Điều gì khiến giáo dục Phần Lan đứng top 1 thế giới? 10 lý do sau sẽ trả lời

Nguồn: World Economic Forum, ngày đăng: 10/09/2018

Tác giả: Mike Colagrossi

Biên dịch: Hồng Nhung Phạm – Biên tập: Phạm Thủy Tiên

Hết lần này đến lần khác, học sinh Mỹ liên tục xếp ở vị trí trung bình hoặc thấp nhất trong số các nước công nghiệp phát triển khi so về thành tích trong môn toán và khoa học. Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) kết hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố dữ liệu theo định kỳ cho thấy, người Mỹ đang tụt hậu nghiêm trọng xét theo một số đánh giá về thành tích giáo dục.

Bất chấp những lời kêu gọi cải cách và hàng loạt kết quả mờ nhạt trên quy mô quốc tế, hệ thống giáo dục nước này vẫn không mấy thay đổi. Nhiều trường công lập và tư thục vẫn vận hành theo cùng một hệ thống và lịch trình cổ lỗ dù chúng từng hiệu quả trong thời xã hội nông nghiệp. Việc cơ giới hóa và những phương pháp dây chuyền lắp ráp cứng nhắc mà chúng ta sử dụng hiện nay đang thải ra những công nhân nhân bản thiếu sự chuẩn bị để gia nhập thị trường lao động, những người trưởng thành mất định hướng và một bộ phận dân chúng thiếu hiểu biết.. 

Không có giáo lý nào đủ để thay đổi những gì chúng ta đã biết. Hệ thống giáo dục Mỹ cần được đổi mới hoàn toàn – từ lớp Một cho đến bậc Tiến sĩ. Sẽ cần rất nhiều sự đầu tư hơn là một dự án thiện chí nào đó do người nổi tiếng thực hiện.

Nhiều người đã quen với khuôn mẫu về một lối học chăm chỉ, thuộc lòng với tầm nhìn hình ống hạn hẹp gói gọn trong đạo đức học tập và làm việc của người Đông Á. Nhiều quốc gia trong số này – như Trung Quốc, Singapore và Nhật Bản – thường xếp ở vị trí số một cả về toán học lẫn khoa học. 

Một số chuyên gia chỉ ra rằng mô hình vắt kiệt sức não này là thứ mà người Mỹ nên khao khát noi theo. Làm việc nhiều hơn! Học chăm chỉ hơn! Và sống ít lại. Các số liệu và thông tin không nói dối – những quốc gia này đang vượt qua Mỹ, nhưng có thể vẫn có cách tốt hơn và lành mạnh hơn để cải thiện tình hình này cho Mỹ.

Câu trả lời nằm ở Phần Lan – một quốc gia giàu cải cách về giáo dục và trí tuệ đã khởi xướng nhiều thay đổi đơn giản và mới lạ trong những năm qua. Họ đã vượt qua Hoa Kỳ và đang đến gần hơn với các nước Đông Á.  

Có phải họ đang cố nhồi nhét học sinh vào những căn phòng thiếu sáng theo một lịch trình máy móc? Không phải. Căn thẳng trước những kỳ thi chuẩn hóa do chính phủ ban hành? Cũng không nốt. Phần Lan đang dẫn đầu nhờ các phương pháp thực hành quen thuộc và một môi trường giảng dạy toàn diện luôn phấn đấu vì sự công bằng hơn là sự xuất sắc. Dưới đây là 10 lý do vì sao hệ thống giáo dục Phần Lan đang dẫn đầu Hoa Kỳ và thế giới. 

Nguồn: Internet

Không có những kỳ thi chuẩn hóa

Để phù hợp với cách thức mà bộ não của chúng đã được lập trình để tư duy, các kỳ thi chuẩn hóa là một phương pháp chung để kiểm tra mức độ hiểu biết của chúng ta về một môn học. Bằng cách nào đó, việc điền vào ô đáp án trắc nghiệm  và trả lời các câu hỏi được “đóng hộp” trước được xem là một cách để xác định độ thành thạo hay ít nhất là năng lực hoàn thành môn học. Điều thường xảy ra là học sinh sẽ cố nhồi nhét chỉ để vượt qua bài kiểm tra, và giáo viên sẽ chỉ giảng dạy với mục đích duy nhất là giúp học trò vượt qua nó. Việc học như thế đã mất đi ý nghĩa tự thân của nó. 

