Sát hạch chuẩn hóa: Sự phân biệt chủng tộc và sự phân hóa có hệ thống của nền giáo dục quốc tế

Nguồn: Roostergnn global news network, ngày đăng: 16/5/2019

Tác giả: Maxine Magtoto 

Biên dịch: Uyên Thanh – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

Từ một khái niệm ra đời vào năm 1962, vượt qua Bài kiểm tra năng lực tiếng Anh (Test of English as a Foreign Language) hay còn gọi tắt là TOEFL, đã trở thành quy trình chuẩn đối với các cá nhân muốn theo đuổi giáo dục đại học ở các nước nói tiếng Anh. Nhưng chính xác thì việc này hướng đến điều gì? Trái với những gì mà mọi người thường nghĩ, kết quả của việc này (thực hiện bài kiểm tra ngôn ngữ – ND) không phải là vì trình độ tiếng Anh mà là sự phù hợp với chủ nghĩa tinh hoa (elitism). 

Về mặt cấu trúc, TOEFL là một bài kiểm tra được chia thành bốn phần: đọc, nghe, viết và nói. Trong đó, hai kỹ năng Đọc và Nghe được thiết kế dưới dạng trắc nghiệm và được đánh giá bằng máy. Hai kỹ năng Viết và Nói dựa trên các gợi ý cho trước và được đánh giá dựa trên một bảng tiêu chí chấm điểm (rubric). Những bài kiểm tra này đo lường các kỹ năng mà một người có được nhờ vào việc được đến trường, vậy nên, chúng là minh chứng rõ ràng cho thấy những sự khác biệt được hình thành bởi sự phân biệt đối xử trong giáo dục. Sát hạch chuẩn hóa chủ yếu tự quảng bá mình là kết quả của một hệ thống trông có vẻ khách quan và hoàn toàn dựa trên năng lực (meritocratic) và chúng được thiết kế nhằm vinh danh những cá nhân chịu cố gắng nỗ lực; tuy nhiên, đây không phải là điều mà chúng ta muốn nhắc đến.

Các thành tích cao đến từ việc thực hiện tốt các kỹ năng làm bài, nhằm đáp ứng tiêu chí cụ thể của một bài thi nhất định, chứ không thực sự đến từ năng lực học tập thực tế của người học. Thật không may, công cụ để đạt được những kỹ năng này lại thiên về những người được sinh ra trong hệ thống giáo dục ở các quốc gia có ngôn ngữ bản địa là tiếng Anh. Trớ trêu thay, đây cũng chính là những quốc gia yêu cầu ứng viên quốc tế phải vượt qua thước đo định lượng về khả năng tiếng Anh để được xem xét việc nhập học. 

TOEFL chỉ là một trong nhiều cơ chế góp phần tạo nên ngành công nghiệp của các kỳ thi chuẩn hóa trị giá hàng tỷ đô la. Các công ty khảo thí, trước nhất, là các tập đoàn vì lợi nhuận. Một bài thi TOEFL có giá hơn $200 USD với hiệu lực điểm số kéo dài hai năm. Tuy nhiên, sản phẩm mà các công ty cung cấp không chỉ dừng lại ở một bài kiểm tra mà còn là các chương trình hỗ trợ năng lực sau đó với mục tiêu giúp người học có thể hoàn thành bài thi tốt hơn. Thêm vào đó, cũng hãy nhớ rằng sinh viên quốc tế không chỉ phải thực hiện bài thi TOEFL mà bên cạnh đó, còn là các bài kiểm tra bắt buộc khác, chẳng hạn như SAT và ACT. Các công ty khảo thí lợi dụng sự tuyệt vọng của ứng viên quốc tế để kiếm tiền.

