Sức khỏe tinh thần của sinh viên: Khó khăn, căng thẳng và hỗ trợ

Sức khỏe tinh thần của sinh viên: Khó khăn, căng thẳng và hỗ trợ

Nguồn: Insidehighered – Đăng ngày: 19/4/2022

Tác giả: Melissa Ezarik

Biên dịch: Lê Đàm Bảo Hân – Biên tập: Lê Nguyễn Duy Hậu

Dù rằng đại dịch đã gây ra gánh nặng nghiêm trọng cho sinh viên, đến mức một số người có thể đã bị nhấn chìm trong bóng tối suốt thời gian đó, thì thời điểm hiện tại được đánh giá là giai đoạn khởi sắc cho sức khỏe tinh thần của chính họ.

Trong những buổi tham vấn, Jonathan Mitchell thường nói đùa sinh viên, “Mục đích của tôi chính là sẽ không bao giờ phải gặp các bạn nữa”. Các sinh viên sẽ bật cười, song anh cũng sẽ nói thêm rằng “Tôi không nên ở bên cạnh cuộc sống của các bạn mãi mãi.”

Mục đích đó đã trở thành hiện thực tại trung tâm tham vấn trong trường Đại học South Florida, St. Petersburg. Trung tâm được thiết kế nhằm can thiệp nhanh chóng hơn trong việc giải quyết các vấn đề thường nhật ở đời sống sinh viên.

Nhưng những gương mặt thân quen thỉnh thoảng vẫn lại xuất hiện. Là một nhà tâm lý học hành nghề và là một trong số ít nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần phục vụ cho ngôi trường có gần 5.000 sinh viên, Mitchell vừa có buổi tư vấn trực tiếp đầu tiên sau hai năm. Thật trùng hợp, lần cuối anh ấy nhìn thấy người sinh viên đó tại văn phòng vào tháng 3 năm 2020, anh còn nhớ mình đã nói rằng,

“Chúng ta sẽ chỉ hoạt động trực tuyến trong vài tuần và sẽ trở lại ngay thôi.”

Tại thời điểm đó, những nhu cầu của nữ sinh này đã được đáp ứng. Cô cùng Mitchell không gặp mặt trong khoảng một năm, sau đó anh làm việc trực tuyến với cô trong một lúc trước khi lại gián đoạn thêm lần nữa. Giờ đây khi đã là sinh viên năm cuối, cô cảm thấy cần được kết nối lại lần thứ hai.

Như một số nghiên cứu đã chỉ ra, các vấn đề về sức khỏe tâm thần của sinh viên đại học ngày càng một gia tăng, thậm chí còn chồng chất thêm so với giai đoạn trong đại dịch. Theo khảo sát mới nhất của Student Voice với quy mô 2000 sinh viên:

  • Số lượng sinh viên đánh giá sức khỏe tâm lý của mình là “yếu” (22%) cao hơn gấp hai lần số sinh viên thấy mình ở mức “tuyệt vời” (9%). Và có 56% phản hồi ở mức “khá” hoặc “kém”.
  • Chỉ riêng trong nhóm sinh viên đã tiếp cận với tham vấn tâm lý trước khi vào đại học, 70% trong số các em đánh giá bản thân ở ngưỡng “khá” hoặc “kém”. Con số dữ dội đó trùng hợp với số liệu của sinh viên thuộc nhóm LGBTQIA+ và các sinh viên được cho là thuộc nhóm bị lề hóa trong xã hội.
  • Ngay cả trong số 205 người được khảo sát nói rằng họ chưa từng trải qua một trong số bảy vấn đề tâm lý thường gặp trong sinh viên đại học tham gia khảo sát, 12% đánh giá sức khỏe tinh thần của mình ở mức “khá” (không ai trong số họ đánh giá ở mức “yếu”).

Được thực hiện từ ngày 16-22/3 với sự hỗ trợ từ Kaplan, khảo sát của Inside Higher Ed và Đại học Pulse đã khám phá rằng gần như cứ trong năm sinh viên thì có một người là đã phải vật lộn với suy nghĩ về tự tử trong suốt quãng đời đại học. “Nỗi cô độc trong thời kỳ đại dịch đã dâng đến ngưỡng cao chưa từng thấy,” đó là nhận định từ Kevin Thomas, một nhà tâm lý học hành nghề, đồng thời là phó giám đốc phụ trách dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe tâm lý cho sinh viên tại Đại học California State, Fullerton. Đối với những sinh viên vốn bị “chôn sâu trong một vùng sâu và tối, tự tử dường như là lối thoát”, và họ nghĩ rằng họ phải tự mình vượt qua tất cả khi không có ai chia sẻ.

