Lý do đằng sau sự đàn áp của chính phủ Trung Quốc đối với lĩnh vực giáo dục công nghệ

Tác giả Lizzi C. Lee, đăng ngày 05/08/2021

Biên dịch: Giao Bùi – Biên tập : Phan Trà Khúc

Nhà cầm quyền Trung Quốc đã khiến giới đầu tư thấp thỏm không yên suốt từ đầu năm đến nay. Các công ty tài chính công nghệ nằm trong số những đối tượng đầu tiên bị nhắm đến. Kế đó là các ứng dụng gọi xe và giao đồ ăn. Và hiện tại, đến lượt những gã khổng lồ trong lĩnh vực giáo dục công nghệ. 

Nguồn ảnh: Internet

Để hiểu được các diễn biến này, một yếu tố quan trọng là phải đi sâu vào mối quan hệ yêu-ghét giữa các bậc cha mẹ người Trung và ngành công nghiệp dạy thêm ở quốc gia này. Zak Dychtwald, nhà sáng lập của công ty tư vấn Hội thanh niên Trung Quốc, cho biết. “Các phụ huynh phải chịu một áp lực khổng lồ trong việc phải tạo cho con một khởi đầu thuận lợi và giúp chúng lọt được vào ngôi trường tốt nhất có thể.” Điều này vốn bắt nguồn từ ý tưởng “công cuộc vì tương lai con em” – tức dốc toàn tâm toàn lực nhằm tạo ra lợi thế đầu đời, điều sẽ quyết định khả năng cạnh tranh của đứa trẻ trong quãng thời gian về sau, từ lúc cấp 2, cấp 3, đại học, việc làm, cho đến khi kết hôn, mua nhà,…cho đến khi chúng có con, và một chu kỳ mới lại bắt đầu. 

Những công ty nhạy bén đã chộp lấy cơ hội, tuôn ra những lời hứa hẹn ngon ngọt về việc sự gia tăng điểm số một cách thần kỳ. Những tay tiếp thị đánh vào tâm lý bằng những đòn thuyết phục nhắm đến cảm xúc, khiến phụ huynh cảm thấy tội lỗi vì không mang đến cho con cái những cơ hội tốt nhất có thể. Những kẻ lừa đảo thì dụ dỗ các gia đình có thu nhập thấp bằng những buổi học thử miễn phí và các chiết khấu giảm sâu học phí, rồi ràng buộc họ bằng những hợp đồng kéo dài nhiều năm đắt đỏ.  Trên các trang mạng xã hội Trung Quốc, nơi các lời phàn nàn về tình hình xã hội vốn bị kiểm soát chặt chẽ, những biểu hiện của sự không hài lòng bắt đầu nổi lên. Điều này được phản ánh qua các cụm từ “hot” và thời thượng, theo kết quả mà Dự án truyền thông Trung Quốc chỉ ra trong quá trình theo dõi sự xuất hiện của các thuật ngữ mới. Cụm từ “996” dùng để miêu tả văn hóa làm việc từ 9h sáng đến 9h tối sáu ngày một tuần. “Gà con” (Kê Oa – 鸡娃) được dùng như một sự giễu nhại tinh tế với “mẹ hổ” – tức những ông bố bà mẹ thúc ép con cái phải tài giỏi bằng mọi giá. Sự xuất hiện của thuật ngữ “những niềm vui nhỏ” (Tiểu Xác Hành – 小确幸) và lối sống “như Phật” (Phật Hệ -佛系) phản ánh sự lựa chọn một cách ý thức về cách tiếp cận cuộc sống thư giãn và đơn giản hơn, giữa bối cảnh mà rất nhiều người cảm thấy tuyệt vọng vì một xã hội “phi tiến hóa” (Nội Quyển -内卷). Thuật ngữ này dùng để nói về một cuộc đời ganh đua và bon chen, trong đó “con người không phát triển hoặc đi lên, mà chỉ như một chú chó cắm đầu đuổi theo cái đuôi của mình, một vòng lặp chẳng có gì khác ngoài mệt mỏi chồng chất”. Và sau đó là văn hóa “thảng bình” (躺平), tức “nằm thẳng”. 

Vào tháng Tư năm 2021, trên Baidu xuất hiện một bài đăng ngắn có tiêu đề “Nằm thẳng là chân lý”, đề cập đến việc “Những áp lực cuộc sống hiện nay chủ yếu đều là kết quả của những tư tưởng được kiến tạo bởi thế hệ cũ”. Bài đăng đã khiến nhiều người đồng cảm đến độ trở tạo lên một làn sóng hưởng ứng nhiệt liệt chỉ sau một đêm. Giáo sư Zhang Taisu của Trường Luật Yale cho biết: “Sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, cùng với nhận thức rằng bản thân buộc phải tham gia cuộc tranh đua để vượt lên dẫn đầu, là nguyên nhân gây lo lắng lớn nhất trong xã hội Trung Quốc”. Những người trong giới hoạch định chính sách và giới trí thức đều hiểu rõ điều này. Và từ góc độ đó, cuộc đàn áp này dường như là một hành động điều chỉnh rất tự nhiên, và đáng ra đã phải được thực hiện từ lâu.” 

