Tích hợp giảng dạy STEM và ngành nhân văn

Nguồn: Inside Higher Ed  đăng ngày: 30/03/2022.

Biên dịch: Liễn Đỗ –  Biên tập:  Phan Trà Khúc

Các ngành khoa học nhân văn đang nở rộ tại các trường thiên về khoa học và công nghệ.

Không một tuần nào mà chúng ta không đọc bài báo nói về khủng hoảng của các ngành khoa học nhân văn ở giáo dục đại học. Trong một bài gần đây, Mark Bauerlein  cho rằng nguyên nhân học sinh ít hứng thú vào các ngành khoa học nhân văn là vì chương trình đã giảm tải các tác phẩm kinh điển và những chuyện kể bất hủ. Để lật ngược xu hướng ghi danh vào các ngành nhân văn, Bauerlein đã hối thúc giảng viên phải cải cách bằng việc quay trở lại dạy những kiệt tác từ xa xưa. Ông kêu gọi giảng viên trong ngành ‘’Nếu bạn không biết câu chuyện của Dido và Aeneas, tám phút cuối cùng của Götterdämmerung, những gì đã xảy ra tại Dunkirk, Tu Chính Án Đầu Tiên, Malcolm Little đã thay đổi như thế nào trong tù … thì bạn là một người thiếu thốn”. Ông dự đoán nếu các giảng viên không thay đổi các chương trình ngành nhân văn thì vị thế ngành này vẫn sẽ như hiện tại: chỉ là một mảng nhỏ giữa sự đột phá của ngành kinh doanh, khoa học, và vô số các ngành khác. 

Nhiều người phản hồi khía cạnh văn hóa và xã hội trong bài viết của Bauerlein . Còn tôi, với tư cách là người đang dạy tại trường mà Bauerlein cho rằng ngành nhân văn chỉ là một mảng nhỏ giữa sự đột phá của ngành kinh doanh, khoa học, và vô số các ngành khác, tôi khẳng định rằng thực tế khác xa với viễn cảnh mà Bauerlein đưa ra. Trên thực tế, ngành nhân văn đã và đang phát triển mạnh mẽ ở các trường công nghệ và khoa học. Dưới đây là những lí do vì sao tôi lại phát biểu như vậy.

Hồ sơ tuyển sinh tăng mạnh

So với thập kỷ trước, số lượng học sinh chuyên ngành Tiếng Anh, Lịch sử, ngôn ngữ, tâm lý học đã giảm xuống đáng kể khoảng ¼. Trước tình trạng suy giảm này, tôi đã quan sát thấy một xu hướng khác trong các sinh viên tại trường mình. Vào học kỳ mùa thu năm 2021, tôi dạy lớp nhập môn cho một chuyên ngành kết hợp giữa văn học, truyền thông và giao tiếp. Hai phần ba trong số 35 sinh viên cho biết họ chọn học  ngành nhân văn tại các trường đại học công nghệ vì họ cảm thấy sẽ có lợi cho họ khi chủ động tích hợp ngành nhân văn với các ngành STEM. Họ nhận thấy tách biệt các môn “não trái” và “não phải” sẽ là một trở ngại, cản trở họ giải quyết những vấn đề nghiêm trọng  mà con người đang gặp phải. Hầu hết trong số họ muốn kết nối các dự án cùng với  sinh viên STEM, tận dụng những trải nghiệm giáo dục kết hợp ý tưởng với khoa học và công nghệ, và xem  thơ ca là ngôn ngữ kỹ thuật thay vì tách biệt ‘’hoặc là công nghệ, hoặc là thơ ca” như trước giờ người ta vẫn hay phân loại. 

Việc liên ngành không quá mới mẻ với học sinh. Tại hội nghị Góc nhìn Nhân Văn tại Các Trường Đại Học Thiên Về Công Nghệ do trường đại học Công Nghệ Georgia Tech tổ chức vào năm 2019, các giáo viên trên khắp nước Mỹ đều chia sẻ rằng sự quan tâm và việc đăng ký nhập học vào các liên ngành nhân văn đang phát triển mạnh hay ít nhất thì cũng đang phát triển ổn định.

