Thuyết học tập hành vi là gì?

Biên dịch: Nguyễn Kiều Phương Trinh – Biên tập: Elena Trần

Nguồn: Western Governors University – Ngày đăng: 29/5/2020

Mỗi giáo viên đều biết rằng họ thường gặp khó khăn khi hướng dẫn và quản lý ít nhất một học sinh trong lớp học của mình. Hành vi của học sinh thường khó để kiểm soát và thường tốn nhiều công sức để giúp học sinh tập trung và tránh làm xao nhãng những bạn khác.

Chủ nghĩa hành vi hay thuyết học tập hành vi (thuyết hành vi) là một khái niệm phổ biến mà tập trung vào cách học sinh học. Chủ nghĩa hành vi tập trung vào ý tưởng cho rằng các hành vi sẽ được học thông qua sự tương tác với môi trường xung quanh, và các yếu tố bẩm sinh hay di truyền có ảnh hưởng rất ít đến hành vi.

Một ví dụ phổ biến của chủ nghĩa hành vi là củng cố tích cực. Một học sinh sẽ nhận phần thưởng nhỏ nếu bạn làm đúng 100% bài kiểm tra đánh vần. Trong tương lai, học sinh này sẽ tiếp tục học tập chăm chỉ và nỗ lực cho bài kiểm tra của mình để nhận phần thưởng. 

Nguồn: WGU

Chủ nghĩa hành vi là chìa khóa cho các nhà giáo dục bởi vì nó ảnh hưởng đến cách học sinh phản ứng và hành xử trong lớp, và cũng gợi ý cho giáo viên là họ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cách hành xử của học sinh. Ngoài ra, nó cũng giúp giáo viên hiểu được môi trường mà học sinh lớn lên hay phong cách sống của các em có thể đang ảnh hưởng đến hành vi ra sao, từ đó giúp họ nhìn nhận một cách khách quan và hỗ trợ học sinh cải thiện. 

Lịch sử của thuyết học tập hành vi 

Thuyết học tập hành vi bắt đầu như một phản ứng chống lại tâm lý học nội tâm vào thế kỷ 19, vốn phụ thuộc rất nhiều vào những người trực tiếp trải nghiệm. J.B. Watson và B.F. Skinner phản đối phương pháp xem xét nội tâm này vì tính chủ quan và không định lượng được . Những nhà tâm lý học này muốn tập trung vào các sự kiện và hành vi có thể quan sát và được kiểm chứng. Họ cho rằng khoa học chỉ nên xem xét những sự kiện mà có thể quan sát được mà thôi. Họ đã giúp đưa tâm lý học trở nên phù hợp hơn bằng cách cho thấy rằng nó có thể được đo lường và hiểu chính xác, chứ không chỉ dựa trên quan điểm. 

Watson và Skinner tin rằng nếu họ được gửi gắm thực hiện thí nghiệm với trẻ sơ sinh, cách mà trẻ được nuôi dưỡng và môi trường xung quanh trẻ sẽ là yếu tố quyết định cuối cùng với việc trẻ phản ứng ra sao, không phải chỉ từ cha mẹ hay từ gen di truyền. Những chú chó của Pavlov là một thí nghiệm chủ nghĩa hành vi phổ biến. Một nhóm chú chó sẽ nghe tiếng lắc chuông và chúng sẽ được cho thức ăn. Sau một khoảng thời gian, khi chuông reo thì các chú chó sẽ tự động tiết nước bọt, mong chờ thức ăn đến trước khi được đưa đến. Đây chính xác là những gì chủ nghĩa hành vi nêu ra – rằng những việc chúng ta trải nghiệm và môi trường sẽ là tác nhân cho hành vi chúng ta. 

Trình tự kích thích – phản ứng là yếu tố quan trọng cho việc hiểu chủ nghĩa hành vi. Khi có một nhân tố kích thích, chẳng hạn như khi chuông reo, phản ứng là những gì xảy ra tiếp theo, chú chó tiết nước bọt hay một miếng thức ăn được cho. Thuyết học tập hành vi cho rằng thậm chí những hành động phức tạp có thể được chia nhỏ thành các phản ứng kích thích.

Thuyết học tập hành vi 

Trong lớp học, thuyết học tập hành vi là chìa khóa để hiểu cách thúc đẩy động lực và giúp đỡ học sinh. Thông tin được chuyển từ giáo viên qua người học thông qua phản ứng với kích thích phù hợp. Học sinh là người tham gia thụ động trong học tập hành vi – giáo viên đưa cho họ thông tin như một yếu tố của phản ứng kích thích. Giáo viên sử dụng chủ nghĩa hành vi để giúp học sinh thấy mình nên phản ứng và đáp lại như thế nào với các nhân tố kích thích nhất định. Việc này cần được thực hiện lặp đi lặp lại, để nhắc học sinh đều đặn về hành vi mà giáo viên đang muốn hướng đến. 

