Câu hỏi dành cho sinh viên ngành Triết học: Ra trường sẽ làm gì?

Nguồn:  washingtonpost.com Đăng ngày: 20/06/2017

Tác giả:  T. Rees Shapiro

Biên dịch: Lê Trần Bảo Ngọc – Biên tập: Nguyễn Thị Như Phương

Các sinh viên chuyên ngành Triết học dành những năm tháng đại học để suy tư về những câu hỏi sâu sắc, chẳng hạn như: Ý nghĩa cuộc sống là gì? Liệu chúng ta có tự do ý chí không? Và công việc nào dành cho mình sau khi tốt nghiệp với tấm bằng Triết học?

Để rồi nhận ra câu hỏi sau cùng cũng chẳng khó để trả lời: Đó có thể là bất cứ công việc nào.

Ý niệm cho rằng các sinh viên chuyên ngành Triết học không được trang bị để làm các nghề nghiệp chuyên môn “thực sự có chút ít hoang đường”, Thomas Holden – trưởng khoa Triết học Đại học California tại thành phố Santa Barbara (Mỹ) chia sẻ. “Triết học không phải là việc các nhà hiền triết ngồi trên đỉnh núi để phỏng đoán về vũ trụ”.

Thực tế, những người tốt nghiệp ngành Triết học sống trong các văn phòng ở phố Wall, đi lại trong gian chính làm bằng gỗ sồi của Tòa án tối cao và giữ các vị trí trong ban giám đốc ở thung lũng Silicon.

Sự yêu thích đối với ngành Triết học tăng dần trong ba thập kỷ qua. Mặc dù số lượng người học giảm nhẹ trong những năm gần đây. Số liệu giáo dục liên bang Mỹ cho thấy số lượng sinh viên nhận bằng cử nhân Triết học đã tăng gấp đôi kể từ năm 1987, đạt đỉnh điểm với số lượng 7,926 cử nhân vào năm 2013.

Anna-Bella Sicilia, 22 tuổi và là sinh viên năm cuối khoa Triết học tại Đại học Maryland tin rằng, tấm bằng cử nhân Triết học sẽ giúp ích cho triển vọng nghề nghiệp của mình.

Carly Fiorina, hình chụp vào tháng 4/2016 – giám đốc điều hành của hãng máy tính HP, trước đó là cử nhân ngành Triết học. (Nguồn: Ricky Carioti, tờ The Washington Post)

(*)Cara Carleton “Carly” Fiorina sinh ngày 06/09/1054, là một nữ doanh nhân và nhà chính trị người Mỹ. Bà được biết như là người phụ nữ đầu tiên điều hành một công ty nằm trong top 20 do tạp chí Forbes bình chọn. Bà giữ chức giám đốc điều hành của hãng máy tính HP từ năm 1999-2005 – ND.

“Tôi nghĩ rằng mọi người  sẽ có ấn tượng với một tấm bằng Triết học”, Sicilia nói. “Những kỹ năng tôi học được có tính chuyển đổi rất cao. Tôi không bị mắc kẹt với suy nghĩ rằng: mình đã chọn Triết học và bây giờ thì sao?”.

Christopher Morris, trưởng khoa Triết học tại Đại học Maryland nói rằng: tư duy phản biện, khả năng phân tích chuẩn xác và lối hành văn súc tích được yêu cầu trong ngành Triết học chính là quá trình đào tạo khắt khe các kỹ năng cần thiết cho bất cứ ngành nghề chuyên nghiệp nào. 

“Hầu hết mọi người không có khái niệm Triết học là gì”, giáo sư Morris nói. “Họ hình dung chúng tôi thường đủng đinh trên chiếc ghế bành trong khoa Triết học của trường và huyên thuyên điều gì đấy với một cốc rượu trên tay”.

Một vài cuộc khảo sát cho thấy rằng sinh viên chuyên ngành Triết học có thành tích trung bình tốt hơn so với các sinh viên cùng trang lứa trong các kỳ thi trường luật, y khoa và các trường cao học ở những ngành khác. Nghiên cứu của trang web PayScale về dữ liệu tiền lương cũng cho thấy người học các chuyên ngành Triết học nằm trong danh sách 100 ngành nghề có mức lương trung bình cao nhất trong số các lĩnh vực học thuật vào giai đoạn thâm niên của nghề, với mức $ 84,100. Cụ thể, mức lương trung bình của sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành Triết học xếp hạng thứ 95, cao hơn các chuyên ngành khác như quản trị kinh doanh, khoa học chính trị, dự bị y khoa, sinh học, tâm lý và báo chí. Dữ liệu của trang Payscale có thể phản ánh khả năng kiếm tiền của nhiều sinh viên chuyên ngành Triết học, những người sau này có bằng cao học hoặc bằng chuyên nghiệp cao cấp.