Đối với Xiaobo Lü, phó giáo sư tại Bộ Chính phủ, trường Đại học Texas ở Austin, các quy định mới nhằm mục đích nhất cử lưỡng tiện. “Chính phủ trung ương Trung Quốc ngày càng cảnh giác về vai trò của vốn tư nhân trong lĩnh vực giáo dục tư, hay rộng hơn là lĩnh vực công nghệ”. Tuy nhiên, một điều thường thấy hầu như mỗi khi có các thay đổi chính sách, sẽ có người thắng và người thua. Toàn bộ ngành dạy thêm và luyện thi đã bị giáng một đòn chí mạng. Các báo cáo về việc sa thải quy mô lớn trong lĩnh vực này đã xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc. Các đơn vị quy mô vừa và nhỏ phải đối mặt với vấn đề sinh tử, được dự đoán là sẽ phá sản trong vòng một năm nếu chính sách hiện hành vẫn tiếp diễn. Các đề xuất để tái định hướng các mô hình kinh doanh hiện tại, bao gồm cả đầu tư vào các chương trình học ngoại khóa nằm ngoài các quy định mới đã được lưu hành. Những đề xuất này nghe rất hấp dẫn, nhưng khó mà đạt được trong thực tế. 

“Tôi nghĩ mọi việc sẽ rất khó khăn cho các công ty này. Chả khác nào hãng Ford không thể tiếp tục sản xuất mẫu (xe tải) F-150 – sản phẩm cạnh tranh chủ đạo và đóng góp tới 80% doanh thu của họ,” Dychtwald nói. Nhưng không phải tất cả các đơn vị kinh doanh đều lâm vào tình trạng đó, Dychtwald chia sẻ thêm. “Nếu có lực lượng doanh nhân nào trên thế giới giỏi thích nghi, đón nhận và phát triển với một tốc độ đáng kinh ngạc, thì đó chính là Trung Quốc. Nói theo một cách nào đó, các doanh nhân người Trung chính là sản phẩm của môi trường kinh doanh ở đất nước này – nơi các quy định chỉ hôm trước hôm sau đã thay đổi. Giáo sư Xã hội học Yingyi Ma của Đại học Syracuse cho biết: “Gốc rễ của vấn đề là sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng trong xã hội, và những người có đặc quyền và giàu có sẽ nghĩ ra những cách thức khác để tối đa hóa lợi thế giáo dục của con cái, chẳng hạn như thuê gia sư dạy kèm tại nhà”. 

Một loạt các bài báo chuyên sâu về lĩnh vực ngân hàng cho thấy các nhà chiến lược cổ phiếu Phố Wall đang dần nhìn rõ hơn bức tranh toàn cảnh. Thay vì theo dõi những diễn biến và dịch chuyển của nền kinh tế và các dự báo lợi nhuận, các nhà đầu tư sẽ có danh mục đầu tư tốt hơn bằng cách bán cổ phiếu của các doanh nghiệp được coi là làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, chẳng hạn như ở lĩnh vực giáo dục và nhà ở, đồng thời mua cổ phiếu của những doanh nghiệp có mô hình phù hợp với các chính sách có mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh. Trong một bài phát biểu tại Trường Đảng Trung ương của Đảng Cộng sản vào tháng 1, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi chính phủ chủ động kéo hẹp sự chênh lệch thu nhập ngày càng gia tăng để nâng cao ý thức của người dân về lý tưởng “trao quyền, hạnh phúc và an ninh”. Khi nhắc lại tầm quan trọng của “sự thịnh vượng chung”, ông Tập cảnh báo rằng đây “không chỉ là một vấn đề kinh tế mà còn là một vấn đề chính trị lớn”. 

Những lời lẽ này thoạt nghe có vẻ đúng là những khẩu ngữ đặc sệt tính Cộng sản, cho đến khi người ta nhận ra Trung Quốc đã gia nhập câu lạc bộ các nước tư bản có sự phân bổ của cải không đồng đều nhất. Theo một bài báo mới của Thomas Piketty, Li Yang và Gabriel Zucman, tỷ lệ thu nhập quốc dân do 10% dân số Trung Quốc kiếm được đã tăng từ 27% năm 1978 lên 41% vào năm 2015, trong khi tỷ lệ thu nhập của một nửa dân số ở phía dưới đã giảm từ 27% xuống còn 15%. Yuen Yuen Ang, phó giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Michigan ở Ann Arbor, lập luận rằng cuộc đàn áp phản ánh mong muốn lớn hơn của ông Tập nhằm đưa Trung Quốc thoát khỏi Thời đại Mạ vàng, cũng như phương pháp ưa thích của ông để đạt được điều đó thông qua những mệnh lệnh. 

