Tương lai của hội thảo học thuật

Biên dịch: Nguyễn Kiều Phương Trinh – Biên tập: Yên Du

Nguồn: INSIDE HIGHER ED, ngày đăng: 13/9/2021

Khi qua đỉnh điểm của đại dịch, một vài hiệp hội học thuật đã dần chuyển sang hình thức gặp gỡ trực tuyến trong khi một số khác vẫn lên kế hoạch gặp gỡ trực tiếp trong vài tuần tới (2021). Các nhóm này đang nghĩ xem các cuộc họp thường niên sẽ trông như thế nào sau đại dịch, với những tác động với sự công bằng và khả năng tiếp cận. 

Cũng như các trường cao đẳng và đại học, các tổ chức học thuật khác cũng đang trông đợi một cách thức nào đó để tạo ra thứ tương tự như một năm học bình thường, nghĩa là tổ chức các buổi gặp mặt trực tiếp sau hơn một năm triển khai các chương trình tương tác trực tuyến hoặc thực tế ảo.

Biến thể Delta tất nhiên cũng làm lung lay những kế hoạch này và một số tổ chức phải chuyển sang trực tuyến thêm một lần nữa. 

Ví dụ như Hiệp hội Xã hội học Hoa Kỳ đã phải hủy hội thảo Chicago đã được lên lịch, sau khi “đã quá rõ khi khủng hoảng sức khỏe toàn cầu sẽ không được giải quyết trước các ngày họp của chúng ta và rất nhiều người trên thế giới sẽ phải đối diện với rủi ro sức khỏe mà có thể sẽ không vượt qua được”, Nancy Kidd, giám đốc điều hành của tổ chức cho hay. 

Thay vì gặp trực tiếp, Hiệp Hội Xã Hội học Hoa Kỳ giới thiệu và chào đón những nhà xã hội học đến với những hội thảo trực tuyến, bao gồm hàng trăm buổi khác nhau bao gồm các sự kiện xã hội, các trò chơi và các buổi triển lãm. Buổi hội thảo 2022 vẫn được lên lịch ở Los Angeles. 

Tuần trước, Hiệp hội các trường đại học công và đại học được cấp đất (viết tắt là APLU) đã quyết định hủy cuộc họp thường niên vốn được lên lịch ở Philadelphia vào tháng Mười Một. Họ sẽ chuyển sang hình thức họp trực tuyến. 

Jeff Lieberson, người phát ngôn của APLU cho hay, “Chúng tôi đã muốn tổ chức cuộc họp trực tiếp và đã có kế hoạch từ trước”. Nhưng sau khi trò chuyện với một số thành viên và xem xét qua tình trạng của đại dịch, bao gồm sự lây lan của biến thể Delta, tổ chức xác định rằng việc tổ chức cuộc gặp gỡ hằng năm trực tiếp là “điều phi thực tế. Sức khỏe và sự an toàn của tổ chức, nhân viên và thành viên của APLU luôn là ưu tiên hàng đầu”.

Các tổ chức khác đang cố gắng tổ chức các buổi họp trực tiếp vào năm nay, để theo mong muốn của các thành viên. Nhận thức được các rủi ro sức khỏe, các tổ chức cho biết họ đang làm theo những thông báo và hành động của chính quyền trung ương và địa phương. Nhìn chung thì điều này có nghĩa là chuẩn bị tinh thần hoặc yêu cầu những người tham gia phải tiêm vắc-xin và đeo khẩu trang. 

Những tổ chức này còn đưa ra các lựa chọn trực tuyến có chọn lọc cho đồng nghiệp, những người chọn ở nhà.

Phòng triển lãm tại cuộc họp năm 2019 của Hiệp hội Lịch sử Hoa Kỳ tại Chicago. (Hiệp hội Lịch sử Hoa Kỳ/ Marc Monaghan)

“Họ nhớ những lần khi gặp gỡ trực tiếp”

Buổi họp của Hiệp hội Khoa học Chính trị Hoa Kỳ (viết tắt là APSA) bắt đầu vào ngày 30 tháng Chín năm 2021 ở Seattle. Khoảng 2.500 học giả muốn đến tham dự và khoảng 2.500 người còn lại thì muốn tham gia trực tuyến. Những người muốn tham gia trực tuyến cần phải đưa giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin đầy đủ, đeo khẩu trang và lưu ý giãn cách xã hội.

Trước khi đại dịch xảy ra, tổ chức APSA ước tính khoảng 6.000 đến 7.000 nhà khoa học chính trị tham dự buổi họp hàng năm. Hội thảo đầu tiên của APSA đã được tổ chức vào năm 2020, gần như hoàn toàn trực tuyến và có tới khoảng 6.000 người tham dự. Tổ chức đã hài lòng với số lượng người tham gia đó. Nhưng vào năm 2021, họ quyết định tổ chức theo hình thức trực tiếp, thể theo nguyện vọng của đa số thành viên. 

