Lời nguyền của thiên tài (P1)

Nguồn: Economist, đăng ngày 29/4/2019

Tác giả: Maggie Fergusson

Biên dịch và biên tập: Giao Bùi

Chúng ta thường coi trí thông minh vượt trội là một điều phước lành. Nhưng tôi tự hỏi, tại sao lại có rất nhiều đứa trẻ thông minh xuất chúng lại có cuộc đời khốn khổ vì sự xa lánh và tách biệt?

Tom nhớ lại ngày cậu nhận ra mình muốn trở thành một nhà vật lý thiên văn lý thuyết. Cậu đã đi sâu vào nghiên cứu về các lỗ đen và đã tích lũy được một chồng kha khá những ghi chép về các lý thuyết của mình. Lần đó cậu đã suy đoán về mối quan hệ giữa lỗ đen và lỗ trắng – các thiên thể giả định phát ra lượng năng lượng khổng lồ. Cậu nghĩ rằng các lỗ đen phải được liên kết xuyên không gian-thời gian với các lỗ trắng. “Cháu đặt chúng lại với nhau và nghĩ, ồ wow, rất hợp lý này! Đó là khi cháu biết mình muốn làm công việc này.” Tom lúc đó không biết đủ về mặt toán học để chứng minh lý thuyết của mình, nhưng cậu vẫn còn nhiều thời gian để học. Cậu chỉ mới năm tuổi.

Tom bây giờ đã 11. Ở nhà, cách thư giãn yêu thích của cậu là viết ra các đề thi toán hoàn chỉnh có đính kèm tiêu chí chấm bài. Vào dịp Giáng sinh năm ngoái, cậu đã xin bố mẹ 125 bảng phí đăng ký để thi Chứng chỉ trung học phổ thông (GCSE) cho môn toán, một kỳ thi mà hầu hết trẻ em ở Anh đều tham gia khi 16 tuổi. Tom là con một, và ban đầu Chrissie, mẹ của cậu, nghĩ rằng sự yêu thích của cậu với những con số là một việc bình thường. Dần dần cô nhận ra không phải vậy. Cô đã đưa cậu đến các bài giảng về vật chất tối tại Đài quan sát Hoàng gia ở London và nhận thấy rằng không có đứa trẻ nào khác ở đó. Giáo viên của Tom nói rằng thay vì chơi bên ngoài với những đứa trẻ khác vào giờ nghỉ giải lao, cậu thích ở trong phòng và làm các phép tính.

Một ngày nọ, bố mẹ đưa Tom đến Milton Keynes để trí thông minh của cậu được đánh giá bởi một tổ chức có tên là Potential Plus, trước đây là Hiệp hội Quốc gia về Trẻ em Năng khiếu. “Chúng tôi nói với cháu rằng đó là một ngày của những câu đố,” Chrissie nói. “Hôm đó cứ như trong mơ vậy,” Tom nói. “Một nửa ngày chỉ toàn các bài kiểm tra!”. Kết quả họ nhận được, Tom có trí thông minh thuộc top 0,1% ở Anh.

Nguồn ảnh: Economist

Những đứa trẻ bộc lộ trí thông minh sớm thường bị coi là sản phẩm của những bậc cha mẹ trung lưu thích huênh hoang. Quá trình nuôi dưỡng và môi trường rõ ràng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển trí tuệ của bất kỳ đứa trẻ nào. Nói chuyện với con về chính trị trên bàn ăn và nhiều khả năng chúng sẽ tự phát triển một cách tự tin hệ thống lập trường ​​vững vàng về cách thế giới vận hành. Hay gợi ý cho trẻ ở độ tuổi 2-3 nghĩ về cách cắt một chiếc bánh thành các lát theo các góc độ khác nhau và chúng có thể sẽ sớm bộc lộ năng khiếu toán học. Practice can make perfect. Đứa trẻ có năng khiếu chơi piano nếu luyện tập năm giờ mỗi ngày sẽ có khả năng sau này sẽ biểu diễn ở Carnegie Hall hơn so với đứa trẻ có năng khiếu tương tự nhưng chỉ chơi đàn 20 phút mỗi tuần.

Nhưng những đứa trẻ như Tom thì khác. Cậu lớn lên ở một vùng nghèo khó ở phía nam London: 97% học sinh tại ngôi trường đầu tiên của cậu không nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất. Khi nói đến những con số – hoặc những niềm đam mê khác của cậu như tiếng Latinh và vật lý thiên văn – cha mẹ của Tom gần như không biết cậu đang nói về điều gì. Sự thiên tài của cậu không phải do công dạy dỗ của họ.

