Đặc khu đặc quyền hay cộng đồng làng xã? Lựa chọn nào cho các trường đại học khai phóng?

Nguồn: Inside Higher Ed, đăng ngày 21/01/2021

Tác giả: Robert L. Fried và Eli O. Kramer

Biên dịch: Uyên Thanh – Biên tập: Lê Nguyễn Duy Hậu

Việc gắn kết với các cộng đồng khu vực và hướng dẫn cho học sinh tại các trường trung học địa phương có thể tạo ra nguồn tuyển sinh mới, đồng thời cũng là một sứ mệnh mang tính hồi sinh đối với các trường đại học khai phóng cỡ nhỏ, vốn đang trong tình trạng khó khăn, Robert L. Fried và Eli Kramer viết.

Nguồn hình: Inside Higher Ed

Bất chấp những nỗ lực duy trì giảng dạy, các trường đại học khai phóng cỡ nhỏ tại Hoa Kỳ vẫn phải đón nhận liên tiếp các tin tức xấu. Các dự báo đáng quan ngại về viễn cảnh các trường đại học nằm ngoài nhóm tinh hoa vốn đã được nhắc đến nhiều. Điều này bị cộng hưởng bởi đại dịch đã đẩy nhanh các tác động tồn tại trong nhiều năm qua khiến các cơ sở giáo dục này tiến đến bờ vực nguy hiểm. Giữa bối cảnh khủng hoảng ngày càng gia tăng, nhiều trường đại học có năng lực đã phải đối mặt với quá trình chuyển đổi tình trạng từ bấp bênh ban đầu sang biến mất hoàn toàn. Điều này sẽ trở thành bi kịch không chỉ với các trường đại học và cộng đồng xung quanh các trường này, mà còn là cho cả thể chế dân chủ của chúng ta.

Các phong trào chuyên chế/ dân túy đang ngày càng thu hút được những tín đồ ủng hộ và tuyên truyền nhiều hơn nữa thái độ xem thường giới trí thức. Ý tưởng về một nền giáo dục khai phóng bị truyền thông bảo thủ phỉ báng là mối đe dọa đối với các giá trị và chuẩn mực văn hóa của Mỹ, trong khi bản thân các trường đại học khai phóng thì bị xem như thành trì của chủ nghĩa “phải đạo chính trị” (political correctness). Nhu cầu thu hút sinh viên đến từ nhiều nền tảng kinh tế và văn hóa khác nhau trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Nhiều trường đại học quy mô nhỏ đã cố gắng hết sức để có thể tồn tại trong một giai đoạn đầy thách thức: sửa đổi tiêu chí tuyển sinh, giảm học phí, mở rộng cách thức học tập trực tuyến, cắt giảm chi phí, loại bỏ những chuyên ngành không phổ biến, định hình lại chương trình giảng dạy và tích cực tuyển sinh. Tuy nhiên, việc các trường tồn tại được lại có thể đến từ một cách tiếp cận khác: kết nối lại với chính những người hàng xóm của mình.  

Chúng ta có thể mô tả các đại học khai phóng cỡ nhỏ như kiểu mô hình “một cộng đồng làng xã” (village commons) hoặc một “đặc khu đặc quyền” (privileged enclave). Trước đây, trường đại học khai phóng thường được biết tới là một tổ chức tích cực trong việc đồng hành và hỗ trợ học sinh trung học, đồng thời, đóng vai trò là một trung tâm phục vụ nhu cầu trí tuệ, kinh tế, văn hóa và xã hội của cộng đồng. Mặc dù mô hình đặc khu đặc quyền (vốn chỉ tuyển sinh con em các gia đình giàu trên toàn quốc) có thể phù hợp với các trường đại học danh giá, nhưng trong giai đoạn này, nó lại trở thành điểm yếu đối với các trường đại học cỡ nhỏ, vốn duy trì hoạt động nhờ vào học phí của sinh viên. 

