Lời nguyền của thiên tài (Phần cuối)

Nguồn: Economist, đăng ngày 29/4/2019

Tác giả: Maggie Fergusson

Biên dịch và biên tập: Giao Bùi

Một số quốc gia đã xây dựng một môi trường giáo dục có tính khuyến khích hơn với những trẻ em có năng khiếu. Singapore thực hiện một chương trình chọn lọc cao nhằm xác định những học sinh đặc biệt thông minh nhất hàng năm. Ở tuổi tám hoặc chín, tất cả trẻ em đều được đánh giá về toán, tiếng Anh và lý luận. Top 1% được chuyển từ các lớp học “bình thường” sang Chương trình Giáo dục Năng khiếu được thực hiện ở chín trường tiểu học cho đến 12 tuổi. Sau đó, các em có thể chọn xem có theo học các trường trung học nhất định cung cấp các lớp học đó hay không. Những đứa trẻ được chọn nhận được “kế hoạch giáo dục được cá nhân hóa” bao gồm giảng dạy về các chủ đề cụ thể ở mức độ sâu và rộng hơn, tiếp cận với các khóa học trực tuyến tự học bổ sung, sắp xếp vào các lớp cao hơn cho các môn học cụ thể và nhập học sớm vào trường tiểu học cho trẻ rất nhỏ. Nhưng việc nhấn mạnh trình độ học vấn đã gây tranh cãi. Kể từ năm 2007, đã có những nỗ lực nhằm tăng cường xã hội hóa giữa các trẻ em có khả năng khác nhau.

Cách tiếp cận như vậy phản ánh một ý tưởng rất truyền thống về trí thông minh – sử dụng một số loại bài kiểm tra để xác định những đứa trẻ có khả năng trí tuệ bẩm sinh. Ở những nơi khác, các nhà giáo dục đang sử dụng đa dạng phương pháp hơn để phát hiện những đứa trẻ có trí thông minh cao và họ tăng cường sự tập trung vào thái độ và đặc điểm tính cách thường thấy ở những người thành công nhất – ví dụ như sự thôi thúc mà Deborah Eyre nói đến. Trong Dự án Bright Idea, một chương trình tại Đại học Duke ở Bắc Carolina, 10.000 trẻ em mẫu giáo và tiểu học bình thường đã được dạy bằng các phương pháp thường áp dụng cho những đứa trẻ thông minh nhất – bồi dưỡng tâm lý kỳ vọng cao, khuyến khích giải quyết vấn đề phức tạp và phát triển siêu nhận thức (“nghĩ về việc nghĩ ”). Gần như tất cả các em đều làm bài kiểm tra tốt hơn nhiều so với các bạn cùng lứa.

***

Tom và Ophelia, Lizzie, Lorenzo và Peter sẽ ra sao? Raj Chetty, một nhà kinh tế học người Mỹ tại Đại học Harvard đã tính toán rằng những trẻ đạt điểm thuộc top 5% các bài kiểm tra tiêu chuẩn ở trường tiểu học có khả năng nộp đơn bằng sáng chế khi trưởng thành cao hơn nhiều lần so với 95% còn lại – và xác suất đó cao hơn nhiều so với những trẻ có gia đình giàu có. Dù tài năng thiên bẩm của chúng là gì, những đứa trẻ có năng khiếu được nuôi dưỡng và tạo cơ hội sẽ có cơ hội tốt hơn rất nhiều trong cuộc sống.

Nhưng những đứa trẻ có năng khiếu không nhất thiết sẽ tỏa sáng khi lớn lên. Một số sẽ trở thành điều mà Chetty gọi là “Những Einsteins bị đánh mất”: những đứa trẻ không được tạo cơ hội để phát huy trí thông minh hoặc được khuyến khích để phát triển trí tuệ của chúng, hoặc không nhận được sự giúp đỡ để đối phó với sự cô lập trong cuộc sống. Có những trẻ mà khả năng của chúng bị bỏ lỡ bởi những hạn chế của các bài kiểm tra iq. Và có rất nhiều trẻ đặc biệt phải đối mặt với những rào cản trong những năm sau này vì chúng không bao giờ phát triển được các kỹ năng giao tiếp xã hội cần thiết để thành công ở nơi làm việc hoặc trong thế giới rộng lớn đầy những tương tác.

Vào những năm 1920, Lewis Terman, một nhà tâm lý học người Mỹ, đã nghiên cứu 1.500 trẻ em có trí thông minh rất cao. Những nhà nghiên cứu khác đã theo dõi nhóm đó 70 năm sau. Họ thấy rằng chúng đã đạt được không nhiều hơn kết quả được dựa đoán dựa trên tình trạng kinh tế xã hội của chúng. Một đứa trẻ mà Terman đã loại ra vì không đủ thông minh, William Shockley, đã đồng phát minh ra bóng bán dẫn và đoạt giải Nobel vật lý.

Và một tuổi thơ bất hạnh sẽ ám ảnh đến cuối đời. Kim Ung-yong là một thần đồng ở Hàn Quốc. Bây giờ là một kỹ sư xây dựng ở tuổi 50, ông cảm thấy mình đã bị tước đoạt tuổi thơ. Ông bắt đầu biết nói khi được sáu tháng và thành thạo bốn ngôn ngữ khi được hai tuổi. Ông có được tấm bằng đầu tiên ở tuổi lên tám, và sau đó được săn đón để làm việc cho nasa. “Tôi đã để cuộc đời mình trôi qua như một cỗ máy,” ông nói. “Tôi thức dậy, giải phương trình được giao hàng ngày, ăn, ngủ … Tôi cô đơn và không có bạn bè.” Ngay cả Albert Einstein, một trong những ví dụ điển hình nhất về thiên tài, đã viết vào năm 1952: “Thật kỳ lạ khi được cả thế giới biết đến nhưng vẫn cô đơn đến vậy”.

Đó là một thông điệp ảm đạm dành cho những thiên tài nhí thời nay. Nhìn về tương lai, mẹ của Tom, Chrissie, có vẻ không hy vọng mấy. “Thử kể cho tôi nghe một câu chuyện về một đứa trẻ thiên tài có kết thúc tốt đẹp xem,” cô nói. “Chưa từng có câu chuyện nào như thế cả.” Rồi cô quay sang Tom trấn an. “Biết đâu con sẽ là người đầu tiên.”

Leave a comment