Thêm vào đó, Kristina Canfield thuộc Hiệp hội Tái Thiết Giáo dục đại học (Association of Recovery in Higher Education), cho biết, “rõ ràng chúng ta đã phải chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về số ca tử vong do sử dụng chất kích thích quá liều trong 2020 và 2021, phần lớn đến từ đại dịch và cảm giác cô lập.” Với tư cách là giám đốc điều hành lâm thời và và một thành viên/quản lý chương trình cho tổ chức, nơi có 156 chi nhánh tại Anh, Mỹ và Canada, Canfield cho biết bà đã từng nghe mọi người ví von thời điểm hiện nay là thời đại bùng dịch kép: COVID-19 và lạm dụng thuốc.

Bảy phần trăm số người trả lời cuộc khảo sát của Student Voice xác định lạm dụng chất gây nghiện là một thách thức mới trong sức khỏe tâm thần (mặc dù, Canfields lưu ý, nghiên cứu quốc gia ước tính rằng cứ bốn sinh viên đại học thì có một sinh viên đáp ứng các tiêu chuẩn để có thể được chẩn đoán là mắc chứng rối loạn sử dụng chất gây nghiện). Ba phần tư số người được hỏi cho biết đã phải vật lộn với lo lắng và/hoặc trầm cảm trong thời gian học đại học, trong khi khoảng 1/4 tổng số người tham gia khảo sát cho biết đã đối mặt với tình trạng rối loạn ăn uống hoặc tâm trạng không ổn định.

Khi được hỏi về thời điểm cụ thể nào trong thời gian xảy ra đại dịch, sức khỏe tâm thần của họ ở mức tồi tệ nhất, đại đa số có thể kể ra một khoảng thời gian cụ thể, với chỉ 14% trả lời rằng sức khỏe tâm thần của họ trở nên tồi tệ hơn vào đầu đại dịch và giữ nguyên như vậy.

Trong cuộc khảo sát của Student Voice diễn ra vào tháng 3 năm 2021 về sức khỏe tâm thần – cũng là thời điểm các đợt triển khai vắc xin COVID rộng rãi đang đến gần – việc tự đánh giá sức khỏe tâm thần tổng thể kém hơn vào tháng 3 năm 2022 khoảng 10 điểm phần trăm.

Tỷ lệ phần trăm sinh viên tham gia cuộc khảo sát lớn nhất vào năm 2022 đã xác định “bây giờ” là thời điểm mà sức khỏe tâm thần của họ tốt nhất. Nhưng cũng giống như COVID đang tồn tại rõ ràng, các cuộc đấu tranh về sức khỏe nội tâm cũng vậy.

Amy Gatto, giám đốc nghiên cứu và đánh giá tại Active Minds, nơi hỗ trợ nhận thức và giáo dục sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên trên hơn 1.000 khuôn viên trường đại học và trong cộng đồng, cho biết: “Sinh viên sẽ tiếp tục mang gánh nặng này một thời gian lâu sau đại dịch. Và nếu như vậy, thì việc các trường hỗ trợ sinh viên như thế này liệu có ý nghĩa gì?”.

Khi các nhà lãnh đạo giáo dục đại học cân nhắc nơi nào là tốt nhất để tập trung các nguồn lực và mở rộng hỗ trợ, ít nhất một số người cũng lưu ý rằng “những gì sinh viên đang trải qua có tác động đến nhân viên và người hướng dẫn chăm sóc, hỗ trợ họ,” Megan Kennedy, giám đốc của Phòng thí nghiệm về khả năng tái thiết của tại Đại học Washington, nơi phục vụ sinh viên đại học cùng một số phòng ban khác với mục đích nâng cao sức khỏe tinh thần. Một trong số những dự án ở đó chính là chương trình kéo dài sáu tuần dành cho nhân viên và sinh viên có tên Be REAL, giúp người tham gia quản lý cảm xúc và làm chủ tình huống căng thẳng, phát triển kỹ năng chánh niệm và lòng nhân ái để bồi dưỡng hạnh phúc cộng đồng và sức khỏe tâm lý.