Cách tiếp cận theo mô hình cộng đồng làng xã, vốn nhấn mạnh việc giao lưu nhiều hơn với thanh niên ở các khu vực địa phương nơi trường tọa lạc,  thực sự không phải là một giải pháp mang lại hiệu quả tức thời. Nó đòi hỏi những thay đổi đáng kể và mang tính tác động qua lại đối với quan điểm học thuật thực hành trước đây. Những cải cách này bao gồm các ý tưởng trong việc đánh giá thành tích, trong đó nhấn mạnh đến việc áp dụng thực tế kiến ​​thức và kỹ năng; ý tưởng trong việc thu hút nhóm sinh viên có thế mạnh thực hành hơn là chỉ tập trung các kỳ thi; tích hợp trong chương trình giảng dạy khai phóng các kỹ năng cần thiết trong các doanh nghiệp, lớn và nhỏ. Tin tốt là những cải cách như vậy sẽ mang lại lợi ích cho tất cả học sinh.

Và nếu chương trình học kể trên được đảm bảo với chi phí học tập phải chăng và lộ trình nghề nghiệp không vướng bận chuyện trả nợ học phí (một điều thách thức, tuy nhiên tác giả đã phát triển được một mô hình khả thi mà không ảnh hưởng đến hợp đồng giảng viên hiện có), thì những thay đổi này sẽ trở nên hấp dẫn đối với các gia đình trong vùng vốn có thu nhập khiêm tốn và muốn con cái học gần nhà, cũng như các sinh viên từ các vùng khác. Nếu trở nên cởi mở và phục vụ vì cộng đồng hơn thì cách tiếp cận như vậy có thể phát triển các luồng tuyển sinh từ các trường trung học trong khu vực. Những cải cách này cũng có khả năng thu hút sinh viên ở khắp mọi nơi, là những sinh viên đang tìm kiếm môi trường học tập tự thân và có tính hợp tác. 

Các trường đại học cỡ nhỏ dành cho tầng lớp bình dân phải đối mặt với một lựa chọn quan trọng: cố gắng tồn tại bằng cách mô phỏng các trường nhóm Ivy để vượt qua giai đoạn này; hoặc họ có thể giữ nguyên sứ mệnh và các tiêu chuẩn học tập trong khi vẫn mở rộng truyền thống giáo dục khai phóng đối với học sinh từ các trường trung học cộng đồng lân cận, nơi vốn có nhiều học sinh cho rằng các trường đại học tại địa phương “không phải là nơi dành cho những người như mình”.

Gregory Prince, cựu chủ tịch của Đại học Hampshire và là người đề xướng cải cách giáo dục ở tất cả các cấp, đã bày tỏ ý kiến rằng:

Các trường đại học khai phóng quy mô nhỏ có thể tiên phong trong việc giúp cộng đồng của họ hiểu mức độ phổ quát của giáo dục khai phóng và giá trị mà chương trình này mang lại cho mọi loại nghề nghiệp và hoạt động. Cuối cùng, giáo dục khai phóng đem lại một tinh thần về việc phát triển thái độ không ràng buộc vào bất kỳ lĩnh vực, hoạt động, ngành nghề hoặc nghề nghiệp cụ thể nào.  Thay vào đó, nó đem đến năng lực suy nghĩ rõ ràng, sáng tạo, có tính phê bình; là năng lực để phán xét một cách khôn ngoan và hành động một cách nhân đạo cũng như giao tiếp hiệu quả.

Gregory Prince

– Những kỹ năng này hữu ích cho nông dân, doanh nhân, y tá và công nhân công nghiệp cũng như cho các chuyên gia và học giả trên toàn thế giới. Điều quan trọng là những thói quen trong tâm trí này có thể được học và có được cũng như có thể phát triển trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Giáo dục khai phóng, được định nghĩa là một thái độ của tâm trí, là phản đề của chủ nghĩa tinh hoa văn hóa

Gregory Prince

Quá trình chuyển đổi như vậy sẽ không hề dễ dàng mà phải đối mặt với một khía cạnh quan trọng, vốn đang góp phần vào sự suy tàn của các trường đại học quy mô nhỏ. Đó chính là mối đe dọa đối với nền dân chủ khi làm xuất hiện sự phân chia xã hội – văn hóa giữa nhóm các trường đại học khai phóng và nhóm trường còn lại.

