“Đối thoại về những điều khác biệt”

Đăng bởi: Sara Weissman ngày: 03/06/2022 Nguồn:insidehighered.com

Biên dịch: Công Tịnh – Biên tập: Yên Du

Một tổ chức thúc đẩy đối thoại và sự hiểu biết giữa những người có quan điểm chính trị và tôn giáo khác nhau đang mở rộng quan hệ đối tác với Hillels để giải quyết căng thẳng giữa các sinh viên Do Thái về cuộc xung đột Israel-Palestine.

Elyza Veta, một sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học New York, đã rất hào hứng khi được tham gia một chuyến đi tập thể đến Israel vào năm 2020, khi cô học năm thứ hai đại học. Đó là chuyến đi được tài trợ bởi Birthright, một chương trình chuyên tổ chức cho các sinh viên Do Thái và giáo sư trẻ đến thăm Israel miễn phí với mục đích củng cố bản sắc Do Thái của họ cũng như mối quan hệ giữa họ với Israel.

Nhưng mọi chuyện lại có một khởi đầu khá trắc trở – các sinh viên bị cuốn vào những cuộc tranh luận nảy lửa về xung đột giữa người Israel và người Palestine.

Resetting the Table cử đại diện đến Hilles để làm việc với các sinh viên Do Thái đang trải qua xung đột vì khác biệt quan điểm chính trị và tôn giáo (Gili Getz)

“Cả chuyến đều mang một bầu không khí khá ảm đạm”, Veta chia sẻ. “Và mọi người đều chia thành những nhóm cùng quan điểm với nhau. Những người phản đối chủ nghĩa phục quốc Do Thái (bài Zion) thì thầm ở một góc và những ai ủng hộ thì túm tụm ở góc còn lại… Khi đó, cuộc đối thoại đã chia năm xẻ bảy và không ai còn bàn luận với tinh thần xây dựng.”

Veta và một người bạn khác trong chuyến đi đã quyết định phải làm gì đó. Trước đó, cả hai từng thực tập tại Resetting the Table, một tổ chức thường xuyên cử người đại diện đến Hillels, trung tâm cuộc sống người Do Thái trong trường đại học, để đồng hành cùng những sinh viên Do Thái gặp căng thẳng vì sự khác biệt trong quan điểm chính trị hay tôn giáo, hoặc để ngăn chặn sự căng thẳng có thể xảy ra. Veta và bạn của cô quyết định tổ chức một buổi hội thảo nhỏ theo hình thức “kể chuyện theo cặp” cho sinh viên trong chuyến đi. Buổi hội thảo được Resetting the Table đứng ra tổ chức để hướng dẫn những sinh viên Do Thái có niềm tin chính trị đa dạng các kỹ năng mà họ có thể dùng để thảo luận và đồng cảm với nhiều mặt khác nhau trong cuộc xung đột. Theo Veta, nhờ hoạt động đó nên bầu không khí của chuyến đi đã thay đổi.

“Ai cũng cảm thấy như thể vừa được dỡ bỏ một gánh nặng”, cô nói. “Tất cả chúng tôi đã có thể cùng nhau đi qua chương trình này, có thể hiểu hiểu được quan điểm của nhau và nói chung là đạt được một sự đồng tình nhất định … Chắc hẳn nhờ vậy nên khi kết thúc chuyến đi, mọi người có thể đồng cảm với những người mà họ từng không có cùng ý kiến.”

Khi căng thẳng giữa những nhóm sinh viên ủng hộ Zion và người Palestine lên cao tại các trường đại học trên khắp đất nước và nhiều cuộc biểu tình nổ ra trong khuôn viên trường, sinh viên Do Thái và người đi làm tham gia vào chương trình Hillel nói rằng sự chia rẽ sâu sắc cũng xuất hiện trong chính các nhóm sinh viên Do Thái, khiến nhiều người trong số họ cảm thấy bị mất kết nối và khó thực hiện những cuộc đối thoại mang tính xây dựng trong các trường đại học.

Resetting the Table đang giúp sinh viên Do Thái định hướng trên con đường chông gai này. Tổ chức được thành lập năm 2014 này cũng dạy các kỹ năng đối thoại cho các tổ chức tôn giáo và nhiều môi trường khác. Hội thảo khám phá những câu chuyện khác nhau của người Israel và Palestine của tổ chức này đặc biệt nổi tiếng. Theo Melissa Weintraub, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của tổ chức này, mục tiêu của các cuộc đối thoại không phải là xóa bỏ “sự khác biệt sâu sắc” giữa các sinh viên, mà là để chỉ ra rằng “mọi người đang lảng tránh lẫn nhau” và hoàn toàn có thể cảm thông hoặc hiểu được quan điểm của nhau nếu được tiếp xúc với nhau trong một bối cảnh phù hợp và được hỗ trợ bởi những công cụ đúng đắn.

Đào tạo những người đào tạo

Theo Weintraub, sinh viên không phải là đối tượng duy nhất cần được hướng dẫn trong hành trình giải quyết vấn đề gai góc này. Resetting the Table đã luôn làm việc với Hillel houses và Hilles International, và gần đây họ còn nỗ lực cộng tác với nhau nhiều hơn để thực hiện chương trình “Đào tạo những người đào tạo”, một khóa học kéo dài 6 tháng dành cho 12 nhân viên của Hillel học cách dẫn dắt các hội thảo đối thoại tại các trường đại học mà họ có hợp tác. Sắp tới, Weintraub cũng bắt đầu lên kế hoạch tổ chức những chương trình ngắn hơn, còn gọi là “trại huấn luyện” cho nhân viên Hillel trước khi họ có cơ hội theo học những chương trình dài hơn.