Điểm SAT theo Thu nhập Gia đình | The Washington Post 

Chỉ cần xem xét tổng thể kết quả các bài thi chuẩn hóa là có thể thấy cách các bài kiểm tra này đóng vai trò như thế nào đối với sự bất bình đẳng. Theo một nghiên cứu năm 2014 của The Washington Post, học sinh của các gia đình có thu nhập cao hơn đã được chứng minh là có thứ hạng cao hơn các bạn cùng lứa khoảng 200 điểm trong phần đọc và viết của SAT. Đây là một xu hướng lặp đi lặp lại suốt nhiều năm qua. Đáng ngờ là, College Board đã không công bố điểm SAT theo thống kê thu nhập cho năm 2017 và 2018, ám chỉ rằng họ có thể đang cố gắng lấp liếm thông tin này. Điều này chỉ chứng minh rằng các bài kiểm tra chuẩn hóa không chỉ ưu tiên những người có địa vị kinh tế xã hội cao, mà còn tạo điều kiện cho những người có đặc quyền được sinh ra ở các nước này có thể có con đường vào đại học dễ dàng hơn.

Một số người có thể cho rằng sinh viên quốc tế tự biến mình thành nạn nhân và họ có thể tránh khỏi rắc rối này bằng cách tận dụng các cơ hội sẵn có tại quốc gia hay địa phương của mình. Tuy nhiên, lập luận này chỉ né tránh vấn đề chứ không chạm đến vấn đề cơ bản của chủ nghĩa tinh hoa. Một số lượng rất lớn các cơ hội đang sẵn có ở thế giới phương Tây không thể dễ dàng bị loại bỏ. Ví dụ, các trường đại học của Mỹ nổi tiếng là tốt nhất trên toàn thế giới. Với cơ sở vật chất hàng đầu, giảng viên chất lượng cao và sự linh hoạt trong chương trình giảng dạy, được vào học tại các cơ sở giáo dục này thể hiện sự thành công của một cá nhân. Nhờ đó, các trường này thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng với quy mô toàn cầu, từ vô số nền văn hóa. Hoa Kỳ có số lượng sinh viên quốc tế theo học các chương trình đại học lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào, với khoảng 1,1 triệu sinh viên. Tuy nhiên, sinh viên quốc tế chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng số sinh viên này. Bốn quốc gia khác có các trường đại học yêu cầu bằng chứng về trình độ tiếng Anh – Úc, Ireland, Vương quốc Anh và New Zealand – có cùng quan điểm cao về vấn đề này.

Điều này làm cho khía cạnh đánh giá năng lực học thuật của những bài kiểm tra này trở nên nực cười – những yếu tố cần được chuẩn bị kỹ lưỡng lại là những yếu tố được trang bị sơ sài nhất. Thực tế, việc yêu cầu phải có kết quả kiểm tra chuẩn hóa cho đầu vào chỉ cho thấy sự liên quan đối với quá khứ phân biệt chủng tộc.

Các bài kiểm tra tiêu chuẩn đầu tiên được tạo nên bởi những người bài ngoại (xenophobes). Lewis Terman, một nhà tâm lý học người Mỹ, là một trong những nhân vật quan trọng trong việc phát triển các bài kiểm tra chuẩn hóa. Terman lấy cảm hứng từ bài kiểm tra Chỉ số thông minh (IQ) của Alfred Binet (người đã tạo nên bài kiểm tra Stanford-Binet IQ vào năm 1916) và thay đổi nó để phù hợp với các giao thức của Mỹ. Đây là thời điểm mà phong trào thuyết ưu sinh đang phát triển mạnh mẽ ở Mỹ, Terman là một trong nhiều chuyên gia theo quan điểm rằng chỉ số IQ liên quan đến di truyền hơn là địa vị xã hội. Thật khó để phân tách rõ ràng lịch sử mơ hồ của các bài kiểm tra này khi các khía cạnh như phân chia giai cấp, phân biệt và di truyền vẫn còn là các yếu tố liên quan.

Để làm rõ hơn vấn đề này, đây là những gì mà bộ phận tuyển sinh của Đại học Chicago nêu ra về điều kiện tuyển sinh, trong đó bao gồm các yêu cầu về trình độ tiếng Anh đối với các ứng viên quốc tế  Bài viết đề cập đến quy chế tuyển sinh của trường tại thời điểm hiện hành 2019. Hiện nay, yêu cầu đầu vào này đã được thay đổi – ND).

