“Gây khó chịu” vẫn là hành vi hợp pháp

Nguồn: InsidehigheredĐăng ngày: 05/3/2022

Tác giả: Peter Minowitz

Biên dịch: Lê Đàm Bảo Hân – Biên tập: Lê Nguyễn Duy Hậu

Nhiều nhà báo và học giả thường hiểu sai về các đạo luật chống lại học thuyết chủng tộc phê phán (critical race theory – CRT), khi ngụ ý rằng những bài giảng gây khó chịu là bất hợp pháp. Đó là quan điểm của Peter Minowitz.

Các nhà giáo dục ở những bang đang áp dụng luật chống lại CRT đang lo lắng rằng, họ sẽ trở thành tội phạm khi giảng dạy về phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, nỗi lo sợ đó hẳn sẽ giảm bớt nếu họ tự mình đọc lại các văn bản luật thay vì dựa vào những diễn giải thiếu sót vẫn tiếp tục xuất hiện từ những đỉnh cao của báo chí Mỹ. Thậm chí, nhiều sai sót này lại được truyền bá bởi các học giả nổi tiếng như Jonathan Zimmerman, Kimberlé Crenshaw và Patricia Williams.

Như Zimmerman phản ánh tại The Hill, một trường cao đẳng cộng đồng ở Oklahoma đã hủy khóa học mùa hè năm 2021 về chủng tộc và sắc tộc, “vì lo sợ rằng khóa học đó có thể vi phạm biện pháp mới của tiểu bang cấm việc giảng dạy gây khó chịu”. Tuy nhiên, đạo luật ở Oklahoma không định nghĩa thế nào là “gây khó chịu”. Thay vào đó, đạo luật nghiêm cấm những bài giảng khiến ai đó “có thể cảm thấy khó chịu, tội lỗi, đau khổ hoặc bất kỳ hình thức dằn vặt tâm lý nào khác gây ra do bản thân chủng tộc hoặc giới tính của họ.”

Nghệ sĩ Celos vẽ một bức tranh tường ở Downtown Los Angeles vào ngày 30 tháng 5 năm 2020 để phản đối cái chết của George Floyd (Photo by Apu GOMES / AFP)

Tìm hiểu về sự khủng khiếp của chế độ nô lệ, những vụ thảm sát, lối hành hình lynching người da đen, về Con đường Nước mắt và những tội ác tương tự chắc chắn sẽ mang lại cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, điều mà luật bang Oklahoma nghiêm cấm thì chỉ là các hành vi cố chấp lỗi thời: đó là việc dạy ai đó rằng họ “nên” cảm thấy “dằn vặt tâm lý” vì chủng tộc hoặc giới tính của mình. Trên điểm tin của Washington Monthly vào tháng Ba, Zimmerman cũng bóp méo luật tự do cá nhân của Florida (còn được gọi là “Đạo luật Stop Woke”) khi ông khẳng định rằng luật này cấm “những bài giảng khiến học sinh cảm thấy “khó chịu” trước các sự kiện lịch sử do những người thuộc chủng tộc của họ thực hiện”. Trong một bài báo trên tờ New Republic vào tháng Tư, một biên tập viên xã luận của New York Times kết luận rằng luật này “chắc chắn” sẽ cấm giảng dạy về chế độ nô lệ và nhiều tệ nạn khác. Nhưng một lần nữa, trái ngược với những nhận định đó, luật chính thức được phê chuẩn của bang Florida lại quy định hoàn toàn khác. Theo đó, nó cấm giáo viên giảng dạy rằng một cá nhân “phải cảm thấy… dằn vặt tâm lý vì những hành động mà người đó không đóng vai trò gì, do các thành viên khác từ cùng chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia, hoặc giới tính với người học phạm phải trong quá khứ.”

