Chính quyền Trump đe dọa rút ngân sách đối với các trường giảng dạy chế độ nô lệ như là một phần trong lịch sử Mỹ

Nguồn: Time, đăng ngày 17/9/2020

Tác giả: Olivia B. Waxman

Biên dịch: Uyên Thanh – Biên tập: Phan Trà Khúc

Với bối cảnh quốc gia đang bị chia rẽ về mặt chính trị như hiện nay cùng với những nỗi nghi ngờ về các yếu tố làm ảnh hưởng đến an ninh nước Mỹ, một nhóm người có quyền lực đã quyết định tìm hiểu yếu tố mà họ xem như gốc rễ cho vấn đề này: học sinh Mỹ. Nhóm này tin rằng, các học sinh đang được giảng dạy một chương trình sai lệch về lịch sử của Hoa Kỳ, một chương trình giảng dạy suy yếu lòng yêu nước của các em. Họ cho rằng ai đó sẽ phải can thiệp để ngăn chặn những xói mòn về mặt tư tưởng này.

Nguồn ảnh: Time

Kịch bản này nghe có vẻ quen thuộc;  nó không chỉ mới diễn ra  vào tuần trước, khi Tổng thống Trump đe dọa cắt nguồn tài trợ cho các trường học ở California, những trường đang giảng dạy Đề án 1619 của New York Times bàn về nguồn gốc của Hoa Kỳ có sự xuất hiện của những nô lệ châu Phi đầu tiên ở Virginia. (Tài liệu của đề án này vốn đã được sử dụng để bổ sung vào chương trình giảng dạy trong các trường học trên toàn quốc, mặc dù mức độ triển khai của dự án ở California chưa có số liệu rõ ràng). Nhưng trên thực tế, việc chống đối giảng dạy lịch sử theo hướng như vậy có thể đã diễn ra trong thời kỳ hậu Nội chiến. Hoặc vào năm 1917. Hoặc năm 1948. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các nhà sử học phản ứng đối với dòng tweet của ông Trump hay  khi Thượng nghị sĩ Cộng hòa Arkansas Tom Cotton giới thiệu Đạo luật Giải cứu Lịch sử Hoa Kỳ năm 2020 vào đầu mùa hè năm nay. Việc giảng dạy Lịch sử Hoa Kỳ trong các trường công luôn mang tính chính trị, và những lo ngại kiểu, liệu rằng các chương trình giảng dạy có “chống Mỹ” hay không, là rất quan trọng thời điểm hỗn loạn như hiện nay. 

“Đó là câu chuyện về giáo dục lịch sử ở đất nước này,” nhà sử học và cựu giáo viên Lịch sử của AP Hoa Kỳ Lindsay Marshall nói. “Vòng luẩn quẩn lo lắng mang tính chính trị này biểu hiện ở chỗ các chính trị gia cho rằng “à, rõ ràng là chúng tôi đang dạy sai lịch sử của quốc gia và đó là vấn đề.’

Sự lo lắng này có xu hướng xuất hiện sau chiến tranh và sau các cuộc bạo loạn. Ví dụ, sau Nội chiến, các bang miền Bắc và miền Nam vẫn tiếp tục đối chọi lẫn nhau, và đây là rõ ràng là thời điểm mà việc giảng dạy về Nội Chiến như thế nào trở thành vấn đề trong các trường học. Donald Yacovone, một trợ lý chương trình tại Trung tâm Hutchins về Nghiên cứu người châu Phi và người Mỹ gốc Phi tại Đại học Harvard, chỉ ra rằng, một cuốn sách giáo khoa cuối thế kỷ 19 đã định hình cuộc chiến như một trận giao tranh giữa nhà nước quân chủ hai miền Nam-Bắc, nhằm ly khai khỏi Hội liên hiệp Anh để bảo vệ nền dân chủ đích thực. Hiệp hội  Con Gái của Lính Liên minh miền Nam (The United Daughters of the Confederacy) đã tìm cách loại khỏi sách giáo khoa, vốn đang được sử dụng trong các trường học miền Nam “những lời dối trá của tụi  Yankee”(ND: Yankee: thuật ngữ chế nhạo ám chỉ những người miền Bắc). Khi làm như vậy, những người này cũng đã đồng thời thúc đẩy sự xuyên tạc lịch sử, thao túng câu chuyện về chiến tranh để giảm thiểu vai trò của nô lệ trong quá trình hình thành nước Mỹ; hệ quả của chiến dịch này vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay.