“Tất cả nhân viên của trường đại học đều cần có khả năng xử lý sự phân cực trong quan điểm chính trị và cần được xây dựng bộ kỹ năng cũng như những công cụ cần thiết bà lập luận.

Matthew Vogel, giám đốc điều hành của Đại học Verment Hillel, nói rằng ông từng rất vất cả trong việc tìm cách tương tác hiệu quả với  sinh viên về vấn đề xung đột Israel-Palestine. Ông cảm thấy sự xung đột này quá căng thẳng, đặc biệt trên khuôn viên trường nơi “phần lớn sinh viên đều có quan tâm đến các vấn đề công bằng xã hội”. Điều này có thể khiến một số sinh viên Do Thái tham gia hoạt động trong trường đại học cảm thấy cảnh giác khi thảo luận về Israel vì sợ bị bạn bè xa lánh. Cuối cùng, Matthew quyết định né tránh các vấn đề phức tạp này.

“Đôi lúc tôi thực sự cảm thấy không thể tìm được ngôn ngữ phù hợp để nói về Israel trong khuôn viên trường, đồng thời phải chạm tới được mọi sinh viên Do Thái đang muốn tham gia với Hillel trong quá trình đón nhận danh tính Do Thái của họ”, ông nói. “Vì vậy, thường thì tôi không nói gì nhiều, tôi giữ cho rất nhiều chương trình của chúng tôi chỉ hoạt động  trên mức độ bề mặt.”

Vogel, người hiện đang điều hành chương trình Resetting the Table với cả sinh viên và nhân viên trong trường, đánh giá cao cách mà các Workshop “thể hiện nhiều câu chuyện và để học sinh so sánh với góc nhìn riêng của họ và tự đưa ra các quyết định và mối quan hệ tới nhiều vấn đề phức tạp”.

Naomi Fainchtein, phó giám đốc của Đại học Mỹ Hillel người đã tham gia vào chương trình đào tạo nhân viên cho chương trình Hillel, nói rằng tại thời điểm đó cô bị thu hút tham gia chương trình  vì vấn đề chia rẽ tôn giáo và chính trị nói chung đang nổi bật trong trường cũng như trên toàn quốc. “Chúng ta sống trong thời ky phân cực sâu sắc, và khuôn viên Đại học thường sẽ là tuyến đầu của một vài cực này”, cô nói.

“Xây dựng hòa bình” trong và ngoài khuôn viên trường đại học

Theo Jenna Citron Schwab, giám đốc điều hành của Queens College Hillel, một hướng đi ngược lại với các cuộc đối thoại mang tính xây dựng là sinh viên im lặng và “tan chảy từ từ” khi nghe các ý kiến trái chiều về Israel trong lớp học, hoặc họ có thể “xù lông nhím” tại các bữa tối Shabbat rồi tạo ra các cuộc tranh luận nảy lửa về chính trị thay vì tham gia các cuộc đối thoại dù khó khăn nhưng có ý nghĩa. 

Khi tình huống này xảy ra, “việc mà họ không thể làm là thật sự nói về mối quan hệ của chính họ với Israel với tư cách là người Do Thái”, cô nói. Sau khi đã giới thiệu các khóa đào tạo đối thoại thông thường cho các sinh viên Do Thái vào khoảng mười năm trước, cô nhận ra rằng ngày càng nhiều học sinh “có công cụ để có thể tiếp nhận những điều khó nghe và chia sẻ câu chuyện của chính họ mà không cần phải trở nên dè chừng hay bảo vệ cho cái gì đó”.

Cô muốn sinh viên cảm thấy thoải mái tranh luận với nhau về Israel và những người bạn không phải người Do Thái, đặc biệt là trong các trường như Đại học Queens, nơi có nhiều sinh viên đa dạng về sắc tộc, dân tộc và tôn giáo. Cô không muốn sinh viên bỏ lỡ cơ hội được học tập trong môi trường đa dạng này.

“Có rất nhiều khác biệt trong khuôn viên trường đại học”, cô nói. Nhưng như vậy “không có nghĩa là bạn từng tiếp xúc với sự đa dạng đó. Đó chỉ là một nơi mang tính đa dạng. Khi họ đi qua các sinh viên khác trên giảng đường, những người có cách nói chuyện, cách cầu nguyện khác nhau, liệu họ có cảm thấy thoải mái và có công cụ để tiếp xúc một cách có ý nghĩa với những sinh viên đó hay không?”.

Weintraub tin rằng các buổi hội thảo của Resetting the Table có mục đích lớn hơn việc giảm căng thẳng trong cộng đồng Do Thái tại trường đại học, nó còn là một bước tiến đến “xây dựng hòa bình”.

“Nếu không nhờ vào việc tạo ra các kiểu tranh luận khác nhau hay tạo ra các cơ hội cho mọi người thúc đẩy và thách thức lẫn nhau thoát khỏi vỏ bọc và dỡ bỏ các bức tường xung quanh mình, chúng tôi không thể có được trí tuệ và sự sáng tạo mình cần cần để giải quyết các vấn đề này”, bà kết luận.

Leave a comment