Phần Lan không có những bài kiểm tra chuẩn hóa. Ngoại lệ duy nhất là Kỳ Thi Tuyển Sinh Quốc Gia (National Matriculation Examination) – một kỳ thi tự nguyện dành cho học sinh cuối cấp trung học phổ thông (tương đương với một trường trung học phổ thông của Mỹ). Mọi đứa trẻ ở Phần Lan được chấm điểm trên cơ sở cá nhân, và hệ thống điểm được thiết lập bởi chính giáo viên của chúng. Bộ Giáo dục sẽ theo dõi tiến độ tổng thể bằng các tập mẫu lấy từ nhiều trường học khác nhau. 

Trách nhiệm đối với người dạy (không bắt buộc)

Có khá nhiều cáo buộc hướng về giáo viên, và đôi khi đúng là như thế. Tuy nhiên, ở Phần Lan tiêu chuẩn dành cho giáo viên rất cao, đến nỗi thường thì chẳng có lý do gì để có một hệ thống “chấm điểm” nghiêm ngặt dành cho giáo viên. Pasi Sahlberg – giám đốc Bộ Giáo dục Phần Lan và là tác giả của “Những bài học từ Phần Lan: Thế giới có thể học được gì từ sự thay đổi giáo dục ở Phần Lan?” (Finnish Lessons: What Can the World Learn from Educational Change in Finland?) đã nói như sau về trách nhiệm (accountability) của người dạy:

“Không có từ nào để nói về “trách nhiệm” trong tiếng Phần Lan… “Trách nhiệm” là những gì còn lại, khi nhiệm vụ (responsibility) đã được trừ đi”.

— Pasi Sahlberg

Tất cả giáo viên đều được yêu cầu phải có bằng thạc sĩ trước khi vào nghề. Các chương trình giảng dạy được thiết kế bởi những trường học chuyên nghiệp có chọn lọc và khắt khe nhất trên khắp cả nước. Nếu một giáo viên không làm tốt, cá nhân người hiệu trưởng có trách nhiệm phải làm gì đó để giải quyết vấn đề. 

Ý tưởng về tương tác giữa người học và người dạy (pupil-teacher dynamic) đã trở thành mối quan hệ thầy trò, vốn không thể được tóm gọn lại thành một vài bài kiểm tra quan liêu và các biện pháp sát hạch chuẩn hóa. Nó phải được giải quyết dựa trên cơ sở cá nhân.

Hợp tác thay vì cạnh tranh

Trong khi hầu hết người Mỹ và các quốc gia khác xem hệ thống giáo dục là một cuộc cạnh tranh lớn kiểu Darwin, người Phần Lan nhìn nó theo một cách khác. Sahlberg trích dẫn một câu từ nhà văn Samuli Paronen:

“Những người chiến thắng không ganh đua”.

— Samuli Paronen

Trớ trêu thay, quan niệm này đã đưa họ lên top đầu thế giới. Giáo dục Phần Lan không bận tâm về những hệ thống dựa trên thành tích giả tạo hoặc tùy tiện. Không có danh sách những trường học hay giáo viên có thành tích tốt nhất. Đó không phải là một môi trường cạnh tranh – thay vào đó, hợp tác được lấy làm chuẩn mực.  

Ưu tiên những điều cơ bản

Nhiều hệ thống trường học quá quan tâm đến việc nâng điểm kiểm tra và khả năng lĩnh hội môn toán và khoa học, họ có xu hướng quên mất điều gì tạo nên một môi trường học tập và những người học trò khỏe mạnh, hạnh phúc, hài hòa. Nhiều năm trước, hệ thống giáo dục Phần Lan đã cần một số cải cách nghiêm túc.  

