Lời nguyền của thiên tài (P4)

Nguồn: Economist, đăng ngày 29/4/2019

Tác giả: Maggie Fergusson

Biên dịch và biên tập: Giao Bùi

Lizzie, con gái của Rebecca, năm nay 5 tuổi. Cô bé được thụ thai bằng tinh trùng hiến tặng từ một người bố có ba tấm bằng. Trước sinh nhật đầu tiên của mình, cô bé đã nói được thành câu. Lúc 16 tháng tuổi, cô bé đã hoàn thành một trò ghép tranh gồm 48 mảnh trong đó cô phải ghép từng mảnh theo các từ tương ướng. Vào sinh nhật lần thứ hai, cô bé có thể kể lại “The Gruffalo”, một câu chuyện dành cho trẻ em dài 24 trang được viết theo vần; khi Rebecca quên mang khăn mặt lúc tắm, Lizzie đã khiển trách: “Mẹ, mẹ thật là đồ đáng tởm!” Ở tuổi lên ba, cô bé tuyên bố, “Mẹ ơi, con không xinh. Đó là do lỗi nhiễm sắc thể.” Nhưng giống như nhiều đứa trẻ có năng khiếu khác, cô bé có thể trở nên quẫn trí nếu làm sai điều gì. “Có những ngày, tôi cảm thấy buồn cho nó,” Rebecca nói. “Tôi chỉ muốn con bé càng bình thường càng tốt.”

Điều đó không dễ. Trước ngày bạn đến nhà chơi, Rebecca phải dọn đồ chơi của Lizzie để những bà mẹ khác không biết cô bé giỏi đến mức nào. “Người ta thường mong chờ chứng kiến cảnh những đứa trẻ có năng khiếu thất bại,” Rebecca nói. “Tôi đã học cách che chở cho Lizzie”. Rebecca dạy những đứa trẻ có nhu cầu đặc biệt, nhưng đối với những nhu cầu đặc biệt của con gái cô thì “không có gì để dạy cả”.

Sonja Falck cảnh giác với từ “năng khiếu bẩm sinh” bởi vì “nó có nghĩa là đặc ân”, ở chỗ người được tặng được coi là có lợi thế hơn những người khác. Nhưng nó không nhất thiết sẽ là một lợi thế. “Một người có năng khiếu, nhưng lớn lên trong một môi trường không được hỗ trợ, có thể thực sự phải chịu đau khổ. Và sự đau khổ này gần như không được biết đến.” Falck kể cho tôi nghe về một khách hàng của cô ấy đã từng phá thai: cô ấy không thể chịu đựng được ý tưởng sinh ra một đứa trẻ có thể sẽ thừa hưởng những “món quà” từ cô ấy và phải chịu đựng như cô ấy đã từng.

Con trai của Emily, Peter, 9 tuổi. Từ khi còn nhỏ, cậu đã thích bầu bạn với người lớn hơn những người bạn cùng trang lứa: “Ở nhà trẻ, nó thường khóc nức nở cả buổi sáng,” Emily nói. Thể chất mỏng manh và là một người cô độc, nó đã phải nhập viện ba lần sau khi bị đánh đập ở trường. Cùng có một điểm chung với nhiều đứa trẻ có năng khiếu, cậu khó ăn vì quá nhạy cảm với kết cấu thức ăn. Nhưng đối với Peter, cũng như nhiều đứa trẻ khác, vấn đề lớn nhất là cuộc sống đời thường thực sự bế tắc. Cậu thấy trường học thật buồn tẻ. Giáo viên chủ nhiệm của cậu không cho rằng đây là một vấn đề. “Một chút buồn chán cũng khá tốt cho cháu,” ông thầy nói với Emily.

Nhưng buồn chán có thể là cực hình. Falck gợi ý rằng một học sinh có năng khiếu chỉ cần một khoảng thời gian ngắn để thành thạo nội dung của toàn bộ chương trình giảng dạy của một môn học. Cô so sánh nó với một vận động viên chạy bộ dày dạn kinh nghiệm bị buộc phải hàng ngày bị ép phải lết từng bước với những người đi bộ cực kỳ chậm.

Đâu là cách tốt nhất để giáo dục một đứa trẻ có năng khiếu? Các thử thách rất phức tạp, và thường cạnh tranh. Một mặt, những đứa trẻ này có thể thành thạo bộ môn nào đó sớm hơn và nhanh hơn các bạn cùng lứa tuổi. Mặt khác, do các kỹ năng xã hội của phần nhiều trong số chúng kém phát triển, có thể sẽ cực kỳ khó khăn với chúng để ép bản thân trở thành một đứa trẻ có thể được dạy theo cách truyền thống, hòa nhập và học được những kỹ năng bất thành văn, không thể đo lường mà các tương tác, hoạt động xã hội sẽ dạy chúng trong quá trình chuẩn bị để trở thành người lớn. Và một cách không mong muốn, những đứa trẻ như vậy có thể được bị coi là những đứa trẻ thông-minh-nhưng-thô-lỗ, ngay cả khi chúng có ý tốt, khiến những đứa trẻ và người lớn khác có thể không muốn ở cạnh. Người lớn, đặc biệt là giáo viên, có thể thấy những đứa trẻ cực kỳ thông minh là mối đe dọa: một đứa trẻ con nói chuyện với họ như thể ngang hàng có thể khiến họ rơi vào tâm lý tự vệ. Những đứa trẻ như vậy thực sự biết nhiều hơn những người lớn xung quanh, và chúng không thể không nói với họ điều đó.