Nguồn: Internet
Môi trường cộng tác

Các học giả ngành nhân văn thường than thở về tính chất đơn lẻ trong phần lớn công việc của họ, không chỉ kể từ khi dịch bệnh xuất hiện. Sách chuyên khảo về học thuật, thường được tác giả viết một mình, vẫn được xem là tiêu chuẩn vàng để đánh giá sự thành công trong sự nghiệp cũng như là tiền đề để được tuyển vào biến chế . Mặc dù đây cũng là thực tế tại trường đại học công nghệ, nhưng những nghiên cứu hợp tác và trao đổi giữa các học giả với nhau vẫn diễn ra thường xuyên, và các công trình đồng tác giả được khuyến khích và tích cực khen thưởng. Một số quỹ hỗ trợ nghiên cứu tại trường tôi còn yêu cầu các nhà nghiên cứu phải hợp tác không chỉ với đồng nghiệp cùng khoa mà còn với đồng nghiệp từ các khoa khác trong trường. Nhờ đó trường tôi đã tạo ra một hệ sinh thái làm việc nhóm và tư duy đa ngành. Tương tự, các công trình khoa học ngành nhân văn trước đây chỉ thiên về tư tưởng thì nay được đan xen, thêm tính cấp thiết và khả năng áp dụng thực tiễn, để mang lại sản phẩm nghiên cứu hiệu suất cao, đa dạng và thú vị. Đồng thời, sự hiện diện của các nhà nghiên cứu khoa học  hệ sau tiến sỹ làm cho ranh giới giữa người học và người dạy trở nên phức tạp hơn. Các công trình nghiên cứu do sinh viên phụ trách,  thực tập và công trình khoa học có sinh viên đại học, sinh viên sau đại học, sau tiến sĩ, giảng viên, nhà khoa học, giáo sư cùng hợp tác cũng xóa nhòa ranh giới và sự khác biệt trong vai vế ; thay vào đó tất cả mọi người cùng nhau đi sâu để tìm các giải quyết các vấn đề khó.

Ở trường đại học công nghệ, thất bại được xem như một phần tất yếu của nghiên cứu khoa học. Trong lĩnh vực nhân văn, nếu ý tưởng của bạn bị đồng nghiệp cho là sai, nó có thể đồng nghĩa với việc kết thúc sự nghiệp của bạn. Tuy nhiên, điều này ngược lại ở lĩnh vực khoa học. Thất bại được xem như một giả thuyết cần để quan sát và đo lường nhiều hơn sau đó có thể đưa ra những thử nghiệm mới.  Kết quả của việc hợp tác và thử nghiệm thường mở ra những cái nhìn mới cho các học giả khoa học nhân văn. Điều này sẽ không xảy ra nếu họ cứ làm việc mãi trong các trường nhân văn theo kiểu truyền thống. 

Kinh phí bên ngoài

Các cơ quan tài trợ tư nhân và nhà nước ngày càng nhận ra những lợi thế của việc đưa ngành nhân văn kết hợp với ngành khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, những gì các cơ quan này chú ý đến ngày nay không phải là việc thuê một nhà nhân văn kỹ thuật số đơn độc mà là sự kết hợp thực sự của cả hai bên. Ví dụ, tại Georgia Tech, chúng tôi có các nhà văn  làm đồng hướng dẫn viên trong khóa đào tạo kéo dài cả năm dành cho sinh viên chuyên ngành máy tính; chuyên ngành truyền thông máy tính và có  hội đồng chương trình giảng dạy bao gồm các đồng nghiệp khoa học máy tính, nghệ thuật và nhân văn. Trung tâm giáo dục Nghệ thuật Tự do tích hợp Kỹ thuật số của chúng tôi nhận được tài trợ từ Quỹ Andrew W. Mellon, không phải để mang lại các kỹ năng kỹ thuật đến cho sinh viên và giảng viên , mà để giúp họ kết hợp môn học nhân văn với khoa học, kỹ thuật và các chương trình khác. Chúng tôi có Nhiều chương trình liên kết  giữa Trường Văn học, Truyền thông và Giao Tiếp với thiết kế công nghiệp, máy tính tương tác, thư viện, ngôn ngữ hiện đại, âm nhạc và tâm lý học. Sự  hợp tác về mặt tổng thể này đã mở ra nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn tài trợ (National Science Foundation, National Viện Y tế, Quỹ Gates) mà các học giả khoa học nhân văn khó có thể tiếp cận. Do đó, họ có thể hợp tác với tư cách là đồng nghiên cứu chính hoặc cố vấn để nhấn mạnh quan điểm rằng lấy con người làm trung tâm cho các dự án trị giá hàng triệu đô la là hết sức cần thiết. 