Tôi không gạn tìm những trường hợp diễn giải sai lầm như vậy. Nhưng tôi thường xuyên tình cờ gặp chúng, đặc biệt là trên tờ The Washington Post, bắt đầu với một bài báo xã luận vào tháng 7 năm 2021 của Kimberlé Crenshaw. Theo Crenshaw cho rằng, đạo luật mới ở Texas sẽ cấm giáo viên khai thác về lịch sử chế độ nô lệ của tiểu bang “nếu bất kỳ học sinh nào ‘cảm thấy khó chịu, tội lỗi, [hoặc] đau khổ… vì lý do chủng tộc hoặc giới tính của cá nhân đó.’” Tuy nhiên, như đã trích dẫn ở trên về luật ở Oklahoma, đạo luật bang Texas chỉ cấm việc giảng dạy rằng “một cá nhân nên cảm thấy phiền muộn, tội lỗi, đau khổ hoặc bất kỳ hình thức dằn vặt tâm lý nào khác do chủng tộc hoặc giới tính của cá nhân đó” (xem Phần 4.B.vii tại đây). Crenshaw, thay vào đó tập trung vào những tác động tâm lý không thể đoán trước mà “bất kỳ học sinh nào” cũng có thể trải qua. Việc này đã làm phóng đại đáng kể phạm vi của các điều cấm của đạo luật. Tương tự, Patricia Williams, viết trên The Nation, cho rằng “gần như tất cả các dự thảo” của luật chống CRT đều cấm bất kỳ hành vi giảng dạy có thể khiến “bất kỳ cá nhân nào cảm thấy khó chịu”, v.v., vì chủng tộc hoặc giới tính của họ.

Hơn 30 bang đã đề xuất hoặc ban hành một đạo luật tương tự thường dựa trên một khuôn mẫu chung là với Sắc lệnh hành pháp 13950 của cựu tổng thống Trump (ban hành vào tháng 9 năm 2020 nhưng ngay lập tức bị chính quyền Biden hủy bỏ). Sắc lệnh đó đã cấm các cơ quan liên bang và các nhà thầu của chính quyền liên bang không được phép “tuyên truyền chín “quan niệm niệm gây chia rẽ” liên quan đến “khuôn mẫu cá nhân” hoặc “bêu đầu chịu tội” dựa trên chủng tộc hoặc giới tính. Hiển nhiên là một trong chín quan niệm bị cấm chính là quan điểm rằng “một cá nhân nên thấy khó chịu, tội lỗi, đau khổ hoặc gánh chịu bất kỳ hình thức dằn vặt tâm lý nào khác vì lý do chủng tộc hoặc giới tính của họ”. Cách diễn đạt phổ biến này thường xuyên bị bóp méo thông qua những lời chỉ trích gay gắt tập trung vào cảm giác mà những bài giảng có thể gây ra. Thời báo New York đã đóng góp ba bài luận phản ánh sự méo mó này, bắt đầu từ tháng 7: hai bài (tại đâyđây) đã hiểu sai luật của Tennessee, trong khi một bài đã hiểu sai về luật của Florida. Vào ngày 22 tháng 3, tám tháng sau sai sót ban đầu, Times đã đưa ra đính chính đầu tiên trong số ba bản sửa chữa của mình.

Quá trình sửa đổi dự luật Florida, được Thống đốc Ron DeSantis phê chuẩn vào ngày 22 tháng 4, đã góp phần gây ra sự nhầm lẫn. Một dự thảo trước đó của luật này đã làm rõ thêm sắc lệnh nói trên của Trump về “các nguyên tắc tự do cá nhân” chi phối việc giảng dạy, rằng: “Một người không nên bị khiến cho cảm thấy khó chịu, tội lỗi, đau khổ hoặc bất kỳ hình thức đau khổ tâm lý nào khác vì lý do chủng tộc của anh ấy hoặc cô ấy” (xem dòng 453–55 và 469–71 trong dự luật ngày 11 tháng 1 tại đây). May mắn thay, dự thảo cuối cùng không quy định về hệ quả cảm xúc mà một người sẽ cảm thấy từ các bài giảng. Tất nhiên, ngay cả khi các đạo luật mới của tiểu bang không áp dụng thì rất nhiều giáo sư — ví dụ: Jason Kilborn, Greg Patton, Ilya Shapiro, Sandra Sellers và David Batson —  cũng đã bị sa thải hoặc đình chỉ giảng dạy chỉ vì gây ra khó chịu cho sinh viên người Mỹ gốc Phi.

