Hồi giáo, những tín đồ, và Nhà nước thế tục Singapore

Nguồn: diplomat.comĐăng ngày: 24/3/2022

Tác giả: Mohamed Bin Ali

Biên dịch: Lê Đàm Bảo Hân – Biên tập: Phan Trà Khúc

Kinh nghiệm của Singapore đã chứng minh rằng một nhà nước thế tục vừa có thể tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống tôn giáo, vừa duy trì tính trung lập giữa các tôn giáo nói chung. Tương tự, từ quan điểm của cộng đồng Hồi giáo, Hồi giáo có thể phát triển mạnh trong nhà nước thế tục mà không ảnh hưởng đến các giáo lý và nguyên tắc của nó. Nói cách khác, cả nhà nước và cộng đồng đều có thể hỗ trợ lẫn nhau để đạt được kết quả khả thi tốt nhất cho tất cả mọi người.

Trong địa hạt triết học, chủ nghĩa thế tục lý giải cuộc sống dựa trên các nguyên tắc của một thế giới vật chất. Trong địa hạt chính trị, chủ nghĩa thế tục thường được định nghĩa là sự tách rời tôn giáo khỏi nhà nước. Có thể thấy rằng, đó là một tiếng nói đối nghịch với quy ước của Hồi giáo, vốn cho rằng tôn giáo quy định và chỉ dẫn cho mọi khía cạnh trong đời sống con người.

Tuy nhiên, trên bình diện thực tế, chủ nghĩa thế tục không nhất thiết nghĩa là loại trừ hoàn toàn tôn giáo khỏi đời sống công cộng của một xã hội. Thay vào đó, sẽ thuận lý hơn khi bàn luận về cách hiểu và thực hành chủ nghĩa thế tục thế nào trong một bối cảnh và một xã hội cụ thể.

Hẳn rằng, do quan niệm Hồi giáo là lối sống, một bộ phận tín đồ Hồi giáo phải trải qua một số thử thách trong quan hệ với nhà nước thế tục. Trên phương diện này, họ cần nhận được chỉ dụ về tôn giáo từ đâu và như thế nào? Ở chiều ngược lại, bản chất của nhà nước thế tục hiện tại là gì? Một số nhà nước hạn chế ảnh hưởng của tôn giáo trong các vấn đề của mình, từ những nguyên do lịch sử. Tại một số nhà nước hài hòa hơn, tôn giáo được công nhận và có nhiều quyền năng hơn.

Về khía cạnh này, Singapore chạm đến ngưỡng mốc nào?

Singapore là một quốc gia thế tục non trẻ, nơi tôn giáo không được dành cho bất kỳ địa vị đáng kể nào trong hành chính công. Tuy nhiên, đất nước này cũng đảm bảo quyền cho con người được theo hay không theo bất kỳ tôn giáo nào. Do vậy, nhà nước thừa nhận tầm quan trọng của tôn giáo đối với xã hội Singapore, đồng thời khẳng định trách nhiệm duy trì tính trung lập trong các vấn đề tôn giáo.

Phụ nữ đi ngang đền thờ Hồi giáo Sultan tại Singapore

Thách thức chủ nghĩa Hồi giáo

Như đã thảo luận ở trên, những tín đồ Hồi giáo có thể coi chủ nghĩa thế tục là một thách thức cản trở họ thực hành đạo Hồi như một lối sống. Người Hồi giáo có thể gặp khó khăn để vừa trở thành một công dân tốt của nhà nước và vừa là một tín đồ ngoan đạo.

Trong những năm gần đây, tình thế lưỡng nan này đã trở nên rõ nét hơn cùng với mức độ toàn cầu hóa của những ý tưởng chấn hưng bản sắc Hồi giáo. Thật vậy, mục tiêu – trở thành những tín đồ Hồi giáo ngoan đạo – là tốt, nhưng thực tế người Hồi giáo sống trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, bao gồm cả việc họ ngày càng trở thành thiểu số trong một nhà nước thế tục. Khi mong muốn nâng cao bản sắc Hồi giáo bị cản trở bởi môi trường thế tục, phản ứng của các nhóm thiểu số Hồi giáo đã rất khác nhau.

