Câu chuyện về Giáo dục Khai phóng trong thời kỳ khủng hoảng

Nguồn: THE NEW REPUBLIC, đăng ngày 27/05/2020

Biên dịch: Nguyễn Kim Ngân – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

Nguồn: newrepublic.com

Các trường đại học tư thục quy mô nhỏ đang đào tạo sinh viên của họ làm thế nào để không chỉ có sự nghiệp mà còn có thể trở thành một công dân toàn cầu.

Từ trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, các chuyên gia đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về giáo dục đại học — và bây giờ họ đang tuyên bố rằng đại dịch đã giáng xuống một đòn chốt hạ. Nhiều người thậm chí có thể đã lên kế hoạch cho một buổi tưởng niệm, khi tình hình dịch bệnh trở nên an toàn hơn và cho phép tụ tập các nhóm đông người.

Tôi sẽ không tham dự. Và hàng triệu người trên khắp thế giới – những người có cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ giáo dục đại học – cũng sẽ không tham dự.

Đúng là giáo dục công và tư từ lâu đã được theo dõi chặt chẽ và phải chịu những áp lực nhất định – ít nhất là kể từ khi hỗ trợ tài chính cho các trường đại học công sụt giảm đáng kể do ngân sách ngày càng hạn hẹp, còn chi phí tại các trường tư thì tăng cao do tuyển sinh đầu vào hết sức cạnh tranh. Các xu hướng dài hạn khác về giáo dục đại học và các mục tiêu GD ĐH đã khiến sự ngờ vực ngày càng lan rộng: Người học hoài nghi về những giá trị có được so với chi phí phải bỏ ra. Tỷ lệ sinh ngày càng giảm thể hiện trên các biểu đồ nhân khẩu học cho phép chúng ta dự đoán rằng doanh thu của GD ĐH sẽ còn tiếp tục giảm. Sự phủ nhận liên tục về vai trò của khoa học diễn ra ở cấp độ quốc gia, càng làm gia tăng sự hoài nghi vào giới học thuật. Các nguồn quỹ bị cắt giảm cũng đã giới hạn việc cung cấp những trải nghiệm chất lượng cao trong việc giảng dạy, nghiên cứu và hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là cho các nhóm yếu thế. Chủ nghĩa dân tộc được đề cao và những ý kiến gắt gao của người da trắng xung quanh vấn đề nhập cư đã làm giảm số lượng sinh viên quốc tế tìm kiếm và tiếp cận giáo dục tại Hoa Kỳ.

Và đúng vậy, đại dịch đã đẩy chúng ta đến bờ vực. Nhưng đây cũng có thể là một cơ hội – cơ hội cho tất cả mọi người.

Thật vậy, các trường đại học cần tập trung hơn bao giờ hết vào những gì họ làm tốt. Chúng ta phải rõ ràng về những lợi ích và kết quả mà chúng ta cam kết, và sau đó chúng ta phải liên tục thực hiện những lời cam kết đó. Tôi cho rằng, giáo dục đại học có ba mục đích cốt lõi: khuyến khích sự khám phá suốt đời về bản thân và các giá trị của chính mình; phát triển các kỹ năng cần thiết để có được sự nghiệp có ý nghĩa; và để sẵn sàng đóng góp cho cộng đồng với tư cách là một công dân.

Đối với các đại học tư thục theo đuổi mô hình giáo dục khai phóng, một điều quan trọng để thực hiện tốt ba lời hứa này chính là: không chỉ giúp sinh viên chuẩn bị cho một cuộc sống của tư duy và công việc của riêng mình, mà các trường ĐH còn cần chuẩn bị cho họ cuộc sống của những cam kết đóng góp cho xã hội. Giáo dục khai phóng và các môn khoa học sẽ đảm bảo những cử nhân đại học của chúng ta có kỹ năng và khả năng để trở thành những công dân toàn cầu toàn diện. Điều này sẽ đúng bất chấp thực trạng của thế giới và nhu cầu của thị trường lao động lúc đó như thế nào.

Tôi nói điều này với tư cách là người đã dành gần bốn thập kỷ trong lĩnh vực giáo dục đại học công tại những viện nghiên cứu lớn, trước khi trở thành chủ tịch của một trường ĐH khai phóng cách đây 3 năm. Tôi tự hào về những gì mà tôi và các đồng nghiệp đã làm được, và tôi vẫn là một người ủng hộ trung thành cho việc tăng cường kinh phí đầu tư và những sự hỗ trợ khác cho các trường đại học và cao đẳng công lập của chúng ta.