Chương trình do Phần Lan đề ra tập trung vào việc quay trở lại những điều cơ bản: không phải sự thống trị với những con điểm xuất sắc hay tăng rủi ro để thu về lợi thế lớn hơn; thay vào đó, những điều này hướng đến một môi trường học đường bình đẳng hơn.

Kể từ những năm 1980, các nhà giáo dục Phần Lan đã tập trung ưu tiên những điểm cơ bản sau: 

– Giáo dục phải là một công cụ để cân bằng bất bình đẳng xã hội.

– Tất cả học sinh đều được ăn miễn phí tại trường.

– Dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

– Tư vấn tâm lý

– Hướng dẫn phù hợp với mỗi cá nhân

Bắt đầu từ cá nhân trong một môi trường tập thể bình đẳng là phong cách giáo dục của Phần Lan. 

Bắt đầu đi học ở một độ tuổi lớn hơn

Một thay đổi cực chi tiết nữa đến từ phía người Phần Lan: những đứa trẻ sẽ bắt đầu đi học khi được bảy tuổi. Chúng được quyền tự do “thống trị” những năm tháng ấu thơ khỏi những trói buộc của giáo dục bắt buộc. Nói đơn giản – hãy để cho những đứa trẻ là chính chúng.   

Trẻ em Phần Lan chỉ phải theo học 9 năm bắt buộc tại trường. Mọi chuyện tiếp theo sau lớp 9 hoặc sau tuổi 16 là vấn đề lựa chọn. 

Từ góc nhìn tâm lý, đây là một lý tưởng khai phóng. Dù có thể không hoàn toàn đúng, nhiều học sinh đã thực sự cảm thấy như đang bị mắc kẹt trong một nhà tù. Phần Lan “giảm nhẹ” cảm giác gượng ép ấy, và thay vào đó bằng việc chuẩn bị cho những đứa trẻ bước vào thế giới thực.

Mở ra những hướng đi khác thay cho bằng đại học

Hệ thống giáo dục hiện tại của Mỹ đang vô cùng trì trệ và cứng nhắc: trẻ em bị mắc kẹt trong một vòng lặp trong suốt 12 năm học từ giáo viên này đến giáo viên khác. Mỗi một cấp lớp là sự chuẩn bị cho lớp tiếp theo, tất cả kết thúc ở đỉnh cao là đại học – cũng lại là một sự chuẩn bị cho điều lớn lao tiếp theo trên băng chuyền ấy. Rất nhiều học sinh thật ra không cần phải học đại học để có một tấm bằng vô giá trị, hoặc là sẽ loay hoay trong việc tìm ra mục đích của việc học, và ngập trong nợ nần (ở Mỹ, hầu hết sinh viên Đại học đều vay tiền chính phủ đi học và sẽ đi làm sau khi tốt nghiệp để trả nợ – ND).   

Phần Lan giải quyết thế lưỡng nan này bằng cách cung cấp những lựa chọn với lợi ích tương đương cho những học sinh tiếp tục học lên cao. Ít sự phân biệt rạch ròi hơn giữa giáo dục đại học so với trường dạy nghề hay lớp học việc. Cả hai đều có thể giúp công việc hoàn thành một cách chuyên nghiệp và mĩ mãn như nhau.

Ở  Phần Lan, trường Trung học Phổ thông là một chương trình gồm 3 năm học nhằm chuẩn bị cho học sinh trước Kỳ Tuyển sinh Đại Học để quyết định việc chúng có thể bước vào Đại học không. Điều này thường dựa trên những năng lực chuyên môn mà chúng đã rèn luyện được trong suốt quãng đường “trung học”.   

Kế đó là giáo dục nghề nghiệp – một chương trình 3 năm đào tạo cho người học nhiều ngành nghề khác nhau. Các bạn có thể chọn tham gia Kỳ Tuyển sinh nếu muốn sau đó đăng ký vào Đại học. 

Thức dậy trễ hơn, và đi học nhẹ nhàng hơn!

Thức dậy sớm, bắt một chuyến xe bus hoặc đạp xe đến trường, tham gia các hoạt động ngoại khóa vào buổi sáng và sau giờ học hầu như chiếm một lượng lớn thời gian mỗi ngày của một học sinh. Trên thực tế, nhiều lớp học bắt đầu đâu đó từ 6h đến 8h sáng, lúc mà chúng hẳn còn ngái ngủ và chẳng mấy hào hứng với việc học.  