Bài viết của Michael J. Sandal trên The New York Times có tựa đề “ Khinh thường những người có học vấn ít là định kiến ​​cuối cùng vẫn còn được chấp nhận” (Disdain for the Less Educated Is the Last Acceptable Prejudice) mô tả “thói dụng người tài” (meritocratic hubris) đe dọa mối giao hảo của công dân chúng ta và khuyến khích những người tìm kiếm lợi thế chính trị bằng cách chia rẽ, khiến các nhóm xã hội chống lại lẫn nhau.

Trong khi nhiều trường đại học quy mô nhỏ đang nỗ lực nhiều hơn trong việc hướng tới sự gắn kết cộng đồng thì định kiến ​​và nhận thức sai lầm vẫn tồn tại. Nó thường bắt nguồn từ các vấn đề liên quan đến bản sắc giai cấp xã hội vốn bị các trường đại học bỏ qua khi nhắc đến các yếu tố liên quan đến tính đa dạng. Đối với khu vực lân cận của các trường, đặc tính khai phóng dường như là một điều gì đó xa lạ, xa rời các giá trị và là thách thức đối với đời sống của cộng đồng. Một chủ tịch đại học từng nói với tôi rằng, hiện tại, anh ta tránh sử dụng thuật ngữ “khai phóng” (liberal arts), sau khi một trong những người hàng xóm nông thôn của anh ta hỏi, “Có gì sai với trường phái bảo thủ (conservative arts) hay sao?” Thành kiến ​​như vậy, ở cả hai phía, không chỉ độc hại đối với tương lai của một trường đại học mà còn là mối đe dọa đối với nền dân chủ của chúng ta. Nó tương tự như sự lộn xộn của cuộc bầu cử gần đây của chúng ta và hậu quả bạo lực của nó đã được thể hiện rất rõ ràng.

Những nhà quản lý cơ sở trường đại học khai phóng cần phải dũng cảm đối mặt với định kiến ​​đó – mặc dù có thể chúng diễn ra ngoài ý muốn – và nỗ lực để thay đổi nhận thức đó. Nơi hợp lý để bắt đầu việc này chính là từ các khu dân cư cận bên, bằng cách tìm kiếm, lắng nghe và tương tác một cách bình đẳng với các gia đình, những hộ kinh doanh nhỏ và các nhóm dân sự. Thêm vào đó là việc các trường cũng cần nỗ lực hướng đến các đơn vị trường học và xem họ như những cộng sự quan trọng nhằm khuyến khích nhiều hơn học sinh tại các trường này xem xét và chuẩn bị cho chương trình giáo dục khai phóng. 

Các chiến lược thực tế sẽ cho phép các trường đại học khai phóng vốn đang gặp khó khăn cải thiện việc tuyển sinh thông qua phương pháp tiếp cận cộng đồng. Phương pháp này bao gồm làm việc với các nhà giáo dục phổ thông với tư cách là đối tác trong việc phát triển thanh thiếu niên; tiếp cận nhóm học sinh trung học bằng cách cung cấp dịch vụ hỗ trợ cố vấn – thông qua những sinh viên đại học – nhằm giúp các em mở rộng kỹ năng giao tiếp; tiếp thu ý kiến từ các nhà tuyển dụng tốt nhất trong khu vực, lớn và nhỏ, về các kỹ năng quan trọng cần thiết để thành công; thay thế các yêu cầu chấm điểm lỗi thời bằng các cuộc hội thảo phối hợp dành cho sinh viên năm nhất được giảng dạy bởi các giảng viên có tâm huyết, nhằm giúp sinh viên có được thói quen tư duy và phản biện; và thiết kế chương trình học tối ưu về chất lượng và chi phí, tập trung nhấn mạnh và vinh danh sự hợp tác, sáng tạo và động lực của học sinh.