Tuy nhiên, sinh viên học các chuyên ngành như đạo đức học, mỹ học và nhận thức luận đã quen với quan niệm sai lầm rằng bằng cấp của họ thiếu giá trị. Nếu bằng cấp về giáo dục khai phóng là mục tiêu của những lời đùa cợt, thì các chuyên ngành Triết học thường là phần hài hước nhất.

Trích lời bài phát biểu của Conan O’Brien tại lễ tốt nghiệp của Đại học Dartmouth vào năm 2011:

“Dĩ nhiên với sự hiện diện của nhiều bậc phụ huynh tại đây, tôi cũng có một lời khuyên chân thành dành cho quý vị. Kính thưa các bậc phụ huynh, quý vị nên ghi chú lại điều này. Nếu con cái của quý vị học chuyên ngành mỹ thuật hoặc Triết học, quý vị có lý do chính đáng để lo ngại. Bởi nơi duy nhất mà con cái của quý vị thoả mãn các điều kiện tuyển dụng chỉ có ở Hy Lạp cổ đại. Chúc con cái của quý vị may mắn với tấm bằng đại học này”.

Tuy vậy, có rất nhiều ví dụ lại nói lên một câu chuyện khác. 

Thẩm phán toàn án tối cao Stephen G. Breyer  học chuyên ngành Triết học tại Đại học Stanford, và Carly Fiorina, người sau này trở thành giám đốc điều hành của Hewlett-Packard – hãng máy tính HP cũng vậy. Sheila Bair – chủ tịch của Công ty Cổ phần Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang cũng dựa vào tấm bằng Triết học tại Đại học Kansas để đưa ra những quyết định then chốt trong thời kỳ khủng hoảng tài chính. Nhà báo của đài NBC, Katy Tur cũng nói rằng, chuyên ngành Triết học giúp cô ấy hình thành các câu hỏi thăm dò ứng cử viên tổng thống Đảng cộng hòa – Donald Trump trong cuộc vận động bầu cử năm 2016.

Sheila Bair, hình chụp vào năm 2013, dựa vào nền tảng Triết học của bà để đưa ra các quyết định quan trọng với tư cách là chủ tịch của Công ty Cổ phần Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang giai đoạn khủng hoảng tài chính. (Nguồn: Bloomberg News)

“Triết học bị chỉ trích một cách không công bằng”, Tur nói. “Mọi người hay cho rằng chúng tôi là những nhà diễn thuyết bóng bẩy và rỗng tuếch… Tôi thường tranh cãi bằng lập luận rằng đối với hầu hết mọi người, một ngành học có thể dạy bạn cách tư duy phản biện về thế giới bạn đang sống và về những gì bạn biết cũng như những gì bạn không biết thì rõ ràng ngành học đó đã có ích cho hầu hết mọi thứ bạn sẽ làm trong tương lai rồi đấy”.

Tur nói rằng tấm bằng Triết học của cô tại Đại học Santa Barbara (ở bang California, Mỹ) đã chứng minh tầm quan trọng trong quá trình diễn ra bầu cử. Cô kể khi cô còn là sinh viên, một trong những câu hỏi đầu tiên cô đã khám phá có liên quan tới bản chất của thực tại.

“Tôi yêu Triết học bởi vì tôi thích cố gắng tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi hóc búa nhất của cuộc sống”, Tur nói. “Chúng ta không phải chỉ là bộ não trong một cái hũ có phải không? Tôi nghĩ đó là một khái niệm vô cùng hấp dẫn”.

(**) Triết học, câu nói bộ não ở trong cái hũ là một khái niệm được dùng trong đa dạng các thử nghiệm tư duy với mục đích tìm ra được các chức năng của nhận thức con người liên quan tới kiến thức, thực tại, sự thật, tâm trí, nhận thức và ý nghĩa – ND.

Tur nói rằng cô ấy bị thu hút bởi nhà tư tưởng người Pháp René Descartes và những khám phá của ông ấy về sự tồn tại: “Câu hỏi đầu tiên đó là, chúng ta có thể tin tưởng điều gì và cần chứng minh điều gì?”.

Với tư cách là một nhà báo, Tur nói rằng điều cô ấy theo đuổi mỗi ngày chính là sự thật.