Học sinh ở Phần Lan thường bắt đầu giờ học từ 9:00 – 9:45 sáng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bắt đầu buổi học sớm sẽ có hại cho thể chất, sức khỏe và sự trưởng thành của học sinh. Các trường học ở Phần Lan bắt đầu ngày học muộn hơn và thường kết thúc vào lúc 2:00 – 2:45 chiều, với các tiết học kéo dài và thời gian nghỉ giữa các ca còn dài hơn nhiều. Hệ thống được đặt ra không phải để truyền tải và nhồi nhét thông tin vào đầu người học, mà để tạo ra một môi trường học tập toàn diện. 

Được kèm cập xuyên suốt bởi cùng một giáo viên 

Số lượng giáo viên và học sinh ở các trường học Phần Lan ít hơn những nơi khác. Bạn không thể kỳ vọng vào việc giảng dạy trong một khán phòng đầy những khuôn mặt vô hình và tạo ra sự phát triển vượt bậc cho từng cá nhân. Học sinh ở Phần Lan thường được giảng dạy bởi cùng 1 giáo viên trong tối đa 6 năm học của chúng. Trong khoảng thời gian này, người dạy có thể vừa là người cố vấn, vừa là một thành viên trong gia đình. Suốt những năm đó, lòng tin và sự gắn kết được bồi đắp từ cả hai phía để hiểu và tôn trọng lẫn nhau.  

Mỗi cá nhân có những nhu cầu và cách học khác nhau. Giáo viên Phần Lan có thể đảm nhận điều này bởi họ có thể xác định nhu cầu đặc trưng của từng học sinh, lập biểu đồ, quan tâm đến sự tiến bộ của chúng và giúp chúng đạt được mục tiêu. Không thể truyền đạt lại cho giáo viên tiếp theo, vì sẽ chẳng có một người như thế.  

Bầu không khí thoải mái hơn

Có một xu hướng chung về không khí học tập tại các trường học ở Phần Lan: ít căng thẳng, ít những nội quy không cần thiết, và nhiều sự quan tâm hơn. Học sinh thường chỉ có một vài lớp học trong một ngày, nhiều thời gian để thưởng thức bữa ăn, tận hưởng các hoạt động giải trí và nhìn chung là thư giãn. Trải dài suốt một ngày là các khoảng thời gian từ 15-20 phút để bọn trẻ có thể đứng dậy, vươn vai, hít thở không khí trong lành và xả hơi.  

Môi trường học tập như thế cũng cần thiết cho người dạy. Phòng của giáo viên được xây ở khắp nơi trong các trường học tại Phần Lan, nơi họ có thể nằm dài ra và thư giãn, chuẩn bị cho ngày mới hoặc chỉ đơn giản là giao lưu với nhau. Giáo viên cũng là con người, và cần được “thiết kế” sao cho có thể bộc lộ tối đa năng lực của mình.  

Bài tập về nhà và các hoạt động bên ngoài theo yêu cầu: ít hơn!

Theo OECD, học sinh tại Phần Lan có lượng hoạt động bên ngoài và bài tập về nhà ít nhất so với phần còn lại của thế giới. Chúng chỉ dành nửa tiếng mỗi đêm để hoàn tất những việc ở trường. Học sinh Phần Lan cũng không có gia sư, vậy nhưng, chúng đang “vượt trình” những nền văn hóa cố “cân bằng” giữa học-và-chơi một cách độc hại nhưng không thể loại bỏ những căng thẳng không cần thiết. 

Học sinh Phần Lan hoàn thành tất cả mọi thứ ở trường mà không phải chịu thêm những áp lực đi kèm với việc phải xuất sắc trong một môn học nào đó. Không phải lo lắng về điểm số và những đầu việc bận rộn, chúng có thể tập trung vào nhiệm vụ quan trọng thực sự – học tập và lớn lên như một con người trọn vẹn. 

Leave a comment