Hỗ trợ sinh viên khuyết tật vào đại học

Nguồn: Edutopia – Đăng ngày 19/03/2021

Tác giả: Matthew Vogel

Biên dịch: Roãn Hồng Anh Thư – Biên tập: Phan Trà Khúc

Để quá trình chuyển tiếp từ phổ thông lên đại học diễn ra suôn sẻ, các sinh viên khuyết tật cần hiểu luật và tiếp tục phát triển kỹ năng tự vận động cho bản thân.

Nguồn: SeventyFour Images / Alamy

Nhờ vào việc thiết kế không gian thân thiện đối với học sinh khuyết tật, nhiều cơ hội học tập sau trung học phổ thông cho nhóm học sinh này đã tăng lên. Kèm theo đó là việc gia tăng chỉ tiêu tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục đại học cũng như việc nhận thấy những khó khăn trong việc học tập của các học sinh khuyết tật đã dẫn đến sự phát triển của các dịch vụ hỗ trợ kèm theo cho nhóm học sinh này. 

Bất chấp những chuyển biến tích cực này, các bạn học sinh khuyết tật vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khi chuyển từ môi trường trung học phổ thông sang bậc đại học hay cao đẳng, bằng chứng là tỷ lệ tốt nghiệp của nhóm học sinh này vẫn đang bị bỏ lại phía sau.

Hai điều then chốt dẫn đến sự thành công sau trung học của các học sinh khuyết tật đó là sự hiểu biết về pháp luật hiểu cách tự vận động bản thân dựa trên các quy định của các điều luật. Cả hai đều là những kỹ năng mà học sinh có thể bắt đầu phát triển ở trường trung học với những người hỗ trợ là các giáo viên của họ. 

Sự hiểu biết về pháp luật

Sau khi các học sinh tốt nghiệp trung học, những quy định bảo trợ pháp lý của họ sẽ khác so với trước đó. Ở các trường trung học, với Đạo luật Hỗ trợ Giáo dục người Khuyết tật (viết tắt là IDEA) được áp dụng nhằm hỗ trợ quá trình học của các học sinh này thông qua nhiều hỗ trợ cũng như dịch vụ. Đạo luật này là một sự ràng buộc về trách nhiệm pháp lý đối với nhà trường khi phải chủ động xác định nhu cầu của học sinh và cung cấp dịch vụ hỗ trợ kịp thời. 

Sau khi những học sinh này bước sau tuổi 18, căn cứ theo Mục 504 của Đạo luật dành cho Người Khuyết tật năm 1973 (Rehabilitation Act of 1973) – Đạo luật tập trung vào việc cung cấp khả năng tiếp cận công bằng đối với các chương trình giáo dục, trở thành “kim chỉ nam” pháp lý cho những hỗ trợ và dịch vụ liên quan. Theo Mục 504, các trường cao đẳng và đại học không chịu trách nhiệm trong việc tìm hiểu, xác định những khó khăn của sinh viên khuyết tật và cung cấp dịch vụ tương ứng để hỗ trợ hiệu quả. Thay vì đó, các sinh viên này phải có trách nhiệm tự liên hệ nhà trường để trình bày tình trạng khuyết tật của mình, cung cấp các giấy tờ trong đó ghi rõ nhu cầu cần được hỗ trợ từ bác sĩ, nhận được hỗ trợ thích hợp và tự giám sát sự hiệu quả của những sự hỗ trợ đó.

Hơn nữa, khi sinh viên tròn 18 tuổi, Đạo luật về Quyền riêng tư và Quyền Giáo dục Gia đình (viết tắt là FERPA) bổ sung thêm một trách nhiệm khác cho họ. FERPA là luật liên bang nhằm bảo vệ quyền riêng tư về hồ sơ giáo dục của học sinh. Ở cấp sau trung học, trừ khi được học sinh cho phép, cha mẹ học sinh không được liên lạc với các giáo sư để kiểm tra sự tiến bộ của con mình  theo cách họ có thể làm trong suốt quá trình giáo dục trẻ đến hết lớp 12.

Đối với sinh viên khuyết tật trưởng thành, có sự hiểu biết về những thay đổi pháp lý của họ khi bước sang tuổi 18 là một điều rất quan trọng và cần thiết, đặc biệt là đối với trách nhiệm mới của họ là tự tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ từ các văn phòng đại học dành cho sinh viên khuyết tật, thông báo nhu cầu học tập đặc biệt của họ với các giáo sư và tự đánh giá hiệu quả của hỗ trợ học tập dành cho họ.