Tôi cũng sẽ lên án một chính sách cấm giảng dạy về phân biệt chủng tộc vì lý do việc giảng dạy đó có thể gây khó chịu. Hơn nữa, tôi cũng có sự bảo lưu rất nghiêm túc về mọi luật chống CRT. Giống như những nhà phê bình được trích dẫn ở trên — và những người khác mà số tạp chí này đã tham vấn — tôi lo lắng về việc các đạo luật chống CRT có thể đẻ ra thêm những vụ kiện phù phiếm, cũng như việc các đạo luật này sẽ khiến việc tìm tòi học thuật trở nên dè dặt hơn. Thậm chí, nhiều đạo luật dường như cấm giáo viên cho học sinh tiếp xúc với các “quan niệm” bị cấm đoán, ví dụ như quan điểm rằng các cá nhân “không thể và không nên cố gắng đối xử với người khác mà không xét đến các yếu tố chủng tộc hoặc giới tính”. Đây là quan niệm thứ năm — và là quan niệm khó hiểu nhất — trong các “quan niệm gây chia rẽ” được nêu ra tại sắc lệnh hành pháp của Trump. Tuy nhiên, phần 10b của sắc lệnh này cũng đã khuyến khích các mục đích giáo dục: “Không điều gì trong sắc lệnh này có thể được diễn giải nhầm cấm thảo luận, như một phần của khóa học lớn về giảng dạy học thuật, về các quan niệm gây chia rẽ… một cách khách quan và không thiên vị.” Luật Florida cũng quy định một điều tương tự.

Đã có ít nhất một minh chứng thực tiễn cho những diễn giải từ Zimmerman và cộng sự về hành vi “gây nên phiền muộn”. Vào cuối tháng 10, Matt Krause, một nghị viên tiểu bang Texas (và một đảng viên Đảng Cộng hòa), đã gửi một bức thư điều tra đến Cơ quan Giáo dục Texas về các thư viện trường học. Bức thư không chỉ lên án khoảng 850 cuốn sách có khả năng gây tranh cãi, của các tác giả bao gồm Henry Louis Gates Jr., Margaret Atwood, Claudia Rankine, Ta-Nehisi Coates, Ibram X. Kendi, Isabel Wilkerson, Anna Quindlen, William Styron, Tổ chức Ân xá Quốc tế và Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar. Bức thư cũng chất vấn việc liệu các thư viện có chứa “bất kỳ sách hoặc nội dung nào khác” mà “có thể khiến học sinh cảm thấy khó chịu, tội lỗi, đau khổ hoặc bất kỳ hình thức tâm lý nào khác vì chủng tộc hoặc giới tính của họ hay không.” Từ “có thể” ở đây thật đáng lo ngại.

Theo bài phê bình mổ xẻ trên chuyên mục “GOP – Fox News echo chamber” đầy say mê của Dana Milbank vào ngày 11 tháng 3, thì đảng Dân chủ “không có một Fox News, để nhai đi nhai lại sự tuyên truyền mỳ ăn liền với hàng vạn “phóng sự” suốt cả ngày.” Tuy nhiên, liên quan đến các luật tiểu bang được thảo luận ở trên, thì The Washington Post và các tờ báo có uy tín khác lại thường xuyên ủng hộ các quan điểm thảo luận của đảng Dân chủ. Quả thật, ngôn ngữ trong các văn bản pháp luật có thể khó xác định, nhiều văn bản mang đến ấn tượng lo lắng ban đầu, cũng như các dự thảo cập nhật không dễ để theo dõi. 

Những diễn giải sai lầm hiện nay đang làm trầm trọng thêm sự phân cực qua việc ác quỷ hóa những đảng viên Cộng hòa — cũng tương tự như qua việc làm mất uy tín các “phương tiện truyền thông chính thống”. Và mặc dù Zimmerman lập luận rằng “mối đe dọa lớn nhất đối với quyền tự do ngôn luận hiện nay” đến từ các cơ quan lập pháp tiểu bang của đảng Cộng hòa, thì ông ấy cùng nhiều đảng viên Cộng hòa (và cả đảng viên Dân chủ như tôi) cũng lấy làm tiếc rằng các trường đại học Mỹ đang không “cởi mở với các lời nói bất đồng quan điểm hoặc gây xúc phạm”. Ngay cả Aristotle cũng thừa nhận rằng “việc học đi kèm với đau đớn”.

Trong khi các giáo viên nên được khuyến khích làm sáng tỏ sự khủng khiếp của phân biệt chủng tộc, thì những học giả uyên thâm không nên được bật đèn xanh để bóp méo các vấn đề nóng. Nếu những học giả không hết lòng vì sự chân thật và chính xác thì chúng ta có thể mong đợi gì từ các nhà báo và chính trị gia? Cuối cùng, sẽ là bi kịch nếu các sai sót do truyền thông gây ra lại thúc đẩy các nhà giáo dục hủy bỏ các khóa học có giá trị, hoặc tẩy trắng cho sự phân biệt chủng tộc trong xã hội Mỹ cũng như lịch sử đáng xấu hổ của nó.

Leave a comment