Tất cả những tiến bộ này đều đang thay đổi một điều đã từng là rào cản lớn nhất ngăn cản Afghanistan đến với phát triển – đó là biết chữ. Afghanistan hiện vẫn đang có tỷ lệ người dân biết chữ thuộc hàng thấp nhất trên thế giới, nhưng hiện tại thì tỷ lệ trung bình giữa nam và nữ là 38%, con số này một thập kỷ trước là 28%. Afghanistan có kế hoạch 5 năm để tăng tỷ lệ này lên, với mục tiêu là đạt 59% vào năm 2020. Một phần của kế hoạch này, là việc chính phủ đã mở 15.000 khóa học chữ ở các trung tâm trên khắp đất nước.  Năm ngoái (2015 – ND), các trung tâm này đã dạy được cho 411.843 học sinh. Chính phủ còn phát sóng 28 kênh radio cùng 22 chương trình truyền hình có nội dung giáo dục với mục đích tiếp cận được với những ai không thể tham gia lớp học.

Mặc cho những tiến bộ trên thì tất nhiên vẫn còn lại rất nhiều thách thức. Trong số 32 triệu dân Afghanistan thì gần một nửa có độ tuổi dưới 15. Với số lượng ngày càng đông học sinh đến trường thì nhu cầu cấp bách hiện tại là giải quyết yếu kém kéo dài trong hệ thống giáo dục. Cần có nhiều kế hoạch dài hạn hơn để nâng cao chất lượng giảng dạy và chất lượng chương trình học ở bậc tiểu học và trung học. Cần có thêm các hỗ trợ để thực hiện công việc cho giáo viên, trong đó bao gồm nhiều khóa đào tạo hơn để đảm bảo người đứng lớp có được các phẩm chất cần thiết để dạy các môn học bắt buộc. Nhiều trường thiếu hụt các bộ sách giáo khoa và lãnh đạo trường thì thường thiếu khả năng lãnh đạo đơn vị. Chính phủ cũng cần làm nhiều việc hơn để người dân vùng xa xôi hẻo lánh không bị bỏ rơi lại phía sau. Một nghiên cứu vào năm 2015 ở Hội nghị Thượng Đỉnh Oslo có chủ đề Giáo dục cho sự Phát triển chỉ ra rằng trong khi Bộ Giáo Dục ở Kabil đã có nhiều tiến bộ trong khả năng chuyên môn và quản lý, nhưng những lợi ích này vẫn chưa được thực sự có ích cho vùng sâu, vùng xa của đất nước.

Lời giải cho những vấn đề này chính là phải giải quyết từ cơ sở hạ tầng đến phát triển chương trình học nâng cao hơn để phát triển được mô hình giảng dạy phù hợp, và phát triển thêm học liệu, chất lượng giáo viên, năng lực quản lý nhà trường, phòng thí nghiệm và thư viện. 

Để làm được những điều trên cần có những dữ liệu có thể kiểm chứng trong lĩnh vực này. Đáng tiếc rằng sự thiếu hụt thông tin vốn tồn tại từ lâu nay càng trở nên tệ hơn vì tình hình an ninh tệ đi ở một số vùng trên đất nước. Bạo lực từ các nhóm khủng bố hoạt động ở Afghanistan, phần lớn được lập nên bởi những phần tử ngoại quốc và được chống lưng từ một những nguồn nước ngoài đang tiếp tục cản trở việc thu nhập dữ liệu cần thiết để hiểu rõ được vấn đề, lên kế hoạch, lập ngân sách cho các quyết định nâng cao chất lượng. Nhưng không vì thế mà các cộng đồng quốc tế và các nhà tài trợ nên xem nhẹ những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực giáo dục ở Afghanistan, nhất là trong bối cảnh dư luận nhiều nước đang gây sức ép để chính phủ giảm những nguồn viện trợ phát triển cho Afghanistan.

Những thành tựu đạt được cả về chất lượng và tiếp cận giáo dục là ví dụ hoàn hảo cho thấy đầu tư vào sự phát triển của Afghanistan đã thật sự sinh lời. Người Afghanistan đang cảm nhận rõ ràng động lực và sự tự tin rằng mọi thứ đang trở nên tốt hơn. Hội nghị Brussels về Afghanistan vào tháng 10 (năm 2016 – ND) này sẽ là cơ hội cho Chính phủ Đoàn kết Dân tộc mới thành lập được 20 tháng, chia sẻ những tiến bộ mà Afghanistan đã đạt được trong nhiều lĩnh vực – đặc biệt là giáo dục – với các đối tác quốc tế đã ủng hộ hành trình tự lực của đất nước. Mọi thứ đang rất tốt đẹp trong hành trình này, nhưng nó vẫn chưa kết thúc

Rohullah Osmani là học giả thỉnh giảng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp (SAIS) của Đại học Johns Hopkins, và cựu Tổng giám đốc của Ủy ban Cải cách Hành chính và Dịch vụ Dân sự Độc lập ở Afghanistan. Từ năm 2010 đến năm 2012, ông cũng cố vấn cho Đối thoại quốc tế của OECD về xây dựng hòa bình và xây dựng nhà nước cho các quốc gia yếu.

Leave a comment