Mô hình hợp tác mới 

Tôi chắc chắn rằng các mô hình tích hợp tôi đề cập trên chưa làm Mark Bauerlein hài lòng. Ông ấy chưa bao giờ nêu rõ chính xác cần có bao nhiêu khoa chuyên ngành nhân văn là lý tưởng. Từ “ góc nhìn về giáo dục nhân văn hạn hẹp” của tôi tại một trường đại học công nghệ, tôi đề xuất một mô hình mà ở đó bộ môn STEM không phải là mối đe dọa cho các ngành khác.  Tôi có thể hình dung một mối quan hệ hợp tác phát triển mạnh mẽ mang những Quan điểm Nhân văn vào các đơn vị STEM. Tất nhiên, để xây dựng được mối quan hệ này, các bộ môn STEM cần phải chủ động chào đón các phương pháp và thực hành khoa học nhân văn.

“Branches From the Same Tree” – báo cáo năm 2018 của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia đã thiết lập các chương trình giáo dục tích hợp nhân văn và nghệ thuật với khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và y học. Chương trình tích hợp này mang lại kết quả học tập tốt. Một số kết quả là tăng cường kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện và làm việc nhóm; cải thiện lý luận không gian trực quan; làm chủ nội dung; động lực và hứng thú học tập. Ngoài ra, còn có các kết quả tích cực khác như tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình học cũng được cải thiện, điểm trung bình tốt hơn và tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn. Hơn nữa, thực tế cho thấy rằng “hội nhập ảnh hưởng tích cực đến việc tuyển dụng, trao cơ hội việc làm phụ nữ và các nhóm thiểu số trong khoa học và kỹ thuật”.

Dựa trên những kết quả tích cực này, Học viện Quốc Gia đã đề xuất mở rộng việc tích hợp liên ngành trong tương lai ở cấp độ các khóa học, chứng chỉ và toàn bộ chương trình cấp bằng . Đây là một bước phát triển đột phá, như Laurie Grobman và E. Michele Ramsey đã ghi nhận trong sách hướng dẫn: Quyết định quan trọng: Đại học, Trường nghề và thiên hướng chọn ngành Nhân văn (Nhà xuất bản Đại học Pennsylvania, 2020). Các trường học và trường đại học sẵn sàng phát triển các mô hình tích hợp liên ngành này (bao gồm cả giáo dục chuyên nghiệp) sẽ có chỗ đứng đặc biệt trong giáo dục đại học trên toàn quốc và toàn cầu và giúp chuẩn bị cho sinh viên trước những nhu cầu thay đổi liên tục của lực lượng lao động thế kỷ 21 .

Tại sao lại kết hợp chặt chẽ và có mục đích giữa các ngành khoa học nhân văn và STEM lại cần thiết như vậy? Trong một thế giới công nghệ ngày càng phát triển, các mô hình lấy con người làm trung tâm và sự sáng tạo không nên tách biệt dựa trên các ranh giới được phát triển để đáp ứng nền kinh tế tri thức của cuối thế kỷ 19 và yêu cầu giáo dục phổ thông được phát triển sau hai cuộc chiến tranh thế giới. Thay vào đó, các mô hình này nên được tích hợp và định hình công nghệ giáo dục mới, hợp tác với các bộ môn STEM, đồng thời khẳng định sự phù hợp và giá trị của các mô hình này như một phần của trải nghiệm giáo dục toàn diện mới.

Leave a comment