Tuy nhiên, khoảng thời gian tại trường Lewis & Clark đã cho tôi những sự nhìn nhận hoàn toàn mới về giáo dục đại học. Ngay từ khi còn giảng dạy, tôi đã nhận ra những sinh viên theo đuổi giáo dục khai phóng và khoa học luôn gắn liền với tinh thần hợp tác, sự sáng tạo và tư duy phản biện. Họ coi trọng tính bền vững, những quan điểm mang tính toàn cầu, sự bình đẳng và không phân biệt đối xử. Họ tò mò, thích phiêu lưu và sáng tạo.

Tất cả những phẩm chất này buộc chúng ta phải quan sát, suy nghĩ và hành động vượt ra khỏi cái tôi và lợi ích cá nhân của mình để nghĩ về điều tốt đẹp lớn lao hơn. Khi giảng viên và sinh viên khám phá những ý tưởng mới và cách tiếp cận mới cho các vấn đề tồn tại lâu nay, họ đang suy nghĩ về tác động và ý nghĩa xã hội lớn hơn của những gì họ đang học hỏi và xây dựng nên. Trong một nền văn hóa mà chúng ta phải hứng chịu những hậu quả sống còn tạo nên bởi những hành động của chính mình ở không gian công cộng, không quá khoa trương khi nói rằng những kỹ năng nêu trên là những công cụ sinh tồn thiết yếu.

Giáo dục khai phóng còn cho phép chúng ta vượt qua những thách thức quan trọng bắt nguồn từ một xã hội đầy biến động (như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng, bắt bớ hàng loạt, và nhập cư) trong quá trình khám phá những quan niệm rộng hơn và bao trùm hơn về lợi ích chung. Sự khám phá này đồng nghĩa với việc đặt câu hỏi về những điều được cho là đúng. Cởi mở với những sự hiểu biết và cách nhận biết mới, để thấy rằng những điều đã cũ không phải lúc nào cũng đúng như những gì chúng ta luôn nghĩ về chúng. Đây chính là phương pháp cốt lõi đằng sau tất cả những nghiên cứu về giáo dục.

Khi suy nghĩ theo hướng này, chúng ta không chỉ đơn thuần phản ánh một vấn đề mà chúng ta đang suy nghĩ về nó một cách thấu đáo. Chúng ta đang suy nghĩ với sự đồng cảm và nhìn nhận trên những góc nhìn mới của những nền văn hóa, những tín ngưỡng và những thực tại từng được chúng ta xem là khác biệt.

Đây là cách học sinh bắt đầu hiểu và tôn trọng những sự khác biệt và cả những điểm chung tồn tại giữa các nền văn hóa, chủng tộc, sắc tộc, giới tính và lịch sử. Họ bắt đầu nhận ra rằng, dù có những biên giới giữa chúng ta, chúng ta luôn phải đề cao sự không biên giới. Điều này đòi hỏi việc biết và hiểu khoa học, toán học, nhân văn, nghệ thuật và khoa học xã hội bằng cách thực hiện chúng một cách nghiêm túc. Đó là phần “học cái gì” trong giáo dục — nội dung mà bất kỳ chương trình giáo dục nào cũng cần có để xứng đáng với tên gọi của mình.

Và nền tảng của chương trình giảng dạy này là luôn hướng tới việc tham gia một cách hiệu quả vào đời sống chung – để phát triển kỉ luật và thói quen của tâm trí luôn hướng về lợi ích chung. Đi cùng với sứ mệnh cốt lõi ấy, chúng ta phát triển những kỹ năng và nguồn lực cần thiết để làm việc cùng với người khác bên ngoài trường học và cùng giải quyết những thách thức khó khăn. Mô hình hợp tác như thế này giữa các doanh nghiệp thực tế đã thúc đẩy nhiều sự đổi mới tuyệt vời gắn liền với những thành công của khu vực tư nhân, đơn cử như ý tưởng về internet hay sự phát triển mang tính bước ngoặt của các loại vắc xin. Thực sự không phải ngẫu nhiên mà phần lớn công việc đằng sau nỗ lực điều trị và ngăn chặn Covid-19 được dựa trên nghiên cứu tiên phong bởi các trường đại học.

