Thay đổi cách giáo viên sử dụng công nghệ

Nguồn: World Bank Blogs, ngày đăng: 02/6/2021

Tác giả: Tracy Wilichowski & Cristobal Cobo

Biên dịch: Uyên Thanh – Biên tập: Phan Trà Khúc

Trước đại dịch, nhiều người cho rằng công nghệ sẽ cách mạng hóa giáo dục. Điển hình, người ta thường tin rằng công nghệ sẽ thay đổi cách giảng dạy của giáo viên, nhưng thực tế cho thấy (và đã cho thấy) rằng không phải tất cả giáo viên đều nhiệt tình như nhau/ hào hứng trong việc sử dụng công nghệ và xem nó là một phần trong quá trình giảng dạy của mình. Trong khi một số giáo viên trở nên cởi mở hơn với việc kết hợp các giải pháp kỹ thuật số thì một số khác lại một mực từ chối sự tích hợp trong việc tích hợp công nghệ vào giảng dạy. Đại dịch COVID-19 đã cho thấy việc tích hợp công nghệ một cách kém hiệu quả đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc học của học sinh như thế nào – xu hướng này ngày càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh việc giảng dạy trực tiếp bị hạn chế vì các trường đóng cửa.

Nguồn ảnh: World Bank Blogs

Giới thiệu công nghệ cho giáo viên thường là bước đầu tiên và “dễ nhất”. Tuy nhiên, khi có công nghệ mới nhưng giáo viên không biết cách sử dụng chúng một cách hiệu quả thì họ tất nhiên sẽ nghi ngờ về tiềm năng của việc sử dụng công nghệ trong việc cải thiện việc giảng dạy của mình. Do đó, các nhà hoạch định chính sách có nhiệm vụ giúp giáo viên phát triển các kỹ năng (kỹ thuật) số cần thiết để sử dụng hiệu quả công nghệ (nhằm nâng cao vai trò của giáo viên), khuyến khích giáo viên áp dụng các kỹ năng này vào thực tế giảng dạy và đánh giá nghiêm túc xem các phương thức giảng dạy này thực sự có hiệu quả không – hiệu quả khi nào, ở đâu và như thế nào (và nếu không hiệu quả thì phải thay đổi). Tuy nhiên, những kỹ năng này không phải được phát triển một cách riêng lẻ (hoặc đơn giản vì các công nghệ sẵn có). Có nhiều nhân tố hỗ trợ có thể giúp giáo viên áp dụng công nghệ mới hiệu quả hơn, chứ không phải chỉ là thay thế sổ ghi chép/ vở bằng máy tính bảng. 

bốn cách mà các nhà hoạch định chính sách có thể chuyển đổi cách giáo viên sử dụng công nghệ:

1.   Làm chủ ý tưởng chứ không phải làm chủ bàn  phím (Master ideas, not keystrokes)

Hầu hết các nhà hoạch định chính sách hiểu rằng để giáo viên giảng dạy hiệu quả bằng công nghệ, giáo viên cần biết kết hợp  kỹ năng công nghệ và kỹ năng sư phạm. Mặc dù có rất nhiều các khóa đào tạo quy mô lớn giúp trau dồi các kỹ năng công nghệ và sư phạm cho giáo viên (ví dụ: xem UAE) nhưng chúng ta vẫn chưa thực sự thấy sự thay đổi lớn nào. Ví dụ, “chưa đến một nửa số giáo viên thường xuyên sử dụng CNTT khi giảng dạy” (theo nghiên cứu ICILS toàn cầu, được thực hiện trước đại dịch). Hơn nữa, dù các nhà hoạch định chính sách đã nỗ lực định hình và trau dồi các kỹ năng đã đề cập phía trên cho giáo viên, vẫn chưa có bất cứ sự chuyển đổi toàn cầu nào về cách mà giáo viên sử dụng công nghệ. Đại dịch đã chỉ ra một cách rõ ràng rằng điều quan trọng là phải thay đổi việc tiếp cận công nghệ đơn thuần như là một công cụ và hướng tới các chính sách tạo ra sự thay đổi sâu sắc hơn, giúp chuyển đổi việc học tập trong và ngoài lớp học .

