Trường nghề hay Đại học: Lựa chọn nào tốt hơn cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn?

Nguồn: The Washington PostĐăng ngày: 19/6/2022

Tác giả: Jay Mathews

Biên dịch: Mai Chi – Biên tập: Phương Thảo

Hai nhà lãnh đạo lớn trong cộng đồng người da đen cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20 Booker T. Washington và W.E.B. Du Bois khá đau đầu để tìm ra lời giải cho câu hỏi này. Nhưng đã có một tiểu bang ở Mỹ thành công với cả hai mô hình.

Một sinh viên trong khuôn viên Đại học Maryland tại College Park tháng 9/2020. (Toni L. Sandys / The Washington Post)

Du Bois và Washington bất đồng về việc liệu trẻ em da đen nên được chuẩn bị để học nghề hay học đại học. Một cuốn sách mới đã làm sáng tỏ cuộc tranh luận đó –  hướng đến tất cả trẻ em có hoàn cảnh khó khăn chứ không phải chỉ riêng trẻ em da đen – và tiết lộ thành công đáng chú ý ở các trường kĩ thuật-dạy nghề (trường cấp III giúp trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh ở Mỹ và Canada – ND) ở Massachusetts trong việc  tăng cường dạy các kĩ năng làm việc và học tập qua sách vở.

Các tác giả viết về giáo dục hiếm khi để ý các trường kĩ thuật-dạy nghề. Khi còn là học sinh trung học, hầu hết chúng ta đều mong muốn vào đại học. Tôi đã tham gia một lớp học vẽ cơ khí bởi vì Trưởng Hội Hướng đạo sinh của tôi nói rằng việc đó sẽ tốt cho tôi. Nhưng tất cả các khoá học khác của tôi đều là các môn tiếng Anh, Toán, Khoa học và Lịch sử được lựa chọn theo tiêu chuẩn của học sinh các cấp lớp.

Cuốn sách mới về vấn đề này là “Hands-On Achievement: Massachusetts’s National Model Vocational-Technical Schools” (Thành quả thiết thực: Các trường kĩ thuật-dạy nghề theo mô hình quốc gia của Massachusetts) do Chris Shinacola và David J. Ferreira biên tập và được phát hành bởi Pioneer Institute – viện nghiên cứu và tư vấn tự do. Cuốn sách đã đem lại nhiều bất ngờ.

Theo quyển sách, các trường trung học phổ thông công lập tự quảng cáo mình  như những hình mẫu trong việc dạy nghề và dạy văn hóa thường là những trường yếu kém cả hai mặt này . Nhưng bang Massachusetts đã có những bước tiến lớn kể từ khi Đạo luật Cải cách giáo dục năm 1993 yêu cầu các sinh viên học nghề phải được dạy và đánh giá  theo cùng tiêu chuẩn học thuật  của các trường công lập thông thường.

Khi mới bắt đầu, nhiều nhà giáo dục nghĩ rằng đó là một ý kiến tồi. Họ cho  rằng các bài kiểm tra của tiểu bang là áp lực quá lớn đối với học sinh các trường kĩ thuật-dạy nghề. 

Tuy nhiên, các giáo viên trên khắp tiểu bang Massachusetts đã thực hiện việc này thành công. Đến năm 2008, 96% học sinh tại các trường kĩ thuật-nghề đã vượt qua cả hai phần Tiếng Anh và Toán trong các bài kiểm tra của tiểu bang, cao hơn mức 94% – là tỷ lệ đậu hai môn này của toàn tiểu bang. Ngoài ra, tỷ lệ bỏ học ở các trường kĩ thuật-nghề đã giảm.

Các môn học nghề ở Massachusetts đã được nâng cấp thành các môn  xây dựng điện tử, hỗ trợ y tế, công nghệ sinh học và những kỹ năng khác phù hợp với những ngành nghề có yêu cầu tuyển dụng cao . 

Nhiều tiểu bang hiện đã bắt chước làm điều này. Một điểm khác biệt là cách các trường trung học kĩ thuật-nghề của Massachusetts lên lịch học cho các lớp của họ: tất cả các lớp học kĩ thuật-nghề trong một tuần, tuần kế tiếp là tất cả các lớp học văn hóa, và sau đó lại lặp lại.

Cuốn sách cho biết các học sinh kĩ thuật-nghề của tiểu bang thường “dành nửa đầu năm nhất của họ khám phá tới 10 ngành nghề kĩ thuật mà trường cung cấp, qua đó  lựa chọn những chuyên ngành mà họ thích và tìm kiếm các lớp học nhỏ phù hợp.

“Trong 3 năm rưỡi tiếp theo, sinh viên sẽ tiếp tục theo một lộ trình luân phiên. Họ sẽ dành trọn một tuần ở các xưởng để tập trung học nghề, và tuần tiếp theo cho các lớp học văn hóa. Đặc biệt, sinh viên sẽ được học và làm cùng với một nhóm các giáo viên không đổi trong hơn 3 năm rưỡi”, trích dẫn từ quyển sách.