Trong thời đại khủng hoảng như hiện nay, với tư cách là những người ủng hộ giáo dục đại học, chúng ta cần phải vượt ra xa hơn ý tưởng và hành động của những nhà quản lý, nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên vốn đã quá quen thuộc với chúng ta. Chúng ta phải thay đổi một cách triệt để một định kiến phổ biến nhưng sai lầm rằng các học giả xem trọng lý thuyết hơn là thực hành, rằng bức tường của trường đại học ngăn cách chúng ta với những vấn đề thực tế. Chúng ta có thể làm điều đó bằng cách tham gia một cách hiệu quả hơn vào những cộng đồng bên ngoài khuôn viên của trường đại học. Ví dụ như trường Lewis & Clark cùng các trường khác tham gia vào chương trình giảng dạy kết hợp các tù nhân và sinh viên trên toàn nước Mỹ. Chương trình này tổ chức các khóa học kéo dài một học kỳ với sự góp mặt của cả sinh viên bình thường và các sinh viên trong các trung tâm cải tạo. Những sinh viên bình thường sẽ thấy được thực tế của hệ thống tư pháp trừng trị tội phạm. Trong khi đó, các tù nhân có cơ hội tìm lại tiếng nói cá nhân của mình, thứ thường bị mất đi do sự giam giữ. 

Những sự hợp tác trong cộng đồng sẽ nuôi dưỡng những giá trị công dân mà chúng ta khuyến khích sinh viên trân trọng, đặc biệt là khi chúng ta đang tìm cách nâng cao ý thức cộng đồng và đem lại những tác động tích cực cho thế giới. Những điều ấy tạo ra những cơ hội cho sinh viên theo đuổi sự công bằng xã hội bên cạnh việc học hỏi những kỹ năng có giá trị cao.

Tôi nhận ra tại nhiều nơi trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ, một điều nguy hiểm đang diễn ra, đó là những nhà cầm quyền đều cố gắng ngăn chặn các nỗ lực tạo nên một cộng đồng nơi mà mọi người luôn được cập nhật thông tin một cách rộng rãi. Những người khoan dung hơn một chút sử dụng điều này như vũ khí cho cuộc chiến văn hóa kéo dài nhằm vào những kẻ được cho là thái quá của một trường học “đúng đắn về mặt chính trị”. Tuy nhiên, khi bạn học hỏi một cách cởi mở, khi bạn chú ý một cách sâu sắc đến các vấn đề môi trường và xã hội ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu, bạn sẽ so sánh được sự khác biệt giữa thực trạng hiện tại của sự việc so với điều đáng lẽ nó nên là. 

Tôi thừa nhận rằng khi ủng hộ mô hình giáo dục này như một cách tốt nhất để hướng tới lợi ích toàn cầu, tôi đang làm như vậy với một vị trí có đặc quyền không thể phủ nhận – một nền tảng thể chế an toàn mà không phải ai cũng có. Tuy nhiên, điều đó cho chúng ta thêm một lý do để khẳng định rằng giáo dục đại học đã, đang và sẽ mang lại những cơ hội tuyệt vời nhất để bảo tồn và phát triển không chỉ những khát vọng về lợi ích chung của chúng ta mà còn cả những mưu cầu cá nhân. Vào tháng một năm 2020, Trung tâm Giáo dục và Cung ứng lao động Đại học Georgetown đã công bố một nghiên cứu chưa từng xuất hiện cho thấy rằng trong suốt cuộc đời, những cử nhân tốt nghiệp từ các trường giáo dục khai phóng nhận được lợi nhuận từ việc đầu tư vào giáo dục cao hơn so với những người tốt nghiệp từ các trường đại học khác.

Xin được nhấn mạnh rằng tất cả dữ liệu này là tôi nghe được từ các sinh viên và cựu sinh viên. Các nghiên cứu và giai thoại chứng minh rằng giáo dục đại học vẫn cung cấp các phương pháp tốt nhất để phân biệt sự thật và sự hư cấu. Đại học vẫn là nơi nuôi dưỡng sự kỉ luật hằng ngày của chúng ta trong việc tôn trọng sự thật và tôn trọng mọi người. Đó vẫn là nơi các sinh viên trở thành những công dân tích cực.

Tất cả những điều này có phải là xa xỉ? – Có lẽ. Và liệu xã hội vẫn có thể vận hành mà không cần đến giáo dục đại học khai phóng? – Có thể. Tuy nhiên chúng ta phải luôn hiểu được rằng các khoản đầu tư liên tục vào giáo dục đại học mang lại lợi ích đáng kể cho xã hội như thế nào. Tôi tự hào vì đã dành phần lớn sự nghiệp của mình trong các trường đại học công lập lớn, toàn diện, nơi cung cấp bước đầu tiên trên nấc thang thành công cho nhiều người. Giờ đây, tôi rất vui khi được góp sức vào sức mạnh của mô hình trường đại học nhỏ. Cuối cùng, chúng ta phải đảm bảo rằng cả hai cách tiếp cận đều phát triển mạnh, bất kể những khó khăn kinh tế mà chúng ta có thể phải đối mặt.

Leave a comment