2. Thay đổi tư duy:

Khảo sát sơ bộ cho thấy nhiều giáo viên không thích công nghệ. Niềm tin của họ đối với việc tích hợp công nghệ vào giảng dạy trong lớp học thường bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các khóa đào tạo phát triển chuyên môn mà họ tham gia. Do đó, để giáo viên chịu tiếp cận công nghệ và tham gia các khóa đào tạo cũng như chịu tích hợp công nghệ vào hoạt động giảng dạy thường xuyên, chúng ta cần phải thay đổi quan điểm của giáo viên về việc sử dụng công nghệ. Để làm được điều này không chỉ cần những sáng kiến hành động do cấp trên đưa xuống mà còn (quan trọng hơn) cần có các sáng kiến do giáo viên tự đề xuất lên trên, chẳng hạn như thành lập các cộng đồng thực hành.

3. Thiết kế các giải pháp lấy người dùng làm trung tâm:

Các nhà hoạch định chính sách cần hiểu rõ cách mà giáo viên sử dụng công nghệ. Điều quan trọng ở đây là phải thu thập thông tin về môi trường hoặc bối cảnh mà giáo viên sử dụng công nghệ một cách có hệ thống. Điều này không chỉ đơn giản là đo lường/ kiểm tra kỹ năng (kỹ thuật) số của giáo viên, mà còn phải hiểu rõ các vấn đề cấu trúc và mối quan tâm khác mà giáo viên phải đối mặt. Dựa trên những yếu tố đầu vào này, các nhà hoạch định chính sách cần phân tích xem những vấn đề nào có thể được giải quyết bằng các công cụ chính sách công và liệu công nghệ có nên được đưa vào như một phần của giải pháp hay không. Các nhà hoạch định chính sách nên để giáo viên cùng tham gia vào quá trình này và sử dụng thông tin này một cách liên tục đến cách thức tiếp cận của họ.

4. Dữ liệu tốt hơn để đưa ra quyết định tốt hơn:

Trong bối cảnh khó khăn khi tích hợp công nghệ vào giáo dục, các nhà hoạch định chính sách nên thường xuyên kiểm tra và đánh giá hiệu quả của các biện pháp can thiệp. Để hiểu cách giáo viên sử dụng công nghệ và nhận thức của họ về chúng, các nhà hoạch định chính sách nên thường xuyên theo dõi cách thức sử dụng công nghệ và những lỗ hổng nào cần được giải quyết. Ngoài ra, hiểu biết về kỹ thuật và kinh nghiệm của giáo viên có (và không có) công nghệ sẽ cung cấp thông tin cần thiết để biết cách thức triển khai hiệu quả chúng là gì. Có rất nhiều bài đánh giá có thể giúp đạt được điều này, bao gồm Công cụ cố vấn công nghệ – tự đánh giá phương pháp sư phạm nâng cao ( Mentoring Technology-Enhanced Pedagogy Self-Assessment tool), Mydigiskills, Bánh xe Năng lực Kỹ thuật số ( Digital Competence Wheel), thử nghiệm Pix (Tests Pix). Hai ví dụ về đánh giá hệ thống giải quyết toàn bộ hệ sinh thái trường học là: SELFIE (ở EU) hoặc Guia Edutec (ở Brazil).

Đại dịch đã thay đổi cách giáo viên hướng dẫn và kết nối với học sinh của mình. Có thể làm nhiều hơn nữa để giúp giáo viên dần tích hợp công nghệ vào giảng dạy một cách có hệ thống. Đây là dịp đặc biệt để suy nghĩ lại về vai trò của giáo viên – không chỉ công nghệ có thể giúp gì cho giáo viên hoặc kỹ năng hiện tại của họ, mà còn là trải nghiệm tương tác với công nghệ đã nâng cao động lực của giáo viên và học sinh của họ như thế nào. Công nghệ chỉ đơn giản là một công cụ nhưng nếu không có sự tích hợp phù hợp thì sẽ không đem lại hiệu quả trong học tập. 

Leave a comment