Sinh viên là công dân của các nước sau đây hoặc đã học tiếng Anh ở các quốc gia này (ví dụ: Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Hồng Kông, Singapore, v.v.) không được miễn yêu cầu về tiếng Anh.

Các trường đại học đang cố gắng lập nên danh sách các quốc gia được chứng minh là có trình độ tiếng Anh tương đối cao – thật tình cờ, tất cả các nước này đều là thuộc địa trước đây của các nước có tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ.  Nhân tính của những chủ thể nước ngoài khác (ngoài các nước nói tiếng Anh và thuộc địa của họ – ND) đã vì điều này mà đã bị giới hạn bởi: thứ nhất, khái quát hóa dựa trên chủng tộc; và thứ hai, các thống kê mang tính chất định lượng hầu như không nói lên điều gì về kiến ​​thức của họ. Trong trường hợp này, trình độ tiếng Anh không được xác định bởi chính các cá nhân, mà bởi quốc tịch của họ. Họ (bài kiểm tra và hệ thống đứng sau – ND) thậm chí còn hạ thấp các quốc gia mà họ cho rằng trước đây đã từng nằm dưới quyền thống trị của mình. Tiêu chuẩn tiếng Anh của phương Tây là một phương tiện để kiểm soát các quốc gia này và giữ mọi thứ vào trật tự. Các quốc gia này phải được nhắc nhở rằng mình nhỏ bé hơn; rằng hệ thống giáo dục không những không thể so sánh được, mà họ còn không đủ chất lượng và họ còn phải cố gắng chứng tỏ mình, bất kể hệ thống giáo dục là gì hay tiếng Anh có phải là ngôn ngữ giảng dạy ở trường hay không.

Điều này đã củng cố tâm lý thực dân vốn không coi trọng nền giáo dục nước ngoài trong quá khứ, duy trì niềm tin rằng các cường quốc phương Tây có cơ sở khi áp đặt người nước ngoài phải theo tiêu chuẩn tiếng Anh của mình – tương tự như  khái niệm “Cảm tình thuộc địa Kipling-esque” (Kipling-esque colonial sentiments) được xây dựng bởi các cường quốc đế quốc nhằm chiếm các vùng đất ngoại quốc vì một ưu thế vốn có.

Điểm mấu chốt là nếu trình độ tiếng Anh là quan trọng đối với các trường đại học này thì họ chắc chắn sẽ yêu cầu tất cả các ứng viên, bất kể quốc tịch gì, đáp ứng tiêu chí này. Nhưng đây không phải là vấn đề mà chúng ta cần bàn luận đến. Bất chấp các giá trị mà những trường đại học này theo đuổi, kỳ thi TOEFL không coi trọng sự đa dạng – nó chỉ làm rõ nét hơn tư duy phân biệt chủng tộc có hệ thống vốn đang gây sức ép lên những người ở các quốc gia không dùng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ, trong các nỗ lực để trở thành một phần của hệ thống giáo dục đại học như những người bạn bản xứ của mình.  

Sẽ không quá khi nói rằng vấn đề của TOEFL không phải về khía cạnh giáo dục. Thật ra, nó liên quan đến vấn đề nhập cư, cư trú và vị thế được khẳng định bởi đặc quyền của những người vốn chưa bao giờ phải chịu đựng hệ quả của những điều này. TOEFL không dành cho tất cả mọi người. Nó là một công cụ phân chia. 

Sát hạch chuẩn hóa đã tạo ra một hệ thống phân cấp nghịch lý, một hệ thống mà ngay cả những người có điểm số quốc tế cao nhất cũng phải tuân theo các tiêu chuẩn của quyền chủ trì tối cao – những kẻ thực dân trước đây. Với cách mà mọi thứ đang tồn tại, TOEFL – và các bài kiểm tra tiêu chuẩn tương tự – chỉ duy trì tư tưởng phân biệt chủng tộc của những người ủng hộ cho thực dân mà thôi. 

Leave a comment