Kết quả của các bài kiểm tra trí thông minh sẽ được đánh dấu “trên một đường cong”, nghĩa là một tập hợp các kết quả để so sánh điểm số của bạn và những người khác trên một biểu đồ cong hình chuông. Theo định nghĩa, kết quả sẽ được quy đổi thành thương số thông minh (iq) với mốc trung bình chính là 100. Đại đa số người tham gia nằm ở trong nhóm iq 85 – 115. Các trường hợp ngoại lệ là rất ít. Theo tỉ lệ, trong 100 người sẽ có 2 người có iq dưới 70, và 2 người khác có iq trên 130. Ở mức lệch trên hoặc dưới 45 điểm so với con số trung bình 100, tỉ lệ sẽ là 1/1000 người. Nhưng vì chỉ có một tỷ lệ nhỏ dân số thực hiện các bài kiểm tra iq, nên việc xác định những đứa trẻ đặc biệt là rất khó. Hầu hết các trường đều không có học sinh nào ở nhóm này.

Xã hội đề cao trí thông minh. Các thiên tài được kính trọng và được cho là chắc chắn sẽ thành công và có cuộc sống sung túc. Tuy nhiên, trí thông minh còn có một mặt tối. Giống như nhiều đứa trẻ có năng khiếu khác, tuổi thơ của Tom đa phần là không hạnh phúc. Ở tuổi lên năm, cậu từng nói về việc muốn kết liễu cuộc đời mình: cậu nói rằng mình định làm điều này bằng cách đập đầu liên tục vào tường. “Cuộc sống giống như một mê cung, chỉ có điều lớn hơn”, Tom nói với mẹ. “Con cảm thấy như mình đang bị lạc.” Bác sĩ gia đình nói rằng cậu đang bị trầm cảm nặng và cho rằng căn nguyên là do “sự thiên tài”, và cả sự thất vọng và cô lập mà nó gây ra cho Tom.

Tom cảm thấy khó kết nối với những đứa trẻ khác và có ít bạn bè. Ở trường, cậu hay trốn ra ngoài hành lang và văn phòng. “Lũ trẻ không muốn nó có mặt trong lớp vì nó toàn làm những việc khác lạ,” Chrissie nói. Để đánh lạc hướng tâm trí của mình khỏi “những suy nghĩ đen tối”, Tom thường tìm đến các câu đố và phép tính, thường là đến tối muộn. Từ lâu cậu đã bị chứng mất ngủ. Sự căng thẳng ảnh hưởng đến cả gia đình: “Tôi không hiểu nổi những bậc cha mẹ muốn điều này cho con của họ, cho cuộc sống của họ,” Chrissie nói. “Tôi không biết làm cách nào với cuộc sống gia đình thế này cả. Tôi chỉ ước trí thông minh đó biến mất đi”.

Nhiều người khác cũng trải qua nỗi đau tương tự với Tom và gia đình cậu. Mensa, một tổ chức quốc tế được thành lập tại Anh vào năm 1946 để nuôi dưỡng những người thông minh nhất nước, có 20.000 thành viên (phải đăng ký để gia nhập). Khi tôi gửi yêu cầu qua Mensa để xin được nghe chia sẻ thêm từ những đứa trẻ có năng khiếu và cha mẹ của chúng, hộp thư đến của tôi đầy ngập email, nhiều cái chứa đầy nỗi thống khổ. Những người mà tôi đã trò chuyện cùng nói rằng, vì sợ khơi dậy sự ghen tị, họ không dám nói với người khác về khả năng của con mình. Giờ đây khi có một người sẵn sàng lắng nghe đầy cảm thông, họ trút những nỗi lòng tuyệt vọng của mình với những chia sẻ rất dài đến mức tôi bứt rứt đến tận tâm can khi phải xin phép cúp máy. Hầu hết đều sợ bị nhận dạng, và một mực đòi dùng tên giả.

Một số quốc gia coi trọng trí thông minh xuất chúng hơn những quốc gia khác và có những chương trình giáo dục đặc biệt cho những đứa trẻ như vậy. Tuy nhiên, ngay cả khi sự thiên tài được ngưỡng mộ, chú trọng và trau dồi, các vấn đề xã hội và tâm lý thường đi kèm với một đầu óc xuất chúng có thể khiến việc quá thông minh trở thành một món quà không mong muốn. Từ góc nhìn người trong cuộc – và đối với nhiều gia đình mà tôi đã nói chuyện – sự thiên tài giống như một lời nguyền hơn là một phước lành.

Còn tiếp…

Leave a comment