Lời nguyền của thiên tài (P2)

Nguồn: Economist, đăng ngày 29/4/2019

Tác giả: Maggie Fergusson

Biên dịch và biên tập: Giao Bùi

Hầu hết các chuyên gia sẽ dùng thuật ngữ “năng khiếu” để nói về những trẻ thể hiện được ba đặc điểm. Đầu tiên, những đứa trẻ có năng khiếu bộc lộ sự thành thạo một lĩnh vực cụ thể – ngôn ngữ, toán học hoặc cờ vua – ở độ tuổi nhỏ hơn nhiều so với hầu hết người bình thường. Với chúng những thứ này rất dễ dàng, vì vậy chúng cũng tiến bộ nhanh hơn nhiều so với các bạn cùng tuổi.

Thứ hai, khả năng thành thạo này chủ yếu đạt được do tự thân chứ không phải là kết quả của sự tác động từ cha mẹ. Môi trường xung quanh và nền tảng kinh tế-xã hội chắc chắn ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của trẻ: có mối tương quan chặt chẽ giữa ‘số lượng từ mà cha mẹ nói với trẻ khi chúng lên ba’ và ‘thành công trong học tập của trẻ khi lên chín’. Các nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình có nền tảng học vấn tốt có thể được nghe nhiều hơn 4 triệu từ so với con của những bậc cha mẹ có trình độ học vấn thấp hơn. Những gia đình như vậy cũng thường có thu nhập cao hơn và cung cấp nhiều cơ hội giáo dục hơn.

Nhưng Lyn Kendall, chuyên gia tư vấn về trẻ em năng khiếu tại Mensa – bản thân từng là một đứa trẻ có năng khiếu trong một gia đình lao động – khẳng định rằng việc đọc Nietzsche cho đứa con năm tuổi nghe, hoặc buộc chúng làm thêm ba giờ bài tập về nhà, cũng không thể “a-lê-hấp” biến một đứa trẻ thành thiên tài.

Nhiều trẻ em có IQ cực cao cho thấy dấu hiệu của khả năng phi thường ngay cả khi còn là những đứa bé nhỏ xíu, trước cả khi việc nuôi dạy con cái một cách thúc ép bắt đầu tác động đến chúng. Kendall nói: “Ngay từ khi còn rất nhỏ – giai đoạn tiền ngôn ngữ – những đứa trẻ này đã hiểu những gì đang diễn ra xung quanh chúng, hiểu những gì mọi người nói nhưng không thể đáp lại”. Hầu hết trẻ mới biết đi đều khám phá thế giới theo kiểu đón chờ, dễ bị phân tâm trước một chiếc ô tô chạy ngang qua hoặc sự xuất hiện của món đồ chơi mới. Ngược lại, Kendall mô tả những đứa trẻ có năng khiếu ở độ tuổi đó là “có sự thôi thúc”: “Chúng không bị động và chúng tự đặt ra cho mình những tiêu chuẩn cực kỳ cao.” Chúng ta thường liên tưởng những năm đầu thơ ấu với việc tận hưởng niềm vui trong những điều đơn giản, sống trong hiện tại và không có khả năng suy nghĩ về hậu quả của hành động. Thay vào đó, Kendall nói khi quan sát những đứa trẻ mới biết đi có năng khiếu, “giống như thể ai đó đã đem một thiếu niên 18 tuổi và đặt chúng vào cơ thể trẻ sơ sinh vậy”.

Nguồn ảnh: Economist

Đặc điểm thứ ba của những đứa trẻ có năng khiếu là sở thích của chúng thường ở mức gần như ám ảnh. Chúng có những thứ mà đôi khi được gọi là “một hối thúc điên cuồng phải thành thục bằng được”. Jesse năm tuổi. Khi cậu mới một tuổi và biết bò, Richard, cha của cậu, nói với tôi, ông ấy sẽ làm bất cứ điều gì để tránh phải thay tã cho con. “Chúng tôi thấy rằng cách duy nhất có thể giữ nó ở yên là đưa cho nó thứ gì đó có thể tháo rời và lắp lại với nhau. Chúng tôi có một cái đèn pin màu vàng với bóng đèn gắn sẵn bên trong, và nó sẽ lấy pin ra, lắp lại và kiểm tra xem nó có hoạt động hay không. Nếu nó đặt pin không đúng cách, nó sẽ kiên trì cho đến khi lắp đúng.”

Các bài kiểm tra iq đầu tiên để đo trí thông minh được phát triển bởi Alfred Binet và Theodore Simon vào đầu thế kỷ 20. Họ đánh giá trí nhớ ngắn hạn, tư duy phân tích và khả năng toán học. Mặc dù các bài kiểm tra đã thay đổi kể từ đó, các kỹ năng cơ bản được họ dùng để đo lường vẫn như cũ. Trong biên độ hơn kém một vài điểm, chỉ số iq sẽ là cố định trong suốt cuộc đời của bạn: cách duy nhất để “mất” iq là bị chấn thương não.