“Đã có một sự tranh cãi lớn liên quan tới chuyện tin tức nào là thật và tin tức nào là giả, và chúng ta có thể tin tưởng vào điều gì?”, Tur nói. “Đáng sợ hơn, đó là chúng ta đang ở trong một thời đại mà con người không tin tưởng vào những gì đang diễn ra ngay trước mắt họ mà chỉ tin vào những gì họ muốn thấy”.

Fiorina (giám đốc điều hành hãng máy tính HP) nói rằng ở Đại học Stanford, bà ấy hứng thú với việc tìm hiểu nguồn gốc của nhận thức con người, bà chọn đọc Plato và Aristotle bằng tiếng Hy Lạp.

“Bạn sẽ nhận ra rằng các câu hỏi mà chúng ta đang vật lộn để tìm lời giải cũng là những gì đã làm cho loài người vật lộn từ ngàn xưa”, Fiorina nói.

Nhưng thậm chí tới tận hôm nay, Fiorina thấy vẫn còn nhiều tiếng xấu mà các chuyên ngành Triết học cần phải vượt qua.

Triết học “Mỗi khi tôi nói về ngành học của mình với mọi người, họ đều cười lớn”, bà nói, giải thích rằng Triết học được xem như một tấm bằng bỏ đi. “Đồng nghĩa với việc tôi sẽ thất nghiệp.”

Dù vậy, Fiorina cho rằng chuyên ngành Triết học giúp bà phát triển tư duy phản biện, đây là điều vô cùng cần thiết trong thế giới kinh doanh.

“Tôi đã học được cách tách thóc từ vỏ trấu, nhận ra điều gì là thiết yếu từ những thứ có vẻ hấp dẫn và tôi cho rằng đây là kỹ năng then chốt khi mà thời đại bây giờ có cả tá các thông tin gây hứng thú nhưng thực chất chỉ là các thông tin râu ria, ngoài lề và không liên quan”, Fiorina nói.

Với tư cách là chủ tịch của Công ty Cổ phần Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang từ 2006 tới 2011, Sheila Bair có trách nhiệm đảm bảo rằng khách hàng không mất tiền khi các tổ chức tài chính chao đảo. Bà nói rằng chuyên ngành Triết học giúp bà rút ra điều gì quan trọng nhất giữa tất cả “những tiếng ồn ào và lịch trình bận rộn”.

“Triết học giúp bạn phân tách mọi thứ (dù phức tạp đến đâu) thành những phần đơn giản nhất. Những bài học của Triết học thực sự giúp tôi có được tư duy phân tích chuẩn xác để làm đơn giản hóa mọi thứ và tìm ra điều gì là quan trọng nhất”, Bair nói.

Đối với Larry Sanger, Triết học mở ra cho ta một cánh cửa để nhìn và hiểu cách con người tiếp nhận các kiến thức cũng như chia sẻ về nó. Sau khi nhận tấm bằng đại học ngành Triết học ở Đại học Reed và học vị tiến sĩ Triết học từ Đại học bang Ohio, Larry được tuyển dụng bởi doanh nhân mạng Jimmy Wales để thực hiện một dự án mới – dự án bách khoa toàn thư trên nền tảng trực tuyến (Web-based encyclopedia) và sau này dự án được biết đến với tên gọi Wikipedia.

Sanger nói rằng nền tảng Triết học giúp anh ấy nhìn ra những điều cốt lõi ở bản phác thảo bách khoa toàn thư có tính cộnng tác này. 

Gavri Schreiber 22 tuổi, cử nhân ngành Triết học Đại học Maryland có chia sẻ rằng: ban đầu, gia đình anh cũng hoài nghi khi anh nói có dự định sẽ theo học chuyên ngành Triết học.

“Điều đầu tiên gia đình tôi hỏi là “Con sẽ làm gì với ngành này?”, Schreiber kể lại. Tôi trả lời: “Con sẽ chọn chuyên ngành phụ là tiếng Trung và rồi con sẽ có kỹ năng dùng được trong thị trường việc làm. Vậy nên cả nhà đừng lo lắng về điều đó”.

Sau đó, Schreiber nói anh nhận ra rằng tấm bằng Triết học của mình là một tài sản.

“Tôi không nghĩ là các nhà tuyển dụng và thị trường việc làm nhận ra cũng như trân trọng giá trị của ngành Triết học nhiều như họ nên làm”, Schreiber nói.

Cuối cùng thì mọi thứ đã đâu và đấy đối với Schreiber. Anh biết mình sẽ đi đâu sau khi tốt nghiệp. Sau khi hoàn thành chương trình Fullbright ở Đài Loan, Schreiber nói rằng anh sẽ học Luật tại Đại học Harvard.

Leave a comment