Tầm quan trọng của việc tự vận động (self-advocacy)

Như đã lưu ý bên trên, trong môi trường giáo dục sau trung học, học sinh phải tự tiết lộ tình trạng của mình và tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ; họ có nhiệm vụ phải thông báo cho từng giáo sư về nhu cầu của họ đối với việc tham gia lớp học. Một lần nữa, đây là một sự thay đổi cơ bản so với trải nghiệm họ đã quen thuộc tại các trường trung học khi mà nhà trường phải chịu trách nhiệm xác định nhu cầu của học sinh khuyết tật cũng như cung cấp và giám sát các dịch vụ hỗ trợ sao cho phù hợp nhất. 

Mặc dù việc tự vận động cho bản thân là một kỹ năng mà học sinh có thể học được tại trung học, tuy nhiên, bước chuyển sang môi trường sau trung học này cũng đồng nghĩa với việc các bạn học sinh bắt buộc phải phát triển kỹ năng này.  

Nghiên cứu cho thấy rằng các kỹ năng tự vận động của học sinh khuyết tật có liên hệ tích cực đối với tỷ lệ tiếp tục đi học cũng như kết quả đầu ra ở nhóm sinh viên này. Một chìa khóa để họ có thể tự vận động là họ phải hiểu các đặc điểm cụ thể đối với khuyết tật của mình, biết những đặc điểm này ảnh hưởng như thế nào đến cách họ học cũng như chấp nhận nhu cầu của họ đối với các dịch vụ hỗ trợ và có khả năng truyền đạt những thông tin này cho các giáo sư của mình. Ví dụ, một học sinh được xác định mắc chứng khó đọc thì họ cần hiểu và chia sẻ về tình trạng khuyết tật của họ ảnh hưởng như thế nào đến khả năng đọc trôi chảy cũng như khả năng hiểu của họ, kèm theo đó là những lợi ích đến từ việc họ được cho phép kéo dài thời gian làm bài kiểm tra hay việc tham gia một kỳ thi trong một môi trường ít ảnh hưởng đến sự  tập trung của họ như tại một trung tâm khảo thí thuộc khuôn viên nhà trường.

Ngoài ra, trong môi trường sau trung học, sinh viên có trách nhiệm đánh giá hiệu quả của các dịch vụ hỗ trợ được cung cấp cũng như trao đổi với cố vấn hoặc giáo sư của mình về những điểm yếu của các dịch vụ hỗ trợ và đồng thời phát triển một kế hoạch mới để đạt được hiệu quả cao hơn so với các giải pháp không thực sự hoạt động tốt trên thực tế. 

Làm thế nào để chuẩn bị cho học sinh kỹ năng tự vận động

Giáo viên trung học là một đầu mối rất quan trọng trong việc giúp học sinh tìm hiểu về tình trạng khuyết tật của mình cũng như cách truyền đạt hiệu quả nhu cầu học tập của họ. Thêm vào đó, các giáo viên cũng nên khuyến khích học sinh tham gia vào quá trình lập kế hoạch giáo dục cá nhân (IEP) của họ, điều này sẽ tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội tìm hiểu về tình trạng khuyết tật của mình và nhu cầu họ cần được hỗ trợ.

Hơn thế nữa, khi học sinh khuyết tật tròn 14 tuổi, nhóm IEP phải viết một kế hoạch giúp chuẩn bị cho học sinh này chuyển tiếp thành công sang môi trường sau trung học. Khi học sinh tham gia đầy đủ vào quá trình lập kế hoạch này, họ hoàn toàn có thể chịu trách nhiệm chuẩn bị cho tương lai của mình. Một cách thực hành hiệu quả trong giai đoạn chuẩn bị này là cho học sinh học cách viết email để tiết lộ tình trạng khuyết tật của mình và giải thích về các hỗ trợ mà họ cần; lý tưởng nhất là họ có thể thành thạo kỹ năng đó khi còn học trung học.

Ngay cả học tại trường trung học, việc để sinh viên soạn thảo email mà sau này họ có thể sẽ phải gửi cho giáo sư của mình trước khi bắt đầu mỗi học kỳ đại học là một điều hết sức hữu ích. Trong email, họ có thể giới thiệu về bản thân ở mức độ cá nhân, giải thích tình trạng khuyết tật của họ ảnh hưởng như thế nào đến cách họ học, cũng như những điều kiện hỗ trợ nào mà trường đại học có thể cung cấp và quan trọng nhất là những điều kiện đó sẽ giúp sinh viên vượt qua thử thách như thế nào. Việc soạn thảo những email này sẽ giúp họ dễ dàng hơn trong việc tạo dựng mối liên kết hỗ trợ đối với các giáo sư của mình. Sinh viên thậm chí có thể viết một email mà họ có thể sử dụng nhiều lần trong suốt quá trình học tập sau trung học của họ.

Leave a comment