Củng cố tích cực là chìa khóa cho thuyết học tập hành vi. Nếu không có phương pháp này, học sinh sẽ nhanh chóng dừng các phản hồi mà giáo viên mong muốn. Ví dụ, học sinh cần phải có 1 miếng dán để khen thưởng mỗi khi họ nhận kiểm tra điểm A, khi giáo viên ngừng sử dụng phương pháp củng cố tích cực này, sẽ có ít học sinh sẽ nhận điểm A hơn, bởi vì hành vi không được kết nối với phần thưởng cho học sinh. 

Sự lặp lại và củng cố tích cực đi đôi với thuyết học tập hành vi. Giáo viên thường cố gắng cân bằng giữa việc lặp lại và củng cố tích cực để học sinh thấy rằng vì sao họ cần duy trì hành vi đó. 

Động lực đóng vai trò quan trọng trong học tập hành vi. Phương pháp củng cố tích cực và tiêu cực có thể là động lực tốt cho học sinh. Ví dụ, một học sinh nhận lời khen vì làm bài điểm tốt thì sẽ ghi nhớ các đáp án hiệu quả hơn so với học sinh cũng có điểm cao nhưng không được khen. Củng cố tiêu cực vẫn là động lực để khiến học sinh hành động theo cách mong muốn, nhưng loại bỏ một yếu tố để khiến học sinh làm điều gì đó. Ví dụ, một học sinh có thể không phải làm bài tập về nhà nếu họ đạt điểm cao trong bài kiểm tra. Cả hai động lực này đều có giá trị để cải thiện hành vi trong lớp học.

Thuyết học tập  hành vi và Thuyết học tập xã hội 

Thuyết học tập xã hội và thuyết học tập hành vi xuất phát từ nhiều ý tưởng chung, đặc biệt là về những ảnh hưởng bên ngoài đến hành vi. Tuy nhiên, thuyết học tập xã hội đi một bước xa hơn và cho rằng các quá trình tâm lý nội tại cũng là tác nhân tạo nên hành vi. Các học sinh và cá nhân có thể nhìn thấy những sự kiện xảy ra, nhưng thuyết học tập xã hội cho rằng những suy nghĩ bên trong ảnh hưởng đến các phản ứng hành vi ra bên ngoài. 

Chủ nghĩa hành vi không nghiên cứu hay mô tả các quá trình suy nghĩ như một yếu tố của các hành động. Thuyết học tập xã hội cho rằng hành vi phức tạp hơn nhiều so với các kích thích đơn giản và đáp ứng của thuyết học tập hành vi. Thuyết xã hội cho rằng học sinh học thông qua quan sát, và sau đó họ quyết định bắt chước các hành vi đó. Có nhiều cảm xúc tiềm ẩn như áp lực đồng trang lứa hay mong muốn để phù hợp với hành vi tác động đó. 

Các chiến lược giảng dạy theo chủ nghĩa hành vi.

  • Luyện tập: Giáo viên có thể tập các kỹ năng mà sử dụng các mẫu hành vi để giúp học sinh liên tục lặp lại và củng cố hành vi như thuyết học tập hành vi đã chỉ ra. 
  • Hỏi và trả lời: Giáo viên có thể sử dụng câu hỏi để gợi ý và trả lời một phản hồi, dần trở nên khó hơn với nhiều câu hỏi khác để giúp học sinh hơn. 
  • Luyện tập có chỉ dẫn: Giáo viên có thể tham gia trực tiếp vào việc giúp học sinh vượt qua các vấn đề để  củng cố thêm  hành vi của các em, cũng như thể hiện rõ hơnhành vi mà giáo viên muốn học sinh noi theo. 
  • Đánh giá thường xuyên: Đánh giá rất quan trọng với thuyết học tập hành vi. Xem lại các tài liệu và đưa ra các củng cố tích cực giúp học sinh lưu trữ thông tin tốt hơn. 
  • Củng cố tích cực. Lớp học theo định hướng chủ nghĩa hành vi sử dụng phương pháp củng cố tích cực thường xuyên. Phương pháp này có thể được sử dụng dưới dạng củng cố qua lời nói hay khen ngợi, hệ thống khen thưởng, các đặc quyền được thêm vào và hơn thế nữa. 

Những nhận xét về chủ nghĩa hành vi.

Khi chủ nghĩa hành vi là lựa chọn tốt cho nhiều giáo viên, vẫn còn nhiều lời chỉ trích cho thuyết này. Chủ nghĩa hành vi hiệu quả với một số kết quả học tập, như ngôn ngữ nước ngoài hay toán, nhưng lại không hiệu quả với việc học phân tích và toàn diện.

Những nhà phê bình thuyết này nói rằng thuyết không bao gồm đầy đủ cách học và hành vi, và không được phát triển hoàn toàn. Những thuyết khác giúp chủ nghĩa hành vi đi xa hơn, ngụ ý rằng còn nhiều yếu tố khác để cân nhắc khi đánh giá hành vi. 

Nếu như bạn mong một ngày làm giáo viên, rất quan trọng để có một tấm bằng và chứng chỉ phù hợp để giúp bạn chuẩn bị cho thành công sau này. Cũng quan trọng để hiểu các thuyết học tập để chuẩn bị đứng lớp. Khi bạn hiểu hơn về tâm lý và cách học sinh học, bạn sẽ tiến đến những thành công xa hơn với cương vị là một nhà giáo.

Leave a comment