Cuộc khảo sát Student Voice cung cấp một cái nhìn sâu hơn về tình trạng cảm xúc và tinh thần của sinh viên, hiện trạng bây giờ của họ – bao gồm cả cách đại dịch đã làm chao đảo các mối ưu tiên trong cuộc sống của họ – và liệu họ có biết nơi nào để được hỗ trợ hay không.

Sinh viên sống trong căng thẳng

Số liệu của Student Voice cho thấy, không một khoảng thời gian nào trong đại dịch có thể được dùng để đánh dấu như là cột mốc khả quan hay bi quan nhất cho sức khỏe tâm lý của sinh viên.

Mùa thu năm 2020, thời điểm được nhìn nhận là khó khăn thứ hai cho sinh viên, được Mitchell gợi nhớ bằng từ dữ dội. Anh nói, “Thời điểm đó người ta nhận ra rằng chuyện không đơn giản sẽ trôi qua đi. Niềm thôi thúc được phục hồi trở lại đã rất mạnh mẽ, nhưng sinh viên cũng nhận ra rằng toàn bộ trải nghiệm thời đại học của họ sẽ bị nhuốm màu bởi cơn đại dịch này. Và một khi chúng ta đã qua một năm, cảm xúc đó thật sự bám rễ.”

Mùa thu năm 2021 là nổi bật nhất đối với Jenny Ortiz, phó giám đốc chăm sóc sức khỏe và tinh thần tại Đại học St. Olaf, là cơ quan hỗ trợ sinh viên trong chín lĩnh vực sức khỏe: cảm xúc (trước đây là tinh thần), môi trường, tài chính, trí tuệ, thể chất, tình dục, xã hội, tinh thần và vật chất. Mùa thu năm ngoái là khi các trường đã mở cửa để tiếp nhận sinh viên quay lại học trực tiếp. Thế nhưng, Jenny Ortiz vẫn cho rằng “chúng tôi đã phải chứng kiến số lượng kỷ lục sinh viên phải tìm đến sự hỗ trợ – những con số kỷ lục sinh viên đến và khóc, họ chỉ cần ai đó bên cạnh trong thời điểm đó. Tôi nghĩ rằng việc phải thích ứng với các sinh viên là rất khó khăn. Mọi người đều đã chỉ mong chờ được quay trở lại bình thường cũ”. Ortiz chưa bao giờ thấy sinh viên chật vật như lúc này.

Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe mới tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Montgomery County ở Pennsylvania đang làm việc 24/7 với mục tiêu cung cấp hỗ trợ cho các nhu cầu về sức khỏe tâm thần và thể chất. Giám đốc Nichole Kang nói rằng bà đã chứng kiến mùa thu năm trước chìm trong rất nhiều “sự lo lắng về việc phải quay lại với cộng đồng xung quanh như thế nào. Vốn phải sống cô lập suốt trận đại dịch, mọi người đã phải cố gắng để hiểu những gì họ đã bỏ lỡ và tập thích ứng với việc làm thế nào để được lại sống xung quanh bạn bè đồng trang lứa một lần nữa. Cân bằng lịch trình với việc đi lại cũng là một thách thức rất lớn đối với sinh viên”.

Liadan Solomon, sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Michigan năm 2021, hiện đang theo học bằng thạc sĩ kép về công tác xã hội và sức khỏe cộng đồng tại Đại học Boston, mô tả việc trở lại học trực tiếp vào mùa thu này lần đầu tiên sau hai năm. Là một nhà phân tích dữ liệu nghiên cứu và báo cáo cho Mạng lưới Healthy Minds (thực hiện một cuộc khảo sát hàng năm về sức khỏe tâm lý của sinh viên cùng với nghiên cứu về vai trò và sức khỏe của giảng viên và nhân viên), Solomon nói, “Rất nhiều sinh viên đã trải qua quá trình tái lập các mối quan hệ vốn đã có trước đây. ” Ví dụ, một số người sẵn sàng tham gia với mức độ rủi ro cao hơn những người khác trong việc kết nối lại với xã hội. Điều này đã tạo ra sự căng thẳng vốn không tồn tại trước đại dịch. Cô cho biết thêm, một điểm tích cực đối với việc các trường mở cửa trở lại chính là giúp cuộc đối thoại về sức khỏe tâm lý được cởi mở hơn nhiều. Những tổn thương được chia sẻ đã giúp xóa bỏ sự kỳ thị mà một số người cảm thấy nó tồn tại khi nói về sức khỏe tâm lý.