Một số đã chọn cách tách mình ra khỏi xã hội thế tục trong khi một số chọn từ bỏ đức tin của mình và trở thành con người dân chủ. Dù vậy, một số người khác cảm thấy hào hứng với ý tưởng rằng để cho Hồi giáo phát triển rực rỡ và toàn diện, một hệ thống chính trị cần thiết phải nâng đỡ và làm mạnh thêm mong muốn đó.

Nhóm thứ ba, vốn được biết đến rộng rãi là những người theo Chủ nghĩa Hồi giáo, một hệ tư tưởng tìm cách áp đặt những diễn giải cụ thể trong đạo Hồi lên xã hội pháp quyền. Người ta tin rằng Hồi giáo (và luật Hồi giáo) nên soi đường chỉ lối cho xã hội và chính trị cũng như đời sống cá nhân của tín đồ Hồi giáo. Đó là một sai lầm vì nó ủng hộ cho việc diễn giải theo nghĩa đen các câu tự thiêng liêng của Hồi giáo và luật Hồi giáo. Sâu xa hơn, sự bóp méo chính trị này trong Hồi giáo liên đới đến việc biện minh cho việc chọn lọc có chủ đích ngôn ngữ tôn giáo như liều thuốc chữa lành cho những căn bệnh của xã hội hiện đại.

Cách mà những người theo Chủ nghĩa Hồi giáo hiện đại này truy cầu và kiến tạo kiến ​​thức khác xa với con đường của các học giả Hồi giáo truyền thống. Trong khi những người theo chủ nghĩa truyền thống trải qua một quá trình giáo dục kéo dài, thì ngược lại, những người theo chủ nghĩa Hồi giáo lại có xu hướng bỏ qua và chỉ trích phần lớn kho tàng hệ thống ngữ liệu của đạo Hồi. Với cách thức và cách tiếp cận đơn giản, họ có xu hướng giải thích chủ quan Kinh Qur’an theo những điểm họ thấy hợp lý, loại bỏ các truyền thống trái ngược với mục tiêu định trước và hợp lý hóa cách hiểu của họ vào những văn bản tôn giáo.

Do đó, chủ nghĩa Hồi giáo, dù hòa bình hay bạo lực, đều có chung một hệ tư tưởng trung tâm ngoại lai và đối nghịch với truyền thống uyên bác và cao cả của người Hồi giáo. Chủ nghĩa Hồi giáo đã làm biến đổi tinh thần của Hồi giáo từ rộng lượng, nhẫn nại và nhân từ thành một ấn tượng khắc nghiệt, cứng rắn, căm thù và không khoan dung.

Tín đồ Hồi giáo Singapore trong một quốc gia thế tục

Cộng đồng thiểu số Hồi giáo ở Singapore đã phản ứng như thế nào trước những thách thức khác nhau mà họ phải đối mặt? Một trong những sáng kiến ​​mà họ đã thực hiện là sáng kiến ​​Bản sắc Hồi giáo Singapore (Singapore Muslim identity, SMI), hướng dẫn người Hồi giáo hướng tới tương lai, thích nghi và hòa nhập trong quan điểm tôn giáo của họ. Sáng kiến ​​SMI củng cố quan điểm cốt yếu rằng với tư cách là những công dân tích cực sống trong một nhà nước thế tục, họ nên đón nhận thế giới hiện đại bằng cách trở thành những người Hồi giáo tiến bộ, tự tin thực hành với các giá trị xã hội và tôn giáo đúng đắn.

Tài sản quan trọng nhất đồng hành với cộng đồng thiểu số Hồi giáo ở Singapore là khả năng lãnh đạo tôn giáo của nó. Các giáo sĩ tôn giáo được gọi là asatizah, họ là chiếc la bàn đạo đức hướng dẫn cộng đồng để sống trong thế giới hiện đại đồng thời giữ vững niềm tin của mình. Cộng đồng tìm đến họ cho những quyết định đạo lý: làm thế nào để chèo lái cuộc sống mình như những tín đồ Hồi giáo ngoan đạo, cũng như làm thế nào để dung hợp được những yêu cầu cạnh tranh và không đoán định được của cuộc sống và mặt khác, của tôn giáo.

