Triết lý giáo dục nào phù hợp nhất với con của bạn? Montessori, Waldorf hay Reggio Emilia?

Đăng bởi Spielgaben. Tháng 5/2016 trên spielgaben.com

Người dịch: Công Tịnh – Biên tập: Elena Trần

Có một điều chắc chắn rằng chọn trường cho con là một trong những quyết định quan trọng nhất mà bất kỳ cha mẹ nào cũng cần cân nhắc. Hãy cùng xem xét  các triết lý giáo dục thay thế giáo dục đại trà để có thể đánh giá  xem triết lý giáo dục của Montessori, Waldorf hay Reggio Emilia là phù hợp nhất với con của bạn.

Giáo dục Montessori:

Ưu điểm:

–          Chương trình học tập chú trọng thực hành: Một trong những lợi ích tốt nhất của giáo dục Montessori, đặc biệt trong trải nghiệm học tập sớm, là tập trung vào học tập thực hành. Trọng tâm là học tập dựa trên trải nghiệm, thay vì học trừu tượng, khi học sinh thực hiện các hoạt động dạy ngôn ngữ, toán, văn hóa và các bài học thực tế trong cuộc sống. Giáo viên khuyến khích học sinh tập trung vào các nhiệm vụ cho đến khi các em thành thạo.

–          Giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm: Học sinh được tự chủ vì việc học này là cho bản thân các em. Điều này cho phép các em hướng đến những gì mình quan tâm hơn là bị buộc phải học những thứ mà các em không hứng thú.

–          Hệ thống được cá nhân hóa cho mỗi học sinh: Trẻ em được học tùy theo khả năng và có cách học riêng.

–          Học sinh hình thành tính kỉ luật một cách tự nhiên: Mặc dù Phương pháp Montessori cho phép trẻ em lựa chọn các hoạt động muốn thực hiện mỗi ngày và thời gian thực hiện một nhiệm vụ cụ thể trong bao lâu, nhưng vẫn có những “quy tắc cơ bản” cụ thể cho lớp học được giáo viên và các học sinh khác nhất quán thực thi. Môi trường học như vậy dạy học sinh tính kỉ luật một cách tự nhiên, và nó củng cố các kỹ năng quan trọng khác như sự tập trung, tự chủ và động lực.

–          Môi trường lớp học dạy về sự ngăn nắp. Khi học sinh hoàn thành một hoạt động, các em phải đặt các đồ vật lại đúng vị trí. Ý thức về trật tự này giúp tạo thuận lợi cho quá trình học tập, rèn luyện tính kỷ luật tự giác, và nuôi dưỡng trong tâm trí các em nhu cầu bẩm sinh về một môi trường ngăn nắp.

Nhược điểm:

–          Các giáo viên có thể gặp khó khăn khi để học sinh tự chọn các hoạt động riêng của mình.

–          Việc thiếu vắng một khung hoạt động có tính bắt buộc chung sẽ có lợi cho một vài trẻ, nhưng không phải cho tất cả. Nếu trẻ đến từ một ngôi trường đại trà truyền thống, việc thiếu khung hoạt động chung này  sẽ là trở ngại lớn cho các em.

–          Nếu con bạn đến từ trường mẫu giáo hay mầm non Montessori, trẻ sẽ khó chuyển sang các trường học đại trà và cũng không có nhiều trường Montessori đi xuyên suốt lên trung học.

–          Giáo dục Montessori có thể đắt đỏ và hạn chế với nhiều gia đình.

–          Cuối cùng, phương pháp Montessori cho phép cá nhân làm việc tùy khả năng dẫn đến tương tác xã hội với các bạn cùng lớp bị hạn chế.

Đứa trẻ nào sẽ nào sẽ phù hợp với giáo dục Montessori?

. Một trong những yếu tố quan trọng để trẻ có thể phát triển tốt trong môi trường giáo dục Montessori là việc các em cần đi học ở các trường theo mô hình này từ lúc 3 tuổi. Lý do là vì khi đó các em chưa được tiếp xúc với hệ thống điểm số và khen thưởng thường ở các trường học đại trà. Những đứa trẻ có thể làm việc độc lập tùy khả năng của mình cũng sẽ thật sự nhận được lợi ích ở trong môi trường này. Ngoài ra, nếu trẻ linh hoạt và có thể thích nghi dễ dàng trong đa số các trường hợp, trẻ sẽ học tập tốt. Nếu con của bạn cần cách quản lí có hệ thống và định hướng hơn  thì Montessori có thể không dành cho các em.

Giáo dục Waldorf:

Ưu điểm:

–          Trẻ em được tiếp xúc với cách tiếp cận toàn cầu, nhân văn trong giáo dục. Trong trường học Waldorf, trẻ em được dạy tầm quan trọng của trách nhiệm xã hội, hòa bình, sự tôn trọng và lòng trắc ẩn.

–          Vòng lặp xây dựng mối quan hệ. Trong mô hình Waldorf, trẻ em được một giáo viên dạy từ tiểu học cho đến trung học. Người giáo viên nên thật sự hiểu rõ cách học của từng học sinh và cá nhân hóa các phương pháp học cụ thể, điều này có thể tạo ra lợi ích rất lớn cho từng học sinh.

–          Mô hình Waldorf kết hợp nghệ thuật và học thuật xuyên suốt cho đến trung học. Nghệ thuật là một phần của gần như mọi bài học – mô hình này sử dụng kịch, nhạc, múa, thủ công và nghệ thuật thị giác để phác họa những gì trẻ đang học.