Những sang chấn chắc hẳn cũng có liên quan đến sự tăng giảm của số ca nhiễm COVID. Ví dụ như cảm giác rằng tình hình cuối cùng cũng đã nằm trong tầm kiểm soát, nhưng đột ngột nó lại trở nên rối ren hơn. Một ví dụ được Kennedy của Đại học Washington chia sẻ là, “khi chúng tôi nghĩ rằng mọi thứ đang đi theo hướng tích cực và sau đó Omicron bùng nổ”.

Giám đốc điều hành của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, Arthur C. Evans Jr., gần đây đã viết về cách “tình hình sức khỏe tâm lý sẽ không trở nên tốt hơn ngay cả khi virus bị đẩy lùi”. Nghiên cứu từ các sự kiện như sự kiện khủng bố ngày 11 tháng 9 và cơn bão Katrina cho thấy rằng “chúng ta nên biết trước rằng mọi người sẽ chịu những vấn đề tâm lý kéo dài trong 7 đến 10 năm nữa.” Ông nói thêm, ảnh hưởng sức khỏe tâm lý trong COVID đối với dân số nói chung là rõ ràng. Ví dụ như trong năm 2021, có 100.000 ca tử vong do dùng thuốc quá liều, lo lắng và trầm cảm cao gấp bốn lần tỷ lệ trước đại dịch và sự gia tăng số lượng trẻ em phải đến khoa cấp cứu trong tình trạng suy tâm thần.

Báo cáo mùa thu năm 2021 của Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Cộng đồng (Center for Collegiate Mental Health, CCMH) về cách COVID ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của sinh viên đại học, dựa trên những cuộc khảo sát hàng năm trong các sinh viên tìm đến những dịch vụ tại CCMH, cho thấy lo lắng áp lực xã hội và áp lực học tập là hai chỉ số gia tăng đáng chú ý nhất từ mùa thu năm 2019 đến mùa thu năm 2021. Các lĩnh vực khác có mức tăng từ nhỏ đến trung bình là trầm cảm, âu lo chung, rối loạn ăn uống, lo lắng về gia đình và căng thẳng tổng quan.

Tính trong số những người trả lời cuộc khảo sát của Student Voice, có bốn trong số năm yếu tố gây căng thẳng hàng đầu hiện nay liên quan đến học thuật theo một cách nào đó, với điều cuối cùng (số 3) liên quan đến tài chính.

Có không đến hơn 1/5 sinh viên được hỏi đã chọn cuộc xâm lược Ukraine của Nga  hoặc các cuộc xung đột quốc tế khác là yếu tố gây căng thẳng hàng đầu.

Thomas từ đại học Cal State Fullerton nhận thấy một số yếu tố gây căng thẳng cho sinh viên mang các đặc tính điển hình cho dấu hiệu để nhận ra rằng “chúng ta muốn bình thường trở lại — chúng ta có thể phớt lờ một vài thứ”.

Ortiz tại đại học St. Olaf cho biết: “Tại các trường đại học giáo dục khai phóng tư nhỏ, đôi khi bạn sẽ có cảm giác văn hoá nơi đây như một bong bóng với thế giới bên ngoài. Trừ khi bạn là sinh viên quốc tế, bạn sẽ không bị ảnh hưởng chặt chẽ bởi các sự kiện này.” Sinh viên có thể ủng hộ hoặc tham dự cuộc biểu tình phản đối một sự sự việc, nhưng khi tất cả đã được nói ra và thực hiện, thì hiện thực vẫn như cũ, đó là các giáo sư đang mong đợi sinh viên hoàn thành các bài tập trong các môn học của mình.