Những nỗi lo lắng mang tính chính trị thường trực này vẫn tồn tại ở thế kỷ 20. ,Ví dụ, trong kho lưu trữ của nhà xuất bản sách giáo khoa American Book Company, Marshall — Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign, người đang viết sách về sách giáo khoa lịch sử Hoa Kỳ — tìm thấy những bức thư tiết lộ một cuộc trò chuyện vào mùa thu năm 1917, khi Chiến tranh thế giới thứ nhất diễn ra, về việc liệu có nên xóa bỏ Tuyên ngôn Độc lập khỏi sách giáo khoa lịch sử Hoa Kỳ để “không gây thù oán với đồng minh Anh Quốc của chúng ta” vào “năm 1917, khi lòng yêu nước đang dâng cao” hay không. Cuối cùng thì điều này đã không được thực hiện. 

Tuy nhiên, Marshall cũng cho biết rằng, nỗi sợ hãi thời chiến về việc thế hệ con cái của những người nhập cư Đức sẽ lớn lên cùng với lòng trung thành với nước Đức đã khiến Cơ quan Lập pháp bang New York thông qua một đạo luật vào năm 1918, rằng cấm các trường công giảng dạy chương trình bao gồm các tài liệu “đi ngược lại tinh thần trung thành với nước Mỹ, hoặc có xu hướng ủng hộ bất kỳ quốc gia nước ngoài nào mà Hoa Kỳ đang tham chiến.”

Vào những năm 1920, khi sự lo lắng về vấn đề nhập cư và chủ nghĩa cộng sản góp phần thúc đẩy sự trỗi dậy của Ku Klux Klan ở miền Bắc thì sách giáo khoa lại một lần nữa trở thành tâm điểm của sự chú ý. Seth Cotlar, giáo sư lịch sử tại Đại học Willamette, đã chia sẻ trên Twitter ảnh chụp màn hình một đạo luật được Thượng viện bang Oregon do KKK thống trị thông qua. Đạo luật này cấm các trường công lập sử dụng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào “bộc lộ sự xem thường đối với những người sáng lập nền cộng hòa, hoặc những người bảo vệ công đoàn, hoặc đánh giá thấp công việc của nhóm này”. Cotlar chỉ ra những cáo buộc gần đây về chiến dịch “Mạng sống của người da màu cũng có ý nghĩa” (Black Lives Matter) rằng chiến dịch này đang lan truyền một chương trình nghị sự “cánh tả cực đoan”. Nó khiến cho “bóng ma quá khứ” giữa thế kỷ 20 về những ý tưởng cánh tả cực đoan sẽ tẩy não trẻ em dường như quay trở lại. 

Một số nhà sử học nói với TIME rằng làn sóng phản ứng dữ dội gần đây cũng nhắc họ về một cuộc tranh cãi khác về một loạt sách giáo khoa phổ biến vào cuối những năm 1930 và đầu những năm 1940, yêu cầu trẻ em xem xét liệu Hoa Kỳ có đang sống theo những lý tưởng khởi lập của mình hay không. Được xuất bản trong thời kỳ Đại suy thoái, bộ sách được xem là chống lại những nhà tư bản, dày vò giới bộ phận lãnh đạo trong thế giới kinh doanh. Có rất nhiều nghi ngờ về tác giả viết sách, Harold Rugg, vì ông là giáo sư Đại học Sư phạm tại Đại học Columbia, một cơ sở giáo dục mà một số người bảo thủ xem là lò sản sinh tư tưởng cộng sản. Các trường học đã phải rút lại bộ sách sau khi loạt thông tin tiêu cực từ The American Legion khi buộc tội Rugg đã sản xuất các ấn phẩm “phản quốc”. Tuy nhiên, đấy cũng chỉ đơn giản là sự lo lắng cũ kỹ quá mức về chương trình giảng dạy lịch sử “chống Mỹ” cũng như các nỗ lực đẩy lùi không mấy khả quan được thực hiện. 

Hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai, trong suốt thời kỳ Nỗi sợ cộng sản (Red Scare) của Chiến tranh Lạnh, người viết chương trình giảng dạy, Paul Hanna đã cảnh báo rằng học sinh sẽ dễ bị dắt mũi dễ dàng nếu họ không được trang bị một cái nhìn đúng đắn hơn về lịch sử Hoa Kỳ và thế giới. Paul Hanna từng xuất bản ấn phẩm có tên Xây dựng nước Mỹ (Building America) nhưng đã bị các quan chức ở California loại bỏ vào năm 1948 vì lo ngại rằng, ấn phẩm này đã ưu ái xã hội cộng sản. “Chúng tôi tin rằng chúng ta đủ sức để chống lại áp lực về sự nở rộ của chủ nghĩa cộng sản trên diện rộng nếu chúng ta (1) thực tế về những thành tựu của chính mình, và (2) biết điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ,” Hanna nói trong một tuyên bố vào tháng 3 năm 1948 nhằm đáp lại tranh cãi. “Từ chối tạo cơ hội để giới trẻ nghiên cứu về tình trạng cân bằng giữa cái thiện và cái ác trong chính quốc gia của chúng ta và trên thế giới dần khiến cho những công dân tương lai trở nên yếu ớt và không được chuẩn bị cho cuộc đấu tranh của thời đại.”

Gần hơn một chút, các cuộc chiến tranh văn hóa trong những năm 1990 đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi về Tiêu chuẩn Lịch sử Quốc gia, một khung chương trình tập hợp các hướng dẫn được các nhà sử học biên soạn do liên bang tài trợ dành cho việc giảng dạy Lịch sử Hoa Kỳ và Lịch sử Thế giới đối với học sinh K-12. Mục tiêu của việc tạo nên hướng dẫn này là bổ sung các thông tin liên quan đến sự đóng góp của người Da đen, người Mỹ bản địa và phụ nữ đối với quốc gia. Ngày 20 tháng 10 năm 1994, trong bài xã luận của Wall Street Journal với tiêu đề “Sự kết thúc của lịch sử”,(The End of History),”Lynne Cheney, chủ tịch Quỹ Quốc gia về Nhân văn (National Endowment of the Humanities) dưới thời Tổng thống Ronald Reagan và George HW Bush, đã bày tỏ sự phẫn nộ rằng khung chương trình này đã đề cập đến McCarthy và Chủ nghĩa McCarthy 19 lần và Harriet Tubman sáu lần, trong khi chỉ đề cập đến Bài diễn văn Gettysburg của Tổng thống Abraham Lincoln một lần duy nhất cũng như không hề đề cập đến Paul Revere, Robert E. Lee, Thomas Edison và Albert Einstein. Bài xã luận cũng dẫn lời một thành viên giấu tên của nhóm giám sát dự thảo, khi người này cáo buộc các nhà văn đã ủng hộ chủ nghĩa xét lại lịch sử trong khi các học giả thì thể hiện “sự căm thù đối với lịch sử truyền thống”.

Cheney nói với Jane Pauley rằng bộ tiêu chuẩn này nhìn về lịch sử Hoa Kỳ một cách “nghiệt ngã và u ám”. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Bob Dole nói rằng nó “mức độ đe dọa của chúng tương đương với  bất kỳ thế lực nước ngoài nào tác động lên chúng ta.” Nhưng trên thực tế, cuộc tranh cãi cho thấy sự thiếu hiểu biết về cách thức hoạt động của các hướng dẫn chương trình giảng dạy kiểu này.