Đại dịch COVID-19 đã mở ra một kỷ nguyên mới, trong đó sự pha trộn giữa tính chủ động và lòng dũng cảm là trung tâm trong việc ban hành hướng dẫn tôn giáo cho cộng đồng. Vào năm 2020, do tình hình tồi tệ của COVID-19, Ủy ban Fatwa (sắc lệnh tôn giáo) Singapore, bao gồm asatizah, đã trở thành một trong những cơ quan đầu tiên trên thế giới cho phép đóng cửa tạm thời các nhà thờ Hồi giáo và đình chỉ buổi cầu nguyện thứ Sáu của giáo đoàn ở Singapore.

Điều này phản ánh tinh thần tiến bộ của cộng đồng người Hồi giáo thiểu số ở Singapore, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của các học giả tôn giáo là phải chủ động, can đảm và cởi mở trong việc hợp tác với các cơ quan chức năng để đưa ra các quyết định kịp thời và chính xác, nhưng không thỏa hiệp trong các nguyên tắc tôn giáo.

Những fatwas (sắc lệnh tôn giáo) này cung cấp một mô hình về cách giáo lý Hồi giáo có thể biến hóa thích ứng để thay đổi một cách kịp thời, đồng thời phù hợp về mặt tôn giáo. Điều này đòi hỏi sự khôn ngoan, dũng cảm và linh hoạt của các cơ quan có thẩm quyền về tôn giáo. Bằng cách áp dụng những giá trị tôn giáo này, một nền Hồi giáo đích thực và tiến bộ có thể cung cấp giải pháp cho những vấn đề mà người Hồi giáo phải đối mặt ngày nay.

Nhà nước thế tục ôn hòa (Facilitative Secular State) Singapore

Kinh nghiệm của Singapore đã chứng minh rằng một nhà nước thế tục vừa có thể tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống tôn giáo, vừa duy trì tính trung lập đối với các tôn giáo nói chung. Tương tự, từ quan điểm của cộng đồng Hồi giáo, Hồi giáo có thể phát triển mạnh trong nhà nước thế tục mà không ảnh hưởng đến các giáo lý và nguyên tắc của nó. Nói cách khác, cả nhà nước và cộng đồng đều có thể hỗ trợ lẫn nhau để đạt được kết quả khả thi tốt nhất cho tất cả mọi người.

Là một cộng đồng thiểu số, người Hồi giáo Singapore sống trong một bối cảnh và môi trường độc đáo. Họ cần duy trì sự năng động và thích nghi với môi trường mới. Để đảm bảo điều này, các học giả Hồi giáo phải hình thành sự hiểu biết tinh tế hơn về đức tin của mình trong nỗ lực hướng dẫn cộng đồng Hồi giáo điều hướng cuộc sống tôn giáo của họ trong thế giới hiện đại.

Đã, đang và sẽ còn nhiều vấn đề, thách thức khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên, họ phải vực dậy lòng can đảm để tìm ra các giải pháp sáng tạo khơi nguồn từ những nguyên tắc, giá trị và truyền thống tôn giáo của họ.

Việc xây dựng một cộng đồng Hồi giáo mạnh mẽ và thích ứng cần phải bắt đầu bằng sự lãnh đạo tư tưởng tôn giáo mạnh mẽ. Đây là một quá trình lâu dài đòi hỏi các chiến lược xây dựng năng lực.

Kinh nghiệm của người Hồi giáo Singapore sống trong một nhà nước thế tục là một trường hợp thuyết phục rằng, người Hồi giáo có thể tồn tại và phát triển trong bất kỳ môi trường nào. Trên thực tế, họ không tồn tại bên lề xã hội, như một số người muốn cho là vậy, mà là những người tham gia đầy đủ và tích cực trong xã hội và nhà nước.

Mohamed Bin Ali

Tiến sỹ Mohamed Bin Ali là Assistant Professor tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, và Phó Chủ tịch Nhóm Phục hồi Tôn giáo (Religious Rehabilitation Group, RRG).

Leave a comment