Khi Solomon còn là một sinh viên đại học, cô ấy cảm thấy rất khó để cập nhật tin tức trừ khi cô chủ động tìm hiểu nó. Đã có lúc, tin tức liên quan đến COVID trở thành thứ mà cô ấy dán nhãn là “vô thưởng vô phạt khi biết”. Về Ukraine, “Tôi biết khá nhiều người trong mối liên hệ của tôi đã bàn luận về vấn đề này. Tôi đang nắm bắt điểm mấu chốt của những gì đang xảy ra, nhưng tôi tránh xa [ảnh và cảnh quay video].” Mọi người đang cố gắng đánh giá lợi ích của việc tiêu thụ những thứ này so với việc đưa ra những mặt tiêu cực”. Tin tức đặc biệt có thể nhạy cảm đối với những người đã phải đối mặt với lo lắng, lạm dụng chất kích thích hoặc trầm cảm, cô ấy nói thêm.

Từ những gì Mitchell tại USF thấy, “Ngọn lửa chao đảo mà thế giới trải qua đang nghiền nát [sinh viên]. Nhưng khi một khi thứ gì đó mới xuất hiện, thì sự kiện cũ sẽ bị khép lại, bỏ qua.” Các sinh viên có thể nghĩ, “Việc cường quốc hạt nhân này đã xâm lược một quốc gia khác tuy không lý tưởng, nhưng đó là cách cuộc sống diễn ra.” Mitchell không xem những suy nghĩ này là thiếu sự đồng cảm mà chỉ là cảm giác bi quan rằng mọi thứ sẽ không trở nên tốt đẹp hơn.

Hy vọng và Trợ giúp

Được hỏi về cách mà đại dịch đã thay đổi các ưu tiên của họ trong cuộc sống, nhiều người trả lời Student Voice rằng họ đang tập trung hơn vào các khía cạnh tích cực trong cuộc sống của họ, bao gồm các mối quan hệ, sức khỏe và giáo dục.

Solomon, sinh viên năm cuối tại Michigan kể về trải nghiệm phải quay về nhà cô ở Los Angeles: “Đại dịch vừa rồi quả là một trải nghiệm sang chấn tập thể, và chính trải nghiệm đó đã khiến các ưu tiên của bạn thay đổi.”  Nghiên cứu của Mạng lưới Healthy Minds cho thấy rằng các sinh viên rất mong muốn có sự kết nối mạnh mẽ trong suốt đại dịch. Vậy nên, hiển nhiên là việc tập trung vào các mối quan hệ cũng như sức khỏe tinh thần và thể chất có ý nghĩa đối với Solomon. “Dựa trên trải nghiệm của mình, tôi nghĩ rằng những mối quan hệ này sẽ kéo dài, ít nhất là lâu hơn vòng đời của đại dịch này,” cô nói thêm, “Bạn phải tận dụng tối đa ngay bây giờ.”

Cuộc khảo sát của Student Voice cũng yêu cầu những người được hỏi chia sẻ về người mà họ dựa vào nhiều nhất để được hỗ trợ về mặt tinh thần và cảm xúc trong những ngày đầu của đại dịch, cũng như bây giờ. Ba câu trả lời hàng đầu — gia đình/cha mẹ hoặc anh chị em thân thiết, bạn bè và người yêu — có tỷ lệ ngang nhau. Trong đó gia đình hỗ trợ nhiều nhất vào mùa xuân năm 2020 và bạn bè chiếm vị trí hàng đầu ở thời điểm hiện tại.

Sinh viên ít tìm kiếm sự hỗ trợ chính thức hơn từ các trường đại học, với chỉ 13% đã sử dụng dịch vụ tư vấn trong nhà trường trong thời kỳ đại dịch và 17% sử dụng dịch vụ tư vấn từ xa.

Jenny Ortiz tổng kết: “Khi sinh viên tìm đến bạn bè, điều đó thường gây áp lực cho họ, vì sau đó bạn bè họ sẽ rất khó khăn. Cô cho rằng tỷ lệ số lượng cao những người có tình trạng tinh thần kém một phần là do sinh viên cảm thấy như thể họ đang phải hỗ trợ rất nhiều người. Cô nói: “Tôi muốn sinh viên cảm thấy họ không chỉ có mỗi lựa chọn là cần nương vào bạn bè, cha mẹ hoặc người yêu của mình để tìm hỗ trợ,” Cô đồng thời cho biết thêm rằng các chuyên gia được đào tạo để hỗ trợ có thể không chỉ là cố vấn mà còn là các huấn luyện viên chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho sinh viên.

