Lời nguyền của thiên tài (P3)

Nguồn: Economist, đăng ngày 29/4/2019

Tác giả: Maggie Fergusson

Biên dịch và biên tập: Giao Bùi

Nếu bạn được gặp Ophelia Gregory, bạn sẽ nghĩ rằng hẳn những nàng tiên tốt bụng đã ban những lời phúc tốt đẹp nhất cho cô gái này từ thuở còn nằm nôi. Cô đang 17 tuổi, thanh thoát yểu điệu và xinh đẹp với đôi mắt xanh lục sâu thẳm. Gia đình cô – mẹ Kerry, bố Tom và ba em trai – rất gần gũi và yêu thương. Ở tuổi 12, Ophelia đạt 162 trong bài kiểm tra iq của Mensa. Đây là điểm số cao nhất có thể đối với một người dưới 18 tuổi và ngang bằng với Stephen Hawking, nhà vũ trụ học đột phá đã qua đời vào năm ngoái.

Vậy mà cho đến nay, trí thông minh phi thường đã mang lại cho Ophelia chỉ rất ít niềm hạnh phúc. Đối với cô, việc được phân loại là “có năng khiếu” chỉ đơn giản là “rắc rối hơn mức đáng có”. Cô bé đã bị bắt nạt và phải chuyển trường nhiều lần. Tôi tự hỏi Kerry sẽ nói gì với một phụ huynh đang khao khát một đứa con có năng khiếu hơn người? Cô ấy đáp, “Tôi sẽ nói, ‘Đáng ra đó phải là một điều tuyệt vời, nhưng hóa ra không. Và sẽ không bao giờ.‘”

Từ lâu, chúng ta đã biết rằng một số cá nhân có trí thông minh cực kỳ cao. Chỉ gần đây, các nhà tâm lý học mới bắt đầu xem xét liệu điều này có ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác trong cuộc sống của những cá nhân này hay không và như thế nào. Những đứa trẻ có năng khiếu thường trải qua điều mà các nhà tâm lý học gọi là “sự phát triển không đồng bộ”: những khả năng đặc biệt trong một số lĩnh vực có thể đi kèm với hoặc phải trả giá bằng những khía cạnh khác của quá trình trưởng thành. “Các bộ phận của não kiểm soát việc học từ, mẫu và số phát triển cực kỳ nhanh chóng ở những đứa trẻ này,” Andrea Anguera của Potential Plus cho biết. “Nhưng thùy trán, nơi kiểm soát sự điều tiết của cảm xúc, không phát triển nhanh bằng.”

Một đứa trẻ có năng khiếu có thể có khả năng vượt trội để thông thạo một thứ gì đó như toán học, nhưng lại có khả năng hạn chế hơn trong việc đối phó với môi trường xã hội, vốn là một phần quan trọng khác của việc trưởng thành và hòa nhập trong suốt cuộc đời. “Một đứa trẻ có năng khiếu có thể dễ bị suy sụp hoàn toàn về mặt xã hội,” Anguera nói. “Chúng không thể hiểu cách những đứa trẻ khác sống và chúng không thể kiểm soát cảm xúc của mình.” Có khả năng đặc biệt trong một số lĩnh vực có nghĩa là chúng cần “sự hỗ trợ phù hợp” ở những lĩnh vực khác, cô nói thêm.

Vào đầu thế kỷ 20, nhà tâm lý học người Mỹ Leta Hollingworth đã nói về “trí thông minh tối ưu về mặt xã hội”, mà bà liên kết với chỉ số iq từ 125 đến 155. Với điểm số cao hơn mức đó, Norman Geschwind, một nhà thần kinh học hành vi người Mỹ, đánh giá cái mà ông gọi là “bệnh lý của sự vượt trội” có thể gây tác động tiêu cực: sự thống trị của một phần não có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các phần khác.

Chúng ta vẫn chưa biết tại sao lại như vậy: do tự nhiên, do nuôi dưỡng hay do cả hai. Một nghiên cứu cho thấy trong số các thành viên của Mensa ở Mỹ, tỷ lệ mắc chứng adhd (rối loạn tăng động giảm chú ý) gần như gấp đôi tỷ lệ được chẩn đoán trong dân số nói chung. Những người khác cho rằng vì một số trẻ năng khiếu rất khác với các bạn ở trường và có thể ít tương tác với chúng trong lớp học, nên chúng cũng có thể ít tương tác hơn trên sân chơi. Mặc dù ở một số khía cạnh năng khiếu của chúng rất người lớn, nhưng nhiều trẻ trong số chúng cảm thấy mình không thể chơi những trò chơi mà chúng ta thường gọi là “trò trẻ con”: điều này khiến sự phát triển xã hội của chúng bị hạn chế hơn. Anguera cho biết, nếu một đứa trẻ năm tuổi có khả năng đặc biệt và thích dùng thời gian rảnh để làm đại số, thì bé thường không muốn dành thời gian cho một bạn cùng trang lứa thích chơi ô tô. Tuy nhiên, một khi trẻ bị gạt ra khỏi một số tình huống xã hội, cơ hội của trẻ để bắt kịp hoặc học hỏi những kỹ năng này sẽ giảm đi.