Cuốn sách giải thích rằng Booker T.Washington (1856-1915) nổi tiếng với mô hình dạy nghề mà ông đã học tại  Học viện Nông nghiệp và Sư phạm Hampton ở bang Virginia. Ông đã áp dụng mô hình này cho Học viện Công nghiệp và Sư phạm Tuskegee, nơi ông thành lập cho học sinh da đen tại Tuskegee, Ala. “Không một chủng tộc nào có thể phát triển thịnh vượng cho đến khi họ biết rằng cày ruộng cũng cao quý như viết một bài thơ”, Washington cho biết, “chúng ta phải bắt đầu từ đáy cuộc đời chứ không phải từ đỉnh cao”.

Trong khi đó, W.E.B Du Bois (1868-1963) tập trung vào các học viên tại trường đại học của ông, Đại học Fisk ở Nashville. Sau này, ông trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên nhận bằng tiến sĩ tại trường Harvard với chuyên ngành Xã hội học. Ông muốn bồi dưỡng những sinh viên da đen có thành tích học tập cao nhất thành những siêu sao trí tuệ, cái mà ông gọi là “nhà lãnh đạo tài năng” (“The talented tenth” là cụm từ được Du Bois dùng để chỉ những người da đen xuất sắc có thể trở thành lãnh đạo cộng đồng da đen thông qua việc học cao, viết sách, và tham gia kiến tạo những thay đổi xã hội – ND) . Ông cho biết “Chủng tộc da đen, giống như tất cả chủng tộc khác, sẽ được cứu vớt bởi những cá nhân xuất chúng của chủng tộc đó”

Tôi nghĩ rằng cả hai vị danh nhân trên sẽ chấp thuận các phương pháp của Massachusetts đang sử dụng để đào sâu trong cả việc dạy nghề và dạy các kĩ năng đọc, viết và làm toán – vốn cũng cần thiết để thành công trong các ngành nghề. Nhiều học sinh sau đó đã tiếp tục học đại học trong hai hoặc bốn năm, để được trang bị tốt hơn cho bất cứ con đường nào họ đã chọn.

Một cuộc khảo sát toàn quốc đã được thực hiện với các nhà giáo dục dạy kĩ thuât-nghề cho học sinh và giúp các em đạt thành tích cao. Kết quả cho thấy các phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất của họ bao gồm tiến hành các thực nghiệm hoặc dự án nhằm giúp nội dung học rõ ràng hơn, yêu cầu học sinh viết trong các lớp kĩ thuật-nghề để làm rõ và truyền đạt ý tưởng của các em, tăng cường số sinh viên sử dụng toán học để giải các vấn đề thực tế, và giao nhiều bài đọc hơn.  

Cuốn sách cũng chia sẻ  rằng “đa số các trường dạy nghề ở Massachusetts yêu cầu học sinh thực hiện một dự án lớn và/ hoặc một tập hợp các đồ án để tốt nghiệp. Sau khi chọn một chủ đề, sinh viên tiến hành nghiên cứu, lưu trữ hồ sơ và gặp gỡ cố vấn dự án cấp cao và có thể là cố vấn dự án từ cộng đồng trong suốt cả năm.”

Đây là phương pháp tương tự như cách học qua dự án (project-based learning) được sử dụng trong các bài luận mở rộng của học sinh trung học hệ Tú tài quốc tế (International Baccalaureate) có định hướng vào đại học, và trong các khóa seminar và dự án lớn của hệ Nâng cao (Advanced Placement).

Trong quá khứ, các trường trung học phổ thông thường khá ngần ngại trong việc nhượng quyền quản lí chương trình giảng dạy của họ cho các doanh nghiệp và hiệp hội. Câu hỏi thường đặt ra là ai sẽ là người chịu trách nhiệm tổng thể. Tuy nhiên, điều đó dường như không phải là vấn đề ở Massachusetts, nơi các nhà tuyển dụng làm việc chặt chẽ với các trường kĩ thuật-nghề. Ví dụ, Trường Trung học Kỹ thuật  Nashoba Valley ở Westford Mass đã hợp tác với Ngân hàng Lowell Five Cent Saving để thành lập một chi nhánh, nơi mà các nhân viên toàn thời gian cùng làm việc với các học sinh kĩ thuật-nghề.

Nhiều trường kĩ thuật-nghề ở Massachusetts đã kéo dài năm học của họ. Trường Trung học Kỹ thuật K hu vực Blackstone Valley ở phía Nam trung tâm Massachusetts có 195 ngày học mỗi năm, nhiều hơn so với tiêu chuẩn của Mỹ là 180 ngày, cũng là năm học dài nhất đối với một trường công tại Massachusetts.

Washington và Du Bois có lẽ sẽ hoan nghênh nỗ lực nâng cao cả hai cách tiếp cận giáo dục mà họ tâm đắc. Nhưng họ cũng có thể sẽ thắc mắc vì sao một năm học lại dài như vậy.

Leave a comment