Sau buổi đánh giá của Tom tại Potential Plus, Chrissie đã tìm kiếm lời khuyên về cách tốt nhất để giáo dục con. Rõ ràng với cô trường tiểu học ở phía nam London mà con đang theo học không thể đáp ứng được. Ngoài giáo viên đầu tiên của cậu ở trường, người mà Tom mô tả là “đáng kinh ngạc” và là người đã khuyến khích cậu quan tâm đến toán học bằng cách ngồi với cậu trong giờ nghỉ giải lao để giải các bài toán, các giáo viên khác của Tom dường như ghét cậu. Một người tỏ ra thích thú khi có dịp coi thường cậu, thông báo với cả lớp rằng “Hôm nay Tom thấy toán rất khó”, trong khi ngó lơ không đề cập đến việc Tom đang giải những bài toán dành cho những đứa trẻ lớn hơn cậu mười tuổi.

Chrissie được cho biết cô có hai lựa chọn: cô có thể dạy Tom ở nhà hoặc gửi cậu đến một trường tư thục để cậu có thể nhận được sự kèm cặp cá nhân hơn. Cả hai ý tưởng đều làm cô kinh hoàng. Cô ấy hoàn toàn chắc chắn là mình không đồng ý với việc học tại nhà – chẳng nghi ngờ gì điều đó sẽ làm trầm trọng thêm cảm giác bị cô lập của con. Trường tư thục vượt quá khả năng tài chính của gia đình, nhưng Tom đã nhận được một suất học bổng và hiện đang theo học tại một trường chọn lọc, có uy tín ở London, nơi có học phí hàng năm là 20.000 bảng Anh. Cậu vẫn đấu tranh để tạo dựng quan hệ với những đứa trẻ khác, và bị sốc khi nhận thấy sự chênh lệch kinh tế giữa cậu và các bạn. Nhưng cậu thấy việc giảng dạy ở đây kích thích hơn. “Cháu thích cô ấy, và cô ấy luôn cho cháu những bài toán khó hơn,” cậu nói về giáo viên dạy toán của mình.

Tranh luận diễn ra sôi nổi về việc tách những trẻ năng khiếu ra khỏi nhóm tuổi của chúng. Nếu chúng được học lên với những người hơn tuổi, chúng có thể gặp khó khăn về mặt xã hội. Nếu ở lại, trí tuệ của chúng có thể bị mài mòn. Leonie Kronborg thuộc Đại học Monash ở Úc cho biết sinh viên cần được hỗ trợ cả về tâm lý và xã hội. Cô chỉ ra các chương trình dành cho thanh thiếu niên có năng khiếu như Chương trình nhập học sớm tại Đại học Washington ở Mỹ: thanh thiếu niên có thể bắt đầu học đại học với một nhóm những người cùng tuổi với chúng, vì vậy chúng sẽ có môi trường kích thích trí tuệ nhưng vẫn tiếp tục giao lưu với bạn bè đồng trang lứa.

Đối mặt với việc con trai và con gái của họ chán học và khổ sở ở trường, nhiều bậc cha mẹ của những đứa trẻ có năng khiếu đã chọn cách tự làm lấy mọi thứ. Bỏ qua nỗi sợ hãi của Chrissie, việc học ở nhà rất phổ biến với những đứa trẻ rất thông minh có các cha mẹ có trình độ học vấn cao. Vào giữa những năm 1980, một cặp cha con, Harry và Ruth Lawrence, đã thành một bộ đôi nổi bật, đi vòng quanh Oxford trên một chiếc xe đạp đôi. Harry đã từ bỏ sự nghiệp trong lĩnh vực máy tính và tự giáo dục Ruth ở nhà kể từ khi cô bé 5 tuổi; năm 12 tuổi, cô giành được một suất học toán tại Đại học Oxford. Harry đi cùng Ruth đến tất cả các giờ giảng của con, đảm bảo rằng con không bao giờ “lãng phí” thời gian khi giao lưu với những người trẻ tuổi khác. Hiện tại cô làm việc với tư cách là một nhà toán học được kính trọng – nhưng không nổi trội. Khi có đứa con đầu lòng, cô thề sẽ không thúc ép con phải học nhanh hơn mức mà nó muốn.

Leave a comment