Kendall xác định được một số đặc điểm phổ biến ở những đứa trẻ có năng khiếu nhưng không thấy có biểu hiện rối loạn hành vi. Đặc điểm đầu tiên là nhiều trẻ trong số chúng ở trong tình trạng cực kỳ lo âu, thường là do suy nghĩ quá nhiều về mọi thứ. “Khi bộ não chìm quá sâu vào việc lý giải các biến số,” cô giải thích, “đó là điều khó tránh khỏi”. Hilary đã gửi email cho tôi về con trai của cô ấy, Lorenzo: “Tôi ngày càng thấy khó đối phó với cảm xúc và sự lo lắng ngày càng cao của con.” Lorenzo, hiện 12 tuổi, đã trở thành thành viên của Mensa cách đây hai năm và do đó, có cơ hội giao lưu với những đứa trẻ rất thông minh khác cả trực tiếp và trực tuyến. Lorenzo đã đạt 162 điểm trong bài kiểm tra iq của cậu (“Giống như Einstein”, Hilary nói với tôi. Tôi đã phải nén lòng để không nói với cô rằng Einstein chưa bao giờ đo iq). Cậu nhóc không thể ngừng lo lắng: “Lúc đang chờ chuyến bay đến Hồng Kông gần đây, nó đã hỏi rất nhiều câu về những gì có thể xảy ra với máy bay đến nỗi mọi người xung quanh chúng tôi trong sảnh chờ đều lảng ra chỗ khác.”

Thói quen ngủ của những đứa trẻ như vậy thường khác với bình thường: việc “tắt” não có thể rất khó khăn với chúng. Một bà mẹ chia sẻ rằng đứa con trai có năng khiếu của cô lúc trước thường chỉ ngủ mỗi lần không quá 90 phút mãi cho đến khi nó gần 5 tuổi.

Nguồn ảnh: Economist

Và còn có thêm điều khác nữa liên quan đến sức khỏe cảm xúc và sức khỏe thể chất của những thiên tài. Chi nhánh Mensa ở Mỹ, có hơn 50.000 thành viên, nói rằng những trẻ em thuộc chi nhánh của họ có “bộ não kích động”. Một cuộc khảo sát gần đây với các thành viên cho thấy rằng những người có trí thông minh đặc biệt cao thường có cái mà Kazimierz Dabrowski, một nhà tâm lý học người Ba Lan, miêu tả là “quá kích thích” hoặc “siêu nhạy cảm”, chẳng hạn như nhận thức cao hơn về một trong năm giác quan, trải nghiệm cảm xúc cực kỳ mãnh liệt hoặc có mức năng lượng rất cao. Trong số những cá nhân này, tỷ lệ trầm cảm, lo lắng và adhd cao hơn so với trung bình dân số.

Năng khiếu thậm chí có thể liên quan đến các tình trạng sinh lý như dị ứng thực phẩm, hen suyễn và các bệnh tự miễn dịch, đôi khi đi đôi với “rối loạn xử lý cảm giác”. Đối với nhiều cá nhân đặc biệt thông minh, những kích thích hàng ngày như âm thanh radio văng vẳng, màu sắc hoặc kết cấu của thức ăn, chiếc màn hình nhấp nháp trên tường lớp học hoặc miếng nhãn quần áo gây ngứa có thể trở nên gần như không thể chịu đựng được. Hilary tin rằng vì chức năng não của cậu rất nhạy bén, các giác quan của Lorenzo thường được điều chỉnh một cách tinh vi hơn. “Nó có thể nghe thấy những điều mà chúng tôi không thể. Đôi khi nó không thể làm bài tập về nhà trong một căn phòng được coi là hoàn toàn tĩnh lặng với hầu hết mọi người.”

“Về mặt thần kinh, iq cao đi kèm với hiệu quả hoạt động thần kinh tăng lên,” Sonja Falck, một nhà trị liệu tâm lý ở Anh, người hầu như chỉ làm việc với những khách hàng “cực kỳ thông minh”, cho biết. “Điều đó có thể đo lường được,” Falck tiếp tục. “Nếu một người nhận được nhiều kích thích và xử lý chúng cực nhanh, họ rất dễ bị kích thích quá mức.”

Nhiều đứa trẻ có năng khiếu phải vật lộn với thất bại. Rắc rối là, Kendall giải thích, nếu bạn là người thông minh, bạn thường không cần phải cố gắng và do đó mất đi cơ hội rèn luyện tính kiên cường. Cô từng tiếp xúc với nhiều trẻ em thông minh, những đứa trẻ “không chịu tương tác”. Tại các hội thảo mà cô điều hành cho trẻ năng khiếu, những đứa trẻ đôi khi chơi trò Twister, một trò chơi trong đó người chơi xoay mình để chạm tay hoặc chân vào các chấm màu trên tấm thảm nhựa. “Bọn trẻ phát cuồng lên,” Kendall nói. “Một trò rất khó để chơi đúng, vì vậy điều bạn đang dạy là ‘hãy làm điều gì đó chỉ để vui thôi cũng được’.”

Leave a comment