Mặc dù hàng ngàn giáo viên trên khắp cả nước đã sử dụng các tiêu chuẩn, đồng chủ quản bởi nhà sử học UCLA Gary Nash, nhưng thực tế, không có yêu cầu thực thi mang tính pháp lý nào về các chủ đề phải được giảng dạy trong lịch sử Hoa Kỳ. Các quyết định về nội dung môn học được đề ra phụ thuộc vào địa phương, ở cấp tiểu bang và học khu, và hầu như bất khả thực thi để bắt giáo viên nói gì trong lớp học của mình.

Suy ngẫm tranh cãi về Tiêu chuẩn Lịch sử Quốc gia trong hơn 25 năm qua, Nash chỉ ra rằng “lịch sử truyền thống” mà các nhà phê bình từng ủng hộ là kiểu “lịch sử Hoa Kỳ với sự vắng mặt của phụ nữ, [và] câu chuyện người Mỹ gốc Phi được gói gọn thành một vấn đề chính trị liên quan đến đấu tranh về quyền nhà nước giữa người người miền Bắc và người miền”.

Một lý do khiến các cuộc tranh cãi về giáo dục lịch sử cho K-12 tiếp tục nổ ra là “câu hỏi chưa được giải đáp về mục đích của lớp lịch sử”, Adam Laats, nhà sử học và là tác giả của cuốn sách Một kiểu cải cách khác: Hoạt động xã hội bảo thủ trong giáo dục Mỹ (The Other School Reform: Conservative Activism in American Education), lập luận . “Có phải mục đích của lớp lịch sử là để giới thiệu đến những người Mỹ trẻ tuổi di sản anh hùng, những vinh quang của lịch sử Hoa Kỳ? Hay lớp học lịch sử được xây dựng với mục tiêu là biến những người trẻ tuổi trở thành những nhà phê bình xã hội đích thực, một môn giáo dục công dân dạy những người trẻ nghi vấn từng chút một về trí tuệ họ đang có và sẵn sàng thay đổi những gì cần thay đổi? ” Chắc chắn, với những tranh cãi về Tiêu chuẩn Lịch sử Quốc gia trong thời gian gần đây, chương trình Lịch sử Hoa Kỳ của AP cũng không thể tránh khỏi các tranh luận tương tự. Và bây giờ thì Đề án 1619 đã bị đã kích.

Các nhà phê bình lo lắng rằng việc giảng dạy quá khứ phức tạp về những Người lập quốc, như việc bắt người làm nô lệ, “sẽ khiến trẻ em ghét nước Mỹ, trong khi trớ trêu thay, trẻ em vốn ghét sự dối trá”, Marshall lập luận. “Chúng sẽ cảm thấy hoài nghi khi bạn kể cho chúng nghe về George Washington và cây anh đào, sau đó thì đọc một cuốn sách và nhận ra rằng ông ấy còn nhiều điều hơn thế nữa.”

Theo một cuộc thăm dò gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew: 71% số cử tri đi bầu đã đồng tình với tuyên bố rằng “việc chúng ta thừa nhận những sai sót lịch sử của đất nước sẽ làm cho Mỹ mạnh mẽ”. Nash ủng hộ quan điểm của số đông. Theo ông, việc các nhà phê bình kêu gọi xem xét lại việc giảng dạy lịch sử là dấu hiệu của một nền dân chủ lành mạnh. “Tại sao trong một xã hội dân chủ, chúng ta lại nhìn vào mọi khía cạnh, cả xấu cả tốt, của lịch sử? Nếu chúng ta chỉ biểu thị lịch sử một cách tốt đẹp đơn thuần, chúng ta chỉ đang bắt chước những gì trẻ em được học dưới các chế độ độc tài, ”ông nói. “Miễn là nghiên cứu lịch sử vẫn còn được coi trọng, thì sẽ luôn có những sửa đổi đối với lịch sử”.

Leave a comment