Cuộc khảo sát cũng cho biết mức độ tán thành của sinh viên với việc họ cần có ít nhất một người trong đời để trò chuyện khi căng thẳng hoặc lo lắng, với gần một nửa đồng ý mạnh mẽ và ba trong số 10 người khác đồng ý đôi chút.

Về câu hỏi liệu sinh viên có biết đến nơi nào trong trường để nhận được trợ giúp tâm lý không, số người phản hồi là “có” rất ít; một trong bốn người chia sẻ rằng họ không biết phải đi đâu. Và số liệu đó được thu thập trong quy mô nhiều cơ sở giáo dục lớn nhỏ, không chỉ giới hạn trong những cơ sở nhỏ với cơ sở vật chất hạn chế. Một người trả lời khảo sát đến từ một trường đại học lớn ở Tây Nam, nước Mỹ đã viết rằng anh ta không biết về bất kỳ nơi tư vấn hoặc hỗ trợ sức khỏe tâm lý nào trong khuôn viên trường của mình.

Trong số các sinh viên không biết đến dịch vụ trợ giúp tâm lý ở trường, nhiều người thuộc nhóm lạm dụng thuốc (39% phản hồi rằng họ không biết nương tựa vào đâu) hoặc đã có ý định tự sát (30% phản hồi như trên).

Với những người lạm dụng thuốc, Canfield lưu ý, thực sự có thể họ không biết vì họ không quan tâm đến việc phải dùng đến tham vấn tâm lý. Họ thường không nhận ra mình đang gặp vấn đề hoặc có thể lo sợ điều gì sẽ xảy ra nếu họ tiết lộ vấn đề. “Sự kỳ thị sâu sắc đến nỗi chúng ta cho rằng những người đang đấu tranh với ma túy là những người xấu. Những người đang cố gắng trở nên tốt đẹp hơn thì không phải là những người xấu – đây là những người bệnh đang cố gắng cải thiện mình,” Canfield nói. Cô đã phải tự cai nghiện từ năm 2005 – trải nghiệm này đã thôi thúc cô thành lập một cộng đồng cai nghiện tại trường đại học của mình.

Solomon tin rằng những người có ý định tự sát có thể ít khi biết phải nhờ ai giúp đỡ vì họ thường âm thầm đấu tranh và không ai hỏi họ có ổn không. Tại Michigan, cô là một phần trong nỗ lực đào tạo các nhà lãnh đạo sinh viên trong việc sử dụng biện pháp can thiệp sức khỏe tâm lý khẩn cấp cho những người đang gặp khủng hoảng, được gọi là Question, Persuade, Refer. Cô nói: “Chúng tôi thấy số người sử dụng các biện pháp này rất cao”, và nói thêm rằng cứ bốn người thì có một người được huấn luyện sử dụng các công cụ phân loại ít nhất một lần.

Solomon giải thích: “Sinh viên có thể khó tự mình tiếp cận và nhận được sự giúp đỡ”. Trên thực tế, cô ấy tin rằng “diễn ngôn chủ đạo” trong giới sinh viên ngày nay đó là cho xem việc tư vấn trong nhà trường là một quá trình chờ đợi dài và căng thẳng. Nhiều ý kiến về cuộc khảo sát của Student Voice ủng hộ giả định đó, cả với những trải nghiệm trực tiếp và gián tiếp nghe trong khuôn viên trường từ bạn bè. “Tôi đã ở trong danh sách chờ hơn một tháng, và tôi biết nhiều sinh viên khác cũng đang đợi,” một sinh viên tại một cơ sở tư nhân ở New York viết.

Các đồng nghiệp của Solomon, những người đã được đào tạo trong việc giúp các sinh viên khác, cũng có kiến thức về những cách trị liệu không qua tham vấn, chẳng hạn như những chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện hơn, hỗ trợ sức khỏe thể chất và trợ giúp học tập. Solomon nói: “Họ có thể cung cấp nhiều kiến thức về các nguồn sẵn có, cho phép họ trình bày ý tưởng về lựa chọn này.“ Nếu sinh viên có quyền lựa chọn, họ có thể định hướng cuộc hành trình của chính mình, và điều đó như thể là trao cho họ một ngọn đèn chỉ đường để tự bước tiếp.”

Leave a comment