Trên mạng có rất nhiều cái-mà-tự-nhận-là bài kiểm tra “trí thông minh”. Còn có nhiều trẻ em tham gia các bài kiểm tra năng khiếu ở trường. Hầu hết những bài kiểm tra này có thể bị gian lận hoặc, ít nhất, trẻ em có thể được đào tạo để đạt kết quả cao. Mensa cố hết sức để làm cho các bài kiểm tra của mình “công bằng đối với mọi nền tảng văn hóa” – nói cách khác, chúng nhằm mục đích xác định trí thông minh thuộc về bản chất chứ không phải được dạy dỗ. Kendall nói: “Những đứa trẻ có năng khiếu bẩm sinh sẽ có khả năng sáng tạo ra những thứ kiểu như phát minh ra bánh xe và khám phá ra lửa.” Nhưng ngay cả Kendall, người có chuyên môn trong việc đánh giá trẻ em, cũng thừa nhận rằng “kiểm tra iq không giống như đo chiều cao”. Không có hệ thống đánh giá nào là hoàn toàn khách quan.

Hầu hết các bài kiểm tra chỉ xem xét một số loại trí thông minh cụ thể, chẳng hạn như lập luận toán học và lý luận. Điều đó phản ánh sự hạn hẹp của quan niệm xã hội về năng khiếu. Nhiều loại kỹ năng và đặc điểm khác bị bỏ qua, chẳng hạn như tính tò mò tột cùng hoặc khả năng trò chuyện trí tuệ các kiến thức bậc cao. Các bài kiểm tra không có khả năng xác định các tiểu thuyết gia hoặc nhà thơ tương lai, hoặc những đứa trẻ mà có thể đặc biệt giỏi trong thể thao hoặc âm nhạc. Chúng ta chưa có cách nào để đo lường trí thông minh sáng tạo, nghệ thuật hoặc cảm xúc. Những trẻ em mà chúng ta đánh giá là “thiên tài” có xu hướng chỉ là những người thuộc nhóm các hạng mục tiêu chuẩn.

Một số người đặt câu hỏi về khái niệm năng khiếu. Deborah Eyre, người sáng lập của High Performance Learning, một tổ chức hợp tác với các trường học và giáo viên ở Anh để giúp một số lượng lớn trẻ em trở thành “những học sinh có năng lực học tập tốt hơn”, cho biết định nghĩa về một đứa trẻ có năng khiếu đã bị phân mảnh theo thời gian. Cô không xem năng lực là bẩm sinh. Eyre nói rằng khi quan sát bất kể đâu trên thế giới, con cái của các bậc cha mẹ giàu có thường chiếm đại đa số trong nhóm những trẻ em có năng khiếu. Những người xuất thân kém hơn chỉ chiếm số lượng ít: “Người La-tinh không được chọn ở Mỹ, người Maori thì không thấy góp mặt trong các chương trình ở New Zealand.”

Cô cũng nói điều khác biệt ở những đứa trẻ xuất sắc và có thành tích cao – và cả người lớn – thường là sự quyết tâm. Sự khác biệt giữa hai nhà vật lý tài năng như nhau, một người tiếp tục giành được giải Nobel và một người không đạt giải, là ý chí thành công của họ. Cô lập luận, thiên tài rõ ràng là sự kết hợp của một số tác nhân tiềm năng, cùng với sự hỗ trợ phù hợp và động lực cá nhân.

Eyre cho rằng một kiểu cha mẹ nhất định, thường là những người có trình độ học vấn cao, tự hào về việc có một “đứa con tài năng” để khoe khoang. Nhưng điều này không thấy xuất hiện ở các bậc cha mẹ mà tôi đã nói chuyện, hầu hết họ đều cho rằng ‘quà tặng’ mà con họ nhận được là nguồn gốc gây lo âu, thậm chí là đau khổ.

Nhiều phụ huynh trong số này gặp phải hai khó khăn chính. Một là làm thế nào để đáp ứng cho sự phát triển trí tuệ vượt trội của con. Điều thứ hai hiếm khi được nhắc đến hơn nhưng cũng có thể gây ra nhiều vấn đề: những đứa trẻ đặc biệt thông minh thường bị cô lập về mặt xã hội, thậm chí bị gây rối. Trí thông minh được tung hô và ngưỡng mộ, nhưng những người có trí thông minh thì không hẳn được như thế.

Còn tiếp…

Leave a comment