Mỗi giai đoạn của chiến lược đều là một phần của Dự án Tú tài Mới (New American Baccalaureate Project – NAB) mà chúng tôi đang hỗ trợ các trường đại học triển khai. NAB là một tổ chức phi lợi nhuận, một tổ chức tình nguyện, đã phát triển một bản phác thảo cho chương trình giáo dục khai phóng, trong đó, đề cao các cải cách củng cố lẫn nhau nhằm giúp các trường đại học tiếp cận lại với người học trong thế kỷ 21.

Đổi mới sự tập trung vào quan hệ đối tác khu vực sẽ mang lại kết quả tốt đẹp trong nhiều thập kỷ tới, có thể kể đến là trường đại học và cộng đồng nhìn thấy sự tương đồng trong mối quan tâm và kỳ vọng của nhau; các gia đình, nhóm dân sự và doanh nghiệp địa phương xem trường đại học như một cộng đồng làng xã thực sự,  tôn trọng các nguyện vọng học sinh và các nỗ lực tạo dựng cuộc sống mới cho cộng đồng.

“Nhiệm vụ thực sự”, Gregory Prince nhắc nhở chúng tôi, “chính là khiến cho nhiều sinh viên hơn tin rằng họ có tiềm năng để trở thành những người học thành công, có động lực, thay vì tìm kiếm một số ít những cá nhân, vốn đã nắm được ý tưởng về tầm nhìn này. Với sự cởi mở và khiêm tốn đó, các trường đại học có thể trở thành một cộng đồng làng xã thực sự và bằng cách đó, đồng thời cũng sẽ giúp ích cho chính họ, cho toàn thể nền giáo dục và nền dân chủ của chúng ta.”

Tiếp cận người dân sinh sống tại các khu vực lân cận các trường đại học sẽ chỉ cần một mức đầu tư khiêm tốn cho các sáng kiến nhằm gắn kết các học sinh trung học cũng như các sáng kiến để mời giáo viên của các em hợp tác với giảng viên đại học. Bằng cách cung cấp một loại bằng cấp được chứng nhận, các doanh nghiệp địa phương có thể tự tin thuê những sinh viên vừa tốt nghiệp với kỳ vọng thành công cao và các gia đình có thể yên tâm rằng con cái của họ sẽ có thể tìm được công việc được trả lương cao và tạo dựng được sự nghiệp riêng đi cùng với những lợi ích trí tuệ mà nền giáo dục đại học mang lại.

Lối sống dân chủ của chúng ta, sự chấp nhận của chúng ta đối với các quyền phổ quát của con người và sự tồn tại của hành tinh này không thể duy trì theo kiểu là địa hạt độc quyền của một nền văn hóa có giáo dục cao và tách biệt trong bối cảnh chúng ta phải chịu đựng sự tấn công của các hệ tư tưởng dân túy, độc tài đang kích động tầng lớp lao động và người nghèo. Chúng ta phải đối phó với sự tấn công này bằng một lối sống dân chủ với căn bản là chấp nhận những giá trị vọng phổ quát của con người về phẩm giá, sự tôn trọng hòa nhập trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phát triển và sự bùng nổ của phương tiện truyền thông xã hội.

Chính các trường đại học khai phóng quy mô nhỏ là nơi mà những cộng đồng đa dạng của chúng ta có thể trông đợi vào một cuộc phục hưng về xã hội, kinh tế, và văn hóa. Nhưng cuộc phục hưng đó chỉ có thể thành hình khi những trường đại học khai phóng chịu thay đổi tầm nhìn và tái đầu tư sức mạnh trí tuệ dồi dào của mình cho mục đích phục vụ cộng đồng một cách tốt hơn.

Leave a comment