“Đa số thành viên đều nói rằng họ nhớ những trải nghiệm gặp gỡ trực tiếp”, theo ông Steven Smith, giám đốc điều hành của APSA. “Và tôi nghĩ điều này đúng với sinh viên đã tốt nghiệp và những học giả trẻ, những người đang ở giai đoạn đầu trong sự nghiệp của mình, vì những lần gặp mặt trực tiếp và cơ hội để trình bày thành quả nghiên cứu đều thật quý giá đối với họ.”

Hiệp hội Nghiên cứu Hoa Kỳ sẽ tổ chức buổi họp hàng năm vào đầu tháng sau ở San Juan, Puerto Rico. Buổi hội thảo trực tiếp kéo dài bốn ngày và được tiếp nối ngay bởi một hội thảo trực tuyến. John Stephens, giám đốc điều hành của tổ chức, cho biết 60% thành viên nói rằng họ muốn tham gia trực tiếp khi làm khảo sát vào tháng Năm. 

Paula Krebs, giám đốc sáng tạo của Hiệp hội Ngôn ngữ Hiện đại (viết tắt là MLA), cho biết 52% thành viên đăng ký tham gia chương trình hội thảo sắp tới vào tháng Một ở Washington vẫn muốn tham gia trực tiếp.

“Chúng tôi rất bất ngờ vì hiện chúng ta đang ở đỉnh điểm của đại dịch – mà hạn chót của chúng ta là ngày 1/4”, Krebs cho hay. “Nhưng trong thời điểm đó, mọi người vẫn mong muốn gặp trực tiếp. Và chúng tôi vẫn rất vui vẻ thuận theo để họ được đáp ứng mong muốn đó.”

Tổ chức MLA đã thực hiện chương trình họp thường niên trực tuyến vào năm 2021, với khoảng 5.054 thành viên tham dự 766 buổi họp. Sự kiện đã diễn ra rất thành công và còn thu hút thêm nhiều người tham dự hơn là buổi họp trực tiếp lần trước được tổ chức ở Seattle vào đầu năm 2020. Nhưng Krebs cho biết nhiều thành viên chia sẻ về buổi họp trực tuyến vào năm 2021 như sau: “Tôi thu được nhiều thứ từ cuộc họp mặt trực tuyến này, tôi không có phàn nàn gì, mọi thứ đều ổn, nhưng, tôi rất nhớ việc được gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp với mọi người trong phòng hội thảo”.

Krebs nhận xét,“Mọi người thật sự rất mong đợi được họp mặt trực tiếp”.

Cũng vì lý do này, Hiệp hội Lịch sử Hoa Kỳ đang lên kế hoạch họp trực tiếp ở New Orleans vào tháng 1/2022. Hội thảo APSA sắp tới sẽ có nhiều thành phần diễn ra trực tuyến, nhưng Smith cho rằng, “Tôi nghĩ chúng ta đều mong đợi được quay lại họp mặt trong một không gian thực tế nơi mọi người có thể đến và tham dự buổi họp mặt một cách bình thường”.

Một mô hình kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến 

Tương tự với kế hoạch của những nhóm khác, những người tham gia APSA trực tiếp năm nay có thể tham gia các nhóm trực tuyến, nhưng những người tham gia trực tuyến sẽ không tham gia các buổi trực tiếp. 

Khi được khảo sát, phần lớn học giả nghiên cứu của Hoa Kỳ cho rằng họ muốn tham dự trực tuyến. Tuy nhiên, các tổ chức của họ thấy rằng việc phát sóng trực tiếp buổi hội thảo cho các khán giả theo dõi ở nhà là vô cùng tốn kém về mặt chi phí, do đó mới có hình thức phát sóng lần lượt. 

Theo đa số các tổ chức, chi phí đắt đỏ của công nghệ phát sóng trực tiếp hàng trăm phiên hội thảo từ một trang hội thảo trực tuyến chính là rào cản lớn nhất đối với việc thực hiện mô hình hội thảo kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, ở hiện tại và cả trong tương lai. 

Có 12% các phiên hội thảo trong chương trình MLA vào tháng Một được lên kế hoạch thực hiện trực tuyến, dựa trên sự lựa chọn của người điều hành chương trình. Những thành viên tham dự trực tuyến có thể điều chỉnh các buổi họp cùng những tùy chọn khác cho phù hợp với nhu cầu của họ. Về các sự kiện trực tiếp, những lựa chọn phát sóng sẽ bị hạn chế. 

Krebs của tổ chức MLA cho hay: “Tất nhiên chúng tôi biết cách tổ chức hội thảo trực tiếp. Chúng tôi đã làm việc này từ rất lâu và làm rất tốt. Vấn đề ở đây là cố gắng kết hợp cả hai hình thức, trong đó chi phí là vấn đề lớn nhất. Nếu bạn muốn thực hiện buổi hội thảo theo cả trực tuyến và trực tiếp cùng một lúc, chi phí cho công nghệ nghe-nhìn (AV) sẽ khiến cho việc tổ chức hội thảo vượt ngân sách. 

Khâu hậu cần và vận chuyển cũng là một vấn đề, đặc biệt là khi các tổ chức học thuật thường có số lượng nhân viên khá ít. 