–          Công nghệ, bao gồm truyền hình và máy tính không được phép sử dụng ở trường Waldorf trong những năm giáo dục đầu đời. Thay vào đó, trẻ em được khuyến khích trải mình trong những giờ chơi tự do, đây là cách nuôi dưỡng trí tưởng tượng và cách giao tiếp với các học sinh khác.

Nhược điểm:

–          Theo phương pháp Waldorf, học sinh không được dạy đọc cho tới khi 7 hay 8 tuổi. Thay vào đó, vào những năm đầu tiên của cấp tiểu học, kể chuyện và vui chơi được nhấn mạnh hơn.

–          Steiner phát triển mô hình giáo dục của mình dựa trên một triết lí duy linh (spiritual philosophy) gọi là Nhân trí học (anthroposophy). Nhân trí học không phải là một môn học tôn giáo tại các trường theo mô hình Waldorfở Mỹ, nhưng môn học này là thành tố chính trong chương trình đào tạo giáo viên của họ. Một số phụ huynh cho rằng con của họ sẽ được dạy các ý tưởng tâm linh mà họ cho là không phù hợp với niềm tin tâm linh của mình. 

–          Phương pháp này không phù hợp với tất cả mọi người.

Những đứa trẻ nào sẽ phù hợp với giáo dục Waldorf?

Phương pháp Waldorf chú trọng về nghệ thuật, không phải học sinh nào cũng sẽ phát triển trong môi trường học này nhưng nó sẽ hoàn toàn phù hợp cho các học sinh có thiên hướng nghệ thuật và sáng tạo.

Giáo dục Reggio Emilia:

Ưu điểm:

–          Trẻ em được xem là người làm chủ tri thức của mình và các em có quyền quyết định việc học của bản thân.. Phương pháp này nhấn mạnh vào việc lắng nghe trẻ em, thay vì bắt các em phải làm theo lời người lớn. .

–          Phương pháp Reggio Emilia tập trung vào các dự án không có sẵn đáp án, học sinh sẽ được giới thiệu một số khái niệm nhất định mà các em sẽ cần tự giải quyết thông qua nghiên cứu, khám phá và đặt câu hỏi. Những dự án này có thể kéo dài hàng tuần hoặc tháng, nhưng cốt lõi là trẻ em được làm chủ trải nghiệm học. Chính các em có nhiệm vụ tìm ra giải pháp.

–          Phương pháp này nhấn mạnh vai trò của cộng đồng quanh trẻ, khi đó trẻ em cần phải tiếp xúc với bạn bè, giáo viên và ba mẹ của mình. Cộng đồng là một trong những khái niệm cốt lõi mà phương pháp này hướng tới.

–          Một trong những nền tảng của phương pháp Reggio Emilia là nghệ thuật biểu lộ, khi trẻ con được bộc lộ bản thân qua hàng trăm ngôn ngữ và cách học khác nhau, và quá trình khám phá được thể hiện qua các môn nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, âm nhạc, múa và chuyển động, vẽ, kịch và kịch tưởng tượng. Đây là yếu tố then chốt làm cho giáo dục Reggio Emilia thành công, khi để trẻ em học được khả năng thể hiện bản thân qua rất nhiều cách khác nhau.

–          Trẻ em được khuyến khích kết nối với môi trường (quan trọng như là người thầy thứ ba). Có rất nhiều vở kịch “thiên  nhiên” nơi trẻ em vừa được chơi bên ngoài vừa được học cách làm việc với các vật liệu tự nhiên. Điều này khuyến khích sự thích thú của các em với thế giới tự nhiên cũng như kích thích trẻ em qua nhiều giác quan.

Nhược điểm:

–          Khi việc học được trẻ em tự chủ qua các dự án, rất khó để phụ huynh thấy rằng các em đang thực sự học. Ví dụ, sẽ không có những trang bài tập được gửi về nhà để phụ huynh nhìn thấy con mình đang học bảng chữ cái. Đây có thể là trở ngại thật sự đối với những phụ huynh muốn thấy được kết quả tức thì từ con của họ.

–          Bạn không thể “kiểm tra” một đứa trẻ theo chuẩn quốc gia để so sánh con mình với trẻ khác cùng tuổi ở các trường truyền thống và không có chương trình học cố định cũng như các bài thi chuẩn hóa.

Trẻ em như thế nào sẽ phù hợp với giáo dục Reggio Emilia?

Trẻ em có khả năng làm việc cá nhân cũng như làm việc nhóm có thể hưởng lợi từ môi trường này. Tương tự,  trẻ em có khả năng tự định hướng và tự chủ trong quá trình học sẽ hưởng lợi cực lớn thông qua Reggio Emilia. Vì có rất nhiều công việc dựa trên dự án, các em sẽ là người nghiên cứu và tìm ra thông tin mình cần.. Điều này có thể xây dựng tự tin và tự trọng khi các em hiểu được rằng mình là người quyền lực nắm giữ tri thức về thông tin đó, và tự bản thân các em có thể làm điều đó.

Chúng ta vừa điểm qua các ưu và nhược điểm của 3 loại triết lí giáo dục khác nhau: Montessori, Waldorf and Reggio Emilia cùng các đặc điểm tính cách của các em bé phù hợp với từng triết lý. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ là khác biệt và chúng tôi khuyến khích bạn đưa con đến thăm những trường này để có thể đưa ra quyết định đúng đắn.

Leave a comment