“Ông Tập thực sự muốn có một xã hội bình đẳng hơn, ít tham nhũng hơn. Và ông dự định làm như vậy thông qua các mệnh lệnh. Xảy ra nghèo đói? Ra lệnh xóa đói giảm nghèo. Xảy ra tham nhũng? Ra lệnh xóa bỏ tham nhũng. Xảy ra tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục? Ra lệnh xóa bỏ sự bất bình đẳng,” Ang viết. Dù nhận thức được rằng những mệnh lệnh này có thể rất phổ biến trong các tầng lớp thấp, Ang cảnh báo rằng không một nhà lãnh đạo nào có thể “ra lệnh để giải quyết các vấn đề xã hội không nhìn thấy được”. Hơn nữa, khi một chính phủ chỉ phất tay cũng có thể khiến toàn bộ ngành công nghiệp gặp cú sốc, các nhà đầu tư có lý do chính đáng để lo lắng. Một loạt các cuộc đàn áp bằng quy định đã quét sạch khoảng 400 tỷ USD giá trị của các công ty Trung Quốc được niêm yết tại Hoa Kỳ, gây ra một cuộc tháo chạy điên cuồng để rút vốn vào tuần trước.

“[Các nhà chức trách] đã dành phần lớn mùa hè để chĩa mũi dùi vào các công ty tư nhân, có cảm giác như họ muốn một phát ăn ngay mọi việc ngay lập tức,” giáo sư Zhang nhận xét. “Nếu bạn có một bộ máy hành chính có cơ chế hoạt động theo cách như vậy, đó có thể là một động lực để tận dụng”. Dexter Tiff Roberts, thành viên cấp cao tại Sáng kiến An ninh Châu Á của Hội đồng Đại Tây Dương, viết trong một báo cáo: “Trong khi tầm quan trọng của giới tư nhân đối với nền kinh tế Trung Quốc không hề giảm đi, vị thế của giới này trong mắt các nhà chức trách đứng đầu của Trung Quốc đã suy giảm rõ rệt trong những năm gần đây, và những nỗ lực trước đó nhằm tạo ra một sân chơi công bằng hơn đã bị đình trệ.” Barry Naughton, giáo sư tại Đại học California, San Diego và là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về kinh tế Trung Quốc, cảnh báo rằng các động thái triệt hạ bằng quy định gần đây là một phần của sáng kiến tuyệt vời nhằm tăng cường khả năng kiểm soát của chính phủ. 

“Đặc điểm chung của tất cả những động thái mạnh mẽ này mà chính phủ Trung Quốc đã thực hiện trong vài tháng qua là gì? Tôi nghĩ câu trả lời là Bắc Kinh đã quyết định rằng họ có khả năng và mong muốn điều hành nền kinh tế tích cực hơn so với trước đây,” Naughton nói. Bản thân Tập Cận Bình cũng tỏ ra kiên định về mong muốn kiềm chế sự mở rộng không kiểm soát của ngành giáo dục. Giáo dục trực tuyến đã bị “chiếm đoạt bởi tư bản”, Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận tối cao của ĐCSTQ, kết luận. Nếu quan sát đủ kỹ, người ta sẽ thấy một loạt các quy định nghiêm ngặt mới chống lại ngành dạy thêm học thêm đang bùng nổ của Trung Quốc từ lâu đã nằm trong hướng đi của chính phủ. Tuy vậy, với nhiều người, những động thái đột ngột gần đây nhất của Bắc Kinh giống như những cơn thịnh nộ khó lường.

“Phong cách hoạch định chính sách dễ thay đổi của Trung Quốc… thường dẫn đến một cơ chế kiểm soát chính sách dao động: việc thực thi có thể rất lỏng lẻo hoặc cực kỳ khắc nghiệt”, Angela Zhang, giám đốc Trung tâm Luật Trung Quốc tại Đại học Hồng Kông, cho biết trong một bài báo mới. Naughton nói: “Đó là một sự tái định hướng đáng chú ý trong thái độ của chính phủ Trung Quốc và tôi không nghĩ rằng các nhà đầu tư đang phản ứng thái quá”. Khi thị trường chứng khoán của Trung Quốc sụp đổ vào năm 2015, các nhà chức trách đã cố gắng tìm cách ngăn chặn thiệt hại. “Lần này chính phủ Trung Quốc đang hành động như thể họ không quan tâm đến việc thị trường chứng khoán có sụp đổ hay không,” Naughton nói.

Leave a comment