Grossman của tổ chức AHA, cũng cho rằng tổ chức hội thảo kết hợp cũng giống như tổ chức hai buổi họp, một bên là trực tiếp và một bên là trực tuyến cùng một lúc.  Ông chia sẻ: “Chúng tôi không đủ nhân viên để làm cả hai việc như vậy”.

Trong khi hội thảo theo mô hình kết hợp hoàn toàn không phải là hướng đi trong tương lai, hầu hết các nhóm đều cam kết phát triển hội thảo trực tuyến trong năm tới. Một số trường đã yêu cầu việc này từ rất lâu, và một số hội thảo trực tuyến được chứng minh là dễ tiếp cận hơn cho nhiều nhà nghiên cứu từ tháng Ba năm 2020.

Sau đại dịch

Khảo sát được thực hiện trên 172 giáo sư trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và toán từ Mỹ, Canada và nhiều nơi khác cho thấy những người tham gia khảo sát đã tham dự khoảng ba đến bốn hội thảo từ tháng Ba năm 2020. Gần như toàn bộ là tham gia trực tuyến. Khoảng một nửa những người tham gia cho rằng họ cảm thấy an toàn khi tham gia các hội thảo khoa học trực tiếp, khoảng 23% học giả của Mỹ cho biết họ cảm thấy không an toàn. Những người tham gia lớn tuổi hơn thường cảm thấy kém an toàn hơn những người trẻ tuổi. Khảo sát này được thực hiện vào khoảng giữa tháng Sáu và giữa tháng Bảy, sau khi biến thể Delta xuất hiện nhưng trước khi nó lan mạnh ở Mỹ. 

Được hỏi các hội thảo khoa học hay các hội thảo nghề nghiệp khác sẽ thay đổi hay không sau đại dịch, có nhiều câu trả lời bày tỏ sự ủng hộ đối với mô hình hội thảo trực tuyến và mong hình thức hội thảo kết hợp sẽ trở nên quen thuộc. Các học giả cho rằng hội thảo trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và mang lại nhiều tiện lợi. Tuy nhiên, không có nhiều người mong muốn hình thức trực tuyến hoàn toàn thay thế, hoặc thay thế phần lớn, hình thức họp mặt trực tiếp. Khi được hỏi về những khía cạnh nào của hội thảo trực tuyến nên được duy trì sau đại dịch, các học giả đề cập đến việc có thể tham khảo các phiên hội thảo được ghi hình hoặc thậm chí là được ghi hình trước.

Khi được hỏi về công nghệ, nhiều học giả cho rằng họ chào đón sự linh hoạt và chi phí thấp hơn khi tham gia trải nghiệm trực tuyến, nhưng đồng thời cũng nhớ các trải nghiệm cá nhân. 

Trong năm 2022, 45% những người tham gia cho biết họ muốn được tham dự số lượng hội thảo tương tự như trước khi xảy ra đại dịch. Khoảng 28% kỳ vọng tham gia ít hội thảo trực tiếp hơn, và 22% thì ngược lại. 

Các cơ hội mới cho việc tham gia

Theo các chuyên gia, mô hình hội thảo cũng như dạy học trực tuyến đã giúp họ nhận ra nhiều bài học về việc tăng tính đa dạng, mở rộng khả năng tiếp cận và tính bao quát. Và họ sẽ tiếp tục áp dụng những bài học này cho những năm sắp tới, với sự tập trung vào việc mở rộng phạm vi tiếp cận cho nhiều đối tượng hơn nữa và giảm tác động đến môi trường. 

Matt Dowel, phó giáo sư tiếng Anh của Đại học Towson, người đang mắc bệnh mãn tính, cho rằng đối với các tổ chức nghề nghiệp, hình thức hội thảo trực tuyến đã giúp mở rộng khả năng tiếp cận so với hình thức truyền thống. Cũng theo ông, đại dịch đã tạo ra nhiều sự thay đổi lớn trên diện rộng, và việc quay lại với hình thức hội thảo trực tiếp chỉ vì thói quen hoặc sự ưa thích sẽ làm mất cơ hội có được nhiều thành viên và nhiều người tham gia hội thảo hơn.

Amir Haji-Akbari, phó giáo sư ngành kỹ thuật hóa học và môi trường của Đại học Yale, người hiện đang thực hiện các buổi trò chuyện trực tuyến quanh năm về nhiệt động lực học dữ liệu và động lực học phân tử, cho rằng “sự tham gia trực tiếp vẫn có lợi thế của nó, vì nếu không như vậy, mọi người thường dễ mất tập trung và giảm hứng thú”.

Tuy nhiên, Haji-Akbari, một người khiếm thị, cho rằng ông nhận được lợi ích khi tham gia hội thảo trực tuyến suốt 18 tháng qua, đặc biệt là vì có cơ hội xem các bài giảng và buổi trò chuyện qua màn hình riêng của mình.

Ông chia sẻ: “Tôi mong rằng các tổ chức xã hội khoa học và nghề nghiệp vẫn giữ dịch vụ phát sóng này cho những người như tôi”, nếu không trực tuyến thì trực tiếp, bằng cách chia sẻ màn hình của máy chiếu đến máy tính bảng cá nhân của người tham gia.

Leave a comment